Phim Việt 2021

Đường đua nghiệt ngã

“Hiện tượng phòng vé” Bố già, với 400 tỷ đồng doanh thu sau một tháng công chiếu đã mang lại một góc nhìn lạc quan về triển vọng đầy tiềm năng của thị trường điện ảnh nội địa, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid -19. Nhưng ngoài điểm sáng duy nhất in đậm dấu ấn Trấn Thành, bức tranh phim ảnh cuối 2020 đầu 2021 vẫn mang gam mầu u ám chủ đạo, với những cú sảy chân của hàng loạt chiến binh trên đường đua nghiệt ngã.

“Bố già” trở thành phim Việt đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại nhờ chất lượng nghệ thuật cao và chiến lược truyền thông bài bản.
“Bố già” trở thành phim Việt đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại nhờ chất lượng nghệ thuật cao và chiến lược truyền thông bài bản.

Từ những bộ phim “chết yểu”...

Nhân nhắc tới hiện tượng Bố già, đã lâu lắm rồi, có lẽ kể từ sau Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng, khán giả Việt mới có cơ hội ủng hộ một tác phẩm nội địa theo cách thức hào hứng và nhiệt thành đến thế. 5,3 triệu vé đã được bán ra, 400 tỷ đồng doanh thu đã được nhà sản xuất hồ hởi công bố. Một kịch bản hay hội tụ chất liệu đời sống thuần Việt đậm đặc, nghệ sĩ Trấn Thành (cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò từ biên kịch - đạo diễn - nam diễn viên chính đến tham gia vào cả khâu dựng phim - âm nhạc...) đã chuyển tải duyên dáng một câu chuyện đời thường dung chứa những thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình cha con và khiến nó chạm được tới trái tim của đông đảo công chúng. Một tác phẩm chất lượng, một chiến lược truyền thông bài bản cùng hiệu ứng quảng cáo truyền miệng lan tỏa rộng khắp đã mang lại thành công thương mại bất ngờ cho Bố già.

Nhìn một cách tổng quan, hiện tại Bố già là phim duy nhất trong lịch sử điện ảnh nước nhà vượt ngưỡng năm triệu vé. Với dân số gần 100 triệu người, dư địa của thị trường phim Việt đương nhiên vẫn còn quá lớn. Bởi thế, việc ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới mẻ, lạ lẫm trên đường đua đầu tư phim ảnh cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, duy nhất một điểm sáng Bố già không đủ giúp bức tranh toàn cảnh điện ảnh nước nhà 2021 khởi sắc. Bởi nhiều nhà sản xuất cũng như đơn vị phát hành không khỏi choáng váng, khi phải chứng kiến thất bại ê chề của hàng loạt tác phẩm nối nhau ra rạp vài tháng gần đây.

Mới công chiếu vỏn vẹn sáu ngày, Võ sinh đại chiến đành quyết định rút phim ra khỏi toàn bộ hệ thống rạp, dù đã phải bỏ ra tới 25 tỷ đồng kinh phí và chỉ kịp thu về khoản tiền ít ỏi 1,4 tỷ đồng. Trước đó, Người cần quên phải nhớ cũng chỉ thu được 1,9 tỷ đồng và chịu cảnh thua lỗ cả triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng). Cùng chung số phận hẩm hiu, Cậu Vàng ngậm ngùi thông báo khoản lỗ gần 20 tỷ đồng, sau khi nhận lại ba tỷ đồng tiền bán vé. Cùng nằm trong danh sách đáng buồn này còn có vài đối thủ nặng ký khác. Sám hối với khoản kinh phí sản xuất rất lớn 50 tỷ đồng chỉ thu được xấp xỉ một tỷ đồng, sau 10 ngày đầu trình chiếu. Khá hơn chút xíu, nhưng cũng không thể hòa vốn có Em là của em - với 14 tỷ tiền vé sau một tháng trụ rạp so với 17 tỷ đồng đầu tư.

Hiện tại, kinh phí sản xuất trung bình cho một tác phẩm điện ảnh ra rạp dao động trong khoảng từ 15 tới 20 tỷ đồng. Với con số doanh thu ngày càng khiêm tốn cỡ này, sau khi thanh toán tỷ lệ ăn chia với nhà phát hành, nhà sản xuất chỉ nhận về hai kết quả: hoặc lỗ ít hoặc lỗ nhiều. Hậu quả xem ra rất nặng nề. Nhà sản xuất Thái Bá Dũng “sốc nặng đến mức sang chấn tâm lý” khi bộ phim Võ sinh đại chiến mà anh ấp ủ 5 năm nhận về khoản thâm hụt cả triệu USD. Còn “bà bầu” Ngô Thanh Vân thì hoang mang, lo lắng không biết nên tiếp tục hay tạm dừng dự án Trạng Tí khi phải đón nhận làn sóng tẩy chay của một bộ phận người xem vì những ồn ào xoay quanh vấn đề bản quyền.

Vụ mùa thất bát là vậy nhưng chỉ trong tháng tư này, có tới hơn chục phim Việt cùng chen chúc ra rạp. Phim lùi lại từ Tết Nguyên đán cũng có, phim phải tạm dừng vì mấy đợt dịch bùng phát cũng có, phim mới ra lò nhưng phải né đường đua phim Tết cũng có... Cả một danh sách dài từ Song Song - Vô diện sát nhân - Thiên thần hộ mệnh đến Lật mặt: 48h - Kiều - Trạng Tí - Rừng thế mạng - Bóng đè - Chìa khóa trăm tỉ... cuống cuồng chào sân đã khiến hệ thống rạp chiếu giống như một “bảng đấu tử thần”. Và trong giai đoạn mà “phim hoặc thu 200 tỷ hoặc nhận về hai tỷ”, như nhà sản xuất Minh Hằng của Bẫy ngọt ngào chia sẻ, danh sách những tác phẩm chịu cảnh “chết yểu” sẽ còn kéo dài.

