Rap Việt thời hoàng kim đã điểm?

Nửa cuối năm 2020, khi các gameshow ca nhạc truyền hình tưởng như đã hết chiêu để chiều khán giả, rap đến như một thứ “phao cứu sinh”. Đùng một cái, hai cuộc thi rap cùng lúc nổ ra trở thành tâm điểm dư luận. Thành công của rap ở thời điểm này liệu có bất ngờ và có chút ăn may?

Binz đem nhiều phụ kiện đắt tiền vào MV Bigcityboy. Chú cún trong ảnh được biết có giá 1.000USD.
Binz đem nhiều phụ kiện đắt tiền vào MV Bigcityboy. Chú cún trong ảnh được biết có giá 1.000USD.

ĐỘT BIẾN
 
 Đêm chung kết Rap Việt phá kỷ lục thế giới về lượng người xem trực tiếp cùng một lúc (lên tới hơn 1,1 triệu) chỉ tính riêng trên Youtube. Một trong số giám khảo của chương trình này Binz tuyên bố trên báo: “Bây giờ bật ti-vi, mở Youtube, lướt Facebook, đâu đâu cũng thấy rap. Rồi sẽ có những thế hệ trẻ lớn lên bằng những bài nhạc rap chứ không phải là nhạc Trịnh Công Sơn, Bằng Kiều, Trần Thu Hà... Rap không chỉ là thú chơi ngông của giới trẻ mà có thể trở thành văn hóa của cả một thế hệ sau này”. Nhận định có phần chủ quan này cần thời gian để thẩm định.
 
 Nhưng dù sao rap từ một cái bóng mờ trong âm nhạc đại chúng, đùng một cái có được chỗ đứng xem chừng ngang ngửa với các “ông lớn” pop, rock cũng là một căn cứ để người trong giới lạc quan. Thành công đột biến này có thể được lý giải từ hai góc độ. Trước tiên, cái gì mới lạ bao giờ cũng được chú ý. Với đa số công chúng, rap là món mới. Trong thị trường, rap chưa có dáng dấp của một dòng nhạc độc lập. Các rapper thường xuất hiện để phụ trợ cho tiết mục của ca sĩ. Nhân hai show truyền hình với đầy rẫy các rapper độc diễn từ đầu đến cuối, dân ngoại đạo có dịp nhìn nhận rap trọn vẹn hơn. Những định kiến trước đây về dòng nhạc này dần được phá bỏ: Có những bài rap dở không có nghĩa là cả dòng nhạc rap không hay...
 
 Thứ hai, rap vốn đã có một lượng khán giả khủng ở thế giới ngầm nay đơn giản trồi lên. Với người trong giới, thành công của rap không phải một cú ăn may. Rapper JGKiD (tức Quách Văn Thơm), thành viên nhóm Da Lab lý giải: “Đó là cả một quá trình gây giống, chăm sóc, phát triển của rất nhiều thế hệ rapper để đến hôm nay khi lượng khán giả đã đạt đến một mức độ nhất định, khi các ông lớn truyền thông biết đây là vùng đất có nhiều nhân tài có thể khai phá. Tất nhiên vụ gặt phải thành công”.

Rap Việt thời hoàng kim đã điểm? -0
Nhóm nhạc hip-hop Da Lab (thành lập năm 2007) nổi lên từ năm 2015 với hit Một nhà. 

 Vẫn đại diện Da Lab: “Trong 5 năm gần đây, rap đã và đang chứng minh được vị thế của mình trong tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín. Rap vốn luôn là tiếng nói tự do, tâm sự thật về thế giới quan của người nghệ sĩ, vì vậy việc rap chạm đến cảm xúc của số đông khán giả là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Và đó chính xác là những thứ mà rap xứng đáng nhận được sau hơn hai thập niên cố gắng vươn lên từ thế giới ngầm”.
 
