Ơ kìa Hà Nội - Một mảnh hồn đô thị

Tôi xa Hà Nội đã năm tháng. Nơi tôi đang sống có nhiều nét giống Hà Nội: nhiều xe máy, ồn ào, thói quen ăn quà vỉa hè... Quán xá ở đây có mặt bằng nhìn chung đa dạng, từ rất bé ở khu Chinatown đến rộng rãi ở khu phố nhiều văn phòng. Cũng có những quán cà-phê có sân vườn. Chúng làm tôi nhớ đến Hà Nội. Hoặc có thể cũng không hẳn là nhớ, mà vì thấy dễ chịu khi bản thân mình được thoải mái trong không khí khiến mình như thuộc về nơi đó. Ai cũng có một vùng an toàn (comfort zone), và khi ở Hà Nội, Ơ Kìa Hà Nội là một địa điểm như vậy.

Ơ kìa Hà Nội - Một mảnh hồn đô thị
Ơ kìa Hà Nội - Một mảnh hồn đô thị ảnh 1

Ảnh trong bài: Không gian nghệ thuật tại Ơ kìa Hà Nội.

Tôi vẫn nghĩ mỗi người có một cái mã riêng trong họ. Có người thích không gian thẳng thớm, vuông thành sắc cạnh. Có người thích sự um tùm của tự nhiên. Thoạt đầu tôi nghĩ nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là một người tùy hứng, thích thì làm bằng được, nhưng cũng chóng chán. Khi Điệp cứ rủ tôi không biết bao lần tham gia những dự án của cô. Ban đầu tôi không sẵn sàng lắm. Tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc với các cá tính nữ ham việc. Họ có thể là những người chị, người em gái rất đáng mến trong quan hệ bè bạn, nhưng những người tôi làm việc cùng thường quá nghiện việc, hoặc sự tổ chức của họ quá mức chi tiết đến gây mệt cho người cộng tác. Điệp rủ tôi đến quán đầu tiên của cô, Úi Chà Trà ở phố Lê Ngọc Hân, nhờ tôi thiết kế cái mẫu bảng biển. Cô không dùng mẫu của tôi, nhưng có lẽ thế lại tốt vì cô cũng làm được việc khiến mọi người khẽ kêu, “úi chà” như tên quán. Ý tưởng của chủ quán không mới, nhưng sự chăm chút của cô khiến mọi người thích thú.

Úi Chà Trà là tầng hai của một ngôi nhà Hà Nội cũ điển hình, giống một phòng khách trung lưu thời xưa, một salon nho nhỏ để một nhóm bạn chia sẻ những thú vui văn nghệ của đô thị. Hà Nội ngày xưa từng có những salon nghệ thuật mà các nữ chủ nhân kêu gọi được các mạnh thường quân hỗ trợ cho các hoạt động, hay tụ hội người tài. Nhưng Úi Chà Trà mới ấm chỗ được chưa đầy năm đã phải chuyển địa điểm... Sự cố này hóa ra lại là một dịp để Nguyễn Hoàng Điệp trổ tài biến một không gian khác, rộng hơn, thú vị hơn, và cũng giới thiệu một Hà Nội khác, ở ven đô, một Hà Nội yên tĩnh chưa bị cơn cuồng phong của thời bùng nổ xây dựng đô thị trong thế kỷ mới này càn quét qua. Thế là lại có Ơ Kìa Hà Nội ở phố Hoàng Hoa Thám, gần chợ Bưởi. Ơ Kìa Hà Nội có bóng tre ngà, có cây mít, cây hồng bì, có mảnh sân gạch, có cái cổng sắt bình dị, có ngôi nhà hai tầng màu trắng đơn giản như nhà của một Hà Nội thời cuối bao cấp bước sang đổi mới, khi mọi sự về vật chất hãy còn khiêm nhường.

Lúc Ơ Kìa Hà Nội ra đời, chắc chủ quán có nhiều dự định ấp ủ. Để bắt đầu thì cần một hoạt động gì đó. Khi đó là dịp Tết Âm lịch Mậu Tuất năm ngoái. Tôi có một khoảng thời gian trống giữa những tháng ngày bận bù đầu và căng thẳng đầu óc. Tôi quay lại vẽ. Điệp bảo tôi mang tranh ra Ơ Kìa treo làm một trưng bày nho nhỏ. Tôi khá phấn khích với ý tưởng ấy, nhưng rồi nhanh chóng căng thẳng vì các bức tranh đều là mầu goauche, một chất liệu vốn ít người theo đuổi, và nhiều khi được coi như chất liệu để phác thảo tìm bố cục cho những bức sơn dầu cỡ lớn.

