Chua ngọt đã từng

Mùa hè năm 2019, sau sáu năm tôi mới trở lại Copenhagen, Đan Mạch, thăm ông bà Ulla-Stina và Jorgen Nilsson, những người bạn lớn của tôi. Từ sân bay, vừa xuống bến metro Frederiksberg, đang ngơ ngác thì tôi nhìn thấy ông Jorgen, dáng cao gầy, lưng đã hơi còng, đi tới. Gương mặt ông hiền hậu, mắt xanh ngả khói sương, tóc gợn màu mây trắng. Ông mở rộng vòng tay đón tôi, âu yếm nói: “Hello Little Na, welcome home!” (Chào bé Na, mừng cháu về nhà!).

Chua ngọt đã từng

Tôi ào tới, ôm chầm lấy ông, lồng ngực nghèn nghẹn thương mến. Ông bà gọi tôi là Na, cái tên mà bố mẹ và những người thân thiết nhất của tôi thường gọi. Với ông Jorgen và bà Ulla, tôi luôn là cái Na bé bỏng.

Tôi gặp ông bà hơn mười năm trước tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ông bà là khách du lịch, vào tham quan Văn Miếu đúng Ngày Thơ Việt Nam, mua cuốn “Những chiếc gai trong mơ - Thorns in Dreams” của tôi tại quầy sách. Vào thời điểm đó, “Những chiếc gai trong mơ” là cuốn thơ song ngữ Việt - Anh duy nhất được bày bán. Khi biết tác giả cuốn sách cũng đang có mặt tại Văn Miếu, ông bà Nilsson tỏ ý muốn gặp. Số phận đã cho chúng tôi trở thành bạn vong niên từ đó, qua thơ.

Ông Jorgen già hẳn đi, tai không nghe rõ nữa, phải dùng máy trợ thính. Ông chậm chạp hơn nhiều, nhưng vẫn giành mang vali cho tôi suốt từ bến metro, qua hai chặng bus về nhà, lên bốn tầng gác. Căn hộ của ông bà có ba phòng ngủ, thoáng đãng, nhiều cửa sổ, ở số 17B đường Pile Allé, trong một khu nhà cổ không thang máy, mặt trước nhìn ra phố, mặt sau quay vào khoảng sân rộng rãi, có vườn hoa, cây ăn quả sai trĩu chịt bên những lối đi rải sỏi. Bà Ulla tóc cắt ngắn gọn gàng, mắt nâu tinh anh, nụ cười tươi rói, dáng còn khá nhanh nhẹn, nhưng ba năm nay bắt đầu hay quên. Lần trước sang chơi, tôi vẫn nói tiếng Anh thoải mái với bà về đủ chuyện trên đời. Nhưng lần này, có những từ rất đơn giản, như “breakfast” (bữa sáng) mà bà nghĩ mãi ko ra, bèn nói “the meal of the morning” (bữa ăn buổi sáng). Mọi việc trong ngày, bà ghi cả vào cuốn sổ tay bé bé để trong chiếc ví da mầu đen đã sờn, thỉnh thoảng lại lấy ra xem. Năm ấy, bà tròn tám mươi tuổi, ngày 13 tháng 7. Ông tròn tám sáu tuổi, ngày 29 tháng 8. Nhưng Chủ nhật mà tôi ở đó, ngày 25 tháng 8, các con gái của ông bà, chị Mette và em Lotte sẽ tổ chức một bữa tiệc sinh nhật đặc biệt, chung cho bố mẹ, với khoảng hai mươi khách mời. Đó cũng là lý do tôi vượt ngàn dặm để có mặt ở Copenhagen.

