Mộng Bích vẽ như là sống

Một trong những sự kiện hội họa gây chú ý nhất của năm 2020 này chắc chắn là triển lãm cá nhân của họa sĩ Mộng Bích, tiêu đề Đi giữa hai thế kỷ. Triển lãm trưng bày 30 bức tranh lụa và bột mầu, ký họa của bà, được hoàn thành rải rác qua nhiều thập kỷ, cho thấy hành trình sáng tác nghệ thuật bền bỉ của một họa sĩ tuy nhẫn nại gồng gánh trên vai đủ các trách nhiệm xã hội và gia đình nặng nhọc nhưng vẫn dành cho nghệ thuật một tình cảm thuần khiết, tươi đẹp.

Tác phẩm “Niềm vui” (Lụa, 130x93cm, 2000).
Tác phẩm “Niềm vui” (Lụa, 130x93cm, 2000).

Nhiều năm tháng cho một bức tranh
 
 Họa sĩ Mộng Bích vẽ rất ít tranh và chỉ vẽ tranh lụa. Một vài năm trở lại đây, do sức khỏe ở tuổi gần 90 đã giảm sút nhiều, bà càng vẽ ít, hầu như không có lụa nữa, mà là mầu nước trên giấy. Nhưng ký họa với chì, chì than thì bà vẫn miệt mài làm.

Mộng Bích vẽ như là sống -0
 Dù tuổi cao, họa sĩ Mộng Bích vẫn đam mê vẽ.

 Dầu vậy, số lượng tranh không phải là điều mà bà quan tâm. Để có một bức tranh lụa hoàn chỉnh theo tâm ý, là cả một quá trình dài đối với bà. Đầu tiên là ký họa. Bà chỉ ký họa những gì mà ngay khi nhìn thấy, chúng khiến bà phải xao động, phải ồ lên “Đẹp quá!”. Có bức ký họa được vẽ chớp nhoáng trên đường đi, như cảnh cô bé người Chăm đứng bên cây trong ráng đỏ hoàng hôn (Một chiều ở vùng Chăm, chì trên giấy, 33x49cm, 1987). Lúc đó, bà đang vội đi thu xếp một số công việc trước khi về Hà Nội, mà thấy cảnh đẹp quá, không đừng được, bà chạy lại bảo cô bé đứng yên như vậy giúp bà một lát, bà vẽ thật nhanh, “vẽ mà nước mắt cứ chảy ra, rất xúc động trước cảnh đẹp ấy”. Cũng lại có những nhân vật mà bà ký họa rất kỹ lưỡng và có thể ký họa nhiều bức khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau với cùng một nhân vật. Cũng có thể gọi đây là một cách nghiên cứu nhân vật nhưng thực tế, bà trung thực với cảm xúc của mình trước nhân vật thì đúng hơn, và nương theo hoàn cảnh của nhân vật và tình huống thực tế để vẽ, cho đến khi cảm thấy đủ, an tâm về hình ảnh của họ.
 
 Bức Bà già (mầu nước trên lụa, 64x47,5cm, 1993) được dựng lên từ nhiều ký họa về một bà lão nông thôn Thanh Hóa, ra Hà Nội tìm kế sinh nhai, hồi đầu thập niên 1990. Bà Bích đã có cơ duyên gặp gỡ và chia sẻ cuộc sống khó nhọc với nhân vật của mình. Bà đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh sống của nhân vật, nhờ những năm tháng dài đi tản cư rồi tham gia các đoàn công tác của cơ quan nhà nước về vùng nông thôn trung du, miền núi, và phần nào nữa cùng nhờ vào hoàn cảnh sống vất vả của riêng bà. Những nét miêu tả cẩn thận, chân thực về đôi bàn chân, bàn tay, những nếp nhăn chằng chịt trên gương mặt, khóe mắt nhân vật được thể hiện đầy truyền cảm từ trên bản ký họa tới bản tranh lụa. Bà Bích sử dụng bút pháp hiện thực và trung thực với cảm xúc của mình. Để làm nổi bật một chi tiết nào đó, bà Bích không ngần ngại tỉ mẩn với từng nét mầu mảnh mai nhất, li ti như tơ non. Bà cũng cân nhắc lựa chọn các chi tiết, “thêm cái nọ, bớt cái kia so với bản ký họa ban đầu” để bức tranh đạt tới một hiệu quả thẩm mỹ. Bức tranh Bà già đúng là vẽ về một nhân vật cụ thể, như ghi chú của bà về nhân vật có trên các bản ký họa, nhưng đồng thời cũng làm hiện lên chân dung của nhiều bà lão thôn quê Việt Nam, khắc khổ, ẩn nhẫn, chịu đựng, hiền hòa... Bức tranh lụa này được trao giải nhất - giải thưởng hằng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993. Đây cũng là năm đầu tiên, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mô hình giải thưởng này.
 
