Hát ru trong ngôi nhà Nam Bộ

Chẳng mấy ai nghĩ rằng mình nên người là nhờ tiếng ru của mẹ. Và, cũng chẳng mấy ai nhớ câu ru nào mẹ đã ru mình.

Hát ru trong ngôi nhà Nam Bộ

Hát ru là bài hát đầu tiên cho một con người mới cất tiếng khóc chào đời. Bài hát đó được cất lên từ nỗi sung sướng hay cơ cực, hân hoan hay buồn tủi... do chính người mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra một hình hài. Những người từng hát một đời bên bếp lửa, với đồng ruộng sau lưng, với dòng sông quê trước mặt cho rằng trên đời này chỉ có ba bài hát. Bài hát thứ nhất là bài hát ru con bên nôi. Bài hát thứ hai là bài hát khi mẹ mất con. Còn bài hát thứ ba? Đó là tất cả các bài hát còn lại.

“Ầu ơ... Thương nhau bụi cỏ cũng ngồi

Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng qua”.

Tiếng ru bên nhà láng giềng, tiếng ru trong mái ấm thuở ấu thơ dìu dắt từng bước chân đi lẫm chẫm cho tới lúc con người bé bỏng kia biết chạy nhảy vui đùa, vẫn mang máng nhớ một tình quê nơi chôn nhau cắt rốn, mang máng nhớ những bậc lớn tuổi giờ đây đã lụm cụm, họ đã một thời sinh ra con đường làng, cái giếng nước với một câu nhân nghĩa của tình đời, tình bạn, tình yêu... của một kiếp con người: “Chim ham trái chín bay xa/ Buồn tình nhớ gốc cây đa muốn về...”.

Người ta còn nói rằng, vô phước cho một người nào đó không hề được nghe những câu ru của mẹ để dần dần được lớn lên, dần dần được trưởng thành. Bà Trần Thị Ba, 73 tuổi, ở xã Trung Nhất, huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang, ngồi trên sạp tre, ru cháu ngoại trên chiếc võng đay, như một bức tranh quê. Trên võng cháu lim dim, dưới võng con chó mực nằm cũng lim dim. Và, khi nghe bà cất tiếng, con heo nái đang ủi đất cũng chạy vào nhà, chui xuống sạp tre ngủ ngon lành. Bà cười: Má dỗ một lúc “ba đứa” ngủ! Con người đi sưu tầm dân ca gặp má trưa hôm ấy, nghe gió đồng hiu hiu quyện với câu ru khản đặc: “Quạ kêu dưới đám ruộng dài/ Anh mê theo gái nói hoài hổng nghe”. Để rồi chuyển điệu cất cao thảnh thót: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”... thì dường như họ cũng muốn lăn ra, đấu đầu lại với nhau trên cái sạp tre - cái sân khấu trọn đời, để đánh giấc ly bì, trong bỗng chốc hóa thành trẻ thơ vô tội. Bà chỉ tay ra con đường bao quanh trong thế giới nhỏ nhoi mà tự hào. Trai tráng trong xóm này nên thân, nên người đều là con nít ngày xưa má giữ, má đút cơm, má dỗ ngủ, bằng cái nghề đi giữ em của má.

Câu nói của người đàn bà làm nghề đi giữ em cũng lại từa tựa với lời người cha của nhà thơ lỗi lạc Ra-sul Gam-za-tov, rằng: “Kẻ nào không được nghe tiếng hát ru thì cũng thể như mồ côi. Và ai lớn lên dù thiếu cha, thiếu mẹ nhưng được nghe hát ru từ trong nôi thì không thể gọi là mồ côi”.

Tiếng ru, tiếng hát tâm hồn, là đường về xứ sở, là giai điệu nhân ái, thánh thiện, là vẻ đẹp luôn được tái tạo bằng một hương vị đặc biệt, để hình thành nhân cách một con người. Hương vị ấy là lời ru, điệu ru, tâm trạng tình cảm khi ru.

Địu con trên vai, người vợ nói chuyện với chồng: “Hồi nào anh ngủ em ngồi/ Con muỗi bay qua em đập, nhớ mấy hồi gian lao”. Và cũng có khi ru con trong tha thiết phận mình: “Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa/ Mai sau cha yếu mẹ già/ Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng”. Cũng có khi mẹ nói về tình bạn: “Cây xanh thì trái cũng xanh/ cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Vâng! Những lời đẹp đẽ kia, chờ khi con lớn lên, đời lại nối đời. Con lại ru cho con của con, sau những buổi chiều đi làm về. Còn bây giờ con chỉ biết ngủ vùi theo cái âm thanh ầu... ơ dìu dặt triền miên, nửa êm như tiếng lá tre xào xạc bên hè, nửa buồn nửa vui như tiếng nước lớn nước ròng trên dòng sông sáng chiều cha của con xuôi ngược.

