Cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh Ba Vì

Cuộc sống đang yên ổn ở phố cổ Hà Nội, bỗng dưng vào một ngày của năm 1944, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc chuyển cả gia đình lên đỉnh Ba Vì. Đó là khoảng thời gian như thiên đường giữa núi rừng hoang sơ với những điều mà ở phố thị không bao giờ có được. Hơn 50 năm sau, dịch giả Trịnh Lữ - con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - đã nhiều lần lên đỉnh Ba Vì tìm lại ngôi nhà xưa và tình cờ ông còn được thấy cả những “nền cũ lâu đài” của người Pháp xây dựng nửa thế kỷ trước, giờ đây được ví như “người đẹp ngủ trong rừng”...

Tàn tích một biệt thự cũ trên đỉnh Ba Vì.
Tàn tích một biệt thự cũ trên đỉnh Ba Vì.

Chuyện người họa sĩ rời phố lên núi
 
 Dịch giả Trịnh Lữ nhớ lại: “Trở về Ba Vì, tôi cảm giác như cuộc sống mà cha tôi đã gọi là “cuộc sống Suối Hoa”, lại ùa về. Năm 1944, đang sống ở phố cổ Hà Nội, cha bỗng đưa cả gia đình lên đỉnh núi Ba Vì. Ông mong muốn trở thành một gia đình bản địa, như người Mường, người Dao ở đó. Đó là một quyết định khiến nhiều người rất bất ngờ. Nhưng chúng tôi hiểu cha mình nên không ngạc nhiên”.

Cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh Ba Vì -0
 Gia đình ông Trịnh Lữ thăm lại nền móng ngôi nhà xưa.

 Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau khi tốt nghiệp năm 1938, ông mở xưởng nội thất gỗ MÉMO. Hồi làm nhà Ba Vì, ông 32 tuổi, người Pháp và dân Hà Nội đã gọi ông là Monsieur Mémo, vì đồ gỗ của nhà MÉMO đã rất được ưa chuộng. Trong khi làm nhà Ba Vì, ông cũng làm toàn bộ nội nhất nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Bác Hồ về đấy ở, viết Tuyên ngôn Độc lập, nên những đồ gỗ MÉMO Bác Hồ dùng ở đấy nay đã thành những di vật lịch sử. Lễ đài Độc Lập 2-9-1945 cũng được thi công bằng gỗ và thợ của nhà MÉMO. Chắc vì thế mà năm 1947, khi vợ con vẫn đang ở trên nhà Ba Vì, ông Ngọc bị phòng nhì Pháp bắt giam ở Hỏa Lò hơn tuần lễ, hằng ngày phải chở xác người bị xử tử trong sân nhà tù ra cổng bằng một cái xe cút kít.
 
 Xưởng thiết kế nội thất và dạy vẽ của ông Trịnh Hữu Ngọc rất nổi tiếng thời đó. Được nhiều bạn thân là nghệ sĩ, trí thức lúc đó như ông Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng... giới thiệu, ông Ngọc được Bác Hồ tín nhiệm. Nhiều bức tranh của ông được chọn làm quà tặng các chính khách, bạn bè nước ngoài khi họ đến thăm Việt Nam. Ông luôn coi thiên nhiên là một người thầy và tìm thấy ở thiên nhiên sự mẫu mực. Chính vì thế, việc ông rời phố lên rừng không có gì lạ.
 
 Dịch giả Trịnh Lữ bồi hồi nhớ lại cuộc sống trên đỉnh non Tản: “Cha tôi mua lại thửa đất số 8, 1.460 mét vuông, giá 4.000 đồng Đông Dương. Ông dựng nhà, dưới chân núi nhờ người nuôi một đàn bò. Sau ông cho làm một trại gà nhìn xuống sông Đà. Mấy anh chị tôi rất thích sáng ra đi nhặt trứng ở những chuồng gà làm bằng gỗ hình tam giác ấy. Trước nhà là vườn rau. Nước lấy ngay từ con suối chảy qua trước nhà, sạch đến mức không cần phải đánh phèn hay lọc than gì cả. Thắp sáng bằng đèn Hoa Kỳ và đèn “măng-sông”, dùng dầu hỏa thông thường. Có bà Nghiễm, sống dưới chân núi, chăm đôi ngựa thồ chuyên chở nhu yếu phẩm cho gia đình. Có “ông bếp già” lo việc cơm nước. Mưa rừng, sương núi, những đàn chim trĩ, muôn loài bướm, bọ cành cây, chim chóc đủ mầu, cua suối... Rồi con Vàng con Bạc, hai chú chó bắt cua rất giỏi, mà mỗi lần run sợ chúi nấp trong nhà là chúng tôi biết có hổ đến gần, sáng sớm hôm sau cứt hổ còn nóng nổi ngay rìa vườn rau. Bố Ngọc không cho ai dùng súng bao giờ. Nhà thơ Quang Dũng có lần đem súng săn lên nhà Ba Vì, bị bố Ngọc trách mãi, đến những năm cuối đời chú vẫn vừa cười vừa nhắc lại mỗi lần gặp chúng tôi”.
 
 Ngày đó, nhiều người bạn thân của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc vẫn thường lên nhà Ba Vì chơi, trong đó có các ông Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, và Quang Dũng. Con trai cả của ông Hoàng Đạo Thúy lên ở nhà Ba Vì từ tuổi 13, sau này bén duyên với con gái họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và trở thành anh rể của dịch giả Trịnh Lữ.
 
 Nhưng thế cuộc xoay vần, năm 1948, tình hình chiến sự khiến họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc buộc phải đưa vợ con trở lại Hà Nội. Cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh núi mà ông gây dựng đã chìm thành ký ức.
 
