Nhà văn Nguyễn Trí Huân:

Vẫn có những cuốn sách tôi nung nấu mấy chục năm nay

"Ở Hội Nhà văn, được phân công việc gì tôi cũng làm, mình là người lính mà. Có việc làm được, có việc chưa làm được, là người giữ được cái nhịp của Hội thôi chứ không xuất sắc vì chưa bao giờ mình là người khởi xướng và lĩnh xướng cả" - nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam các khóa VI, VII, VIII, IX; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng: "Năm 1975 họ đã sống như thế", "Chim én bay"... đã chia sẻ một cách khiêm nhường như vậy, đúng với tính cách "người hiền" mà giới văn chương trìu mến gọi ông.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Nguyễn Trí Huân (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Xin được bắt đầu bằng câu hỏi thẳng thắn: 25 năm làm công tác Hội Nhà văn Việt Nam với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành (BCH), trong đó, 20 năm là nhân vật "số hai" (Phó Chủ tịch) của hội, lúc này nhìn lại, ông thấy mình được gì và mất gì?

Nhà văn Nguyễn Trí Huân (NTH): 25 năm đó, có khoảng 15 năm tôi vừa làm Tổng Biên tập (TBT) Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), vừa kiêm nhiệm công tác Hội. Rời Văn nghệ Quân đội tôi lại được phân công làm TBT báo Văn Nghệ, sau tiếp tục về làm TBT Tạp chí Nhà văn và tác phẩm. 25 năm liên tục như thế thì có thể gọi là làm TBT chuyên nghiệp cũng được. Tôi đã học được nhiều qua việc đọc, vì phần lớn thời gian là làm báo, nên đọc không biết bao nhiêu truyện ngắn, cả hay, dở, cả in được, chưa in được. Ở Hội thì tôi làm giám khảo vô số cuộc thi, đọc không biết bao cuốn tiểu thuyết... Đó là cái được thứ nhất. Cái được thứ hai là thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với các đồng nghiệp, trong đó có những người trước đây mình ngưỡng mộ nhưng mới chỉ "gặp" trên tác phẩm.

Còn cái không được thấm thía nhất là không còn thời gian dành cho sáng tác.

HV: Bây giờ đã được nghỉ công tác hội rồi, được đề huề lưng túi gió trăng rồi, chắc hẳn ông có nhiều dự định trong thời gian tới?

NTH: Tôi vẫn có những cuốn sách nung nấu mấy chục năm nay, đang viết dở dang và không lúc nào nguôi nghĩ về nó. Vào những ngày này tôi nghĩ về nó nhiều nhất và có thể phải viết. Nhà văn Đỗ Chu nói với tôi: Lần này cố gắng viết lấy một cuốn cho ra trò nữa thôi! Tôi trả lời: Nếu cảm thấy hay thì em mới in. Mình là người hơi cầu toàn, viết không hay thì thôi, thêm một đầu sách cũng chẳng để làm gì. Khi đọc sáng tác của người khác, đặc biệt là những tác phẩm xét giải thưởng, thấy mình cũng có thể viết được như họ, điều này kích thích mình cầm bút viết. Nhưng ngược lại, có những cuốn đọc xong thấy mình không thể viết bằng như vậy, điều ấy cản trở mình, làm mình ngại.

HV: Cuốn sách ông đang nung nấu ấy là...?

NTH: Tiểu thuyết. Là cuốn sách sau từng ấy năm nghĩ ngợi, mình sẽ không viết như cũ nữa, tất nhiên không phải đi tìm cái thật lạ vì cái lạ không phải của anh sẽ không vào anh được đâu! Tôi viết không nhiều, chủ yếu vẫn là người lính viết về chiến tranh thôi. Mấy năm nay ký ức thức dậy, trở về, nhiều lắm. Tôi mệnh mộc, chiến đấu ở Trường Sơn 5 năm, nên yêu rừng vô cùng. Đứng trước biển tôi thấy đơn điệu, nhưng về rừng thì như được về nhà. Ký ức chiến tranh ở Trường Sơn tuy vô cùng khốc liệt, nhưng mỗi khi nghĩ về nó thì hình ảnh đầu tiên là một vách đá, trên một con đường mòn đầy bóng mát, có một chiếc lá dong gắn vào vách đá ấy, đón dòng nước từ trên chảy xuống cho người lính đi qua khum tay hứng, uống vào mát đến gan đến ruột. Ký ức con người thật kỳ lạ, nhớ đến Trường Sơn là nghĩ đến cái đó.

