Di sản kiến trúc - Những cái chết đã được báo trước

(LTS) - PGS, TS Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận bảo tồn, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã gửi tới Nhân Dân hằng tháng những trăn trở đầy lo lắng của một nhà nghiên cứu luôn nặng lòng với sự trường tồn của những di sản kiến trúc mà cha ông ta đã bao đời tạo dựng, gìn giữ và trao truyền lại cho muôn đời hậu thế.

Việc tu bổ Đình Đồng Kỵ đã khiến di tích quốc gia này mất đi giá trị kiến trúc - nghệ thuật nguyên gốc.
Việc tu bổ Đình Đồng Kỵ đã khiến di tích quốc gia này mất đi giá trị kiến trúc - nghệ thuật nguyên gốc.

Những công trình bị bức tử

Đầu những năm 2000, khi tham dự một chương trình ngắn hạn ở Brisbane - Australia, tôi nghe các thầy cô trong Đại học Tổng hợp Queensland rủ nhau: "nhanh nhanh tới Việt Nam thôi, trước khi người ta phá mất hết". Câu nói đó ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Thời đó, Việt Nam như vừa thức giấc sau giấc ngủ dài, mọi thứ đều gấp gáp, hối hả để bắt kịp những "con hổ, con rồng" ở phía trước. Thời đó, quá nhiều kiến trúc giá trị đã bị phá đi, để thay thế bằng những công trình "mì ăn liền" nhiều tầng to có, nhỏ có. Có muôn vàn lý do giải thích cho câu chuyện này. Nào là phải nhường đất cho phát triển để nhanh chóng thoát nghèo. Nào là kiến trúc đã lạc hậu, hết niên hạn sử dụng. Nào là sản phẩm của chế độ cũ cần phá bỏ, nào là trình độ quản lý còn chưa theo kịp...

Gần 20 năm sau, khi Việt Nam đã thoát nghèo và đứng vào hàng ngũ những quốc gia thu nhập trung bình, tưởng rằng di sản kiến trúc cũng theo đó mà thoát khỏi cảnh bị hắt hủi. Nhưng không, chúng vẫn tiếp tục bị hủy hoại không thương tiếc, trong đó không ít công trình đã và đang bị bức tử một cách "bài bản" và... rất "đúng quy trình"!

Điển hình cho sự bức tử đó là ngôi trường Châu Văn Liêm (Cần Thơ). Cả một quần thể kiến trúc hơn trăm tuổi có phong cách thuộc địa gần như duy nhất còn sót lại của thành phố này đã bị thay thế bằng một thứ hàng nhái tệ hại với lý do "mất an toàn" và "hết niên hạn sử dụng" (?!) Ý kiến của các nhà chuyên môn và những người có tâm với di sản đã bị phớt lờ. Bởi nếu nói ngôi trường này đã hết niên hạn sử dụng thì phải nói sao với những công trình như Phủ Chủ tịch, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Trụ sở Bộ Tư pháp... ở Hà Nội, hay tòa nhà Ủy ban Nhân dân, Bưu điện Trung tâm hay Nhà hát Lớn... ở thành phố Hồ Chí Minh đây? Còn sự "mất an toàn", trớ trêu thay lại chủ yếu do những thành phần kiến trúc được bổ sung về sau mang lại. Đến với Cần Thơ hôm nay, sẽ chẳng còn ai nhận ra đây là vùng đất đã được khai phá từ đầu thế 18, vốn từng gắn liền với di sản vô giá kể trên.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, việc phá hủy cảng Ba Son đã tước đoạt cơ hội được chiêm ngưỡng một di sản công nghiệp độc đáo và vô cùng giá trị có lịch sử kéo dài hơn hai thế kỷ. Có thể nhiều năm sau nữa, con cháu sẽ trách cứ chúng ta bởi đã xóa đi những ký ức đô thị quý giá của thành phố một thời được coi là Hòn ngọc Viễn đông, đồng thời loại bỏ vĩnh viễn những minh chứng xác thực về bước khởi đầu của ngành công nghiệp gắn liền với nền kinh tế biển ở Việt Nam, vốn bắt đầu từ xưởng thủy của chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18 đến xưởng sửa chữa, đóng tàu của người Pháp ở thế kỷ 19 và 20. Điều cần phải nói thêm là trước khi bị thay thế bởi những công trình mới, thông tin về cụm cảng Ba Son rất mù mờ, chẳng mấy người biết đến và hiểu rõ những giá trị đích thực của di sản hiếm có này.

Những ai đã từng qua khu Vườn ươm văn hóa NDSM ở Amsterdam, Hà Lan (được cải tạo từ nhà máy đóng tàu Nederlandsche Dok en Scheepsbouw Maatschappij xây dựng từ những năm 1950) hay Không gian Sáng tạo và giao lưu bến cảng ở Yokohama, Nhật Bản (được cải tạo từ một nhà kho gạch đỏ xây dựng đầu thế kỷ 20) và chứng kiến sức hấp dẫn và giá trị của những địa điểm này chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng tiếc nuối cho cụm cảng Ba Son, vốn có tuổi đời lâu hơn và cũng giá trị hơn nhiều.

Chưa dừng lại ở đó, cũng tại TP Hồ Chí Minh ngoài vô số biệt thự độc đáo đã lặng lẽ "ra đi", Dinh Thượng Thơ - công trình kiến trúc thuộc loại lâu đời nhất đã bị đưa lên "bàn cân" vì bị coi là ít giá trị, cần phải được thay thế bằng công trình mới. Vâng, các vị cầm cân nẩy mực ơi, xin hãy giải thích thế nào là "ít giá trị"? Chả lẽ cứ phải thật hoành tráng, thật nhiều chi tiết bắt mắt hay phải sử dụng vật liệu đắt tiền? Giá trị một công trình kiến trúc cần được đánh giá một cách toàn diện, dựa trên những đóng góp của nó về mọi mặt lịch sử, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, biểu tượng... trong mối quan hệ với quần thể kiến trúc đô thị cả trong hiện tại và tương lai, chứ không nên vội vàng phán xét một cách chủ quan.

