Giải pháp " đuổi thú " cho hát Karaoke ngày Tết

1.  Khi trẻ con đã thi xong học kỳ I, trời dù phương nam cũng lành lạnh, nhà nhà dọn dẹp tất niên từ cả nửa tháng trước Tết, ta biết Tết đã đến rồi. Từ đây bắt đầu một chuỗi ngày nghỉ ngơi, bạn bè chẳng có việc gì làm sẽ kéo đến nhà nhau bày ra ăn uống… Chợt nghĩ tới cả xóm cũng nhàn hạ y như thế, ta đâm sợ.

Minh họa | Lê Trí Dũng
Minh họa | Lê Trí Dũng

Nếu ngày xưa nỗi ám ảnh lớn nhất của Tết là pháo thì bây giờ là karaoke trong xóm nhỏ. Cả hai thứ đều mang lại vui vẻ nhưng cái vui ấy chẳng thấm vào đâu so với cái phiền. Cả hai đều mang cho người ta sự thấp thỏm thường trực trong ngày Tết: bất kỳ lúc nào cũng có thể phải nghe tiếng pháo khi không muốn nghe và bất kỳ lúc nào cũng có thể phải nghe tiếng karaoke của chị hàng xóm mà đến chồng chị ấy cũng chẳng bao giờ muốn nghe.
 
 Nhưng Tết là để chơi nữa chứ đâu phải chỉ nghỉ ngơi! Người ta lại lấy mức sống ra để mà nhân nhượng và thỏa hiệp. Nào là phải thương lấy người lao động - họ được có mấy ngày chơi đâu. Người khá giả du lịch, đọc sách, xem phim; người nghèo chỉ biết lấy ca hát làm vui cho trôi hết một ngày Tết. Người khá giả nhà có phòng kín, tường dày, hát có to cũng không ai nghe thấy; người nghèo thì nhà thuê bé tí, ra hè ngồi hát tiếng phải vang vang chứ biết làm sao…
 
 Nhưng thực tế nhiều khi không phải thế. Xóm nào có những người khá giả chẳng biết làm gì ngoài hát và có những người lao động đi làm về mệt đến nỗi không còn sức đâu mà hát. Bất kể giàu nghèo, chỉ có một mẫu số chung cho những người hát karaoke là sự ích kỷ không thèm biết đến ai; và một mơ ước chung của tất cả những người phải chịu đựng karaoke là mong có một thứ gì đó thật đích đáng rơi vào những kẻ đang hát!
 
 
 
 2.
 
 Những chuyện như thế mọi người đã nói quá nhiều nhưng không bao giờ cũ, đến nỗi các bài về chủ đề này tuy đều na ná nhau nhưng vẫn khiến kẻ đồng cảnh ngộ vồ lấy đọc, thấy có người cũng cáu như mình, cũng mong chấm dứt cái “quốc nạn” karaoke như mình
 
 Qua khảo sát người ta thấy, trong các loại tiếng ồn thì loại nào có đủ ba yếu tố sau sẽ dễ sinh bực bội nhất: (1) do con người tạo ra, (2) bất ngờ, (3) vô lý. Cũng một âm thanh đó nếu là tiếng một đàn ve thì ta thấy là dễ chịu, nếu do anh hàng xóm sửa loa ta sẽ thấy bực mình. Tiếng ồn đến và đi vào một giờ cố định sẽ dễ chấp nhận hơn là tiếng ồn đến bất thình lình và không biết đến khi nào mới hết… Karaoke ngoài trời có đủ ba yếu tố của loại âm thanh đáng ghét trên, và yếu tố “vô lý” là nổi bật nhất. Nó không chỉ là ô nhiễm âm thanh mà còn là ô nhiễm quan hệ sống. Thật lạ khi đâu đâu cũng đầy những bài học về tình làng nghĩa xóm, nhưng hễ có bàn karaoke thì cả những người ngày thường dễ thương nhất cũng thành kẻ lố lăng và bất chấp, chẳng cần biết nhà ai đang có trẻ học hay có người đang ốm…
 
 Mức sống nào, giai cấp nào cũng thấy bất công trước việc kẻ khác hát karaoke. Người khá giả thấy cuộc sống đang đẹp đang vui mà như bị tay hàng xóm véo nghiến đi một mẩu. Người nghèo thấy cuộc sống thật không đáng sống, đến việc muốn nghe nhạc hay không cũng không do mình quyết được thì nói làm gì!
 