Người khích lệ tôi nhiều nhất chính là Điệp. Không gian Ơ Kìa Hà Nội quả rất hợp để treo những bức tranh phong cảnh Hà Nội, những góc hơi cũ kỹ, bình an của không gian chưa bị bóng nhà cao tầng khuất lấp. Những bức tranh như một phép thử cho chính tôi và cả Ơ Kìa Hà Nội nữa, vì nếu coi như một gallery thì đây chưa đủ điều kiện, nhưng hai bên có một sự gắn bó hợp lý (theo ý tôi) để bộc lộ một tinh thần Hà Nội thời “ơ kìa” như kiểu nói của Điệp. Nghĩ là vẽ tranh giải sầu, ấy vậy mà tôi cũng bán được một số bức. Ai cũng trầm trồ thán phục tài làm “bầu” của chủ quán. Nhiều hoạt động liên tiếp diễn ra ở địa điểm có vẻ bất lợi về khoảng cách so với Bờ Hồ và sâu trong ngõ, trong đó món chủ lực của nơi này chính là OKIA Cinema với cái nickname “rạp chiếu phim nhỏ nhất thế gian”. Dĩ nhiên, phim ảnh là nghề chuyên môn của Nguyễn Hoàng Điệp, nên việc chiếu phim là chuyện không có gì phức tạp. Xem những bộ phim không được chiếu ở rạp thương mại, những bộ phim phong cách tác giả, và quan trọng là dự những trao đổi về những bộ phim ấy qua sự dẫn dắt của nữ đạo diễn kiêm chủ rạp.

Trong năm ngoái, tôi dồn sức vào hoàn thành cuốn sách du khảo “Một thời Hà Nội hát” của mình, với câu chuyện trung tâm là những huyền thoại chung quanh cuộc đời sáng tạo và tình cảm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Khi nghe tôi kể về những câu chuyện đó lúc sách chưa hoàn thành, Điệp đã nảy ra ý tưởng làm đêm nhạc ở Ơ Kìa Hà Nội. Số là trước đó, tôi đã được lôi vào làm người dẫn chuyện một đêm nhạc lãng mạn kết hợp chiếu bộ phim ngắn “Mùa thứ 5” của Điệp làm hồi nhiều năm trước, trước khi có “Đập cánh giữa không trung”, bộ phim làm nên tên tuổi Điệp. Dường như sự cuốn hút của hoạt động này khiến cả nhóm hứng khởi với ý tưởng một đêm Đoàn Chuẩn ở đây. Nhưng rồi việc tập hợp người hát (cũng toàn là ca sĩ bạn bè), ban nhạc cho đến tránh World Cup, tránh mùa mưa, tránh đủ thứ... đêm nhạc vẫn lơ lửng chờ vài tháng, cho đến khi cuốn sách của tôi cũng ra đời, trở thành một động lực thực tế để có sự kiện kết hợp. Từ một dự định nho nhỏ, sự kiện đã trở thành to chuyện khi Điệp làm hai đêm, một ở rạp Đại Đồng, nơi mà 64 năm trước là sở hữu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, và đêm còn lại dĩ nhiên ở Ơ Kìa Hà Nội.

Ơ kìa Hà Nội - Một mảnh hồn đô thị ảnh 2

Trong đêm nhạc ở Ơ Kìa Hà Nội, trời lặng gió để các bạn ca sĩ Trí Trung, Hoàng Lân cất giọng hát, để danh cầm Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thể hiện ngón đàn guitar Hawaii của mình, để Điệp giúp tôi tiết lộ vài thông tin từ cuốn sách du khảo của mình, để những thước phim tư liệu về các nàng thơ của Đoàn Chuẩn được công bố. Những cây cối trong vườn nhè nhẹ trút lá như gợi niềm “rơi xuống âm thầm trên đất xưa” của những Gửi gió cho mây ngàn bay, Thu quyến rũ, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá... Những bản tình ca nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam đêm cuối năm làm số lượng khách đông kín sân của Ơ Kìa xúc động.

Đêm cuối năm, Điệp gọi những người bạn ở lại sau cùng ra bếp lửa (vốn để nướng ngô!), rủ thả những bản nhạc màu xanh được treo trang trí trong đêm nhạc vào đấy. Cả hội ngâm nga câu hát của bài Lá thư của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, rờn rợn liêu trai trong đêm tịch mịch: “Anh quay về đốt tờ thư, quên đi niềm ân ái ngàn xưa. Ái ân theo tháng năm tàn, ái ân theo tháng năm vàng. Tình người nghệ sĩ phai rồi...” Nhưng cũng Đoàn Chuẩn đã viết, “có màu nào không phai” và “có tình nào không phai”, ấy là màu xanh sáng tạo, ấy là tình nghệ sĩ. Những mối tình đi qua cuộc đời ông chỉ tồn tại thực tế dăm ba năm, nhưng rồi để lại vết thương lòng trọn đời, và đời ông cũng chỉ ý nghĩa khi sống với những mối tình ấy. Cái không chủ đích đã thành một cái đích: “Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (trích trong ca khúc Một gói nho khô, một cánh pensée viết năm 1988 của Đoàn Chuẩn - Từ Linh).

Còn Điệp, Ơ Kìa Hà Nội chắc rồi sẽ là lịch sử trong cuộc đời lâu dài về sau, cuộc đời sẽ còn đánh dấu bởi những bộ phim, những dự án khổng lồ khác, những đêm nhạc, những buổi trình chiếu khác... Nhưng hôm nay, nó đang là một phần hồn đô thị, nó nhỏ bé nhưng có sự mê luyến riêng, giống như những bài hát lãng mạn riêng tư chỉ viết cho những nàng thơ để chịu số phận bị xé khi người yêu từ chối thừa nhận, đã thành tình yêu chung của biết bao người.