Lâm Hà, đất ấm tình người

Có những vùng quê, từ một lần bén duyên gặp gỡ mà cảm xúc vẫn mãi vẹn nguyên, lòng luôn nhắc nhớ. Lâm Hà trong tôi là một địa danh nặng nợ ân tình. Có lẽ vậy nên bước chân luôn thôi thúc trở về với nơi chốn đó…

Những kỷ vật một thời kinh tế mới Hà Nội.
Những kỷ vật một thời kinh tế mới Hà Nội.

Lâm Hà, đó là huyện mới của tỉnh Lâm Đồng hơn ba mươi năm trước, được hình thành bởi một mối lương duyên tuyệt vời giữa cư dân Thủ đô với miền đất nam Tây Nguyên. Chỉ trong vòng mười năm, từ năm 1976 đến 1986, người Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế mới đã lập nên kỳ tích, họ đã biến một vùng đồi núi hoang sơ bạt ngàn cỏ tranh, thú dữ xa xôi trở thành một vùng quê tốt tươi, trù phú. Khi vùng kinh tế mới kết thúc nhiệm vụ, Hà Nội chuyển giao một phần máu thịt của mình cho Lâm Đồng và huyện Lâm Hà đã ra đời vào năm 1987, tên gọi ấy gợi lên nỗi thương nhớ cố hương và nhắc nhở nghĩa tình quê mới. Một thời luyến lưu kẻ ở người về, rồi quê mới cũng dần thành quê cũ. Thế hệ con em người Hà Nội ra đời buổi ban đầu trên miền đất bazan nay cũng đã ở tuổi trong ngoài ba mươi… 

Cơ duyên cho chuyến thăm Lâm Hà đầu tiên của tôi bắt đầu từ Đặng Trọng Hộ, người bạn thân nhất từ thuở sinh viên. Tốt nghiệp đại học, Hộ lang thang qua nhiều nơi chốn, nhưng cuối cùng đã chọn được miền đất Nam Ban, trung tâm vùng kinh tế mới Hà Nội thuở nào, một trong ba thị trấn hiện nay của huyện Lâm Hà để lập thân, lập nghiệp. Mười mấy năm đầu làm nghề thầy giáo, bạn đã sống, đã xây dựng một gia đình hạnh phúc giữa vùng quê ấy. Bạn tôi nói giọng Nghệ, còn các con của bạn, dù sinh ra giữa đất Tây Nguyên nhưng lại phát âm thổ ngữ Hà Nội, lời ăn tiếng nói và phong cách ứng xử không khác mấy với những người láng giềng của gia đình. Những người dân Hà Nội mang cốt cách Thăng Long đến với vùng đất cao nguyên, còn các cháu của tôi lại sinh ra, lớn lên giữa quê hương mới của người Hà Nội. Bao nhiêu năm bạn tôi sống giữa đất Lâm Hà, là bấy nhiêu thời gian tôi hằng lui tới. Cũng từ Hộ mà tôi đã có cơ hội mở rộng mối giao tình với rất nhiều bạn bè xứ ấy, từ lãnh đạo huyện đến cán bộ xã thôn, từ thầy cô giáo đến những nông phu chân lấm tay bùn. Ở Lâm Hà, khắp các thị trấn sầm uất như Nam Ban, Đinh Văn, Tân Hà hay những vùng thôn quê như Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm rồi Đan Phượng, Tân Thanh, Hoài Đức…, hầu như nơi nào tôi cũng có những người thân quen sinh sống. Về với Lâm Hà, tôi như về với một vùng thân thuộc. Những địa danh gợi nhớ Thăng Long nghìn năm cùng với những làn điệu chèo Hà Tây, lớp ca trù Lỗ Khê, men rượu nồng nàn Cát Quế, hương vị phở Hà Nội và bánh cuốn Thanh Trì gia truyền cứ neo vào hồn tôi cảm giác lâng lâng mỗi lần nhớ và tức khắc muốn lên xe theo hướng Lâm Hà… 

