Hồi ức của người thầy nặng lòng với văn chương

(Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật của Hà Minh Đức; Nxb Văn học)

Tôi có hứng thú đặc biệt khi được tiếp xúc với những trang hồi ký, tự truyện của các nhân vật tiêu biểu, có vị trí nhất định trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hồi ức của người thầy nặng lòng với văn chương

Cuốn hồi ký với tiêu đề Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật đã ghi lại những câu chuyện giàu ý nghĩa, những kỷ niệm thú vị và những sự việc đáng nhớ trong cuộc đời của GS Hà Minh Đức. Những câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ cá nhân nhưng luôn gắn với những vấn đề quan trọng của giáo dục đào tạo - một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, do đó cuốn sách dễ tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc.

Cuốn sách được chia thành chín chương, mỗi phần viết tập trung vào một chủ đề riêng, gắn với cuộc đời và sự nghiệp của GS Hà Minh Đức. Những dòng hồi ức chân thật, thấm đẫm cảm xúc, gắn liền với tuổi thơ của một cậu bé nhà quê chăm lao động, quen thuộc với công việc nhà nông, đã đưa người đọc ngược dòng thời gian, đến với vùng quê bán sơn địa nằm bên bờ sông Mã của tỉnh Thanh Hóa. Con đường từ cậu học trò trường làng trở thành sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở thành Giáo sư, chuyên gia đầu ngành của GS Hà Minh Đức là một hành trình không ngừng học hỏi và phấn đấu.

Phần viết về Nghề thầy xoay quanh các vấn đề thú vị của khoa Ngữ văn và khoa Báo chí. Trong đó, nổi bật một số câu chuyện về vai trò người thầy có hàng chục năm đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều thế hệ học trò - giữ vị trí nòng cốt trong làng văn chương, báo chí nước nhà. Vốn là một người thầy nên những kỷ niệm về những người thầy đáng kính và các thế hệ học trò tiêu biểu của GS Hà Minh Đức khá sâu đậm. Giáo sư đã dành cho lĩnh vực này biết bao điều tâm huyết và những bài học kinh nghiệm thực tế, bổ ích. Những trang sách về Viện Văn học và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã cung cấp nhiều thông tin lý thú và bổ ích về các hoạt động và sự phát triển của hai cơ quan chuyên môn này, đồng thời cho thấy những đóng góp của vị Giáo sư luôn đồng hành, sát cánh với sự nghiệp nghiên cứu lý luận phê bình và văn chương nghệ thuật của đất nước.

Trong tập sách này, tôi có ấn tượng khá thú vị với chương viết Những cuốn sách ở tuổi bảy mươi. Ở đây, kinh nghiệm và kiến thức của một đời lao động không ngừng nghỉ đã được trình làng bằng hàng chục đầu sách cụ thể, có giá trị. Tác giả đã bộc bạch: “Tất cả những công trình mà tôi tiến hành ở tuổi 70 tuy dồn dập trong một số năm tháng của thập kỷ nhưng thật ra là công việc được chuẩn bị từ nhiều năm, hàng mấy chục năm về trước... Ở đây chủ yếu là sự nỗ lực của bản thân trong những năm tháng tuổi cao, quỹ thời gian không còn nhiều nên tôi đã cố gắng hết mình”. Cũng là duyên may, ông được làm quen với hầu hết những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam giai đoạn trước và sau tháng 8-1945. Thế hệ vàng của văn học Việt Nam (như cách gọi của tác giả): Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Nguyễn Tuân, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu...

Trong những buổi trò chuyện, ông ghi chép rất cẩn thận, trung thực và có lẽ nhờ tác phong làm việc cần mẫn, đầy trách nhiệm trên tinh thần nâng niu các giá trị văn chương mà ông có được lòng tin của người đối thoại, trở thành bạn của họ. Những trang viết về các nhà văn hiện đại Việt Nam lần lượt được công bố và được người đọc hào hứng đón nhận. Cách sắp xếp tư liệu, chủ đề nghiên cứu mang tính hệ thống của người nghiên cứu lành nghề đã cho phép ông, ở lứa tuổi U80, lần lượt công bố và xuất bản thành sách về một loạt các nhà văn, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng.

Tập hồi ký và tự truyện Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật in đậm dấu ấn riêng, độc đáo trong cuộc đời và sự nghiệp khoa học, giáo dục của GS Hà Minh Đức: những sự việc chi tiết được ghi nhận, tái hiện một cách chính xác, khách quan, giọng kể mực thước, điềm tĩnh nhưng không kém phần sôi nổi, hóm hỉnh, bộc lộ chủ kiến riêng mạnh mẽ. Ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng như riêng tư của một cá nhân đơn lẻ là những suy tư, trải nghiệm sâu sắc, những bài học về đạo làm thầy và sâu rộng hơn là những triết lý về lẽ đời rộng lớn. Bao trùm lên tập sách là tiếng nói tri ân sâu nặng, là tình cảm nâng niu, quý trọng những điều tốt đẹp trong văn chương, cuộc sống, từ tình cảm gia đình thủy chung, gắn bó, tinh thần làm việc say mê, đạo thầy trò cao quý đến nghĩa bạn bè đồng môn đồng tuế không phai bạc qua thời gian.

Cảm xúc chân thành, tâm huyết cùng với sự trải nghiệm và tầm nhìn khoa học nhạy bén đã làm nên giá trị và sức cuốn hút cho những trang viết của GS, NGND Hà Minh Đức.