Nhạc sĩ Trần Khánh Nam

Phía trước người lính là đất mẹ Việt Nam

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tri nhận, với người lính, kể cả lúc đã hy sinh, đất mẹ Việt Nam vẫn luôn hiện hữu trước mặt. Trên vai người lính là đất mẹ Việt Nam. Phía trước người lính là đất mẹ Việt Nam.

Phía trước người lính là đất mẹ Việt Nam

1 Quê gốc ở Thừa Thừa Huế, sống và làm việc ở cao nguyên Di Linh - Lâm Đồng, nhạc sĩ Trần Khánh Nam được biết đến như tác giả của các ca khúc về quê hương đất nước, về sự hy sinh anh dũng của những người lính. Nguồn cảm hứng ấy luôn thôi thúc Trần Khánh Nam, ông từng chia sẻ: “Trong quá trình tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ, tôi thức cảm có một loài hoa không cần đến ánh sáng mặt trời vẫn nở, nở bằng linh giác tri ân, ấy là Hoa đất trắng, chính là hài cốt chưa tìm thấy của các anh hùng liệt sĩ hóa thân”. Theo ông, người lính nào ngã xuống đều đau thương như nhau. Nhưng có người vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi khi chưa tìm được hài cốt, dù rằng chiến tranh đã kết thúc rất lâu. Nỗi đau còn hiện hữu âm thầm, khắc khoải, day dứt trong lòng những người mẹ, người vợ, người thân. Thế nên, tìm và quy tập hài cốt, đưa các anh trở về yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ là tâm tư không riêng của những người ruột thịt, còn là trách nhiệm của những người đang được hưởng cuộc sống thanh bình: “Anh giờ này anh ở nơi đâu?/ Anh có còn nhớ ngày về/ Về đi anh, về đi, mẹ ngóng chờ/ Về đi anh, về đi, về với đồng đội/ Đất nước đã qua rồi chiến tranh”. Ông sử dụng tiếng chuông ngân trong câu nhạc hai để đồng cảm với tình đồng đội của những người lính, đồng thời khẳng định rằng, dẫu tìm được các anh hay chưa, các anh vẫn là Hoa đất trắng nở âm thầm trong lòng đất mẹ Việt Nam. Ca từ giản dị, dễ hiểu, kết hợp với giai điệu trữ tình xen lẫn bi tráng tạo nên cảm xúc vừa bi hùng vừa thổn thức: “Người lính trước giờ chiến thắng, anh không chung bước đồng đội/ Anh ở lại, anh ở lại úp mặt vào đất mẹ đau thương, chỉ kịp nhìn lần cuối đất trời quê hương”. Nhưng hy sinh này, không vô ích, vì nó góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho người khác, cho cộng đồng và cho cả dân tộc: “Hoa đất trắng nở cùng đất nước yêu thương/ Hoa đất trắng nở cùng đất nước ngàn năm”. Xúc cảm thật, những trải nghiệm chắt chiu từ cuộc sống, từ những chuyến đi thực tế phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa đã giúp Trần Khánh Nam làm nên ca khúc Hoa đất trắng bi thương đầy ý nghĩa.
 
 2 Công tác trong ngành giáo dục, nhiều năm liền lăn lộn với sự nghiệp trồng người, tiếp xúc và gần gũi nhiều với giới trẻ, nhạc sĩ Trần Khánh Nam coi âm nhạc là niềm đam mê lớn của cuộc đời mình. Cẩn trọng, kỹ lưỡng và đầy trách nhiệm, ông đã từng ngược ra bắc, tìm gặp nhạc sĩ Phong Nhã chỉ để thắc mắc một điều: Câu hát trong bài Đội ca: Tiến quyết tiến dưới Quốc kỳ thắm tươi, hình như từ dưới chưa thật phù hợp. Thật may, người nhạc sĩ của Đội ta Phong Nhã đã xác nhận: Ca từ chuẩn phải là Tiến quyết tiến hướng Quốc kỳ thắm tươi, còn dưới được dùng phổ biến lâu nay nhưng là dị bản chứ không phải bản gốc. Trần Khánh Nam luôn trăn trở: “Làm giáo dục phải tạo cho học sinh ý thức nền nếp ngay từ gia đình rồi tới nhà trường và ra ngoài xã hội, kèm theo đó là lòng biết ơn ông bà cha mẹ, biết ơn những người có công với đất nước”... Ông đưa ra quan điểm và nhất quán trước sau cùng lựa chọn đó: “Đối với trẻ nhỏ có thể chưa cần học giỏi chưa cần biết nhiều, nhưng phải có trau dồi cơ bản, nền tảng, phải gieo được cho học sinh thẩm mỹ âm nhạc trước khi dạy nhạc”.
 