Như cuộc trở về của chúng tôi hôm nay với đất trời Nam Ban. Đêm cao nguyên thoảng mùi khét cháy bazan và hương hoa lá núi đồi. Ở phía bìa rừng dưới chân Linh Ẩn Tự, ngọn thác Voi hùng vĩ vẫn thao thiết chảy. Dòng nước từ nguồn núi xa đổ về qua thị trấn dựng lên thành thác và nỉ non câu chuyện xưa về những đàn voi. Sự tích về ngọn thác này của người Cơ Ho nhắc về một mối tình gắn với cuộc chiến tranh giữa hai bộ tộc trong ký ức lịch sử. Đến bây giờ, người Lâm Hà vẫn thường truyền nhau thiên tình sử đó. Còn trong ngôi nhà gỗ giữa vườn cà-phê bên thác, tôi cùng Đặng Trọng Hộ và những người bạn xứ này lại có một đêm mùa thu giao tình thân thiết. Trên chiếu rượu của ngày hội ngộ, chúng tôi cùng nhau chuyện trò, ôn lại những năm tháng cuộc đời cũng không ít lên thác, xuống ghềnh. Dù mỗi người bạn là mỗi góc riêng tư nhưng tôi cảm nhận, họ gắn bó với xứ sở này, yêu quê hương này bằng một tình yêu máu thịt. Có người là hậu duệ của bộ tộc Cơ Ho bản địa, chủ nhân của huyền thoại thác Voi, như anh bạn K’Thế ngồi kia đang mân mê chén rượu và nhẩm hát dân ca tầm pớt, yalyau. Có người mới đến Lâm Hà vào tuổi thanh niên cách đây vài ba chục năm như nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng quê ở Bắc Ninh đang gõ phách giao duyên quan họ và ca sĩ Minh Huệ người Hà Tây thì uốn lưỡi lẩy chèo. Còn chàng trai trẻ Nguyễn Minh Tuấn có thú sưu tầm những kỷ vật gắn với thời mở đất của người Hà Nội nói ít, cười nhiều. Mỗi người cùng san sẻ những ký ức riêng, chung. Đất ấm tình người bởi những duyên nợ, bởi nghĩa nặng tình dài. Ngay như bạn Hộ của tôi, dù đã rời Nam Ban chuyển lên Đà Lạt sinh sống gần hai mươi năm, nhưng cứ rảnh rang vài bữa là lại tìm cớ về với Lâm Hà. Bởi nơi miền đất này, anh đã có những tháng năm tuổi trẻ ắp đầy kỷ niệm. Với thầy giáo xứ Nghệ từng gắn bó với quê mới của người Hà Nội ấy thì đất đai, vườn tược, những con đường, những lối xóm thân quen ở xứ sở này thật sự đã hóa tâm hồn, đã hòa vào mạch cảm xúc của anh trong những chặng hành trình tiếp tục của cuộc đời… 

★★★

Thuở là một phóng viên mới bước vào nghề, lãnh đạo báo giao cho tôi nhiệm vụ phụ trách địa bàn Lâm Hà. Ngày ấy, huyện vừa thành lập từ nền tảng vùng kinh tế mới. Huyện mới nên gian khó trăm bề, cơ sở hạ tầng chưa mấy khang trang, dân còn nghèo mà cán bộ cũng chưa khá giả. Nhưng bù lại cho cái nghèo vật chất là nghĩa tình thấm đẫm đất này. Cán bộ huyện hầu hết là người cũ của vùng kinh tế mới, nên gia đình thì ở Nam Ban mà họ phải ra thị trấn Đinh Văn làm việc, cách nhà hơn hai mươi cây số, đầu tuần đạp xe đi hết tuần mới về nhà. Tôi còn nhớ, hầu hết cán bộ, nhân viên Huyện ủy, UBND và các ban, ngành của huyện đều ăn cơm ở bếp ăn tập thể. Là nhà báo về huyện công tác, tôi cũng được báo một phần cơm khách, mà ông khách trẻ độc thân hồi đó thì “thường ngày ở huyện”. Bữa cơm tối ở nhà ăn vừa như là những cuộc trao đổi công việc, vừa như một buổi sinh hoạt tập thể ấm cúng và thú vị. Trong không gian ấy, từ “lính” đến “quan”, từ chủ đến khách không còn khoảng cách mà đầy tình thân, giao cảm. Cán bộ người Hà Nội trên đất mới hầu hết đều mê văn chương, ca hát và hình như người nào cũng có chút năng khiếu về lĩnh vực này. Hôm nào có chút hơi cay Cát Quế và mấy con gà lôi, chim rừng mà hai anh lái xe Rô và Thà săn được là hôm đó bữa cơm cuối ngày trở thành một cuộc liên hoan văn nghệ. Cũng từ những bữa cơm tập thể ở cơ quan huyện và những lần được các anh mời về làng ăn cỗ mà tôi đã “phát hiện” được khá nhiều cây bút ở xứ Lâm Hà. Bây giờ thì họ đã thành những người chuyên tâm với văn chương, hầu hết trở thành nhà thơ có thẻ, như: Phan Hữu Giản (nguyên Bí thư Huyện ủy), Nguyễn Gia Tình (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy), Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn Hiếu (làm vườn), Vương Hạnh (thợ làm gạch) rồi Đoàn Đức Huyến (thầy giáo dạy môn Hóa học ở Trường THPT Thăng Long)… Không ít lần, tôi đã cùng góp sức với Bí thư Huyện ủy Phan Hữu Giản tổ chức các cuộc thi văn học, các chương trình thơ nhạc, rồi mời cả các văn nghệ sĩ có tiếng trong tỉnh, trong nước về Lâm Hà ngâm thơ, hát nhạc cho bà con huyện mới thưởng thức. Chắp nối ký ức về những tháng ngày gian khó đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, tôi nhớ về Lâm Hà, về bạn bè nơi ấy là một nỗi nhớ miên man với biết bao kỷ niệm nồng ấm tình người… 