Hát ru trong ngôi nhà Nam Bộ ảnh 1

Vẫn giai điệu à ơi ấy, khi tín hiệu của mẹ cho con, không bà mẹ nào giống bà mẹ nào, ngoài cái giọng ru của mẹ trẻ còn đòi cái hơi của mẹ, cái cách nựng nịu ngô nghê đả đớt của mẹ. Cái dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng của mỗi người mẹ- nghệ sĩ của mình, đó là chất “ma túy”; không có phù phép nào phá đường dây tín hiệu đó được. Bà mẹ Khmer Nam Bộ có bài hát: “Bạch voi thì trĩu ngà/ Cà thóc thì nặng hạt/ Không ai bằng mẹ ruột/ Trách giận rồi lại thương/ Sẵn lòng trao cho con/ Mẹ không hề giấu giếm/ Ai ơi đừng tìm kiếm/ Người không đẻ ra mình”.

Tiếng ru của người phụ nữ thương con nít ở Sài Gòn; “Đất xấu làm hại kiếp hoa/ Số nghèo làm hại con nhà thông minh”. Hay như: “Đó nghèo đây cũng phận nghèo/ Đôi ta như bọt với bèo thương nhau”. Lời ru như cơn gió tốc mái tranh nghèo, như con sóng xô chiếc xuồng lật úp, như đang nhóm lửa, như đang săn sóc ngọn lửa ấm, nựng nịu trẻ thơ, cười đôn hậu với trẻ mới chào đời còn đang bị trói ánh sáng của trần gian.

Trên đất nước chúng ta, tiếng chị ru em, cha mẹ ru con, ông bà ru cháu... vẫn thảnh thót trong phum sóc, bản làng, vẫn mùi mẫn trong vườn sầm uất hay ở một làng chài ven sông. Có thể trẻ thơ những nơi đó thiếu thốn mọi bề, nhưng tiếng hát ru - phần thưởng quý báu của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu ta không thiếu. Chúng ta cũng ước mong sao, hễ là trẻ thơ thì dù có ở nông thôn hay thành thị, đều được hưởng tiếng hát ru của mẹ, sau một ngày mẹ vất vả làm lụng. Chiều xuống trong mỗi gia đình đều âm vang tiếng hát ru con.

“Nhưng không ai sao lãng giọng hát của mẹ mình, hay tiếng cười hạnh phúc đưa dấu sắc lên cao, hoặc tiếng trầm buồn nhẫn nhục để lặn xuống một dấu huyền, dấu nặng như muốn chôn chặt tận đáy lòng”.

Tiếng ru, tiếng hát tâm hồn, là đường về xứ sở, là giai điệu nhân ái, thánh thiện, là vẻ đẹp luôn được tái tạo bằng một hương vị đặc biệt, để hình thành nhân cách một con người. Hương vị ấy là lời du, điệu ru, tâm trạng tình cảm khi ru.

Mặc dù hát ru con nhưng lời ru đôi khi lại là tiếng tơ tình của người lớn. Tiếng ru tình lỡ: “Mù u bông trắng lá quắn nhụy huỳnh/ Lợi đây tui kể hết sầu tình cho anh nghe”. Hay như: “Đệm sứt vung thì bàng cũng ra bàng/ Chớ tiếc công mình mà lận đận (chớ) theo nàng (chớ) bấy mà lâu”. Tiếng ru tình về: “Huệ sầu ai huệ lại hứng sương/ Tôi sầu lại gặp người thương hết sầu”, và sâu đậm: “Dế kêu khỏa lấp cơn sầu/ Nghe mấy lời anh nói bạc đầu chẳng quên”. Và những tiếng ru phân vân tình gần nhưng nhân ngãi còn xa: “Đờn cò lên trục kêu vang/ Cang thường chưa có mãn, em khoan chưa có chồng”, lời ru đối đáp lại: “Em có chồng hay chưa em nói thiệt (cho) anh tường/ Chớ để anh vô mà anh phá điệu (cho) cang thường không có nên”.