Chua ngọt đã từng -0
 

Phòng “của tôi” trong nhà có cửa sổ hướng tây nhìn sang công viên Frederiksberg và lâu đài mùa hè của Hoàng gia Đan Mạch. Cây vạn niên thanh trồng trong cái chậu lớn đặt cạnh giá sách mấy năm trước còn be bé, nay đã vươn cành phủ lá khắp lên tường, xòa cả xuống đầu giường, cho tôi cảm giác đang lạc giữa một vườn treo. Trên ghế, bà Ulla để cho tôi khăn tắm, áo choàng ngủ, còn trên bàn có cuốn “Tales From Moominvalley” của Tove Jansson - nữ văn sĩ nổi tiếng người Phần Lan, quyển album gia đình, bản đồ Copenhagen và một tấm thiệp cũ. Tôi nhận ra đó chính là tấm thiệp tôi gửi mừng sinh nhật ông Jorgen năm 2014. Trong album, tôi nhìn thấy không ít ảnh tôi - những tấm ảnh hằng năm tôi chuyển qua email, được ông bà in ra, dán cạnh ảnh các thành viên gia đình, ghi chú thời gian cẩn thận, như nhiều bậc cha mẹ từ xưa vẫn làm. Mắt tôi chợt cay cay, mà lòng tôi được vỗ về, thảnh thơi, yên ả. Sau những chặng đường mệt mỏi, tôi biết, mình luôn có chỗ trong ngôi nhà ấm áp này.

Ở với ông bà, tôi hay vào bếp làm một vài món Việt như nem rán, bún chả, nộm rau củ bò khô, bánh cuốn, phở gà... Bà Ulla bảo, ẩm thực Việt hấp dẫn bởi sự tươi lành, đậm đà hương vị tự nhiên, mà vô cùng tinh tế. Ông bà rất ấn tượng với nước chấm chua chua ngọt ngọt thanh thanh dùng trong những món tôi từng nấu. Tôi quyết định lần này sẽ làm bún bò Nam Bộ, một món cũng cần đến nước chấm chua ngọt. Gọi là “bún bò Nam Bộ”, nhưng tôi lại nghe nói nó không phải món miền nam, mà được một phụ nữ Hà Nội sáng tạo ra, cách đây vài chục năm. Người phụ nữ này mở quán bún chả trên đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) ở Hà Nội. Rồi bà bán thêm món bún trộn thịt bò nướng, rau sống, nước mắm chua ngọt, đu đủ dầm. Theo thời gian, món ăn được biến tấu, có thêm giá đỗ, lạc rang, hành phi và thịt bò xào lăn, như phiên bản tôi biết. Dẫu xuất xứ món ăn này vẫn còn bàn cãi, nhưng nó là một trong những món thuần Việt được ưa thích nhất ở ngoài biên giới bởi vị thanh mát và sự hòa quện hài hòa của các nguyên liệu làm nên nó.

Buổi sáng, tôi và bà Ulla đi bộ thong dong dọc phố Vesterbrogade, con phố mua sắm khá sầm uất, dẫn lên gần nhà ga Trung tâm. Phía sau ga có một cửa hàng bán đồ châu Á, chị bán hàng người Việt, nói giọng miền nam nhỏ nhẹ. Ở đó có gần đủ mọi thứ cơ bản để nấu món ta, nhưng không thể đa dạng như ở Tang Frères bên Paris, và giá cả thì đắt hơn nhiều. Với bà Ulla, món bún bò Nam Bộ quá cầu kỳ, mất công. Bà hỏi tôi, liệu món này có phải dành riêng cho những dịp đặc biệt không. Khi biết nó là món ăn ngày thường, bà rất ngạc nhiên và thán phục sự tỉ mỉ kiên nhẫn của phụ nữ Việt. Thịt bò pha ra từng miếng vừa phải, lạng mỏng, ướp dầu hào, mắm, tiêu, đường, tỏi và sả băm nhỏ; chuẩn bị ăn thì xào lăn, khi những miếng thịt chín tới xoăn lên như vừa cuốn lô là bắc ngay ra kẻo quá lửa. Món này dùng phần thịt đuôi thăn bò ta ngon nhất, mềm mà chắc, ngọt đậm đà. Thịt bò tây chỗ nào cũng mềm, nhưng nhạt. Với bò tây, cần thái dày hơn, khi xào sẽ không bị vụn. Hành khô xắt nhỏ, phi vàng thơm lựng; lạc rang xem xém, xoa sạch vỏ, kỳ cạch giã vỡ ra, đừng giã kỹ, để lúc rắc vào bún, vẫn còn được thưởng thức cái giòn giòn lộp cộp. Cà rốt, đu đủ, su hào hay dưa chuột, tỉa thành hoa thành lá xinh xinh làm điệu, xóc với chút muối tinh rồi ngâm dấm, đường, ớt cho ngấu. Khâu pha nước chấm vô cùng quan trọng, vì thịt bò dẫu tươi ngon đến đâu, mà nước chấm thiếu một chút chua, một chút ngọt, hay thiếu một chút đậm, món ăn sẽ lỡ nhịp, sẽ “phô” như người hát sai nhạc. Tôi thường vừa pha, vừa nếm, chứ không có tỷ lệ định lượng cụ thể, vì còn tùy thuộc vào việc dùng loại mắm nào, dấm nào. Muốn bát nước chấm trông hấp dẫn, đẹp mắt, tỏi ớt phải thả vào sau cùng, để chúng nổi lên như những bông hoa đỏ, trắng li ti, lơ mơ trôi trên “mặt hồ” phẳng lặng. Và dù dấm đã đủ vị chua, vẫn nên vắt thêm vài giọt cốt chanh tươi cho nước chấm dậy mùi quyến luyến. Món bún bò Nam Bộ có vị thanh mát nhờ sự kết hợp với giá đỗ, rau xà lách và rau thơm các loại. Tất cả cứ ríu rít, tung tăng như những nốt nhạc trầm bổng vui tươi, hòa thành một tổng phổ tròn đầy.