 Gần nửa thế kỷ sau, sau nhiều năm sống ở Mỹ, dịch giả Trịnh Lữ về nước, trong ông có điều gì đó thôi thúc đi tìm lại ngôi nhà xưa trên Ba Vì như “đi tìm thời gian đã mất”. Từ năm 2007, một mình ông đạp xe lên độ cao 400 m của Ba Vì, đi bộ lang thang tìm kiếm, nhưng chỗ nào cũng thấy không phải. Cho đến lần lên núi ngày 30-5-2009, ông tình cờ gặp đội quay phim khảo sát của dự án phục dựng phế tích tại trạm kiểm lâm, bỗng linh cảm chắc lần này sẽ khác. Quả nhiên, ngay hôm sau, ông đã gặp Đỗ Hữu Thế - lúc bấy giờ là trạm trưởng trạm kiểm lâm, và được ông Thế nhiệt tình dẫn đi tìm, căn cứ vào bản đồ đất của gia đình, bản đồ núi Ba Vì của quân đội Pháp, với một máy định vị Garmin. Sau ba giờ len lỏi trong rừng, khi từ lòng một con suối cạn bước lên quãng rừng thưa, họ thấy trong sương mù một góc tường đá rễ cây bao bọc sừng sững ngay trước mắt. Linh tính mách bảo ông biết mình đã tìm được nhà Ba Vì. Mười giờ sáng, sương mù bỗng tan đi. Nắng chiếu lấp lánh khiến toàn bộ ngôi nhà hiện ra, như thức dậy cùng cây lá. Ông Thế bảo “Bây giờ cháu mới biết có phế tích này”.
 
 Từ 2009 tới nay, năm nào con cháu cụ Trịnh Hữu Ngọc đều rủ nhau “về nhà Ba Vì”. Lần nào cũng bồi hồi xúc động, cả dâu, rể, đến các cháu, chắt của cụ Ngọc, ai cũng muốn được nghe câu chuyện đời Suối Hoa ở bên những bức tường đá ấy, đem hương hoa lên nhờ khói đưa lời thành tâm gửi tới Thánh Tản và anh linh bố mẹ, tạ ơn đã được các cụ nuôi dưỡng đầu đời trong cảnh Suối Hoa đỉnh núi.
 
 Chẳng ngờ hành trình đi tìm lại ngôi nhà xưa trở thành cơ duyên để dịch giả Trịnh Lữ bắt gặp rất nhiều phế tích đã bị lãng quên trên đỉnh Ba Vì, sẽ trở thành kho báu nếu biết cách phục dựng lại.
 
 
 Đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng” 
 
 
 Nằm trên độ cao 1.200m so với mực nước biển, khí hậu ở Ba Vì trong lành, mát mẻ quanh năm. Chỉ cách Hà Nội gần 70km nên ngay từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Ba Vì đã được người Pháp chọn làm nơi xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng ở cốt 400, 600 và 1.000 m. Những biệt thự ấy đã bị tàn phá theo thời gian và thế cuộc, nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp của sự tàn phai. Giữa cánh rừng xanh mướt, điểm sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ đang bung nở, ẩn hiện những bức tường đổ, nền móng chân cột mà thời gian không xóa nhòa được những chạm trổ hoa văn tinh xảo.
 
 Ở độ cao 700 m, một dinh thự lưng tựa đỉnh Ngọc Hoa, nhìn thẳng xuống sông Đà uốn cong như dải lụa. Ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp. Bây giờ những biệt thự nghỉ mát tuyệt đẹp ngày nào giờ chỉ còn lại khung tường phủ rêu xanh và hình ảnh giáo đường âm u giữa cây cỏ phủ lên màu vừa cổ điển vừa hoài niệm.
 
 Kiến trúc sư Vũ Hồng Thúy nhận định: “Giá trị kiến trúc hay nhất mà các công trình này mang lại chính là việc tạo ra một quần thể các công trình xây dựng đã gần như bị “lẫn” vào trong rừng cây nhiệt đới rậm rạp. Dường như chẳng có gì được xây ở đó. Các ngôi nhà được các kiến trúc sư nghiên cứu thiết kế cẩn trọng từng vị trí một, “né” từng gốc cây, chọn từng góc nhìn...
 
 Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng kể: Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên thăm Vườn quốc gia Ba Vì đã ngỡ ngàng khi đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ với khu nghỉ dưỡng gồm 300 biệt thự lớn nhỏ do Pháp xây dựng. Lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó bảo đảm bền vững và không can thiệp vào tài nguyên...
 
 Ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì mong muốn khôi phục lại để có thể khai phá tiềm năng của các phế tích ở Ba Vì. Kiến trúc sư Vũ Hồng Thúy cho rằng việc khôi phục lại những phế tích này sẽ đem lại những giá trị đích thực của di sản trong đời sống đương đại, mang lại cho cộng đồng những không gian văn hóa nghỉ dưỡng xứng tầm. “Việc phục dựng phế tích phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm bảo vệ môi trường sinh thái của Vườn quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, các nhà khoa học”, Kiến trúc sư Vũ Hồng Thúy tâm sự.
 
 Với dịch giả Trịnh Lữ, thời cuộc đã làm đứt gãy giấc mơ cuộc sống Suối Hoa ngày ấy, nhưng giờ đây sau hành trình tìm lại ngôi nhà xưa và thấy biệt thự hoang phế, ông mong mỏi sẽ phục dựng cảnh sống ngày nào, không phải cho gia đình mình, mà cho tất cả mọi người.