Bếp ấm nơi xa

Sáng cuối thu đầu đông ở Cenny Most nắng vàng rực rỡ. Tôi ngó qua cửa sổ ngắm nhìn những chiếc lá phong cuối cùng rơi thành thảm vàng trên con đường nhỏ trước chung cư, nơi gia đình Thanh cư ngụ, cách trung tâm thủ đô Praha (Cộng hòa Czech) chừng 10 phút lái xe.

Chị Thanh, người nhóm lửa cho bếp ấm gia đình.
Chị Thanh, người nhóm lửa cho bếp ấm gia đình.

Căn bếp nhà Thanh thơm lừng mùi cà-phê Buôn Ma Thuột tôi mang từ Việt Nam sang. Cả mùi nước phở thoảng hương hoa hồi, khiến sáng mùa đông giữa Praha thêm ấm áp hương vị quê nhà. “Làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gãy. Thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”... lời nhạc Phú Quang qua giọng hát Thu Phương, khiến Thanh trầm ngâm: “Ôi, lại Tết rồi, em nhớ nhà quá!”. “Nhà” trong nỗi nhớ của Thanh chính là Việt Nam. Tơ vương chạm nỗi nhớ ấy luôn là những bài hát Việt gợi những mênh mang hoài niệm, là bộ ấm chén gốm sứ Bát Tràng tỏa hơi nóng hương trà Thái Nguyên.

Tôi thích nhìn Thanh trong căn bếp mỗi sáng trời lạnh ấm sực ký ức và nỗi nhớ quê nhà mỗi mùa giáp Tết.

Nồi nước phở của Thanh không thua gì nồi phở ở “nhà”. Tôi mở vung nồi, hít hà. Một nồi xương ống heo hầm lửa liu riu vài giờ, có tảng nạm bò viền mỡ gân, có gừng, hành tím đập dập. Giá sinh hoạt ở Praha khá rẻ, hai ký xương ống ngon tính ra chừng 40.000 đồng. Thịt bò cũng chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Bánh phở, rau thơm các loại, tương ớt mua ở siêu thị châu Á. Vợ chồng, bạn bè xì xụp phở nóng bỏng môi, vừa ăn vừa trò chuyện về tình hình thời sự quê nhà đang phát trên VTV4. Sau bữa sáng, Thanh ra mini mart của gia đình cách chung cư gia đình cô ở chừng 300 m để mở cửa bán hàng sớm cho công nhân và học sinh trước khi đi làm, đi học thường ghé vào mua đồ ăn, thức uống. Cửa hàng nhà Thanh bán nhiều loại hàng hóa: thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, nhu yếu phẩm... Khách mua là dân cư quanh vùng, công nhân nước ngoài sống ở mấy chung cư kế cận.

Vợ chồng Thanh từng kinh doanh qua nhiều ngành nghề, từng bán hàng nhiều năm ở các chợ Việt sau thời gian đi hợp tác lao động và ở lại định cư. Để lại phía sau những ngày khó khăn, vất vả mưu sinh ở xứ người để nuôi hai đứa con ăn học. Giờ, họ có thể yên tâm phần nào khi nhìn lại chặng đường gian lao đã qua, con trai lớn đã tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin, hiện làm việc cho một công ty đa quốc gia; con gái út đang học ngành thẩm mỹ bên Đức.

Bếp ấm nơi xa ảnh 1

Những phụ nữ Việt ở Petrovice.

“Tương lai của thế hệ thứ hai sẽ tốt hơn bố mẹ nhiều chị ạ. Các con đã là công dân toàn cầu, có nhiều lựa chọn để bước vào tương lai, không vất vả như cha mẹ. Nghĩ cho cùng thì sự vất vả của tụi em được đền bù xứng đáng. Tự hào nhất là các cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có quốc tịch tại đây nhưng vẫn giữ nếp nhà và ý thức cội nguồn. Đó cũng là nhờ công lao mẹ cháu !” - Tuấn, chồng Thanh nói, mắt nhìn vợ âu yếm.

