Cây và người

Có lẽ nói không quá, chẳng có gì trên đời mà gần gũi với con người bằng cây. Ăn nhờ cây lúa cây ngô. Mặc nhờ cây bông cây đay. Dựng nhà nhờ gỗ cây rừng, còn hương hoa của cây thì luôn bát ngát trong mọi nghi lễ thờ phụng.

minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG
minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG

Không phải ngẫu nhiên mà cây tỏa bóng vào kho tàng văn hóa nhân loại bằng những ẩn dụ cao cả. Cây ô liu là biểu tượng của sự bình yên mà Kinh Thánh phương Tây thường nhắc. Rồi cây bồ đề, hình ảnh thiêng liêng cho sự minh tuệ trong Kinh Phật phương Đông. Ở folklore của người Việt, những thành ngữ nói về cây nhiều tới mức không trích xuể. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Hoặc nữa, "một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Tất thẩy đều sâu sắc nhưng bình dị. Không chỉ dịu dàng răn dạy, mà qua cây, người nông dân Việt còn xây dựng cả một thế giới tâm linh đa tầng đa dạng. "Thần cây đa, ma cây gạo". Hầu như với mọi đứa bé lớn lên ở thôn quê, thì đều quen với những cổ tích mang tính khuyến thiện trừng ác này. Nó nuôi dưỡng tuổi thơ trong một không gian huyền hoặc lãng mạn. Nó kích thích trí tưởng tượng bay bổng. Nó tạo cho bọn trẻ một tâm thế tinh tế công chính. Có phải vậy chăng mà chiều cao và chiều sâu của tâm hồn người Việt, thường được đo bằng sự gợi mở thăng hoa từ chiều dài của cây.

Mươi năm gần đây, đô thị ở ta được phát triển với tốc độ chóng mặt. Đi đâu cũng thấy bạt ngàn những rừng cao ốc, những khối chung cư ngồn ngộn sắt thép xi-măng. Chính vì thế mà nhu cầu có "không gian xanh cho đô thị" luôn là một vấn đề nhức nhối. Quanh khái niệm này đã có nhiều định nghĩa. Đại loại, "là bất kỳ diện tích thảm thực vật nào đó trong thành phố". (Tổ chức Greenspace Scotland), hoặc, "một phần đất đai được bao phủ bởi cỏ cây hay thảm thực vật khác, bao gồm các công viên, vườn cộng đồng, nghĩa trang... (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ - EPA). Vân vân. Chữ nghĩa là vậy, nhưng với nhiều "cao bồi già" sống ở Hà Nội thì họ chỉ hiểu thật đơn giản, không gian xanh phải có cây xanh. Và không gian đô thị để cho cây đẹp nhất, chính là hồ.

Cũng giống như nhiều đô thị cổ kính và lãng mạn, Hà Nội luôn có vài con phố nghẹn ngào đôi hàng cây so le cổ thụ. Từ những con phố cũ kỹ được thời gian rêu phong che chở đó, phố bâng khuâng nối vào mấy mảnh hồ. Người Hà Nội không thể hình dung nổi, nếu như phố Lê Thái Tổ hay Hàng Khay lại thiếu đi cái mầu xanh thẳm của hồ Gươm (Lục Thủy). Hoặc đường Thanh Niên sẽ bơ vơ xiết bao, khi vắng ánh hoàng hôn bàng bạc giắt trên vòm cây dìu dịu hắt xuống mặt nước hồ Tây sóng sánh. Có lẽ, hồn của phố cũ Hà Nội đã sâu lắng trầm đọng trong nắng, gió trên từng tán cây ven hồ. Người Hà Nội không kể tuổi, ai ai cũng có thú đi dạo hồ dưới những rặng cây. Hoặc sáng sớm hoặc chiều ngả. Người thủ đô lúc tha hương, thì nỗi nhớ bóng cây quanh hồ luôn miên viễn ám ảnh. Ví như hồ Tây có đường Cổ Ngư, ríu rít cây xanh cho tuổi mười lăm mười chín. Tiếng cười khanh khách trong trắng nữ sinh văng vẳng vang suốt dọc thời gian. Tuổi sinh viên của vô số chàng trai Hà thành lãng đãng ngập tím gió hồ Tây và giờ đây man mác muối tiêu lại xanh liễu hồ Gươm. Mầu của cây Hà Nội đã da diết nhuộm xanh ký ức của họ. Ở hôm nay, người Hà Nội đông dần lên và hình như những hồ có nhiều cây đã nhỏ dần đi. Người Tràng An vốn nhạy cảm và phải chăng cái vô thức cây và hồ ám ảnh làm chục năm gần đây làm người Hà Nội đổ xô đi câu cá. Gia Lâm, Đông Anh khoét thêm nhiều chỗ trũng nước để giả cảnh sơn thủy cố tình. Đã có những ông chủ ao liều lĩnh đầu tư văn hóa kê đôi ghế đá ơ hờ bên cạnh vài gốc liễu phảng phất mùi phân trâu. Thế nhưng, ao có làm mình làm mẩy thì cũng rất hiếm người Hà Nội đi tỏ tình ở bên ao. Còn gì cảm động bằng khi đôi nam thanh nữ tú lóng ngóng đi trong cái lạnh gió mùa tới một ghế đá xanh ngắt bóng cây hồ Hoàn Kiếm mà thề thốt yêu nhau.