 
 VIỆT HÓA
 
 Rap ra đời tại New York, Mỹ vào đầu những năm 1970, nhưng những hình thái ban đầu xuất hiện trước đó từ lâu. Có thể là lối kể chuyện, “hát nói” theo nhịp trống của các nghệ nhân dân gian Tây Phi hay vùng Caribe. Rap Việt cũng được khai sinh tại Mỹ. Bài đầu tiên Vietnamese Gang do Khanh Nhỏ rap bằng tiếng Việt và Thai Viet G - tiếng Anh. Trong nước, Xlim xuất hiện như rapper đầu tiên năm 2002. Thuở manh nha, rap giống như công cụ thể hiện sự khác biệt, thậm chí gây hấn. Hai cộng đồng rap Việt trong nước và hải ngoại ban đầu mượn rap để cãi nhau. Cũng giống như các rapper bờ Đông và Tây New York trước đây...
 
 Nhưng cuối năm 2020 trên sóng truyền hình quốc gia và Youtube, các tiết mục tham gia Rap Việt và King of Rap chủ yếu nói về tình yêu đôi lứa, gia đình hay quê hương đất nước, tâm sự của người trẻ, sự tự tôn, những khát vọng trước ngưỡng cửa cuộc đời... Có thể đó là cái “giá phải trả” để rap được từ underground (thế giới ngầm) bước ra ánh sáng. Nhưng cũng có thể hiểu đó là sự phát triển, lột xác có tính chuyên nghiệp.
 
 Eminem - thần tượng của ICD, quán quân King of Rap - có không ít những bản rap gây hấn, kỳ thị, đụng chạm cá nhân, tập thể. Năm 2001, anh còn bị cộng đồng LGBT ở Mỹ, Anh biểu tình phản đối. Nhưng ICD lại đồng cảm với Eminem ở khía cạnh khác: “Eminem còn là một người trầm lắng, sống với nội tâm quá phức tạp và u tối. Thời điểm đó tôi trùng hợp với mảng đó nên thích. Sau đó phát hiện ra ông ấy là người hay rap tục tĩu, thậm chí còn bị người dân biểu tình phản đối, tôi cũng khá sốc. Tôi cũng nhận ra rapper ở đâu cũng sẽ tương thích với môi trường ở đó. Giả dụ Tài sản của bố là bài tôi vô cùng tâm đắc và gây xúc động cho rất nhiều người. Nhưng cũng bài đó đặt trong môi trường Mỹ chẳng hạn, giá trị sẽ rất ít. Vì bên Mỹ luật trẻ em không cho phép bố đánh con... Cho nên tôi cũng phải cân nhắc, suy nghĩ chứ không bắt chước thần tượng mù quáng”.
 
 Những cố gắng Việt hóa của các rapper tỏ ra không uổng phí. Thời gian gần đây, những tiết mục công phu kết hợp rap với nhạc đỏ (tại chương trình The Remix), chầu văn (Rap Việt), cải lương (King of Rap) hay xẩm (MV của Hà Myo và VBK)... cũng đồng thời kết nối rap với đông đảo các thành phần khán giả.

Rap Việt thời hoàng kim đã điểm? -0
 Quán quân King of Rap ICD trình diễn Tài sản của bố trong một chương trình
truyền hình cuối năm.
 

 Nội dung chuyển tải của rap hóa ra phong phú như bất cứ dòng nhạc có lời nào nếu không nói là thoải mái hơn về thời lượng và hình thức diễn đạt. Rap ở Việt Nam đang là phương tiện bày tỏ và lan truyền hiệu quả những cảm xúc thiên về tích cực từ người trẻ. Thậm chí nó còn trở thành tiếng nói chung kết nối các thành phần xã hội. Các nhãn hàng đương nhiên không bỏ qua điều này. Một nhãn xe máy vừa mời Đen Vâu và Justa Tee làm một MV mang chủ đề mà mỗi cuối năm nhiều người lại muốn nghe, đó là Đi về nhà. Đen Vâu không biết hát nên cần giọng của Justa Tee. Nhưng rõ ràng rap đã phổ cập đến mức rapper trở thành nhân vật chính, giọng hát chỉ như gia vị.
 
