Bí mật đời tư

Đã từ lâu rồi, ở hầu hết quốc gia trên thế giới, quyền riêng tư của mỗi cá nhân luôn được luật pháp bảo vệ. Bộ luật Hồng Đức ở ta, được ban hành vào thời Lê (1470-1497), còn vừa nghiêm khắc vừa nhân văn tới mức cấm tố giác những người thân ở địa vị tôn trưởng. “Điều 504: Con cháu tố cáo ông bà cha mẹ..., dẫu việc có thật cũng phải tội biếm hay tội đồ”.

Minh họa: HÀ TRÍ HIẾU
Minh họa: HÀ TRÍ HIẾU

Nôm na hiểu là, cho dù đấy là những bí mật sai trái, thì vẫn phải đợi ánh sáng của công lý. Văn hóa phương Đông vốn tôn trọng đạo hiếu, người phận dưới không được rêu rao bêu riếu những người ruột thịt bậc trên của chính mình. Ở phương Tây, do đặc thù văn minh và tôn giáo của họ, quyền giữ bí mật cá nhân luôn được đề cao. Có phải thế chăng mà thành ngữ La Mã cổ có câu “trong hốc tủ của bất cứ người nào cũng giấu một bộ xương”.

Đương nhiên, những ẩn giấu sâu kín ở từng người không hẳn chỉ là toàn là điều dở. Rất nhiều những cảm xúc trong trắng, ví như một mối tình đầu đơn phương chẳng hạn, được nhiều kẻ thầm yêu trân trọng “sống để dạ, chết mang theo”. Thậm chí cả những nỗi niềm oan khuất, nhưng vì những lý do tế nhị cao cả nào đấy, người trong cuộc đợi đến lúc lâm chung mới thảng thốt di ngôn. Huyền thoại ái tình của thời bao cấp ở thư viện quốc gia số 31 phố Tràng Thi có kể. Một chàng con nhà thế gia cần mẫn ngồi phòng đọc làm luận án tiến sĩ. Sách chuyên ngành của chàng đọc chẳng ma nào nó đọc vì trừu tượng siêu hình. Cô bé thủ thư mặt tròn mới vào nghề, mỗi khi tìm sách cho chàng thì vất vả lắm, và cô cũng không hề biết là đã hơn một năm nay chàng ngồi trong xó khuất nóng bỏng yêu thầm nàng. Tình của chàng nóng đến mức làm nhiệt độ trong phòng đọc luôn là 45 độ “xê”. Giữa ngày buốt giá Đông Chí mà mũi của nàng lấm tấm mồ hôi, “hot” như thế đến người gỗ cũng phải hiểu. Nàng cảm động chờ chàng tỏ tình. Vì vậy, mỗi lần chàng trả sách, cô bé lại run run lật hết các trang xem có kẹp một lá thư nào không. Cứ như thế ba năm, từng trang sách in vẫn phẳng lặng không một dòng viết tay. Vì sẽ là đàn bà “sâu sắc như cơi đựng trầu” nên cô bé chán không buồn kiểm tra nữa. Rồi một chiều cuối thu, lần đầu tiên chàng ấp úng dùng dằng mang sách trả. Cuốn sách có tên lạ lắm, tất cả những kẻ biết chữ mà không biết yêu ở trên đời này đều không đánh vần được. Cô bé nông nổi xếp sách vào kho, không để ý bìa cuốn sách chợt nhiên chuyển sẫm mầu đỏ như huyết lệ. Bảy năm sau, cô bé đã là một sồ sề thiếu phụ, vô tình đọc báo thấy ảnh chàng trai đăng ở mục tin buồn. Nàng rùng mình tìm lại cuốn sách lạ, nó mốc meo nằm im trên giá vì không có ai mượn. Kẹp sâu giữa hai trang sách là một tờ giấy trắng tinh cong queo mấy chữ tím ngắt “Tôi yêu em đến chết”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở nhiều quốc gia nghiêm khắc, việc cố tình làm lộ thông tin cá nhân của người khác bị khép vào tội hình sự. Vì ngay chỉ do vô tình thôi, có không ít thông tin tế nhị khi phơi lên truyền thông, đã làm cho vô số gia đình lao đao. Tưởng như không to tát gì, “đứa út nhà cô ấy bị tăng động đấy”. Rồi, “con bé trông vừa ngoan vừa xinh mà lại đâm đầu đi yêu cái thằng nhếch nhác đến vậy”. Có nhiều non nớt nữ sinh đã suýt tự tử vì những lời ác khẩu từ chúng bạn giăng trên facebook. Ngay cả những người đã trưởng thành, lúc phải đối đầu với những thông tin “bảy thực ba hư” mà mình cố giữ kín nhưng vẫn bị đưa lên mạng, thì phần lớn đều hoang mang tan nát. Bởi cũng dễ hiểu, thành ngữ Việt có câu “tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại”, một tâm lý bình thường có ở mỗi người. Vì ai cũng có quá khứ, và quá khứ đó thường không hiếm lỗi lầm.