Nhắc đến thầy Đoàn Đức Huyến lại hồi ức ngày đầu gặp ông. Thầy Huyến là giáo viên chuyên Hóa của Trường Chu Văn An (Hà Nội) xung phong vào dạy học cho con em Thủ đô xa quê. Đêm ấy, ở khu tập thể tồi tàn của Trường PTTH Thăng Long, bên ấm trà thơm, thầy đọc tôi nghe bài thơ “Tiếng chiêng huyền thoại”. Tôi đã rất bất ngờ và xúc động khi cảm nhận những vần thơ tinh tế của ông thầy giáo dạy khoa học tự nhiên viết về di sản văn hóa Tây Nguyên, đã xin chép bài thơ ấy về đăng lên tuần san Lâm Đồng. Khi khơi đúng mạch cảm xúc, thầy Huyến đã mở lòng “công bố” với tôi nhiều bài thơ mà từ lâu ông lặng lẽ viết, viết cho riêng mình. Hôm nay tôi về Nam Ban, thầy Huyến đã rũ gót trần đi xa từ lâu. Bước chân vô tình đưa tôi đến bên cầu suối Cạn, dòng suối gắn với kỷ niệm của bao chàng trai, cô gái một thời “kinh tế mới”. Ngắm dòng suối miệt mài tuôn chảy, tôi nhớ về người thầy đã trao gửi cả cuộc đời tâm huyết của mình nơi đây, và nhớ những dòng thơ ông dành cho người con gái duy nhất trong cuộc đời mình: “Mỗi lần đi qua suối Cạn. Anh lại dừng chân ngẩn ngơ. Tưởng đâu em đang giặt áo. Có đâu về Bắc bao giờ…”. Lòng tôi cũng như hòa cảm cùng nỗi da diết của người đàn ông độc thân đã về thiên cổ:“Suối ơi hãy bốc thành hơi. Làm mây bay về ngoài đó. Hãy mưa xuống niềm thương nhớ. Núi rừng đã gửi vào mây…”. 

★★★

Đêm mùa thu ngủ lại Lâm Hà. Không chọn giường ấm nệm êm, chúng tôi trải tấm chiếu cũ lên sàn giữa ngôi nhà gỗ thông giản dị trong vườn cà-phê, đốt lên ngọn lửa sưởi ấm lòng nhau và tha thiết lắng nghe hơi thở của đất đai, rừng núi. Cuộc đời như chớp mắt, ba mươi năm trước, lần đầu về với Lâm Hà tôi vẫn là một chàng trai trẻ tràn đầy năng lượng, thế mà nay đã là một gã trung niên thích được ngồi lặng lẽ chiêm nghiệm chuyện vui buồn trong cõi thế nhân. Buổi sáng, trước giờ chia tay thị trấn Nam Ban, tôi và Hộ nhâm nhi ly cà-phê đậm hương vị núi đồi trong góc quán bên đường Điện Biên. Không gian quán đang du dương bản nhạc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thật hợp cảnh hợp tình. Chúng tôi cùng lắng hồn mình theo giai điệu da diết, lắng sâu hòa trong âm thanh hùng vĩ của thác Voi và nghĩ về những tháng ngày gian nan của người Hà Nội thời giã từ cố hương đi dựng xây cuộc sống mới nơi xa. Gần một nửa thế kỷ, vùng quê Lâm Hà đã có những thay đổi vô cùng lớn lao. Nhưng cũng chừng đó thời gian, mỗi thân phận, mỗi cuộc đời ở xứ sở này cũng đã phải trải qua biết bao bổng trầm, thăng giáng…