Chuyện đời chuyện nghề

“Ông cá hô” Nguyễn Hồ

Không hiểu sao cứ nghĩ đến nhà văn, biên kịch Nguyễn Hồ tôi lại nhớ đến phim “Ông cá hô”, dù anh chỉ tham gia trong vai trò nhà sản xuất.

Chân dung nhà văn Nguyễn Hồ của họa sĩ ĐỖ HOÀNG TƯỜNG.
Chân dung nhà văn Nguyễn Hồ của họa sĩ ĐỖ HOÀNG TƯỜNG.

“Ông cá hô” là một bộ phim truyện xuất sắc ở thập niên 90. Một bộ phim về miệt sông nước miền Tây để lại nhiều ấn tượng. Tôi có may mắn được thân quen với nhóm tác giả làm phim (nhà văn Lê Văn Thảo là tác giả kịch bản, Trần Mỹ Hà là đạo diễn và diễn viên chính Lê Vũ Cầu). Bây giờ thì Lê Vũ Cầu và Lê Văn Thảo đã phiêu diêu ở cõi khác. Tôi có thói quen giới thiệu Nguyễn Hồ là người làm phim “Ông cá hô”, anh chỉ cười cười rất hiền, không ra xác nhận hay phản đối. Có lẽ anh hành xử thế như để chiều một thằng em út ngỗ ngược được vợ chồng ông yêu quý, là tôi.

Tôi quen biết Nguyễn Hồ là do nghề nghiệp mang lại. Ông là Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS), còn tôi là biên tập ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC). Đây là hai trung tâm phim lớn nhất nước trong lĩnh vực truyền hình và luôn là đối thủ của nhau trong những cuộc tranh tài ở mọi cấp độ, từ Liên hoan phim Việt Nam đến Liên hoan truyền hình toàn quốc cũng như giải nghề nghiệp thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Những người làm công việc sáng tác nếu thấy cùng kênh và phần nào hợp ở phong cách sống rất dễ làm quen và phát triển quan hệ bạn bè. Nguyễn Hồ trong con mắt tôi là một giám đốc có uy quyền nhưng cởi mở và sống chân thành. Chỉ vài lần gặp gỡ chúng tôi trở nên thân quen. Anh có vẻ mến sự ngang tàng của tôi nên dành cho khá nhiều ưu ái. Nhưng tuyệt nhiên quan hệ này không bao giờ dính dáng đến chuyện làm phim. Nguyễn Hồ coi tôi như một đứa em út nhưng chẳng một lần mời chào viết kịch bản.

Nói thêm cùng một công việc làm phim nhưng ở TP Hồ Chí Minh, cơ chế rất khác so với Hà Nội cả ở cách thức lẫn chế độ thù lao đều rộng rãi và cởi mở hơn nhiều. Tôi cũng vậy gặp anh chỉ là để nhậu nhẹt, để chuyện trò những chuyện trên giời dưới bể chứ cũng không bao giờ có ý định viết lách gì. Nam Bộ là một vùng đất luôn hấp dẫn nhưng bí hiểm với tôi. Thật sự tôi chỉ viết được khi phải nằm lòng những gì xảy ra ở chính vùng đất đó.

Mỗi lần vào nam, dù bận mấy tôi cũng dành thời gian đến nhà thăm vợ chồng anh. Vợ anh, nhà báo Nguyễn Minh Hiền là một người làm quản lý báo chí tài năng. Chị mất vài năm trước vì tái phát căn bệnh ung thư. Trước đó chị đảm nhiệm nhiều chức vụ, sau cùng là Tổng biên tập Doanh nhân Sài Gòn - tờ báo duy nhất ở phía nam mà tôi cộng tác thường xuyên. Có chuyện này là vì mến mộ chị nên mỗi lần chị đặt bài là tôi thực hiện, không bao giờ từ chối.

Hiếm có cặp vợ chồng nào lại yêu thương và quấn quýt như anh chị. Đây cũng là một lý do tôi quý trọng Nguyễn Hồ. Tôi nhớ có lần ở căn nhà chung cư cũ chật chội, anh tổ chức một tiệc nhậu đón tôi từ Hà Nội vào. Có nhiều nhà văn, đạo diễn đình đám đất Sài Gòn như Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Vinh Sơn, Mỹ Hà, Trần Cảnh Đôn, Đào Bá Sơn... tham dự. Lũ chúng tôi ngồi quây quần, Nguyễn Hồ đẩy xe lăn cho vợ từ trong phòng ra chào khách. Lúc này chị Hiền đang chạy xạ, tóc rụng tiệt và rất yếu. Đang bịnh mệt nhưng chị hỏi thăm tôi không thiếu một chi tiết nào về gia đình, công việc. Nguyễn Hồ hiểu bệnh tình vợ nên nhỏ nhẹ, thôi em nghỉ đi cho tụi nó nhậu rồi lại khẽ khàng đẩy xe lăn vào. Sau này khi chị lành bệnh mỗi lần gặp ở căn nhà mới khang trang trong một hẻm lớn ở khu phố trung tâm, tôi nhận thấy sự tinh tế chăm sóc vợ của anh, dù vì đặc thù nghề nghiệp làm phim - làm báo, họ có rất ít thời gian bên nhau.

Năm 2016, chị Hiền phát bệnh rồi mất, tôi không vào dự đám tang được. Đúng dịp 49 ngày, tôi hẹn anh đến thắp hương cho chị. Thú thật nhìn người đàn ông to béo, chậm chạp vì tuổi tác leo từng bậc cầu thang đến lầu thượng nơi đặt bàn thờ, thấy anh chăm chút nhẹ nhàng bày biện hoa quả, tay run run thắp hương, tôi không nén nổi xúc động. Anh nói lầm rầm, “thằng Tiến nó vào thắp hương cho em nè Hiền”... Tôi đã phải quay mặt để tránh cho anh nhìn thấy những giọt nước mắt ân hận, khi những ngày sau cùng của chị, tôi không thể một lần bay vào thăm hỏi.