HV: Theo ông, điều gì là quan trọng nhất với người cầm bút?

NTH: Nhân cách. Nhân cách nằm trong tài năng, nếu không muốn nói nó là một phần của tài năng. Tài năng lớn thì nhân cách lớn, tài năng vừa vừa thì nhân cách vừa vừa. Những tài năng lớn đều hết sức nhân bản.

HV: Nhưng bên cạnh thứ trời cho là tài năng bẩm sinh, thì nhà văn rất cần vốn sống, trải nghiệm. Trải nghiệm thế nào thì tác phẩm sẽ như thế...

NTH: Đúng, nhưng cần phải hiểu trải nghiệm không phải là cứ đi thực tế thật nhiều đâu. Những cái anh thấy và cả những cái anh ngẫm nghĩ, đều là trải nghiệm cả. Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tôi và nhà văn Đỗ Chu được Quân chủng Phòng không - Không quân phân công đi thực tế ở Quảng Bình. Tôi là lính mới vào nghề báo, nên nghĩ thực tế phải ở những chỗ mũi nhọn, đến tận nơi ác liệt nhất mới là thực tế. Nhưng ông Chu quan niệm khác, cứ ra khỏi nhà đã là đi thực tế rồi, gặp một người cũng là đi thực tế; ở trong nhà mình, người trong gia đình cũng là thực tế. Thực tế sinh động, đa dạng lắm chứ. Năm đó, ông Chu chọn đi theo đường mòn Trường Sơn, còn tôi đến trận địa cao xạ ở Troóc (huyện Bố Trạch) và có trải nghiệm đến bây giờ vẫn không quên. Trên đường chúng tôi gặp một con suối to, ngay bên bờ suối có một lò vôi, cửa lò nằm ở đáy con suối cạn. Thò cổ nhìn xuống thấy hai tên phi công Mỹ bị giam ở dưới. Họ bị thương, nằm trên đống vôi bột, máu từ vết thương thấm ra ở đầu và chân tay. Hôm sau lũ về, ngập lò vôi, hai viên phi công bị nước cuốn đi mất. Đấy là thực tế, nó đập mạnh vào ta một hiệu ứng khác trong cơ thể, vào con người thứ hai đầy trắc ẩn, bổ sung những cái mình thiếu hoặc gợi cho mình nhiều thứ khác.

Ông Chu đi tiếp lên đường 20, tôi đi xuống trận địa cao xạ. Ngay hôm sau, trận địa bị bom đánh, bản thân tôi bị thương, lê lết. Rồi vào bệnh viện, mổ vết thương, chứng kiến quân ta từ mặt trận phía trong đi ra gày yếu ra sao.... Lúc về sư đoàn bộ gặp lại ông Chu, ông bảo: Không phải vì bài ký vớ vẩn mà mày đánh đổi cả sinh mạng như thế! Đúng là chuyến đi ấy tôi chỉ viết được bài ký, nhưng đó là một trải nghiệm tuyệt vời! Đến bây giờ tôi vẫn giữ quan niệm: trải nghiệm càng khốc liệt, dữ dội, đậm đặc bao nhiêu, thì anh càng có lợi thế khi viết. Tất nhiên thực tế không chỉ có như thế, mà còn là trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm cuộc sống...

HV: Ông thấy cách tổ chức cho nhà văn đi thực tế hiện nay như thế nào? Và có nên duy trì mô hình các trại viết văn hay không?

NTH: Đi thực tế theo cách hiện nay là đưa nhà văn xuống địa phương, nhà máy vài ngày, cưỡi ngựa xem hoa rồi về viết bài ký. Bài ký không phải của nhà văn, nhà văn không cần một bài báo. Nhưng trại viết thì cần. 15 ngày dự trại, cùng lắm viết được một, hai truyện ngắn, nhưng được gặp gỡ, trao đổi, đọc cho nhau nghe, gợi cho nhau một cái gì đó, kích hoạt sức sáng tạo lẫn nhau... Ăn cơm xong, ngồi đàm đạo bàn trà sẽ ra khối thứ. Theo tôi, đi thực tế phải tính lại còn trại viết nên duy trì, càng nhiều càng tốt.

