Trong vườn hoa ký ức

Nắng cuối thu quyện mầu trắng tinh khôi nguyệt quế. Tình thầy trò gọi tôi về vườn thầy. Không gian vẫn bình yên như bao ngày đám học trò thường về quây quần bên thầy để được nghe chuyện văn chương, cuộc sống. Mấy chú chim lích chích trên tán khế như thể đang duyên dáng chơi một đoạn nhạc cổ vũ cho vườn cảnh, với rất nhiều chậu nguyệt quế được uốn tạo đủ dáng trực, huyền, tam đa, kình thiên… Nghe tiếng học trò cũ thầy thốt lên: “Các em đấy à? Vào đây uống nước cùng thầy”. Đám học trò chúng tôi xôn xao xếp chỗ rồi ngồi chung quanh thầy.

Những chiếc ghế giản dị được kê ở góc vườn, dưới tán khế cổ thụ, phía trên là bầy chim, bên cạnh là mấy chậu phong lan, chậu nguyệt quế đang dâng hoa. Ngôi vườn đẹp quá. Ngay cả cậu thành đạt nhất lớp, sở hữu biệt thự và chịu chơi nhiều thứ cây cảnh, hoa đắt tiền cũng phải xuýt xoa, vườn thầy đẹp giản dị và đáng sống. Thầy bảo ngôi vườn giản dị và có nhiều thứ cây mộc mạc, trông vào trong là nếp nhà cổ năm gian, trông ra phía trước là cái ao mùa nào cũng trong vắt. Cả nhóm điểm danh vui vẻ. Không phải kiểu điểm danh sĩ số trên lớp, mà như một cách nhắc tên từng người để thấy nụ cười của mỗi học sinh năm nào giờ đã trưởng thành, khiến vườn thầy trở nên sôi động.

Vườn nhiều nhất là cây nguyệt quế thân gỗ, hoa mỏng manh và nhỏ như chiếc cúc áo. Thầy bảo, ngoài vẻ đẹp nhu mì, hoa trắng như áo trắng học trò thì cây còn mang lại niềm tin và mong muốn các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, bình an, con cháu đỗ đạt, mọi việc thuận lợi. Có lần nhóm học trò hỏi, nguyệt quế trong vườn thầy liên quan gì đến những bông hoa đan cài trong vòng nguyệt quế của những người chiến thắng ở các giải đấu, đặc biệt là người chiến thắng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia? Thầy bảo, chiếc vòng trên đầu người chiến thắng làm từ cây nguyệt quế có nguồn gốc của Hy Lạp. Ở nước ta vì không có loài cây ấy nên phải sử dụng những loài khác. Thầy cũng bảo, mình trồng nhiều cây nguyệt quế chính để mong học trò nhiều người chiến thắng. Ngày xưa, thầy có công dạy dỗ, ôn luyện nhiều học trò và có hai học sinh đạt giải nhất quý trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Mỗi em đều được thầy tặng một chậu nguyệt quế tuyệt đẹp để tự chăm sóc, thưởng hoa mỗi mùa. Giờ hai “ngôi sao” ấy cũng đã thành đạt lắm, được thầy hằng nhắc trong tự hào.

Về với thầy, không chỉ là được “về vườn” mà chúng tôi được trở lại những ký ức cùng bao bài học thuở nào. Lúc ngẫu hứng, thầy còn đọc thơ. Trong thơ hằn in cả một kho ký ức về những ngày lên lớp nơi trường làng. Trong thơ thầy, cây nguyệt quế mầu trắng đến tinh tuyền trở thành biểu trưng của ký ức, một thứ kết nối giá trị bền bỉ của tình người, tình thầy trò. Như nếp nhà cổ, không gian cổ kính, cái ao ăm ắp nước kia cũng là hiện thân của ký ức mà thầy không bao giờ muốn mất đi. Nhà cổ, dù con cái có người từng động viên thầy phá đi, xây nhà hiện đại cho tiện nghi. Cũng có “đại gia” về trả giá cao để được mua lại bộ khung gỗ của nhà cổ. Nhưng họ chỉ nhận được cái lắc đầu. Tôi ngầm hiểu, thầy muốn giữ lại tất cả để chứng minh cho một điều, dù cuộc sống đổi thay thì lòng thầy vẫn như xưa, muốn buộc chặt thứ tình thâm đạo nghĩa mà thầy đã truyền dạy cho bao thế hệ học trò.

Không gian thanh tĩnh ấy, khu vườn tràn ngập mầu xanh bình yên ấy còn là nơi chốn để những người bạn cao niên, các bậc nhà giáo nghỉ hưu tề tựu thưởng trà sen, ngắm hoa, đàm đạo văn chương. Con người luôn mong cầu rất nhiều điều cho cuộc sống, nhưng giữa dòng chảy ngược xuôi vội vã, đôi khi, mỗi người lại rất cần một vùng ký ức an lành, trong trẻo. Để neo lòng mình ấm áp.