Biên đạo múa, NSƯT Trần Ly Ly:

Thuyết phục khán giả mua vé thưởng thức nghệ thuật hàn lâm

Dạ tiệc âm nhạc "Around the world" đã cháy vé trong cả hai đêm diễn vừa qua. Một dấu mốc quan trọng ghi nhận nỗ lực đưa nghệ thuật hàn lâm ra với thị trường của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), qua các chương trình có kết cấu linh hoạt hơn, đến gần với số đông công chúng hơn.

Thuyết phục khán giả mua vé thưởng thức nghệ thuật hàn lâm

Đó cũng là hướng đi mà NSƯT Trần Ly Ly (ảnh bên), quyền Giám đốc VNOB lựa chọn, để khán giả đến với nghệ thuật hàn lâm không chỉ vì được tặng vé xem miễn phí.

Thưa chị, công chúng Việt Nam từng có thời kỳ rất thích xem ballet nói riêng và các tác phẩm nhạc - vũ - kịch nói chung. Có phải theo dòng chảy thời gian, lớp công chúng này đã dần mai một?

Các quốc gia phát triển đều có sự nổi bật về các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm như opera, ballet hay nhạc giao hưởng. Trong hệ thống biểu diễn và hệ thống đào tạo của các quốc gia lớn trên thế giới, chúng đều rất được chú trọng và có quy trình đào tạo khắt khe. Họ cũng đưa chúng vào trong chương trình giáo dục phổ cập, đây có thể coi như bước đầu tư, tạo ra lượng khán giả tương lai và tìm kiếm tài năng kế cận cho các loại hình nghệ thuật đỉnh cao này.

Tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, nghệ thuật hàn lâm cũng có đối tượng khán giả trung thành của mình. Còn ngày nay, mọi việc đã thay đổi. Con người có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Người ta cũng mất dần thói quen lựa chọn loại hình để thưởng thức. Họ dần ngại đến nhà hát để xem ballet, nhạc thính phòng - giao hưởng.

"Around the world" có sự xen kẽ ballet, opera và giao hưởng. Sự sáng tạo này đã phần nào thu hút sự quan tâm của khán giả và gây tò mò với giới chuyên môn?

Nét đặc biệt của ballet là khán giả không mua vé để xem nội dung vở diễn đã biết, mà xem nghệ sĩ diễn nó khác như thế nào. Đó chính là nét độc đáo đã biến ballet thành môn nghệ thuật sống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở các nước đang phát triển, không phải ai cũng có sự hiểu biết về nghệ thuật hàn lâm. Khi xây dựng "Around the world", tôi cũng nghĩ rất nhiều. Quan trọng là phải chọn bản nhạc hay trong các tác phẩm kinh điển nào để dễ tiếp cận với đa số người dân. Chúng ta không biến đổi chiến lược nhưng thay đổi về hình thức để công chúng có thể tiếp cận được dễ dàng hơn. Đây là sự mạnh dạn và hơi "liều" vì không biết kết quả như thế nào. Phản hồi khá tốt từ khán giả chính là động lực cho con đường mà tôi và nhà hát lựa chọn.

Tuy nhiên, "Around the World" chỉ là một hướng đi tiếp cận khán giả hiệu quả. Còn về sứ mệnh và tầm nhìn của VNOB, chúng tôi vẫn gìn giữ. Thí dụ như xây dựng vở vũ kịch kinh điển mang quy mô đồ sộ "Hồ Thiên Nga" vào tháng 10 tới. Tất nhiên, để chuyển tải một vở vũ kịch với bốn màn trọn vẹn vô cùng tốn kém và vất vả vì nó đòi hỏi thời gian tập luyện của các diễn viên kéo dài tới vài tháng, cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nghệ sĩ ballet và cả một dàn nhạc lớn tới hơn 60 người.

Nhân lực cho nghệ thuật hàn lâm hiện nay đang thiếu trầm trọng. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến các chương trình, thưa chị?

Nếu chỉ đến nhà hát để thưởng thức các tác phẩm nhạc vũ kịch kinh điển, các vở vũ kịch nổi tiếng thôi, các khán giả sẽ thấy những nghệ sĩ trên sàn diễn đẹp một cách lung linh, cao sang và đầy lãng mạn. Nhưng bạn có biết, phía sau sân khấu, họ thở dốc, mồ hôi túa ra, mũi chân rớm máu. Một đôi giày múa trị giá vài triệu đồng nhưng chỉ sử dụng vài lần trên sàn diễn là phải thay. Trong khi đó, thu nhập của các nghệ sĩ lại quá bèo bọt. Một diễn viên chính của nhà hát lương chỉ vài triệu đồng một tháng, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật có thể trả cho họ tới vài chục triệu đồng. Vậy thì hỏi tại sao nghệ sĩ không rời bỏ chúng tôi để đến với nơi nào trả công xứng đáng hơn? Là người được đào tạo từ nhỏ và có cơ hội được học tập ở các nước phát triển, tôi rất mong sẽ có nguồn nhân lực kế cận từ hệ thống nhà trường.