Cây và người quấn quýt như vậy nên thật dễ hiểu khi nó là một chủ đề lớn trong thi ca trong hội họa ở ta. Họa sĩ Lê Thiết Cương có một bức sơn dầu tuyệt đẹp vẽ một thanh mảnh người và một đầy tròn cây đang khiêm nhường trân trọng cúi vào nhau. Nó đau đớn phóng khoáng giống như Cao Chu Thần "nhất sinh đê thủ bái mai hoa" - cả đời chỉ lạy hoa mai. Nó có cái cô ngạo của Lý Thái Bạch khi "độc tọa Kính Đình sơn", rưng rưng xót xa ngắm nhau hết ngày mà cả hai không thấy chán, "tương kham lưỡng bất yếm". Thi sĩ một thời của lửa, Nguyễn Quang Thiều, chợt nhiên một đêm bùng cháy viết tuyệt phẩm "Cây Ánh Sáng" chỉ vì đã cô đơn nhìn "vòm cây trước ngôi nhà an ủi kẻ đau đớn không ngủ trong tiếng rì rào". Đó là một trong những bài thơ hay nhất của ông. "Chàng quỳ xuống và ngước lên Cây Ánh Sáng vĩ đại đang tỏa mãi tán lá ban mai khổng lồ". Hình như tất cả các nghệ sĩ tử tế đều thích trồng cây. Và người biết trồng cây thường là người thiết tha biết yêu thương kẻ khác.

"Con người là cây sậy biết suy nghĩ", triết gia Blaise Pascal (1623-1662) ở Pháp đã khẳng định vậy. Một đời người và một đời cây chắc chắn mang nhiều nét tương đồng. Vì thế, lợi ích của việc trồng cây cũng quan trọng như việc trồng người, cho dù sâu xa có đôi chút khác. Cổ thư phương Đông từng chép, "nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã. Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã. Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã". Nôm na là, trồng một mà lợi một thì đó là lúa. Trồng một mà lợi mười, đó là cây. Trồng một mà lợi cả trăm, đó là người. Bác Hồ kính yêu luôn khuyến khích việc trồng cây. Với Người, ngoài chuyện lợi ích nông lâm đơn thuần thì nó còn là một phẩm chất của đạo đức lao động. Và cao hơn nữa, nó còn là tình yêu thiên nhiên, là ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Người đã khởi xướng ra tết trồng cây, "Mùa Xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân". Trong di chúc của mình, Bác dung dị căn dặn hậu sự. "... nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp". Minh triết của vĩ nhân thường bao giờ cũng sâu sắc xúc cảm nghẹn ngào giản dị.

Những ngày này, đại dịch Covid-19 đang làm cả thế giới bàng hoàng. Khá nhiều học giả cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến đại dịch là do chúng ta đánh mất sự tôn trọng với thiên nhiên. Chúng ta mải xây những ngôi nhà cao cao mãi mà quên đi cách giữ cho cây xanh xanh mãi. Một thành phố hiếm hoi không gian xanh thì liệu đấy có phải là một đô thị thông minh. Hỏi như vậy tức là đã trả lời.