Sau 9 giờ đêm mỗi ngày, gia đình Thanh mới thật sự được nghỉ ngơi, đoàn tụ trong bữa cơm tối, sau một ngày làm việc, bán hàng mỏi mệt. Kiểu gì thì bữa tối, ngoài các món ăn cơ bản, bao giờ chồng Thanh cũng được vợ làm cho một đĩa nhắm là sườn heo nướng hoặc tô xí quách ngon để anh uống bia. Có hôm, bên bàn ăn có tô canh cá thìa là, đĩa lòng lợn chấm với mắm tôm thơm lừng gian bếp, chúng tôi đàm đạo, “ăn” cả ký ức Việt một thời. Quê nhà như gần lại trong căn bếp ấm.

Tôi và Thanh đi tàu hỏa đến Usti Nad Labem, cách Praha hơn 100 km để thăm Thu, cô bạn thân. Sau 1,5 giờ ngồi tàu, chúng tôi đến ga cuối, phải đi xe bus 25 km nữa mới đến nhà bạn, vùng Petrovice, sát biên giới Đức.

Con đường về nhà Thu uốn lượn qua những bình nguyên, rừng cây, thảm cỏ tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng mới gặp những cụm dân cư yên bình. Hai bên đường cái quan sát biên giới phía Czech có nhiều nhà, cửa hàng, mini mart của người Việt. Doanh nhân Việt rất nhạy bén, thường đi trước, mở cơ sở kinh doanh đón khách từ bên Đức qua du lịch, mua sắm, ăn uống và làm đẹp.

Gia đình Thu từ thành phố Cheb chuyển đến Petrovice đã được một năm. Ba năm trước, tôi từng đến cửa hàng của Thu ở giữa quảng trường trung tâm thành phố Cheb, nơi nhiều người Việt làm chủ các siêu thị, nhà hàng, salon làm đẹp. Rời nơi chốn đã sinh sống, lập nghiệp gần 20 năm để đến vùng đất mới sát biên giới này, vợ chồng Thu lại gây dựng cuộc sống với dự án mới. Nhà Thu nằm trên đồi cao, vốn là một nhà máy cũ, được công ty của gia đình Thu mua lại để cải tạo, xây dựng lại. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng đồi, chồng Thu say sưa nói về dự án đang nên dáng nên hình. Nơi đây sẽ là khách sạn, chỗ kia là khu vực nhà hàng, siêu thị... Dự án này tọa lạc ngay cửa ngõ đón du khách Đức vào Czech vui chơi nghỉ dưỡng, mua sắm, ăn uống và làm đẹp. Người Việt ở khu vực này khá nhiều, hầu hết làm chủ nhà hàng, cửa hiệu lớn hai bên đường.

Các công nhân xây dựng người bản xứ niềm nở chào hỏi chúng tôi. Một năm qua, gia đình Thu đã cải tạo khu đất, các tòa nhà cũ, từng chút từng chút một. Chồng Thu giám sát, chỉ huy công nhân làm việc trên công trường, Thu lo việc nhà, nấu ăn cho công nhân ngày hai bữa.

Chúng tôi ngồi bên nhau trong căn phòng ấm hơi nóng của chiếc lò sưởi đốt củi ở góc nhà. Bữa trưa Thu đãi bạn có món cá chép om dưa, món bò hầm cà rốt, rượu mơ, trà ô long quê nhà. Thu mãn nguyện nói về hai đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học, trong đó một cô tốt nghiệp Trường báo chí danh giá ở Berlin (Đức), cậu con trai út đang học cao đẳng nghề, dự định sẽ nối nghiệp kinh doanh của cha sau này...

Ba người đàn bà ngồi tâm sự về cuộc sống, con cái, về tương lai xa gần. Cái lạnh cuối thu đầu đông như ấm hơn qua câu chuyện, niềm vui ánh trên gương mặt mỗi người, khi nói về dịp Giáng sinh và năm mới, con cái từ các nơi sẽ trở về để sum họp gia đình. Thỉnh thoảng chồng Thu gọi với lên “Em ơi, cuối tuần thanh toán tiền cho công nhân nhé”, “Em ơi, xuống nhận dùm anh số đồ người ta vừa chở đến”... và cô Thu tay hòm chìa khóa lại tất tả chạy xuống, chạy lên. Đàn bà Việt trong gia đình quan trọng là thế, nhất là ở nơi xa này. Họ là cửa cái, trụ cột mềm, bạn đồng hành, chỗ dựa tinh thần của chồng. Dù ở đâu, đàn bà Việt vẫn chịu thương, chịu khó, vì chồng vì con, nuôi dưỡng lửa ấm gia đình.