Thuyết phục khán giả mua vé thưởng thức nghệ thuật hàn lâm ảnh 1

Vở diễn mới nhất Around the world.

Theo chị, làm thế nào để thu hút khán giả đến với môn nghệ thuật "khó tính" này?

Điều đầu tiên nên làm là thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ nhà trường. Ở các nước phát triển, học sinh được học rất cụ thể. Thí dụ bài để thi vào một trường đại học ở Australia là bạn hãy viết một bài luận về tác phẩm nghệ thuật mà bạn xem gần nhất.

Tuy nhiên, đó là giải pháp dài hạn. Còn điều cần làm hiện nay là sáng tạo ra những sản phẩm thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được nét kinh điển của nghệ thuật hàn lâm. Nếu khán giả chưa đến với mình, thì mình chủ động đến với khán giả. Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật. Có thể biến một tác phẩm kinh điển thành những phần nhỏ. Vẫn là aria, vẫn là ballet của vở này nhưng chỉ một chút thôi, đủ để người ta hiểu được một phần của nghệ thuật, chứ không kéo dài cả vở khiến khán giả bị quá tải và nhàm chán. Cũng như đọc một cuốn sách khó vào và rất dài, thì mỗi hôm chỉ đọc được 10 trang, hôm sau lại tiếp tục. Điều này sẽ tạo nên thói quen và sự tò mò trong thưởng thức.

Nhớ hồi mới về nước, tôi chỉ chăm chăm làm các tác phẩm kinh điển nguyên bản như những gì học trong nhà trường. Rồi tôi nhận ra làm tác phẩm trí tuệ mà không ai thừa nhận thì cũng vô nghĩa. Tôi đã mất hai năm sốc vì không tìm ra con đường để đi. Bây giờ tôi đứng ra xa hơn, nhìn rộng hơn và thấy rằng mọi thứ đều có thể nhờ sự linh hoạt. Quan trọng là cái đích, còn đường đi có thể dài hơn, quanh co hơn cũng được, miễn là đến nơi. Thay vì khư khư giữ cái cũ, chúng ta cần tìm sự dung hòa. Không thể sống cuộc đời riêng trong một thị trường đòi hỏi những gì đổi mới. Tôi mong muốn khán giả sẽ quan tâm, tò mò và dần dần thưởng thức những chương trình nhạc vũ kịch của VNOB bằng cách bỏ tiền ra mua vé chứ không chờ được tặng, được xem miễn phí.

Gần đây, công chúng hay gặp chị trên ghế nóng gameshow truyền hình. Kinh nghiệm gom góp được có giúp chị điều gì, trên con đường đưa nghệ thuật hàn lâm đến với khán giả?

Tiêu chí hoạt động của tôi dựa trên ba yếu tố chủ chốt "sáng tạo, nghĩ sâu, làm nhanh". Đặc biệt, điều đó càng được chú trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà nghệ thuật hàn lâm đang cần được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển.

Nhờ tham gia các gameshow, tôi có điều kiện đến gần khán giả hơn, để hiểu họ hơn, thấy được rõ hơn nhu cầu của họ. Từ đó nghiên cứu thêm cách đưa ra sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu đám đông. Chẳng hạn, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, cần có những "tên tuổi" thật sự tạo nên thương hiệu cho một chương trình. Năm 2018, tôi gửi lời mời nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc Học viện Âm nhạc Thượng Hải - Trung Quốc. Từng có thành tích xuất sắc và nhận được không ít lời mời làm việc ở nước ngoài với mức lương cao gấp 50 lần so với trong nước nhưng anh vẫn quyết định nhận lời về nước để cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Tôi cũng tổ chức việc marketing của nhà hát theo hướng xây dựng website, tương tác facebook và có những sự liên kết với truyền hình và báo chí.

Tôi làm việc đó với mong muốn giúp tác phẩm của nhà hát có tiếng nói chung với khu vực và châu lục, thông qua việc tổ chức và tham dự các festival nghệ thuật. Tôi đem cái tâm thiện, ngọn lửa đam mê của mình, sự tin tưởng của mình ra thuyết phục và đặt vào mỗi người cộng sự, nhân viên trong nhà hát. Khi mỗi nghệ sĩ đã tin, yêu và trân trọng nghề nghiệp, danh dự của chính mình, chắc chắn cả nhà hát sẽ chuyển động, sẽ làm nên bước phát triển, đột phá.

NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978, tốt nghiệp Trường ĐH Queensland, Australia năm 2003. Là đạo diễn, biên đạo múa nổi tiếng trong làng ballet và múa đương đại Việt Nam, chị từng tham gia nhiều Festival múa đương đại quốc tế tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Australia, Pháp, Đức, Ba Lan... Năm 2018, chị được Tạp chí Forbes bình chọn vào Top 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.