 Người ta không chết vì điếc tai mà chết vì tức. Khoa học đã thấy cả tiếng ồn lẫn sự bực bội đều làm cơ thể tiết ra cortisol - “hormone của căng thẳng”. Cortisol làm tim đập nhanh, huyết áp tăng, đường trong máu lên cao, hệ tiêu hóa và hệ sinh sản ngưng trệ. Theo một bài báo, năm 2013, người ta làm thí nghiệm với 75 người mạnh khỏe. Những người này vẫn được ngủ tại nhà họ, trên giường của họ, chỉ khác là trong lúc ngủ phải nghe một băng thu âm đủ loại tiếng ồn. Kết quả cho thấy đêm nào ồn nhất thì họ ngủ kém nhất - điều này hiển nhiên thôi, không có gì quan trọng. Quan trọng là: đêm nào nghe càng ồn thì sáng hôm sau nồng độ các hormone căng thẳng cao hơn, mạch máu có biểu hiện viêm nhiều hơn, do các hormone căng thẳng chính là những chất phá hủy mạch máu…
 
 Có người bảo, gớm, làm gì mà to tát thế, hàng xóm hát rồi hàng xóm cũng phải nghỉ, mọi thứ trong ta lại đâu vào đấy: tim đập chậm lại, huyết áp về bình thường, đường máu ổn định, ăn uống, sinh hoạt lại như thường… “Sống với cộng đồng là phải thích nghi với căng thẳng chứ!”. Nhưng khoa học đã chứng minh, khi yếu tố gây căng thẳng cứ lù lù đấy, hệt như các giọng karaoke trong xóm lúc nào cũng có thể bùng lên phá hỏng một ngày bình yên, thì não chúng ta vẫn phải thường trực “giương vi giương vẩy” mà ta không hề biết. Cả một hệ thống đáp ứng stress bị kích hoạt, toàn cơ thể như dây cung căng sẵn, cortisol cùng các stress hormone khác tiết ra chực chờ, tinh thần lẫn thể chất dần dần kiệt quệ trong khi ta vẫn nói cười, ăn uống…
 
 
 
 3.
 
 Chuyện bực bội vì tiếng karaoke đáng ra sẽ chỉ là tạm thời, không thành nỗi căng thẳng dai dẳng mãn tính, nếu như suốt mấy năm qua có hẳn một hình thức xử phạt rõ ràng và tức thì, như người không đội mũ bảo hiểm hay lái xe mà hơi thở có mùi rượu vẫn bị phạt.
 
 Thế nhưng chẳng hiểu sao chẳng cơ quan nào thực sự bắt tay vào nghĩ hộ. Giải pháp cho tới lúc này vẫn chỉ là tùy sự khôn ngoan và nín nhịn của mỗi người dân: có người lấy xe đi đâu đó, có người lấy nút nhựa mềm bịt tai, có người gọi lên phường và chẳng hy vọng gì nếu như lúc đó chưa đến mười giờ đêm. Gần như chẳng ai muốn sang gõ cửa đề nghị bật nhỏ hay ngưng hát, (báo đã đăng đầy ra những vụ ẩu đả vì nhắc nhở, thậm chí công an cũng còn bị đánh). Một đôi người ném xăng hoặc cầm dao sang nói chuyện, và thế là lỡ làng cả một cuộc đời. Chúng ta đọc những câu chuyện ấy trên báo và hỏi nhau: những người quản lý “trên cao” có đọc thấy không? Họ có thấy đây là “tệ nạn” và là một loại ô nhiễm cần phải dẹp không? Họ đã bao giờ đến sống một tuần trong một xóm nhỏ chưa?
 