Chúng tôi đã có một bữa tối giản dị, ấm cúng, đầy ắp nụ cười, và cả những phút rưng rưng. Tôi không để tất cả vào bát tô, trộn lên như thông thường, mà bày riêng từng thứ ra đĩa nhỏ. Mỗi người nhẩn nha tự lấy ít một vào bát của mình, rưới nước chấm, rồi thưởng thức. Vì món ăn có thịt bò, ông Jorgen khui một chai vang Bordeaux dòng Cabernet Sauvignon chát nhẹ. Chầm chậm cảm nhận ngần ấy hương vị quấn quýt lấy nhau, trong men rượu cũ, mới thú vị làm sao! Tôi thấy như đang được ở nhà. Ông bà Nilsson gần gũi, thân thương như bố mẹ tôi. Tôi ngâm, rồi dịch nghĩa cho ông bà nghe câu ca dao: “Ai ơi chua ngọt đã từng/ Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau”. Ông bà cảm động nắm tay tôi. Bà Ulla bảo: “Na ơi, cháu như con gái thứ ba của vợ chồng ta. Cảm ơn cháu vì bữa tối ngon miệng này. Cảm ơn cháu đã trở về, đã ở bên chúng ta!”.

Đêm trước uống khá nhiều, nhưng tôi thao thức mãi. Tôi dậy rất sớm, mở cửa sổ, nghe tiếng chim chiu chít ríu ran từ phía những vòm cây bên công viên vọng tới. Không khí se lạnh, tinh khôi. Nhìn xuống, đường Pile Allé còn vắng lặng, thảng hoặc có người đạp xe, hoặc một chuyến bus vút qua. Thành phố đang cựa mình, vươn vai tỉnh giấc... Tôi vùi má vào chiếc khăn len mỏng quấn quanh vai, nhoài trên bậu cửa, ngắm bầu trời đang ửng hồng. Nắng bắt đầu xiên từ phía đông, qua ngã tư giữa phố Vesterbrogade và đường Pile Allé, nhẹ nhàng phủ ánh vàng mơ màng trong vắt lên thành phố. Một ngày mới thật sự bắt đầu. Tôi nghe lạch cạch trong bếp, đó là ông Jorgen đang pha cà phê. Rồi tiếng nhón chân nhẹ đi về phía phòng tôi. Bà Ulla gõ cửa, khẽ gọi: “Na ơi, dậy ăn sáng thôi!” - “Vâng, cháu ra ngay đây ạ!”.

Dưới đường, người qua lại đông hơn. Nắng ngập tràn mọi nẻo. Mùi cà-phê và bánh mì nướng ve vuốt không gian. Thành phố này trở nên thân thuộc với tôi đến thế! Ở đây ông bà Nilsson đã cho tôi một mái nhà, một căn bếp ấm, nơi bất cứ lúc nào tôi cũng có thể trở về...