Nguyễn Hồ đông bạn. Khi còn là quan chức chẳng kể, lúc đã về hưu năm 2003 thì cái sự hội ngộ mà Nguyễn Hồ làm chủ xị vẫn diễn ra thường xuyên. Anh hay gầy độ nhậu tại nhà. Mỗi lần như thế là một lần bạn bè tụ họp đông đủ. Tôi gặp ở nhà Nguyễn Hồ nhiều tài năng đất Sài Gòn và Hà Nội, từ nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Ngô Thảo, đạo diễn Trịnh Lê Văn đến những nhà báo đình đám cỡ Tâm Chánh, Võ Đắc Danh...

Viết về Nguyễn Hồ sẽ có người thắc mắc tại sao tôi lại chỉ viết về những sinh hoạt bình thường kia. Xin thưa điều đó không hề bình thường. Bởi đó là phẩm chất của một nhân cách lớn mà tôi coi trọng còn hơn cả tài năng. Anh quý trọng đồng nghiệp, anh em bạn bè, cơ quan.

Nguyễn Hồ, ở góc độ tác giả có những thành tựu về truyện ngắn và tiểu thuyết. “Ông Năm cải tạo”, “Tám chữ O tròn”, “Chim phóng sinh” là những tập truyện ngắn, tiểu thuyết khẳng định bút pháp của một nhà văn Nam Bộ. Tôi đặc biệt thích những truyện ngắn giản dị nhưng thấm đẫm tình người mảnh đất phương Nam của anh. Truyện của Nguyễn Hồ nghiêng về kể, với lối viết tỉ mẩn miêu tả chi tiết rất đặc sắc con người và đời sống Nam Bộ theo cách riêng. Anh là số ít trong các biên kịch có tên trong Hội nhà văn Việt Nam. Nhưng thành tựu lớn nhất của Nguyễn Hồ là ở mảng phim truyện và phim tài liệu. Kịch bản “Lưỡi dao’ của anh về chiến tranh do đạo diễn Lê Hoàng thực hiện là một phim điện ảnh hay, tạo dấu ấn qua thời gian. Đáng kể nhất ở Nguyễn Hồ là những phim tài liệu, phóng sự do anh trực tiếp chấp bút và chỉ đạo thực hiện. Thế mạnh này cũng chỉ có đài HTV thực hiện được.

Nguyễn Hồ, trong cương vị giám đốc TSF được thừa hưởng kinh nghiệm từ người tiền nhiệm, đạo diễn tài năng Phạm Khắc đã cho ra đời nhiều vệt phim mang tính mở lối cho phim truyền hình. Một “Đất phương Nam” không chỉ thành công trong nước, khẳng định vị thế của phim truyện truyền hình mà còn gây tiếng vang ở nước ngoài khi sản xuất đĩa DVD phát hành ngoài biên giới. Khó có thể quên phim tài liệu dài tập “Mê Kông ký sự”, “Ký sự Tân Đảo”... Ngay cả khi rời TSF, Nguyễn Hồ trong vai trò cố vấn của BHD là một công ty truyền thông mạnh, vẫn tiếp tục khai thác những đề tài khó và có ý nghĩa với đời sống và lịch sử. “Đi tìm dấu tích ba vua” là những tìm tòi nghề nghiệp hiếm có. Đề tài lịch sử được Nguyễn Hồ đau đáu bỏ công sức khai thác. Anh muốn viết về những vị vua của đất nước có sự trắc ẩn với lịch sử. Để làm được những gì Nguyễn Hồ tâm đắc, tôi biết anh đã gặp vô vàn khó khăn trở ngại. Nhiều dự định của anh sau “Ngọn nến hoàng cung” như chủ trương sản xuất phim truyện về vua Thành Thái, Hàm Nghi và Duy Tân đều chưa thành. Lý do kinh phí và tính xác thực tư liệu lịch sử đã buộc Nguyễn Hồ phải chuyển sang làm tài liệu với những luận cứ đánh giá mở để khai thác thêm tư liệu về ba vị vua triều Nguyễn này.

Nguyễn Hồ là thế. Tuổi cao, cô đơn vì người vợ yêu quý ra đi sớm nhưng vẫn đau đáu với nghệ thuật. Với anh em, bạn bè đồng nghiệp vẫn là một Nguyễn Hồ nặng lòng đầy nghĩa tình. Mới đây anh nhắn cho tôi, vẫn còn một chai rượu quý dành phần Tiến đấy. Tôi không trả lời tin nhắn ấy vì biết, chai rượu đó anh đặt trên bàn thờ vợ. Hôm 49 ngày, anh đã chỉ vào nó, “em hạ xuống uống đi để nhớ chị”. Tôi không nỡ uống, đúng hơn là không thể uống.

Ngôi nhà của anh chị tôi từng nghỉ lại nhiều lần giờ đã như một dấu tích kỷ niệm của tôi. Mãi tôi không thể quên dáng đi nặng nhọc chậm chạp của anh trên từng bậc cầu thang hôm anh dẫn tôi lên tầng thượng thắp hương cho chị Minh Hiền.

Nguyễn Hồ, “ông cá hô” của riêng tôi! Mong anh thật khỏe để tiếp tục làm nốt những gì còn ấp ủ.