Thềm nhà vương nắng

Nắng như một dòng sông bạc đổ tràn xuống sân, hắt lên thềm nhà những vệt loang buồn chênh chếch. Những buổi chiều lưng lửng không phải đi đâu, chỉ loanh quanh từ trong nhà ra sân, thỉnh thoảng tôi lại xuống thềm. Và nhớ bà ngoại.

Mỗi khi xuống chơi, bà hay ngồi nơi bậc thềm. Rồi lần giở đống đồ đặc biệt. Bà sẽ cầm chiếc lược gỗ đen bóng, khoan thai chải mớ tóc lưa thưa đã bạc gần hết, rồi vặn vấn, đặt tấm vải nhung đen từ trên đỉnh mớ tóc, nắn dần xuống dưới. Cuối cùng cuộn lại thành một vòng trên đỉnh đầu gọn ghẽ. Xong đâu đấy, bà rũ chiếc khăn vuông và gập chéo, rồi bằng vài động tác thuần thục đã đội nó lên ngay ngắn và duyên dáng lạ kỳ. Không biết bao lần tôi đã ngồi lặng im ngắm toàn bộ quy trình chải tóc, đội khăn thú vị đó và tự hỏi: Sau này khi già, mình có làm giống bà không nhỉ?
 
 Bà ngoại ngày xưa nổi tiếng xinh đẹp, hay lam hay làm; ông ngoại cũng cao ráo phong độ, lại làm hiệu trưởng trường làng. Ngày xưa ông bà đẹp đôi lắm. Nhưng từ khi lớn lên, tôi chỉ thấy lưng bà đã còng và tai bà đã nặng. Mỗi khi nói chuyện, ông phải nhắc đi nhắc lại mấy lần bà mới “nghe thủng”.
 
 Mẹ tôi lấy chồng xa lại sinh nhiều, mỗi năm bà xuống nhà tôi mấy bận và ở lại ít ngày để đỡ đần công việc. Vào cuối năm bà hay tranh thủ vặn cho ít chổi. Chổi gậy dài để quét sân, chổi con để quét nhà. Chổi con còn chia ra loại ngắn với loại dài. Loại dài vặn đều và chờm ra một hàng tua nhìn như chân váy. Bà bảo, rơm nếp khô, óng, vặn chắc chắn như thế này nhà chị tha hồ mà quét cả năm. Mỗi góc cửa, góc bếp, góc sân, góc cổng… sẽ được bà đóng một cái đinh để treo lên, gọn gàng và tiện lợi. Để làm chổi phải tuốt rơm, bỏ đi lớp vỏ áo bên ngoài. Công việc đó nghiễm nhiên giao cho tôi. Sau giờ học, tôi ngồi bên thềm cạnh bà; rút từng sợi rơm từ những thân lúa nếp khô đã chặt hết phần đốt, thành phẩm là những bó ruột rơm nuột nà vàng óng. Miệng bà bỏm bẻm nhai trầu, mùi hương trầu quyện với mùi rơm nếp ủ những buổi chiều nồng đượm đến mãi sau này. Có khi tôi nghĩ, bà chính là bà tiên thỉnh thoảng lại xuất hiện ở nhà tôi, đem đến niềm vui êm ả, ngọt ngào đặc biệt - một bà tiên còng, nặng tai mà vô cùng ấm áp.
 
 Tay bà thoăn thoắt vặn, thít rơm, những bó ruột vàng óng nhảy múa trong đôi tay nhỏ nhắn, nhăn nheo như có phép lạ, thoáng chốc đã thành hình, thành dáng.
 
 Thi thoảng bà ngừng tay, lấy thêm miếng vỏ hay lá trầu, chút thuốc. Bà nghiện trầu, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai. Trong túi áo to bên vạt bao giờ cũng là túi trầu thuốc “xơ cua” và chiếc âu đồng đựng lá trầu, vỏ… thì luôn ngự trị ở góc bàn uống nước.
 
 Đôi khi bà đang dở tay, tôi hào hứng xếp miếng trầu mới. Một miếng cau khô, lá trầu đã têm gọn ghẽ như cánh phượng, vài sợi thuốc, miếng vỏ...Thú nhất là dùng cái que nhỏ ngoáy vào bình vôi để quết một chút bột mầu trắng tinh vào lá trầu rồi quay đầu nhọn chọc một lỗ giữa thân lá và gài cuống vào. Bà say sưa vặn chổi, khuôn miệng nhỏ nhắn ánh lên sắc đỏ bầm tươi, đôi mắt hấp háy, lấp lánh. Buổi chiều như ngưng lại, chỉ còn tiếng sợi rơm cọ vào nhau khẽ khọt, mong manh. Hoàng hôn đổ dần bên thềm nhưng vệt nắng cuối cùng cứ sáng bừng lên nơi tay bà - là chiếc chổi rơm nếp dậy lên sắc ấm no và thanh thản.
 
 Bây giờ, mẹ vẫn giữ thói quen quét nhà bằng chổi rơm nhưng những chiếc chổi mua ngoài chợ sao mỏng mảnh. Lại nhớ những chiếc chổi chắc chắn, óng ả, nuột nà. Thềm nhà chiều nay vẫn nắng. Nhưng bà đã đi xa mãi, về tận cuối trời! Tôi khóc, vì biết cổ tích đã rụng ở đáy chiều.