Văn hóa cuộc sống

Khi người ta có bệnh

Khoảng dăm năm lại đây, một trào lưu mới đã xuất hiện ở Việt Nam, đó là kết hợp chữa bệnh với nghỉ dưỡng tại ngay quốc nội.
Minh họa: PHẠM HÀ HẢI
Minh họa: PHẠM HÀ HẢI

Tất nhiên trước đấy, hầu như dịch vụ này chỉ là đưa người Việt ra quốc ngoại, đặc biệt là những quốc gia lân bang hàng xóm kiểu như Thái-lan hay Singapore. Theo những thống kê chính thức thì con số này đã lên tới cả vạn. Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc ấy cho biết, số tiền chi ra mỗi năm của người bệnh Việt Nam ở nước ngoài là khoảng hai tỷ USD. Vấn đề không quá khó hiểu, bởi thành ngữ Việt từng bảo, “có bệnh thì vái tứ phương”. Rồi cũng có thể y tế ở các nước này đã đôi chút thành tựu, đó là chưa kể công việc quảng bá của họ làm cực kỳ tốt. Nhưng có điều, không phải bất cứ ai xuất ngoại chữa bệnh cũng dư dật, vì không ít người Việt phải tần tảo gom góp từng món tiết kiệm cả đời để lo lúc mình trái gió trở giời.

Thế nhưng muốn nói gì thì nói, đa phần những người dám ra nước ngoài chữa bệnh, chưa kể kết hợp đi du lịch thì đều kha khá đủ tiền. Trong tiếng Việt, để chỉ sự dư dật về kinh tế, đôi khi có cả sự sâu lắng của tinh thần thì người ta hay sử dụng cặp từ “Giàu-Sang”. Giàu nôm na là đủ ăn đủ mặc, nhưng trong sâu xa nội hàm, phần vật chất vẫn là chủ yếu. Sang tinh tế hơn, cũng vẫn là thao tác Ăn-Mặc đấy thôi, nhưng nó đã tới cái tầm “ngon và đẹp”, đẫm đầy những nét long lanh của văn hóa. Người thật sự tử tế giàu, đương nhiên phải là người sang. Và phẩm chất tích cực nhất ở kẻ sang là sự ung dung thanh thản an nhiên lương thiện khi đối diện với những biến cố đại sự, ví như tuổi già hay bệnh tật chẳng hạn. Có lẽ vì thế nên những người mẹ hay người vợ thị thành biết sắc sảo buôn bán thường khuyên con hoặc chồng, làm thế nào để đổi ba bát gạo hẩm thành một bát gạo tám thơm. Chỉ cắm cúi gom góp cho thật nhiều tiền nhiều của thì cuối cùng vẫn là giàu “gạo hẩm”, một thứ trọc phú còn xa mới đạt đến tầm sang trọng. Hà Nội sau thời kỳ đổi mới, may mắn thay đã có quá nhiều người giàu. Vậy mà hơn hai chục năm rồi, số kẻ sang vẫn vô cùng hiếm. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi cái công án “trưởng giả học làm sang” muôn đời vẫn là bi hài kịch cho mọi đô thị đang phát triển ở cả Đông và Tây.

Và nôm na cũng giống như tên một bộ phim truyền hình đã từng thời thượng - “Người giàu cũng khóc”, tất cả các “trưởng giả” rồi cũng phải đổ bệnh. Nhìn cách một số người trong bọn họ cư xử với bệnh tật mới thấy thật hoang mang. Hoảng hốt bồn chồn cuống quýt lo lắng. Họ giục con giục vợ, lục lọi mọi quan hệ thân sơ, bỏ công bỏ của cầu kiếm danh y danh dược. Bình nhật cậy khỏe thì tham ăn tham uống, khoái khẩu nuốt hết đủ loài biết bay biết đi biết bơi. Giờ đây mới có chút bệnh thì loay hoay kiêng tanh kiêng mỡ, thậm chí ứa nước mắt nghẹn ngào nhai vã đồ chay, nhấp nhổm ngồi luyện yoga khí công thiền định. Chao ôi, ca dao Việt từng cảm thán, “lúc thường nén hương chẳng mất. Khi cần ôm Phật mà kêu”. Nghệ thuật gìn giữ sức khỏe, lớn thì như phép dưỡng sinh, nhỏ thì như chuyện vệ sinh, đâu phải hấp tấp chỉ trong một sáng một chiều mà mong có thành tựu. Điển cố ngành Y có kể. Khi vua hỏi thần y khét tiếng Biển Thước là có ai còn giỏi hơn ông không, Biển lão trả lời: “Y thuật của anh cả thần là nhất, vì anh ta chỉ phòng bệnh, chuyên chữa những bệnh chưa xảy ra nên không ai biết anh ta cả. Anh hai giỏi thứ nhì thì có tiếng hơn, nhưng cũng chỉ mang tiếng là thầy lang vặt, vì chuyên chữa những bệnh mới có triệu chứng. Còn thần kém nhất, bởi lừng danh thiên hạ là cải tử hoàn sinh”.

