Mặt trận Vĩnh - Trà, trước giờ toàn thắng

Là phóng viên báo Quân giải phóng Tây Nam Bộ, ngay từ đầu tháng 4-1975, tôi được tòa soạn phân công đi với Trung đoàn 1 U Minh ở mặt trận Vĩnh-Trà (gồm hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, gọi tắt là Vĩnh-Trà).

Mặt trận Vĩnh - Trà, trước giờ toàn thắng

Tháng 4-1975, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 (Quân khu Tây Nam Bộ) được giao nhiệm vụ hoạt động ở khu vực này. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của hai trung đoàn là: tập trung lực lượng tiến công địch, cắt lộ 4 đoạn từ Vĩnh Long đi Cần Thơ; đánh chiếm và làm chủ khu vực phà Mỹ Thuận trên sông Tiền và phà Cần Thơ trên sông Hậu, không cho địch cơ động lực lượng lên ứng cứu Sài Gòn và rút lực lượng từ miền Ðông về co cụm ở vùng 4 chiến thuật.

Cùng thời gian này, các đơn vị chủ lực của Quân khu đồng loạt tiến đánh nhiều căn cứ của địch, khống chế sân bay Trà Nóc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sở chỉ huy vùng 4 chiến thuật và hai Sư đoàn 9 và 21 của địch.

Theo kế hoạch, đêm 11 rạng sáng 12-4, Tiểu đoàn 307 được tăng cường hỏa lực của trung đoàn tiến đánh Chi khu Ba Càng. Ðây là căn cứ địch nằm cạnh quốc lộ 4, được xây dựng kiên cố, do một tiểu đoàn bảo an chốt giữ.

Do điều nghiên không kỹ; hơn nữa, do tư tưởng chủ quan cho rằng, quân địch bị đánh khắp nơi, Sài Gòn đang bị bao vây bốn phía, địch trong chi khu đang hoang mang, rệu rã... nên qua mấy đợt đột kích quân ta vẫn không dứt điểm được, phải lùi ra, tổ chức vây hãm, chuẩn bị lực lượng đánh tiếp. Ngày 12-4, địch điều Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9, có xe lội nước, pháo binh và máy bay yểm trợ, từ Vĩnh Long xuống giải vây cho Chi khu Ba Càng. Một trận đánh ác liệt giữa Tiểu đoàn 307 với địch đã diễn ra. Tiểu đoàn 307 hy sinh hơn ba chục đồng chí, trong đó phần lớn anh em quê miền bắc vừa mới được bổ sung cho tiểu đoàn. Do địch bắn quá rát, nên tiểu đoàn không đưa anh em hy sinh ra ngay được. Thâm hiểm hơn, chúng đã gài lựu đạn dưới thi thể anh em. Lúc đầu không biết nên một số anh em đã bị thương vong khi tìm cách đưa thi thể đồng đội về an táng. Mấy ngày sau, lợi dụng đêm tối, tiểu đoàn đã cử anh em đem theo tăng, ni-lông vào đưa được 11 người ra. Số còn lại trung đoàn buộc phải liên hệ với cơ sở, đoàn thể phụ nữ địa phương đấu tranh với địch để đưa thi thể anh em mình về mai táng. Ðây là tổn thất rất lớn của Trung đoàn. Xót xa hơn, bởi các anh ngã xuống khi chỉ còn cách ngày toàn thắng gần hai mươi ngày.

Những ngày sau đó, địch huy động Trung đoàn 231 của Sư đoàn 9 từ Cần Thơ đổ quân xuống ngã tư Giáo Mẹo - Ngãi Tứ; Trung đoàn 2 thiết giáp từ Vĩnh Long theo quốc lộ 4 đánh xuống Bình Minh, Ngãi Tứ, hòng đẩy lực lượng ta khỏi trục lộ huyết mạch này. Nhiều trận đánh khốc liệt giữa ta và địch diễn ra hai bên quốc lộ 4. Các tiểu đoàn 303, 307, 309 của Trung đoàn đã chiến đấu rất kiên cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn cháy chín xe bọc thép M113, đánh thiệt hại nặng một giang đoàn địch trên sông Mang Thít, mở rộng vùng giải phóng suốt từ bến phà Mỹ Thuận đến bến phà Cần Thơ; đồng thời hình thành thế trận bao vây thị xã Vĩnh Long và huyện lỵ Bình Minh.