 Khởi nguồn từ những day dứt trăn trở với cuộc sống, Trần Khánh Nam thao thức cho mình các câu hỏi khó: Mùa xuân miền bắc có sắc đào, miền nam lại có mai vàng rực rỡ. Vậy, loài hoa nào biểu trưng cho mùa xuân đại thắng 1975? Và ông tự đưa ra câu trả lời. Một lần đến Nghĩa trang Trường Sơn dịp đầu xuân, mắt ông nhòa đi trước mầu trắng của ngàn ngàn ngôi mộ liệt sĩ: “Hình ảnh hàng hàng ngôi mộ quét vôi trắng, trắng nôn nao trên những vạt đồi tĩnh lặng, khiến tôi liên tưởng đến rừng rừng đóa hoa mai trắng, nở đón nắng xuân”... Những xao động đó cộng hưởng với cảnh tượng một người mẹ kìm nén nỗi đau tột cùng khi đón nhận hài cốt con trai trở về trong lễ truy điệu liệt sĩ tại Nghĩa trang Di Linh mà ông chứng kiến, đã thôi thúc Trần Khánh Nam tiếp tục cho ra đời ca khúc Hoa mai trắng: “Người mẹ ôm hài cốt con trai vào lòng, chẳng khác gì vỗ về đứa con mới chào đời, cũng bé bỏng, cũng cần sự chở che, yêu thương, tôi như chết lặng trước nỗi đau không lời của người mẹ liệt sĩ”... Ông sử dụng tiết tấu chậm rãi, giai điệu sâu lắng, thủ thỉ như lời tâm sự xen lẫn suy tư để mở đầu: “Xuân đã về, phải không anh?/ Bên bếp hồng lặng gió/ Vì sao sáng thức suốt đêm xuân như mong đợi/ Mà sao anh vẫn chưa về?”. Trần Khánh Nam tự dặn lòng: “Bao giờ cũng phải lùi lại để nhìn ngắm tác phẩm, tránh bị ảo tưởng về mình. Tác phẩm không chỉ là đứa con mình sinh ra, mà là máu thịt của mình, phải chắt chiu mỗi note, mỗi ca từ”... Trong mạch tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, nghĩ tới những người lính vĩnh viễn ra đi trên các con tàu không số trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, ông viết Hoa sóng ngàn năm: “Biển tự nhiên lặng gió/ Vòng hoa thả xuống Biển Đông/ Bềnh bồng mãi trên con sóng nhỏ”. Âm ba của con sóng nhỏ như mang anh linh người lính biển được ông neo lại trong hình ảnh một loài hoa đặc hữu tại quần đảo Trường Sa: “Dù bão tố phong ba/ Hoa bàng vuông nở về đêm/ Như tâm hồn người lính biển/ Như hóa thành ngàn Hoa sóng/ Hoa sóng nở cùng biển xanh”.
 
 Vừa sáng tác, vừa miệt mài giảng dạy, Trần Khánh Nam trong từng công việc thường ngày, đều nặng nghĩa tình với mảnh đất cao nguyên. Ông đau đáu một điều: “Tỷ lệ người dân tộc thiểu số được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật còn thấp. Thậm chí, một số địa bàn không có một ai. Không được đào tạo, không có kiến thức cơ bản thì không có người giữ gìn tiếp nối bản sắc văn hóa vốn rất đa dạng, phong phú và đầy giá trị của các vùng miền”. Nhắc tới người đồng nghiệp nặng tình với quá khứ, nhiệt huyết với âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho hay: “Tôi rất thích các bài hát tri ân các anh hùng liệt sĩ vì nó gợi cho chúng ta sâu sắc hơn những kỷ niệm khi nhân dân ta vừa phải xây dựng đất nước vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới biển đảo của Tổ quốc. Trần Khánh Nam viết rộng 2 quãng 8, rất kén người hát, tuy nhiên Hoa sóng ngàn năm đang và sẽ có sức sống âm ỉ với hôm nay”. Ông Phan Hữu Trí, một cựu chiến binh, rưng rưng bày tỏ: “Trước đây, mỗi khi dõi mắt về phía đường chân trời, tôi vẫn hình dung thể nào ở đó cũng sẽ có dáng hình kiên cường của người lính biển, với ánh mắt nghiêm nghị, dáng đứng hiên ngang, vững chãi như tạc vào đá, thắp sáng cho bao ý tưởng tin yêu nơi quê nhà. Nay, sau khi nghe ca khúc Hoa sóng ngàn năm, tôi còn biết mỗi cột sóng biển là một cột mốc chủ quyền tâm linh được khởi tạo từ anh linh người lính biển”.
 
 Ý thức tận cùng sứ mệnh phụng vụ Tổ quốc, người lính sẵn sàng đón nhận cái chết với một tâm thế bình thản, điềm nhiên, không né tránh, chẳng hề run sợ. Và sự hy sinh cho Tổ quốc trường tồn ấy, luôn được ghi nhận, thấu hiểu, biết ơn bằng những ca khúc cách mạng truyền lửa của những nhạc sĩ nặng tình như Trần Khánh Nam, bất chấp sự thực dụng đã thành thói quen được ưa chuộng, tưởng có thể lấn lướt các giá trị nhân bản trong cuộc sống đương thời...