 Chúng ta lại hỏi nhau: vì sao chuyện dễ phát hiện nhất, làm ảnh hưởng nhiều người nhất lại không có biện pháp xử lý nào khả dĩ? Ngành an ninh trật tự chẳng lẽ không thấy đây là nguyên nhân gây mâu thuẫn xóm làng, dẫn đến những chuyện đâm chém mất mạng? Người làm y tế chẳng lẽ không thấy tác hại của tiếng ồn, của sự mệt mỏi vì căng thẳng kinh niên do không biết bị “tra tấn” lúc nào? Người làm giáo dục chẳng lẽ không thấy trẻ con về nhà cũng còn phải học bài, ôn tập?
 
 Có lẽ họ thấy hết đấy nhưng vẫn thiếu một sự quyết liệt như cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm khỏa thân đi lại nhung nhăng. Phải chi cũng có một anh cảnh sát cơ động xuất hiện đột ngột bên một dàn loa giữa xóm và chìa ra một biên bản… Những lúc cần thấy bàn tay của chính quyền can thiệp nhất lại chẳng thấy đâu. Không có giải pháp cho một hiện tượng lồ lộ ra thế khiến cho lời than thở nào gần như cũng giống nhau: phần mô tả đầy bức xúc nhưng tới phần giải pháp thì xẹp đi như một mẩu đuôi chuột nhạt nhòa, thể hiện rõ sự bất lực và vô vọng.
 
 
 
 4.
 
 Ở đâu cũng có bất công, ngay trên mặt ta cũng thế. Người ta nhớ nhau ở mắt, mũi, miệng nhưng chẳng ai nhớ hai cái tai. Cả một thị trường đua chen phục vụ cho đôi mắt và cái miệng, đủ thứ thơm tho cốt chiều cái mũi, nhưng không có tai thì ra vẫn ăn được, vẫn đọc được và vẫn có cách giao tiếp được. Đôi tai thất thế trong hưởng thụ và trong cả chịu đựng: những lời khó nghe thường chọc thẳng vào tai; tai mà nhét bông chặn tiếng ồn ào thì thành ra… tai điếc.
 
 May thay, bảo vệ đôi tai vẫn còn bộ não. Não chỉ cần tìm được một nguyên do hợp lý cho thứ âm thanh đáng ghét là tai sẽ thấy đáng yêu ngay. Còn nhớ một Tết năm kia, đến gần khuya rồi mà nhạc vẫn còn ầm ĩ, tôi bảo với con thôi đừng tức nữa, hãy nghĩ rằng chúng ta đang sống giữa rừng sâu và rất nhiều thú dữ, các cô các chú ngoài kia đang phải thức canh và hát to để đuổi thú cho mẹ con mình…
 
 Nghĩ tới đó cả hai mẹ con khoan khoái, ngủ một giấc yên lành. Rồi hôm sau, hôm sau nữa, ngày nào cũng là liệu pháp “biết ơn các chú đuổi thú”. Mỗi lần như vậy lại thấy không vui khi các giải pháp bền vững thì không có, chỉ biết dùng những giải pháp tạm bợ giúp “biến hình” và dịu nhẹ đi thực tế để có thể vượt qua. Để rồi mỗi mùa Tết đến, trước những phiền toái của vui chơi ngày lễ, ta lại bám lấy câu nói sau của một diễn giả mà hy vọng: “Hãy yên tâm, vũ trụ này cân bằng lắm: chính cái rắc rối ta đang gặp phải cũng chỉ là dấu hiệu cho thấy rồi thể nào cũng phải có giải pháp rốt ráo đi kèm”.