Vào thời gian này, trên khắp các chiến trường miền nam, các cánh quân của ta sau khi đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc đang thần tốc tiến về Sài Gòn - dinh lũy cuối cùng của địch. Tuy vậy, ở miền Tây Nam Bộ, địch vẫn ngoan cố chống trả. Không ngày nào là không có tiếng bom rơi đạn nổ. Bầu trời lúc nào cũng có tiếng gầm rít của máy bay địch. Và gần như ngày nào Sở chỉ huy trung đoàn cũng nhận báo cáo về số thương vong của các tiểu đoàn và đơn vị trực thuộc. Nhưng vào thời điểm ‘thăng hoa” của cuộc kháng chiến, tin chiến thắng của các mặt trận dồn dập báo về đã có sức cổ vũ động viên vô cùng lớn với tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Về phía địch đã lâm vào tình trạng hoang mang, rệu rã. Lính ở nhiều đồn bốt đã bắt đầu cởi bỏ quân phục chạy trốn, hoặc ra đầu hàng quân giải phóng. Trung đoàn 1 kết hợp chặt chẽ với trung đoàn 3 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công san phẳng những đồn bốt của địch suốt từ phà Cần Thơ lên áp sát thị xã Vĩnh Long; đồng thời đánh chiếm hậu cứ của Trung đoàn 16, Sư đoàn 9 của địch ở đông nam thị xã Vĩnh Long.

Thực hiện lệnh của trên, đêm 28-4, Tiểu đoàn 303 của trung đoàn đã bí mật vượt sông Hậu qua đất Châu Thành B; sáng 30-4 vượt sông Cần Thơ phát triển một vệt từ khu vực Cái Răng lên Ðài phát thanh, sau đó cùng các đơn vị bạn đánh vào trung tâm thành phố và tiến công Dinh tỉnh trưởng Cần Thơ.

Trưa 30-4, Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Ðài phát thanh Sài Gòn; bốn giờ sau, khoảng 14 giờ, Nguyễn Khoa Nam - Tư lệnh vùng 4 chiến thuật và quân đoàn 4 của địch cũng đầu hàng quân giải phóng. Tuy vậy, ở Vĩnh Long - địch còn ngoan cố chống trả, buộc ta phải vừa đánh vừa tích cực gọi hàng.

Khoảng 16 giờ ngày 30-4 khi bộ phận trinh sát kỹ thuật bắt được sóng đài địch, đồng chí Ba Trung đã sử dụng điện đài tuyên bố với viên tỉnh trưởng Vĩnh Long rằng: Nếu đầu hàng quân giải phóng, sẽ được khoan hồng, cách mạng sẽ tha thứ những lỗi lầm quá khứ, tính mạng bản thân và gia đình sẽ được bảo đảm ...

Sau hai mươi phút suy tính, đến 17 giờ ngày 30-4, Tỉnh trưởng Vĩnh Long chấp nhận đầu hàng và xin anh Ba Trung giữ lời hứa bảo toàn tính mạng cho y. Tiếp đó y ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền hạ vũ khí đầu hàng quân giải phóng, trong đó có cả những đơn vị thuộc Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21 của địch.

Chiều hôm đó, Trung đoàn 1 và lực lượng vũ trang địa phương - đoàn quân chiến thắng, trên mình còn đầy bụi đất và khói đạn, hùng dũng tiến vào trung tâm thị xã Vĩnh Long. Chúng tôi đi giữa tiếng reo hò, giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ, đi giữa những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của đồng bào mình trong ngày vui chiến thắng.

Trong giờ phút huy hoàng của lịch sử, trong niềm hạnh phúc lớn lao của dân tộc, trong mỗi chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã không có được niềm hạnh phúc đi đến được đích cuối cùng của cuộc kháng chiến như chúng tôi. Tổ quốc và dân tộc sẽ mãi nhớ đến họ!