Nương dáng cha, nép bóng mẹ

“Tôi muốn kể câu chuyện của những người con liên quan đến cha mẹ mình. Ðấy là câu chuyện về từng tháng năm dài của bố mẹ, về các mối quan hệ của bố mẹ trong cuộc đời và xã hội. Lịch sử vừa là cái chung, nhưng cũng vừa là cái riêng, còn phải thông qua những con người cụ thể, câu chuyện cụ thể, thông qua ứng xử của họ trong các giai đoạn khác nhau, thời kỳ khác nhau để làm cho lịch sử trở nên sống động như có thể cầm nắm được, để thế hệ đương thời thêm hiểu biết. Ðơn giản bởi những con người đó vừa là chứng nhân vừa là tác nhân của lịch sử”. PGS,TS Nguyễn Văn Huy tự sự khi Bảo tàng gia đình mang tên Nguyễn Văn Huyên - vị Bộ trưởng Giáo dục lâu năm nhất của Chính phủ (từ tháng 11-1946 đến khi mất, t

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và phu nhân Vi Kim Ngọc (1936).
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và phu nhân Vi Kim Ngọc (1936).

Qua khỏi cánh cổng sắt trầm ngâm là mọi ồn ào bụi bặm của dẻo đất khởi đầu con phố Trần Hưng Đạo, cách đê sông Hồng không bao xa đã dường như thuộc về thế giới khác. Thắp một nén hương lên bàn thờ đặt ngay phòng khách được treo kín tường các bức tranh do bà Vi Kim Ngọc vẽ, PGS, TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Tôi thành tâm nghĩ người sống và người đã khuất luôn giao hòa với nhau, chứng kiến sẻ chia niềm vui nỗi buồn của nhau, khích lệ động viên nhau trong mỗi ngày thường”. Bốn người con của GS Nguyễn Văn Huyên, một trai, ba gái đều sát vách quần tụ trong khuôn viên yên bình tĩnh lặng này: “Khi bán ngôi nhà mặt phố hóa giá của Nhà nước, bốn chị em tôi chỉ có ý định mua được đám đất đằng sau để tiếp tục ở gần nhau đúng như nguyện ước của cha mẹ và cả mong muốn của mỗi người. Bán nhà mua đất xong vẫn còn dư ít tiền. Tôi đề nghị chia đều cho cả bốn. Nhưng các chị không chịu, nhất định bảo tôi là con trai phải được phần hơn. Đương nhiên là tôi không đồng ý. Tranh cãi mãi chẳng ai chịu ai, cuối cùng đành thống nhất phương án chia làm năm phần, mỗi con một phần, phần còn lại dành làm quỹ chung, lo việc gia tộc như để làm bảo tàng ở Lai Xá quê cha” - người con trai duy nhất của vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên chia sẻ trong một buổi chiều nhập nhoạng tối của Hà Nội ngày cận Tết.

Đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau là điều đã được bà Vi Kim Ngọc, phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên chỉn chu rèn cặp con cái. Với bà thì trai gái, dâu rể đều là con, cho nên phải được hưởng sự đối xử công bằng, bình đẳng để khỏi so bì ghen tị. “Mẹ tôi khéo vun vén và rất chân thành. Cụ không bao giờ phân biệt bà con bên nội, bên ngoại, người nhà quê hay người thành phố, luôn định hướng, dẫn dắt các con đi từ từ và luôn luôn quan tâm, chăm sóc chuyện học hành của con cái. Khi mẹ mất, đọc di chúc của mẹ, xem lại những bức thư mẹ gửi cho các chị lúc đi học bên Trung Quốc trùng thời điểm cao trào của cách mạng văn hóa, tôi mới vỡ lẽ: Nếu không phải mẹ, không nhờ cách hành xử tinh tế và bản lĩnh kiên định của mẹ, chưa chắc gia đình tôi đã giữ được sự trọn vẹn, ấm êm, hạnh phúc như bây giờ”, PGS Nguyễn Văn Huy hồi tưởng lại. Thập niên 50, 60 thế kỷ 20, tâm lý xã hội phát sinh những biến động ít nhiều gây xáo trộn trong một số nếp nhà Việt Nam, ý thức hệ dâng trào mạnh mẽ khiến xuất hiện những xầm xì nhỏ to về xuất thân danh gia vọng tộc, về nguồn gốc đại quan phong kiến của bà Vi Kim Ngọc, ái nữ quan Tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định. Bà Vi Kim Ngọc đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để hiểu xã hội, để được xã hội tôn trọng và để kéo được con cái về với mình. Tự học, tự đào tạo, nhiều quãng thời gian dài, bà Vi Kim Ngọc đảm nhiệm chức phận kỹ thuật viên bộ môn Ký sinh trùng, Trường đại học Y Hà Nội, một phụ tá đắc lực, đáng được tin cậy của GS Đặng Văn Ngữ. Các hình vẽ dưới kính hiển vi như bộ tranh côn trùng của bà là giáo cụ trực quan sinh động, một phương tiện nghiên cứu hữu hiệu cho sinh viên trong giai đoạn chuyện dạy và học còn trăm bề thiếu thốn. Bỏ qua quá khứ lá ngọc cành vàng, để lại sau lưng tháng năm thảnh thơi trong cương vị phu nhân thành viên người châu Á duy nhất trong Trường Viễn đông bác cổ Pháp được hưởng lương cao ngất trời, bà Vi Kim Ngọc đã lần mò tới tận chuồng trâu, chuồng lợn, biến mình thành mồi cho muỗi đốt để bắt về quan sát.

