Hồ Quang Lợi, cây bút chính luận thăng hoa

Cuốn Thời cuộc và Văn hóa của nhà báo Hồ Quang Lợi do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2019 là một tác phẩm hay, in đẹp. Sách tuyển chọn 56 bài ông viết thời gian qua, bình luận về những sự kiện lớn diễn ra trên thế giới và ở nước ta khoảng một phần tư thế kỷ - những năm tháng chuyển giao từ thiên niên kỷ II sang thiên niên kỷ III, cái mốc nghìn năm mới có một lần. Sách chia làm năm phần, dù nhìn qua góc độ thể loại báo chí hoặc trình tự thời gian, ta vẫn thấy thấp thoáng đằng sau các bài viết bóng dáng một cây bút sắc sảo, tay bình luận thời sự quốc tế uy tín quen thuộc của báo Quân đội nhân dân và của b&aacu

Hồ Quang Lợi, cây bút chính luận thăng hoa

Hồ Quang Lợi ra đời tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, dải đất văn hóa nổi tiếng từ xưa tại xứ Nghệ địa linh nhân kiệt. Tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Bucarest (Rumani), Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp, vừa về nước, chàng thanh niên đã gia nhập quân đội, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc với tư cách là phóng viên báo Quân đội nhân dân. Đó là thời gian Hồ Quang Lợi mới bước vào nghề báo, vừa làm nhiệm vụ phóng viên vừa trực tiếp học nghề ngay trong thực tiễn. Chiến sự tạm lắng, Hồ Quang Lợi được giao nhiệm vụ biên tập viên, bình luận viên của báo Quân đội nhân dân, sớm có nhiều bài viết cuốn hút, được dư luận quan tâm.

Sau mấy chục năm công tác tại tờ báo lớn của Quân đội ta, ông được điều sang làm Tổng Biên tập báo Hànộimới, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thủ đô Hà Nội, được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trước khi đảm đương trách nhiệm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay.

Ngoài Phần 3 của cuốn sách Phẩm cách những con người gồm những bài bút ký phác họa chân dung 10 nhân vật ông kính trọng và am hiểu khá sâu, những nhà lãnh đạo cấp cao của nước ta Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc, nhà “khoán hộ” mở đường, cùng các nhà văn hóa, học giả, nhà báo tên tuổi Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Hữu Thọ..., bốn phần còn lại có thể coi hầu hết là chính luận, thế mạnh của Hồ Quang Lợi, được trình bày dưới nhiều dạng thức. Nếu tại Phần 1, hầu hết các bài thiên về luận bình thời cuộc thì nhiều bài trong Phần 2 “Văn hóa giữ nước” đậm chất luận chiến, tác giả vạch trần, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chưa chịu từ bỏ mưu đồ chống phá Việt Nam, góp phần giúp người đọc định hướng suy nghĩ trước thế sự trăm chiều ngàn vẻ. Phần 3 “Lõi vàng văn hiến Việt Nam” gồm những tiểu luận mềm mại về đất Thăng Long xưa, đặc biệt những bài ông viết về sự kiện nghìn năm mới có một lần, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm Canh Dần 2010 khó quên, về cốt cách thanh lịch, hào hoa, kiên cường của người Hà thành - những chủ đề tạo cơ hội cho cây bút Hồ Quang Lợi nâng trí tuệ và tâm hồn bay vút lên trời cao, từ đó thênh thanh suy ngẫm về “Quyến rũ Hà Nội” cảnh cũng như người từ ngàn xưa tới hôm nay.

Phần 5 “Văn hóa và Báo chí” phản ánh vai trò và trách nhiệm của cây bút Hồ Quang Lợi trên cương vị của ông hiện nay đối với báo giới nước nhà.

Cuốn sách dày hơn 500 trang khép lại với bài viết mở đầu năm 2019:

“Một đất nước không thể phát triển, không thể có tương lai nếu không có khát vọng (...) Khát vọng của cả dân tộc (...) Khát vọng cất cánh. Khát vọng đưa Việt Nam lên tầm thế giới. Khát vọng được trí tuệ, bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc nâng cánh sẽ biến thành nguồn năng lượng kiến tạo sung mãn nhất”.