Mới đây lại nổi lên câu chuyện về nhà thờ Bùi Chu. Nhiều người bảo, đây là di sản của cộng đồng công giáo, vậy phải để cho giáo phận quyết định. Rồi, bạn có chịu được không khi có ai đó nhảy xổ vào ngôi nhà của mình rồi đòi hỏi phải bảo tồn cái này, giữ gìn cái nọ? Ô hay, ngoài các công trình của chính quyền, công trình di sản nào mà chả thuộc về một cộng đồng lớn hay nhỏ nào đó? Rất nhiều đình làng trước khi được công nhận di tích, chẳng phải là đều thuộc về cộng đồng làng xã và do ông bà tổ tiên của dân làng góp công xây dựng nên đó sao? Và tại sao mọi người lại lên tiếng phản đối người dân làng Lương Xá khi họ dỡ bỏ ngôi đình hơn 300 năm tuổi của mình để thay thế bằng ngôi đình bê-tông cốt thép, trong khi lại ủng hộ nhà thờ Bùi Chu khi cả hai công trình đều trong danh mục kiểm kê? Đáng tiếc là trong số những tổ chức, cá nhân ủng hộ để nhà thờ "tự quyết" lại có cả UNESCO Việt Nam - tổ chức lẽ ra phải có những khuyến cáo khách quan hơn, bởi lẽ câu chuyện không chỉ dính dáng đến Bùi Chu mà còn liên quan đến số phận của cả hệ thống hàng trăm nhà thờ công giáo khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ mà theo nhận định của ông Martin Rama - Cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới đều hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí của Di sản văn hóa thế giới do chính UNESCO đề ra.

Rồi có người lại bảo, sao phải khóc cho công trình "lai căng", chẳng hề có tính dân tộc ấy? Nói vậy là không hiểu về bản sắc con người Việt - tuy không sáng tạo ra được những thứ quá vĩ đại (so với thế giới) nhưng lại biết cách dung hòa và tích hợp để khéo léo dựng nên những công trình kiến trúc của riêng mình mà không nơi nào có được. Hãy đến tận nơi để cảm nhận cái tinh thần Việt thấm đẫm ở cách tổ chức không gian bên trong, ở mối quan hệ gần gũi giữa bên trong và bên ngoài, ở các chi tiết kiến trúc mộc mạc và cả trong từng viên ngói, viên gạch... sẽ hiểu cần phải gìn giữ, nâng niu những kiến trúc tuyệt đẹp ấy tới mức nào.

Hãy hành động trước khi quá muộn

Ai đó có thể sẽ tiếc nuối vì có quá nhiều di sản kiến trúc giá trị nhưng chưa hề được công nhận di tích nên có nguy cơ bị phá hủy bất cứ lúc nào. Nhưng ngay cả các công trình đã hoặc sắp được công nhận di tích thì số phận cũng có khả quan hơn gì đâu? Chỉ cần lướt qua mặt báo, đã có thể thấy nhan nhản những câu chuyện buồn về di tích, nào là Chùa Sổ bị trùng tu như phá, Chùa Trăm Gian trùng tu hay xây mới, Đình Quang Húc trùng tu "sờ đâu sai đó". Rồi "bức tử" đình gỗ 300 tuổi, rồi "bê-tông hóa" thành cổ, rồi "nhốt" di tích trong cũi sắt. Đó là chưa kể đường làm xong "nuốt" luôn di tích, Đình Trùng Hạ bị sơn đỏ lòe loẹt, cầu Ngói chợ Thượng biến dạng sau trùng tu, bờ kè Hộ thành hào (Kinh thành Huế) trùng tu theo kiểu "xây mới". Hay Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá bỏ ngay trước ngày lập hồ sơ di tích, hành trình bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm còn nhiều bất cập...

Di sản kiến trúc - Những cái chết đã được báo trước ảnh 1

Nhà thờ Bùi Chu, Nam Định với quyết định hạ giải gây nhiều
tranh cãi thời gian gần đây.

Vâng, những chuyện như vậy còn nhiều lắm, nhiều không kể xiết! Để ngăn chặn nạn hủy hoại di sản, đã đến lúc cần phải có những thay đổi tận gốc rễ trong công tác quản lý, trong nhận thức về di sản và trong công tác đào tạo nhân lực bảo tồn di sản.

Trước tiên cần điều chỉnh Luật Di sản Văn hóa cho phù hợp với thực tiễn và hoàn thiện/bổ sung những quy định liên quan đến công tác tu bổ, quản lý và phát huy giá trị di tích. Cần quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý di sản các cấp và của chủ sở hữu di tích.

Việc nâng cao nhận thức về di sản cần được đưa vào các chương trình giáo dục phổ thông để tất cả mọi người, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường đã có kiến thức, đã hiểu được giá trị, vai trò và tầm quan trọng của di sản.

Các cán bộ quản lý di sản văn hóa các cấp cần được thường xuyên nâng cao năng lực và có chế độ thưởng/phạt công minh để có được những quyết định và hành động đúng đắn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn di sản cần được thực hiện bài bản và chuyên sâu chứ không phải chỉ cần hoàn thành một khóa bồi dưỡng ngắn hạn là đã có thể được cấp chứng chỉ hành nghề như cách làm hiện nay.