Tết trên bản Mông

Càng áp Tết, miền cao càng rét đậm, sương trắng phủ khắp rừng núi. Cái giá lạnh được tiết ra từ trùng trùng đá tai mèo buốt cóng da thịt. Nhưng chỉ cần bước qua bậc cửa ngôi nhà trình tường dày tới 50 cm, sự ấm áp sẽ lan tỏa không chỉ từ bếp lửa hồng, mà còn từ không khí nhộn nhịp đón Tết, từ nụ cười hiền hậu của người già bên bếp lửa tới giọng trẻ trong trẻo, líu lo đến các mẹ, các chị háo hức xuân lắm rồi! Đúng là Tết đã đến cửa! Ngoài sân, khóm mai đã bung nở, nụ đào phai đang chúm chím hóng hơi xuân ấm áp, mong sớm đẩy lùi cái rét mướt ngày đông...

Tết trên bản Mông

Tết với người Mông quê tôi chính là ngày hội lớn. Những ngày giáp Tết, mẹ nuôi của tôi thường xuống chợ sắm sửa. Bố nuôi là nhà thơ, nhất định ông sẽ viết một bài thơ song ngữ. Những người đàn ông khỏe mạnh trong nhà thường tranh thủ kiếm củi dự trữ. Đêm buông, đàn bà con gái lại cần mẫn thêu váy áo mới cho cả gia đình, sao cho mỗi người đều có bộ cánh mới đón xuân.

Đồ cúng tế ngày Tết rất được coi trọng, dù có lợn to hay nhỏ thì mỗi nhà đều mổ lợn. Món ẩm thực truyền thống là thịt lợn, bánh dày. Nguồn thực phẩm bao gồm thịt lợn, thịt gà, gạo nếp, gạo tẻ, rượu... không chỉ chuẩn bị cho gia đình dùng đủ những ngày Tết, mà còn chuẩn bị thết đãi họ hàng và khách quý đến thăm.

Ba mươi Tết, người người dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, chủ gia đình sẽ làm lễ quét bồ hóng. Đây là phong tục bắt buộc, chiếc chổi bằng cành trúc sẽ quét đi điều xúi quẩy, không may; quét đi bệnh tật ở người và gia súc; quét đi dịch bệnh đối với cây trồng; quét đi tà ma, những lời nói xấu... để hồn người lớn, vía trẻ con có niềm vui sum họp. Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để đón hồn lương thực, hồn cây, hồn lửa, hồn nước. Những nông cụ đã cùng con người vất vả quanh năm cũng được nghỉ Tết, được dán tờ giấy tạ ơn. Bữa cơm tất niên thường kiểm lại sản xuất mùa màng, việc ứng xử giao tiếp trong ngoài, việc đi xa về gần trong năm... Nhiều loại bánh sẽ được bày biện, ngay sau khi khai Tết, các nhà lân cận sẽ đến cùng uống bát rượu chia vui mừng thành quả năm cũ, đón niềm vui năm mới.

Sớm mồng một là bữa sum họp gia đình. Mâm cơm thịnh soạn được bày ra, cả nhà sẽ nâng bát chúc sức khỏe người già, chúc ông bà, cha mẹ. Sau đó mới đi thăm thú quanh xóm, tới nhà anh em, láng giềng... Gia chủ nào cũng rất hân hoan mời cơm. Dù bạn đã ăn no thì vẫn phải cùng ngồi vào mâm cơm năm mới, uống chén rượu, nói với nhau những lời tốt đẹp, mong cho mưa thuận gió hòa, một năm thu hái đầy đủ, cuộc sống sung túc, con cái khỏe mạnh, biết vâng lời tổ tiên, làm điều thiện, tránh xa cái ác... đón một năm mới bình an, không còn phải bận lòng vì những điều đã cũ. Ngày mồng một Tết, nhà nào cũng cắm cành cây lá xanh trước cửa nhưng không phải cấm người ra vào mà là ngăn cách hoang ma, quỷ dữ lang thang không vào nhà quậy phá, đồng thời canh giữ ma thuần trong nhà không ra ngoài rừng hoang. Và còn có ý nghĩa nhắc nhở con cháu, khách khứa giữ gìn ý tứ gia phong.

Ngày mồng hai Tết, những cặp vợ chồng trẻ sẽ về chúc Tết bên ngoại. Thanh niên nam nữ bắt đầu đi lễ hội Gầu Tào. Lễ hội với ý nghĩa cầu khấn cho gia chủ phương trưởng, cầu cho người dân được an lành, cầu mưa thuận gió hòa để vụ mùa tươi tốt, bội thu. Đây cũng là không gian văn hóa đặc sắc để mọi người vui chơi, gặp gỡ qua múa khèn, hát ống, thổi kèn lá, đánh sảng, đánh yến, ném còn...

Mồng ba Tết người chơi hội cứ chơi, mỗi nhà đều có gia chủ ở nhà làm thủ tục tiễn ông bà trở lại cố hương. Kết thúc lễ cúng, người già sẽ ngồi lại bàn công việc làm ăn, sinh hoạt và chuẩn bị các lễ chung của làng trong năm tới. Hết mồng ba, nhà nhà lại lên nương, cấy trồng, vun xới với niềm mong mỏi có một mùa xuân sau sung túc hơn!