Đường đua nghiệt ngã -0
 Võ sinh đại chiến thảm bại khi ra rạp dù nhận được đánh giá tích cực từ công luận.  

Tới một thị trường diễn biến rất khó lường

Ở tầm vĩ mô, tương lai của thị trường chiếu bóng Việt Nam luôn được nhìn nhận rất lạc quan. “Thị trường điện ảnh nước ta còn nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới” là đánh giá nhận được sự đồng thuận từ rất nhiều chuyên gia trong khuôn khổ cuộc hội thảo “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19” tổ chức đầu tháng 10-2020. Mặc cho đại dịch phủ bóng đen hắc ám lên ngành công nghiệp giải trí toàn cầu, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của Công ty CJ-CGV Việt Nam vẫn đưa ra những dự báo tích cực. Theo ông, trong thời gian tới, doanh thu phòng vé sẽ tăng trưởng khoảng 12%/năm và số lượt người đến rạp sẽ tăng 10%/năm. Như vậy, vào năm 2024, thị trường sẽ đón nhận khoảng 100 triệu lượt khán giả và đạt doanh thu hơn 300 triệu USD.

Cũng theo khảo sát của CJ-CGV Việt Nam, cơ cấu khán giả đa phần là trẻ (80% dưới 29 tuổi), mức độ đầu tư cho chất lượng tác phẩm điện ảnh ngày càng lớn cùng sự tăng trưởng ngoạn mục của hệ thống rạp chiếu đang là những điểm cộng giúp duy trì biểu đồ đi lên của loại hình nghệ thuật tổng hợp này. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng vượt bậc của doanh thu phim nội (từ 750 tỷ đồng năm 2018 tăng tới 67% và đạt 1.253 tỷ đồng năm 2019), thị phần phim sản xuất trong nước tăng từ 30% năm 2019 lên 47% năm 2020 và lượng phim Việt lọt Top 10 phim có doanh thu cao nhất thị trường cũng liên tục gia tăng (từ hai phim năm 2018 lên tới năm phim chỉ trong nửa đầu 2020) đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp đội ngũ nhà sản xuất và phát hành có thêm sự tự tin ghi tên mình vào đường đua phim ảnh.

Về lý thuyết, đây là thời điểm vàng cho dòng phim nội địa. Những dự án phim bom tấn bị ngừng trệ trên toàn cầu vì đại dịch, nhà sản xuất không còn chịu cảnh vất vả cạnh tranh với phim ngoại nhập trên chính sân nhà. Thành công của Ròm, Tiệc trăng máu cho thấy sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả nội địa. Xem ra chỉ cần có phim hay là chắc thắng, rất đơn giản!

Nhưng trong thực tế, Võ sinh đại chiến dù nhận được phản hồi tích cực nhờ nội dung tươi trẻ cùng dàn diễn viên mới mẻ vẫn nhận về thất bại quá đau đớn. Một ê-kíp hùng hậu, dạn dày kinh nghiệm như nhà sản xuất Charlie Nguyễn, đạo diễn Đức Thịnh và “ngôi sao phim trăm tỷ” Thái Hòa cũng chẳng thể cứu được Người cần quên phải nhớ. Em là của em với màn giả gái khá duyên của Ngô Kiến Huy hay sự trở lại của Bình Minh với nhân vật võ sĩ trong Sám hối cũng chẳng thể xoay chuyển được thế cờ, khi lỗ vẫn hoàn lỗ.

Đã xuất hiện một hiện tượng khá lạ trong đời sống điện ảnh hậu Covid-19, đó là sự phân cực thắng - bại, lãi - lỗ đã trở nên vô cùng nghiệt ngã. Nếu trước đây, phim không “hot” (như Ước hẹn mùa thu, Ngôi nhà bươm bướm, Thưa mẹ con đi...) cũng có cơ hội thu trên dưới 10 tỷ đồng tiền vé và tỷ lệ giữa tác phẩm tầm trung với phim đạt trăm tỷ là 10/1 hoặc 5/1 thì hiện tỷ lệ này có lúc vọt lên 50 phim thất bại mới có một phim thành công.

Lý do đã được giới phê bình nhanh chóng chỉ ra. Phim thắng phải tạo được chất riêng và được tiếp thị thật tốt, điều mà Em chưa 18, Cua lại vợ bầu, Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu 3 hay mới đây là Chị Mười ba, Bố già... đã làm được. Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng, đó là xu hướng chọn phim của công chúng đã thay đổi. Thay vì ngẫu hứng xem phim này trước rồi phim kia sau, khán giả giờ thường chỉ chọn một phim duy nhất căn cứ vào hiệu ứng truyền thông và truyền miệng. Nói như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trong cùng một thời điểm họ chỉ dành cơ hội cho phim “hot” mà không san sẻ cho phim khác, bởi thế phim thắng càng thắng và ngược lại.

Bởi vậy, đường đua phim Việt ngày càng trở nên gập ghềnh với vòng xoáy nóng - lạnh bất thường luôn tiềm ẩn quy luật đào thải khắc nghiệt. Tuân theo quy luật nghiệt ngã của thị trường nói chung, chỉ những nhà làm phim có tài và có tầm nhìn xa mới có thể trụ lại. Cuộc chơi phim ảnh đắt đỏ và tốn kém không dành cho những người “tay mơ”, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bước vào nếu không muốn phải nhận về thất bại.