 Một phẩm chất nghệ sĩ đáng kính 
 
 Trong thập niên 1960, bà Bích được phân công công tác lên vùng Thái Nguyên, ở với đồng bào Dao sơn đầu. Còn chút thời gian nào sau khi thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, bà Bích lại tranh thủ đi ký họa ở quanh bản làng của đồng bào. Có khi nhìn thấy cảnh mẹ con chơi đùa với nhau đẹp quá, dáng vẻ của hai mẹ con đều rất lạ, bà chưa từng nhìn thấy ở đâu, trong sách, trong đời hay qua bất kỳ hình ảnh sáng tác nào bà từng xem, bà lại tranh thủ ghi chép nhanh mà cẩn thận. Hay cảnh băm rau, nấu cám cho lợn ăn, xay lúa, tưởng là đơn giản thế thôi xong bà vẫn thấy cần phải ký họa sao cho chân thực, đúng như trong thực tế, từ động tác và dáng vẻ của nhân vật, đến hình thù của mọi sự vật chung quanh. Những ký họa ấy, gần 40 năm sau mới được chọn lọc và thể hiện trên bức tranh lụa Niềm vui (130x93cm, 2000). Bên phải tranh bao trùm cảnh đàn lợn con đang quây quần bú sữa mẹ, con lợn nái to béo, nằm thư thái, choán cả gần nửa bề mặt tranh. Bên trái, như để tạo sự cân bằng về bố cục, là cảnh người mẹ đang băm rau, hơi ngoái cổ lại về phía đàn lợn, mỉm cười, chú bé con trên lưng mẹ, nghển cổ lên, gương mặt tươi rói. Chếch sau lưng hai mẹ con là bếp lửa hồng với chảo lớn thức ăn nấu cho đàn lợn. Bức tranh là một sự ngưng đọng lại khoảnh khắc vui vẻ của cả hai mẹ con, cho thấy một cuộc sống bình ổn, ấm áp của họ. Khung cảnh phía sau bức tranh, từng chi tiết đồ vật tuy giản dị, mộc mạc, nhưng đều được vẽ chau chuốt, cẩn trọng, gam mầu hòa sẫm lại, quyện giữa xanh chàm, nâu, đen, hồng của ảnh lửa, làm nổi bật lên hình ảnh sáng rỡ của gương mặt bé con và đàn lợn phía trước trong tông mầu hồng, trắng, đỏ. Giữa các nhóm nhân vật và sự vật trên tranh đều có sự giao đãi với nhau, tạo nên một khung cảnh đầm ấm... Bức tranh được trao giải khuyến khích, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000.
 
 Như bà bảo, tất cả hình ảnh trên tranh của bà đều là từ thực tế, chưa có gì là do bà tự nghĩ ra. Có chăng, chỉ là sự truyền cảm và sắp xếp lại chi tiết, bố cục sao cho thành ra một bức tranh chuẩn mực. Nhưng với nghệ thuật hội họa, ký họa thực tế chỉ là một phần, tuy có thể là một phần quan trọng, trong quá trình xây dựng tác phẩm. Phần lớn quyết định chất lượng nghệ thuật chính là từ cảm quan tri thức của người vẽ, từ quan niệm của người vẽ về con đường nghệ thuật của mình. Bà Bích trung thực với cảm xúc sáng tác của cá nhân nên trong hội họa của bà, chỉ xuất hiện những nhân vật hay sự vật khiến cho tâm hồn bà thật sự rung cảm. Đó lại chính là những gì hiện hữu trong đời sống thường nhật của một phụ nữ bận mọn, vất vả với cuộc sống riêng của mình. Những nhân vật, sự vật đời thường dung dị, những câu chuyện hằng ngày quen thuộc được miêu tả trọn vẹn trên tranh lụa, tranh mầu nước, theo bút pháp hiện thực, tưởng không có gì quá phức tạp. Nhưng nếu soi chiếu hành trình hội họa thuần nhất và ổn định ấy qua lăng kính lịch sử thăng trầm của xã hội Việt Nam từ thập niên 1960 cho đến nay, mới thấy phẩm chất nghệ sĩ đáng kính ở tác giả của chúng.
 
 Có thể nói, họa sĩ Mộng Bích đã và đang vẽ như là sống, nghệ thuật của bà phản chiếu một cách chân thực cuộc đời của bà, một người tận tâm và tinh tế với tất cả mọi sự chung quanh mình; bởi vậy tuy ở đây, giữa cuộc đời thường nhật với đủ vui buồn, vất vả, cơ cực, bà vẫn nhận ra được cái đẹp và nâng niu chúng bằng và thông qua hội họa. 
 
 

 Triển lãm Đi giữa hai thế kỷ là triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời họa sĩ Mộng Bích (tên đầy đủ: Nguyễn Thị Mộng Bích, sinh năm 1931 ở Hà Nội), do Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức, từ ngày 22-10 đến 22-11-2020 và kéo dài thêm một tháng, do nhận được sự quan tâm lớn của công chúng.
 
 Họa sĩ Mộng Bích có sáu bức tranh lụa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, trong đó phải kể tới bức Chân dung Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, giải khuyến khích, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995 và bức Ông già Chăm, sáng tác năm 1987.
 
 Bà là một trong 13 họa sĩ, nhà điêu khắc được Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021.