 Rapper nổi tiếng nhất giờ đây phải là người được trích dẫn nhiều nhất. Không phải theo kiểu danh ngôn mà đơn giản đó là những diễn đạt cô đọng, có vần điệu trùng khớp với tâm cảm của nhiều người. Và ngược lại, anh càng nổi tiếng thì càng được trích nhiều, nhất là trên mạng xã hội. Về khoản này khó ai vượt qua Đen Vâu. Câu hay được trích mới đây: “Hạnh phúc, đi về nhà/ Cô đơn, đi về nhà/ Thành công, đi về nhà/ Thất bại, đi về nhà/ Mệt quá, đi về nhà/ Mông lung, đi về nhà/ Chênh vênh, đi về nhà/ Không có việc gì, vậy thì đi về nhà...”. Một bài rap đại chúng thường có những câu hook (găm vào lòng người) kiểu như vậy.
 
 VƯỢT KHÓ
 
 Cái duyên nổi tiếng của rapper cũng vô chừng. Nhưng có vẻ như yếu tố nhân thân khá có trọng lượng. Xuất phát điểm hạn chế đòi hỏi rapper phải gắng gỏi vượt qua để theo đuổi ước mơ trở thành điểm cộng đáng kể trong việc “lấy lòng” khán giả.
 
 Đen Vâu - rapper đầu tiên có show riêng (dù chưa bán vé) - không có tiền đi học đại học, từng làm công nhân vệ sinh bờ biển. Quán quân Rap Việt Dế Choắt đường đời còn ly kỳ hơn: chưa học hết cấp 2, làm phụ hồ rồi thợ xăm và xăm kín người luôn. Các chuyên gia phân tích, lượt xem GDucky (Á quân) cao hơn nhưng lại không bằng lượt bình chọn dẫn đến đăng quang của Dế Choắt, đơn giản vì Dế khiến khán giả ấn tượng hơn... Tất nhiên nhờ những trải nghiệm rất đời ấy, rapper cũng sẽ có một vốn sống phong phú tốt cho rap.
 
 Rap có thể nói đang được chải chiếu hoa giữa thị trường âm nhạc. Nhưng để giữ được vị trí đấy cũng cần phải nỗ lực. Đại diện Da Lab khẳng định: “Cần phải có những cú hit để khẳng định vị thế của nhạc rap, đưa nó ra khỏi cái bóng của các cuộc thi rap trên truyền hình. Các rapper cần có nhiều nhạc phẩm chạm đến trái tim và tâm hồn của người nghe hơn nữa. Điều này đòi hỏi các rapper phải có vốn sống, hiểu biết, tài năng, thẩm mỹ âm nhạc sâu rộng, và sự nhạy bén trong nhìn nhận môi trường mình đang hoạt động, nền văn hóa mình đang sống và cân bằng được các yếu tố bản địa và các yếu tố có sẵn của rap”. Nếu chỉ kể câu chuyện của bản thân, ve vuốt cảm xúc khán giả, có vẻ như rapper chưa khai thác hết được thế mạnh của dòng nhạc mình đang theo đuổi. Ai đủ sức chuyển tải những vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường... rất có thể sẽ thật sự lên ngôi King of Rap Việt.
 
 Sau nửa năm lên sóng, Bigcityboy - MV đạt hơn 69 triệu lượt xem của Touliver và Binz nhận được hiệu ứng tích cực từ cả khán giả nước ngoài không hề biết tiếng Việt. Đạt Maniac và Suboi cũng bắt đầu được thế giới biết tới khi xuất hiện trong các chương trình của MTV. Theo Hà Lê, rapper Việt không thua kém gì thế giới, ít nhất là trong khu vực. Điều chúng ta cần làm bây giờ là chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất, phân phối sản phẩm. Tương lai không xa, rap lại là một cầu nối hiệu quả đưa nhạc Việt, tinh thần Việt ra thế giới, biết đâu?!