Bằng một khúc ca

Có biết bao bài hát còn lại mãi khi người viết đã xa từ lâu.

Và những người hát bài hát đó rất hay, cũng lần lượt già đi.

Cả bao nhiêu tuổi đời những người nghe, cũng vậy.

Thế mà bài hát mỗi lần rung lên, thì vẽ thành những đóa hoa tươi mãi, đau đáu mãi. Chúng nhói vào lòng người nghe những kỷ niệm còn run rẩy, những ước mong. Cả khi đã toại nguyện nhiều lắm những yêu thương, những vật chất đủ đầy trong đời, thì vẫn mơ hồ ta không nguôi ước ao điều gì đó. Một điều gì vẹn tròn, toàn bích hơn chăng? Giấc mơ của chúng ta vẫn thường lớn hơn những gì đang nắm giữ và có thể chạm đến.

Những bài hát mở ra vùng trời cho chúng ta bay đến không gian mơ hồ ấy. Những bài hát dựng nên một cảnh tượng thực trong ý hướng, trong suy ngẫm và hình dung. Không gian thực trên dải nền suy tưởng ảo. Ðộng, mà vững chắc chứ không dễ tan loãng. Bởi nơi ấy được sưởi ấm bằng trái tim, bằng những rung động chân thành của chúng ta khi nghe và sống cùng những lời ca, giai điệu. Khi nghe "trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan, em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm…" (Ðóa hoa vô thường, Trịnh Công Sơn), tôi cứ nghĩ mãi về một không gian cây lá vừa mưa mát lạnh và tinh sạch. Khu vườn ấy, đứng ở trong nhìn lên, nhìn ra chung quanh, đâu cũng trong vắt, cảm giác như nhận ra được cả đường nét của không gian đang tạo quầng sáng, rồi loang loãng thành sương khói. Nhiều lần đi qua những nơi đâu đó, tôi ngắm những khu vườn và nghĩ về miền cây lá tốt tươi giữa đêm trong trẻo ấy, đang lay động mát rượi tâm trí.

Không thể gặp một khu vườn mà tôi muốn trông thấy, tôi tưởng là như vậy. Nhưng lại được sống cùng mơ tưởng về cái nơi mà mình muốn đứng trong, nơi mình sẽ còn mơ hồ chạm đến trên những đường xa đi qua các vườn tược, ruộng đồng, những hàng cây. Khi nghe "hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn nhà tôi, giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm…" (Giọt nắng bên thềm, Thanh Tùng), tôi thấy trong cảm giác hơi ngạt thở của mình dâng lên cả một niềm buồn vắng, một chốn ai đó lãng đãng một mình, thỉnh thoảng trong đời vẫn chờ đợi một ai, một điều gì. Xa hơn cả một khu vườn, một vạt sân cụ thể, cái mơ hồ mà bài hát vẽ nên, đã như một khoảng trống nào đó trong một ai, và dù bao tháng năm dài, người ta có thể thỉnh thoảng hiểu rằng, lòng mình vẫn còn một bậc thềm rêu nắng, chỉ lá khô, chỉ gió qua, chỉ tiếng đời sống lao xao lên rồi vắng lại. Mỗi khi nghe "Sau bài hát rồi em lặng im. Cái lặng im rực màu hoa đỏ. Sau bài hát rồi em như thể. Em của thời hoa đỏ ngày xưa. Sau bài hát rồi anh cũng thế. Anh của thời trai trẻ ngày xưa" (Thời hoa đỏ, thơ Thanh Tùng, nhạc Nguyễn Ðình Bảng), tôi lại nôn nao. Không phải câu chuyện một tình yêu, một bóng dáng thân thương dạo nào đã ở lại quá khứ bồng bột, mà có gì đó đã trôi đi, đã xa lắm ngoài tầm với, nó khiến mỗi chúng ta đều phải nuối tiếc đến phát khóc khi nghĩ về. Ðó chính là thời gian, là tuổi trẻ! Và ta càng cứ muốn sống lại, sống mãi những khoảng thời gian thanh xuân diệu kỳ đó, ngay cả khi ta còn đang trẻ.

Những người viết ra nhạc, tạo nên những ca từ, nhiều khi tôi ngạc nhiên ngẫm ngợi về khả năng gây bão của họ trong lòng những ai đó. Thật ghê gớm một thứ quyền lực có thể khiến chúng ta phải dằn vặt, ta phải bâng khuâng mãi khi nghe nhạc, nghe bài hát của họ, ngay cả khi cuộc đời ta đâu phải thăng trầm, phải nếm trải muộn phiền hay bi thương đến vậy.

Ðấy là khi, bài ca, giai điệu đã thắp lên trong ta niềm hạnh phúc và cả đau đớn được rung cảm. Ðể hòa nhịp đập cùng những run rẩy của con người yêu thương nhau, đi tìm kiếm nhau và tiếc nhớ nhau giữa những muôn trùng gặp gỡ, chia xa, cách trở; những thắm thiết của con người nghĩ xa sâu vào cuộc đời, cuộc người thăm thẳm, bộn bề; những hào hứng của con người khát khao bay lượn… Bài hát, âm điệu cho ta sống rộng rãi hơn, nhân lên, chia ra nhiều hơn một tấm thân ta đang có. Ðể mở lồng ngực mình ra, đón vào sông núi, trời cao, những dòng sông, những cánh buồm và bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu khu vườn, bao nhiêu những vạt nắng, bao nhiêu cơn gió báo mùa rét đang về, bao ánh mắt còn thoáng qua chút thảng thốt, bao mặt người, bao nhiêu tuổi tác trôi đi ngậm ngùi…

Ta nghe hát, ta nhẩm hát theo, và ta sống hơn trong những bài hát ấy. Có không, khi những khúc ca ẩn vào vô thức, vẫn có mặt cùng ta ở những khoảnh khắc mà âm thanh, giai điệu không ngân vọng? Có đấy, có thể lắm chứ! Bởi đã như nắng gió ngấm xuống da thịt, như màu lá cây, màu giọt mưa lùa vào trong mắt, như những nhận biết và lắng nghe của ta trước đời vô vàn, những bài ca đã gửi nhiều điều ở lại, gieo hoa lá trong ta. Ðể, hình như, đã bao lần, miệt mài ta đi, đường đời như những khuông nhạc dài lâu, thật lâu. Và bước chân ta, nhịp sống ta, những chuyện vui buồn chúng ta, như những nốt nhạc, những chùm hợp âm nảy nở cùng đường đời, đường làm người.

Lúc nào muốn nghe hát thì hãy lắng nghe đi! Khi bỗng muốn cất lên tiếng hát thì đừng băn khoăn gì cả, hãy để tình yêu thương, để lòng trắc ẩn, và cả nỗi buồn cất tiếng, bằng một khúc ca.

Tản văn của QUANG HƯNG