Nỗi lo lắng của bà Vi Kim Ngọc không là thái quá vì ngay thời điểm ấy, trong số bạn bè của GS Nguyễn Văn Huyên đã có người phải lâm cảnh ngộ đau lòng, bị con cái từ mặt, quay lưng không nhận mẹ, cha sau khi du học nước ngoài trở về. Bất chấp những dịch chuyển thời gian và sự vắng mặt đã lâu năm của cha mẹ, bốn người con trong đại gia đình GS Nguyễn Văn Huyên thường xuyên duy trì được thói quen đã tạc thành nếp: Dù có đi đâu, làm gì, xa xôi cách trở cỡ nào, sáng mồng một Tết, tất cả cháu con cũng trở về góp mặt tại nhà PGS Nguyễn Văn Huy, thắp hương báo cáo trước bàn thờ tổ tiên về thành tích của mình trong năm qua. Con trai, con gái, con dâu, con rể, cả những trí thức nổi tiếng như GS Nguyễn Lân Dũng, phu quân của người con gái thứ ba - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, và thế hệ sau này, những người cháu ngoại cũng đã được xã hội ghi nhận: PGS, BS tim mạch Nguyễn Lân Hiếu, nữ TS Trương Huyền Chi, nữ PGS trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Kim Nữ Thảo... hay những em bé chưa hình dung rõ ràng về tầm vóc của tổ tiên dòng họ vẫn nghiêm cẩn thực hành nghi thức ấy như tìm về một sự bằng an thanh thản cho tâm hồn trong ngày đầu năm mới.

Nương dáng cha, nép bóng mẹ ảnh 1

Bà Vi Kim Ngọc và các cháu. (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).

Trong tâm tưởng người con trai út, GS Nguyễn Văn Huyên vốn ít nói, nhưng là con người hành động: “Công việc của một bộ trưởng vốn bận rộn, cho nên những ngày nghỉ ở nhà, cụ thường dành thời gian cho sách vở, nghiên cứu. Nhiều buổi chiều chủ nhật, cụ dẫn tôi đi các hiệu sách nhân dân tìm mua sách. Cụ cũng thường đưa vợ con tới thăm những người bạn đang chịu cảnh ở ẩn vì bị người đời xa lánh để bày tỏ thịnh tình với bằng hữu và định hướng cho các con một lẽ sống ở đời”. Gần gũi nết ăn, nết ở với mẹ và chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của cha, PGS Nguyễn Văn Huy nối nghiệp cụ ông, trở thành nhà nghiên cứu dân tộc học. Bảo tàng Dân tộc học mà ông khởi xướng, gây dựng và nhiều năm liền nhận lãnh cương vị giám đốc cho tới lúc về hưu, tọa lạc trên mặt tiền con đường mang tên Nguyễn Văn Huyên, luôn trở thành địa chỉ văn hóa được cả người trong và ngoài nước tìm đến khi về Thủ đô: “Có hai điều tôi luôn khắc ghi và day dứt. Một là điều mẹ nhắc về cha, nói về cha từ lúc cha qua đời cho đến tận ngày mẹ mất: Cha con lớn lắm, các con không hiểu hết cha đâu. Người bây giờ cũng không hiểu hết cha đâu. Phải một trăm năm nữa người ta mới hiểu hết cha con. Điều nữa, như một nỗi ân hận mà tôi không còn cơ hội để tỏ tường, thông hiểu: Sắp xếp sách vở, soạn sửa các di cảo của cha, tôi thấy còn các tư liệu lịch sử cụ ghi chép rất nhiều từ những năm trước. Cụ thường chép tay những sự kiện lịch sử, văn hóa trên các phiếu nho nhỏ, là những mẩu giấy cắt ra từ các bản tin của Thông tấn xã. Ở đó có vô vàn dữ liệu lịch sử mà tôi chưa giải mã được, cụ kết nối chúng lại với nhau nhằm dụng ý gì, nghiên cứu vấn đề gì. Ngày còn bên cha, tôi đã không để tâm đến. Chỉ khi cụ ra đi, rồi theo con đường nghiên cứu, tôi mới thấm thía và nuối tiếc, rằng mình đã không thấu đạt được dụng ý của cụ từ rất sớm. Tất cả các di cảo đó sẽ được chúng tôi đưa về Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở quê hương làng Lai Xá và hy vọng chúng sẽ có ích cho các nhà khoa học sau này”.

Ðoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau là điều đã được bà Vi Kim Ngọc, phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên chỉn chu rèn cặp con cái.