HV: Nhiều người cho rằng, cuộc sống đang thay đổi chóng mặt, còn nhà văn hiện nay dành nhiều thời gian quanh quẩn bên bàn phím quá. Làm sao chúng ta có tác phẩm hay về những người công nhân, nông dân, trí thức mới, nếu không có chính những người trong cộng đồng ấy, bật lên để viết? Sẽ có nhiều đề tài dần biến mất trong văn học...

NTH: Tôi nghĩ đến lúc nào đó sẽ không còn văn học đề tài nữa, chỉ còn văn học viết về con người thôi. Con người nông dân, công nhân, khoa học... cái đó mới quan trọng. Tôi đọc nhiều, thấy băn khoăn nhất là, văn học của ta hiện nay vẫn là văn kể chuyện. Tuy câu chuyện có chương có lớp, nhưng lắng lại được gì ở trong ta lại không có. Nếu có thì là những bài học luân lý hết sức đơn giản, kiểu người tốt việc tốt. Làm sao phải thoát ra cái đó, đề cập được cái gì riêng của mình, của cả đời mình. Vẫn biết rằng điều đó cực khó, vì trên đời có bao nhiêu con đường người ta đi hết rồi. Anh chỉ có thể đi lại, nhưng phải làm cho nó khác đi.

HV: Đây có phải quan niệm của ông về đổi mới văn chương không?

NTH: Tôi nghĩ thế.

HV: Nhà văn nào ông thích và sau này đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông?

NTH: Nhà văn nước ngoài có hai người tôi thích và có ảnh hưởng mạnh đến tôi: Lép Tôn-xtôi và Sê-khốp. Khi tôi viết, bao giờ trên bàn cũng có mấy tập Chiến tranh và Hòa bình, để khi bí, mình đọc, tìm lại cảm hứng. Văn của Tôn-xtôi luôn bình tĩnh và giản dị. Còn Sê-khốp, mỗi lần đọc đều ứa nước mắt. Điều lạ nhất ở Sê khốp là chuyện của ông chả có gì mà sao nó "vào" ta đến vậy!

HV: Còn trong nước?

NTH: Giai đoạn đầu tôi thích văn Đỗ Chu. Khi tôi nhập ngũ vào Quân chủng Phòng không - Không quân, chính nhà văn Đỗ Chu từ trên Quân chủng xuống đón tôi về. Những truyện ngắn đầu tiên tôi được đọc là của ông Chu. Tất nhiên bây giờ đọc lại có thể khác, nhưng cái thuở ban đầu ấy thật tuyệt vời. Văn của ông Chu mềm mại, nuột nà và đẹp. Còn bây giờ văn học đã phát triển đến mức đọc lại tác giả cũ, ta đòi hỏi nhiều hơn, để nghĩ văn học không chỉ là như thế, nó còn khác nữa.

HV: Ông có thường xuyên đọc anh em viết trẻ hiện nay không?

NTH: Tôi vẫn đọc, nhưng chủ yếu với vai trò giám khảo các cuộc thi thôi. Tôi biết những người viết trẻ hôm nay chưa thỏa mãn với cái đã có của văn chương nên luôn tìm cách đi khác, cách thể hiện khác. Cá nhân tôi luôn ủng hộ lớp trẻ, nhưng nên nhớ cái tìm, cái "phá" phải là của tự thân anh cơ; còn nếu chỉ cố làm cho mới có khi lại không thành. Nguyễn Ngọc Tư là một tự thân, viết cái đầu tiên đã hay, càng viết, càng trưởng thành, sâu sắc. Mình nên ủng hộ, cổ vũ cho những người viết trẻ, như cổ vũ cho tương lai của văn học chứ đừng có triệt nó. "Triệt sản" trong văn học nguy hiểm lắm!

HỮU VIỆT (thực hiện)