Đương nhiên bệnh tật thì chẳng chừa ai, bất kể giàu hay nghèo, bởi đơn giản nó là quy luật căn bản của Mẹ Tự Nhiên. Hơn hai nghìn năm trăm năm trước, trong vô số lần từ bi giảng thuyết, Đức Phật vĩ đại đã mặc định có bốn nỗi khổ lớn mà bất cứ ai cũng phải trải nghiệm. Đó là Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chuyện sống chết thì nhiều người gật gù tỏ vẻ thông hiểu chấp nhận, nhưng còn tuổi già hay sự đau yếu thì quá đông người vô minh thì vẫn nghĩ rằng mình có thể tránh được, hoặc nhỡ có mắc thì vẫn tìm cách nhẹ nhàng qua khỏi. Nhất là những người đấy lại vừa nhiều tiền lẫn nhiều quyền. Không phải ngẫu nhiên mà sử sách chép chuyện Tần Thủy Hoàng như một bài học răn dạy. Tần Vương bạo chúa lúc cuối đời mắc nhiều bệnh, ông ta khát khao trường sinh bất tử đến mức, không biết bao nhiêu lần bị các phương sĩ lang băm lừa bịp. Bọn này bịa chuyện, ở Biển Đông có ba hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trên đấy có nhan nhản đủ loại thần tiên biệt dược quý hiếm, nếu uống vào thì không những khỏi bệnh mà còn thọ ngang trời đất. Tần Thủy Hoàng đáng kể là một đàn ông thông minh kiệt xuất, nhưng khi phải đương đầu đối diện với “tứ đại khổ” bỗng đột ngột u mê lẫn lộn. Ông ta đã xa xỉ tiêu phí vàng bạc đóng nhiều hạm thuyền để hão huyền đi tìm tiên dược, rồi thê thảm chết ở cái tuổi đáng ra minh mẫn 49 lẫn trong đám cá thối. Có một lưu ý nhỏ là ở thời điểm đấy, đạo Phật chưa được truyền vào Trung Hoa.

Có phải vậy chăng mà những thiền sư ái quốc của người Việt, lúc phải đối diện với bệnh tật thì đều ung dung tự tại. Đơn cử như Mãn Giác thiền sư (1052-1096), khi “có bệnh bảo mọi người”... Trước mắt việc đi mãi. Trên đầu già đến rồi. Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai. (Cáo tật thị chúng - bản dùng trong sách giáo khoa dạy phổ thông). Ở bài kệ này, nỗi khổ bệnh tật đã được vị cao tăng thời Lý thanh thản giải thoát. Bởi trong Y điển của cả đông lẫn tây, tuy có vô số cách định nghĩa về tật bệnh nhưng rốt ráo cuối cùng thì tất thẩy đều đồng ý, đó là tình trạng bất hạnh khi con người ta mất cân bằng hoặc ở vô hình tâm trí hoặc ở hữu hình cơ thể. Người thoát được bệnh thường biết cách phúc hậu yêu đời nhân hậu thiện lương, thăng bằng vị tha trong mọi cư xử. Bệnh đâu phải cứ là đau đầu đau chân, nhiều khi nó nằm ngay trong những sinh hoạt lệch lạc của thường nhật. Có vẻ đáng yêu thì như bệnh tương tư ở những người trẻ đang đắm đuối ái tình. Có vẻ đáng ghét thì như bệnh quan liêu tham nhũng lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã minh bạch chỉ rõ.

Nền y học dân tộc ở ta đã có truyền thống từ lâu đời. Những thầy thuốc tài cao đức trọng thì hầu như thời nào cũng có. Cụ Tuệ Tĩnh, cụ Lãn Ông đã tới cảnh giới thần y. Còn các danh y đương đại thì tiêu biểu có giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Việc càng ngày càng có nhiều người nước ngoài dư dật đến Việt Nam chữa bệnh cũng là chuyện không quá ngạc nhiên. Ở khía cạnh thuần túy du lịch, có thể coi đây là một tín hiệu mừng.