Những nét nổi trội ở Hồ Quang Lợi qua nhiều năm cầm bút, theo cảm nhận của tôi, khởi nguồn từ một nền kiến văn rộng và vững, một năng lực tư duy khoa học, một tâm hồn nhạy cảm, một bút lực dồi dào giàu sức cuốn hút - những điều kiện cần cho chính luận, thể loại báo chí quan trọng hàng đầu, không thể thiếu đối với bất kỳ cơ quan ngôn luận nào nhưng từ xưa tới nay vẫn bị coi là khô khan; đặc biệt trong hoàn cảnh phức tạp và gặp chủ đề nhạy cảm, người viết chính luận để bảo đảm “an toàn” cho mình thường dùng cách diễn đạt sáo mòn, ta gọi là “lối văn bia”, người phương Tây bảo “nói bằng cái lưỡi gỗ”.

Hãy đọc lại vài đoạn một bài ông viết cách đây 20 năm, khi lịch sử chuẩn bị hành trang bước vào thiên niên kỷ III: “Trong ánh bình minh thiên niên kỷ”, từ đó nhận chân phong cách chính luận Hồ Quang Lợi: “Thế giới chúng ta đang ở trên điểm hẹn kỳ diệu của Thời gian - Lịch sử: Năm 2000!

Kỳ vọng hướng tới tương lai mà sao lòng ta lại không nguôi suy ngẫm về những gì đã xảy ra trong quá khứ - trong thế kỷ XX, trong thập kỷ 90 và trong năm 1999... Con người đã nhân văn hơn, trí tuệ đã được khai mở hơn, tạo ra những đột biến trong khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nhưng, hỡi ôi, những thành tựu phi thường đó vẫn không xua tan được nỗi ám ảnh về một thế kỷ đầy rẫy chiến tranh và bạo lực”.

Với lối diễn đạt uyển chuyển quen thuộc nhưng Hồ Quang Lợi không quên dẫn ra một số sự kiện, được minh họa bằng các số liệu, thống kê, tư liệu: “Xét trên nhiều khía cạnh, dân chúng ở 85 quốc gia đang phát triển có mức sống thấp hơn so với cách đây 10 năm. Các nước công nghiệp phát triển với khoảng 1,2 tỷ người, 1/5 dân số thế giới, chiếm tới 85% GDP toàn cầu, trong khi các nước nghèo nhất, cũng bằng 1/5 dân số thế giới chỉ tạo ra 1% GDP của toàn thế giới”.

Ông phân tích phát ngôn của nhiều nhân vật lãnh đạo chóp bu một số nước từ Hoa Kỳ đến Singapore để cuối cùng chốt lại: “Sự xung khắc lớn nhất hội tụ ở nguyện vọng của đông đảo các dân tộc trong cộng đồng quốc tế xây dựng trật tự thế giới đa cực lấy Liên hợp quốc làm trung tâm, với mưu toan của Mỹ áp đặt trật tự thế giới đơn cực do Mỹ điều khiển. Toàn cầu hóa đang phô diễn như một cơn lốc lớn của thời đại với những mặt tích cực dễ nhìn thấy, cũng như những hệ lụy khó lường”.

Người viết tin tưởng: “Toàn cầu hóa chắc chắn đang trở thành một hướng đi chủ yếu cho sự phát triển của hành tinh trong thế kỷ XXI”, nhưng khẳng định tiếp luôn: “Để cho toàn cầu hóa trở thành “một công thức mà tất cả đều thắng”, cần phải có một luật chơi mà tất cả các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều có quyền tham gia vào việc định ra luật chơi này”.

Những năm gần đây, tuy bận công tác quản lý, nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi vẫn không rời cây bút như một người làm nghề chuyên nghiệp, cần mẫn. Tuy các bài bình luận quốc tế có thưa hơn so với trước, nhưng như để đáp lại sự mong chờ của người đọc, các bài viết của Hồ Quang Lợi lại xuất hiện thường xuyên và tiếp tục tạo được dấu ấn đẹp ở các vấn đề tư tưởng, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… và nhất là văn hóa. Chính vì thế, tôi luôn tin tưởng ông không bao giờ rời xa thế mạnh của mình là chính luận - nhất là bình luận quốc tế - vẫn ấp ủ mỗi ngày, vẫn thường xuyên trau dồi lối diễn đạt các bài chính luận sao cho ngày càng hấp dẫn, vừa đầy chất tân văn báo chí, vừa được thăng hoa bởi chất mỹ cảm của ngôn ngữ văn học.