Tất nhiên có những lầm lỗi được gian dối che đậy, thì lúc lộ sáng sẽ mang hình hài của một “bộ xương” xấu xí kinh hoàng khủng khiếp. Kiệt tác truyện ngắn “món đồ nữ trang” của văn hào Maupassant (1850-1893) người Pháp đã chua chát cay đắng kể lại một chuyện. Một viên công chức bình thường lấy được cô vợ trẻ. Đại loại cũng là một thứ gái phố cổ, đoan trang kiêu sa điệu đà. Hai vợ chồng tuy ít tiền nhưng cô vợ rất thích sắm đồ trang sức. Rồi trong một lần đi về nhà muộn cô bị cảm lạnh mất sớm, bỏ lại cho ông chồng buồn bã với cả một hòm nữ trang mà ông ta rất ghét vì coi là đồ giả. Gia đình trung lưu lớp dưới, lấy đâu ra tiền mà mua sắm hàng hiệu. Tới một ngày để đỡ ngứa mắt, ông chồng trong trắng cầm cái cái hòm “vớ vẩn” đấy đến cửa hiệu kim hoàn vừa  bán vừa vứt. Không ngờ những dây, những vòng, những chuỗi. những lắc đó đều là đồ xịn, mang giá trị liên thành. Viên công chức yêu vợ choáng váng tỉnh táo nghĩ lại, sâu xa tự biết rằng vợ mình từng đã ngoại tình, thậm chí chỉ là thứ gái bao cho đám chơi bời thượng lưu. Hòm nữ trang đấy đích thực là tiền “bo”. Ông ta “sốc” tới mức định nhảy lầu. Nhưng khi nghe chủ hiệu kim hoàn thông báo tổng giá tiền tỷ, viên công chức bồi hồi tỉnh. Ông ta nghẹn ngào nhận ra rằng, vợ ông hay tất cả những đàn bà có thói quen yêu đồ trang sức đều thật đáng kính. Chao ôi “bí mật riêng tư”, mày là cái gì mà không những làm đàn bà đổi thay mà còn làm đàn ông thay đổi.

Tất nhiên, bí mật của từng cá nhân không hẳn chỉ toàn những điều sai quấy. Và cho dù có hay có dở, nhất là khi nó không làm hại gì đến cộng đồng chung, thì cần phải tuyệt đối tôn trọng. Nhưng nó sẽ là chuyện khác hẳn, nếu như cá nhân đấy lợi dụng quyền riêng tư để che lấp những khuất tất gian dối lúc đang làm việc công, đặc biệt là khi cá nhân đó giữ trọng trách quan yếu trong bộ máy nhà nước. Âm thầm tham nhũng hối lộ mà lại muốn không một ai được phép biết, thì không những vi phạm luật đời mà còn cả luật giời. Sách “Cổ học tinh hoa” của nhà nho Việt có chép chuyện “tứ tri”. Một ông quan thanh liêm được bổ về đứng đầu một tỉnh. Rồi có viên huyện quan muốn chạy chức, đợi tối muộn vắng người thì tới công đường xin biếu cả trăm lạng vàng với lý do mừng sinh nhật. Tất nhiên, vị quan thanh liêm từ chối. Viên quan huyện bèn nói, chuyện này cực kỳ bí mật tuyệt đối không ai biết. Vị quan kia chỉ điềm đạm bảo. Ông biết, tôi biết, trời biết, đất biết, như vậy là có “bốn biết” (tứ tri), sao lại bảo không ai biết.

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ kính yêu luôn vừa nghiêm khắc vừa khuyến khích sự công khai minh bạch trong mọi hoạt động của các cấp chính quyền. Đã là trong sáng việc công thì tuyệt không thể có cái gọi là “bí mật đời tư”. Khẩu hiệu “dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra”, mãi mãi vẫn là một tôn chỉ tối thượng.