“Thương hiệu” Tháng Ba

Cữ cuối tháng hai ở nhiều vùng quê hoa gạo bắt đầu thắp lửa. Sang tháng ba hoa rộ hơn, đỏ hơn, như một nét chấm phá của tự nhiên rồi thành "nhân vật" trong các tác phẩm nghệ thuật. Biết bao người đã nao lòng về những bông hoa như những hòn lửa, soi vào nền trời, sắc quê sự thắm đượm thân thương.

Giờ nhiều vùng quê đã bị đô thị hóa. Có một bóng dáng cổ thụ thâm nghiêm trong dòng thời gian ồn ã là niềm tự hào và thậm chí là một khối tài sản tinh thần vô giá. Như quê tôi, có bóng dáng cây hoa gạo, còn được gọi là cây mộc miên cổ thụ, gốc cội sù sì, là một niềm tự hào quá đỗi. Hoa vẽ mầu đỏ lên trời, làm cảnh quê thêm phong phú, làm nổi bật cả những di tích tuổi trăm năm.

Tôi nhớ, khoảng mười năm nay, thanh niên ở thành phố, thị xã tìm về làng tôi và hỏi thăm đường ra cây gạo chân đê chụp ảnh rất nhiều. Họ mượn nông cụ của những người làng tôi, thậm chí cả những chú trâu, chú bò để làm đạo cụ, "diễn" sao cho thật sâu, thật khéo. Họ thu được những bức ảnh ngộ và duyên và cười vui như nắng ấm tháng ba, mà nét thanh tân hiển hiện trong từng khóe môi, ánh mắt. Nhiều cô gái mặc áo nâu sồng, đệm mấy mảnh vá cho có vẻ… giống người nông dân. Một số khác chuẩn bị áo dài trắng tinh khôi, mang xe đạp mini đến chụp với một đội hình bấm máy chuyên nghiệp. Có nghĩa là để có những bức ảnh đẹp, họ đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Ở phố phường cũng có thể tìm ra những cây gạo đang nở đỏ hoa, nhưng đều bị bao quây bởi nhà cửa, rất khó tìm được một chỗ đứng ngắm thảnh thơi nhàn tản. Dưới gốc gạo hơn hai trăm tuổi làng tôi còn có một ngôi miếu nhỏ, lại có thảm cỏ bờ đê tháng ba xanh mượt. Phía xa kia nữa là lúa chiêm đang xanh, rì rào trong gió nhẹ. Một sự phối mầu tài tình của thiên nhiên quê tôi. Một cảnh đẹp đã được lan truyền và có sức gọi mời.

Những người con gái quê tôi cũng đâu bỏ qua cơ hội. Nhiều cô gái ăn mặc "sang chảnh", sắm sanh nhiều loại áo dài để đón mùa hoa. Tháng ba hoa gạo, tháng sáu hoa phượng và hoa sen. Các nam, nữ sinh phổ thông trung học bây giờ có thể tự làm "phó nháy" cho nhau và cùng làm duyên với bức tranh quê.

Nơi gốc gạo cổ thụ này, biết bao câu chuyện về mảnh đất kiên cường, những người con anh dũng của làng đi làm cách mạng, cầm súng đánh giặc đã được truyền tụng lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ, biết bao thế hệ những người con ưu tú của quê hương tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có người anh dũng ngã xuống nơi chiến trường ác liệt, người trở về, đến đầu đê sẽ lấy cây gạo làm dấu nơi rẽ vào làng. Nơi mé tây cây gạo vẫn còn dấu tích của những mảnh đạn, mảnh bom găm lại. Các cụ trong làng bảo, vì ảnh hưởng nên một số cành ở mé tây cây gạo đã không thể phát triển bình thường. Thời tôi học phổ thông, đám bạn cùng lớp thường đứng ngước nhìn những bông lửa trên cao, cầu ước thi đỗ vào trường đại học mà mình ấp ủ. Mỗi người đều tin, hai chiến sĩ hy sinh năm ấy, dưới gốc gạo, sẽ phù hộ. Mười năm nay làng tôi được mệnh danh là làng hiếu học. Các bạn trẻ tin ở sự nỗ lực cố gắng, cộng với công lao dạy bảo của những bậc cha mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó. Nhiều người đã được thỏa nguyện, trở về tri ân làng, biết ơn cổ thụ đã tỏa bóng trăm năm xuống làng. Những chú chào mào như sứ giả của bầu trời, nhảy nhót, chí choách trên cành, chốc chốc lại làm một bông gạo rụng, làm đỏ gốc, làm đỏ mặt đê xanh.

Phía tháng ba xanh rờn nhắc tôi luôn nhớ, mỗi vùng quê đều có những vẻ đẹp để tự hào. Từ con đê, từ gốc cội thâm trầm của cổ thụ nhìn về làng, thấy ngói mới đỏ tươi, những hàng cau xanh mướt vươn cao, như đang tô vẽ cho nông thôn đổi mới một bức tranh toàn bích. Bức tranh ấy đang mỗi ngày tiếp thêm năng lượng cho tình yêu xứ sở, sự tự tin và niềm say mê sáng tạo. Phải không Tháng Ba?