Vừa quyết liệt chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh

Cả nước lại đang gồng mình bước vào “cuộc chiến” lần hai chống đại dịch Covid-19 trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường vì số người lây nhiễm trong cộng đồng, gia đình tăng nhanh, trong đó có nhiều người cao tuổi vốn bị bệnh nền nhiều năm, rất khó vượt qua dịch bệnh, khiến hơn chục ca đã tử vong.

Rửa tay sát khuẩn phòng, chống Covid-19. Ảnh | TRẦN HÀ
Rửa tay sát khuẩn phòng, chống Covid-19. Ảnh | TRẦN HÀ

Việc truy vết người bệnh F1 không hề đơn giản vì họ đi từ tâm dịch Đà Nẵng đã tỏa đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với quá nhiều đối tượng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất nhanh trên diện rộng. Trong khi đó, điều kiện vật tư, phương tiện y tế... trước mắt chưa thể đáp ứng theo tỷ lệ thuận với số người bị nhiễm và bị cách ly.

Trước những diễn biến phức tạp đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các ngành, các địa phương đã bình tĩnh, khẩn trương vào cuộc, nghiêm túc thực hiện các kịch bản chống dịch, các biện pháp tức thì, trong đó có việc xác định nhanh số người từ trung tâm dịch Đà Nẵng đã về các địa phương với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền vận động người dân tự giác khai báo và chấp hành các hướng dẫn bắt buộc của ngành y tế. Thêm một lần nữa, chúng ta được chứng kiến lòng quả cảm, trí thông minh, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, nhất là những người đang phục vụ trong các bệnh viện ở Đà Nẵng, mà trong đó hàng chục người đã bị lây nhiễm và phải cách ly để điều trị. Đông đảo các chiến sĩ áo trắng tự nguyện xa gia đình lâu ngày, để bám sát chữa trị người bệnh, chấp nhận sự nguy nan đối với mạng sống của mình, tất cả vì sứ mệnh giành giật sự sống cho người bệnh. Chúng ta xúc động khi hàng chục bác sĩ, y tá từ Hải Phòng, Bình Định, TP Hồ Chí Minh... đã có mặt kịp thời đến Đà Nẵng, trong đó có những cặp vợ chồng trẻ đang trong “tuần trăng mật” với ý thức “chia lửa” cùng các đồng nghiệp thân yêu. Một số bệnh viện dã chiến đã được cấp tốc dựng lên. Sự phối hợp nghiên cứu, xét nghiệm, hội chẩn... giữa các cơ quan y tế ở Trung ương và các địa phương được tăng cường. Những hành động thiện nguyện của một số cá nhân, doanh nghiệp làm những ATM gạo, ATM khẩu trang; những thùng xe chở chăn, màn, nước uống, nhu yếu phẩm do người dân tự nguyện đóng góp; sự xuất hiện “Chợ 0 đồng” nhằm tiếp tế sinh viên bị mắc kẹt tại Đà Nẵng với khẩu hiệu “Ai cần cứ lấy, ai ổn thì nhường phần người khác”... Tất cả, tất cả những việc làm mang tình người cao đẹp ấy, làm ấm lòng và bồi đắp niềm tin cho người bệnh cũng như người đang phải cách ly. Bằng sự chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, quyết liệt của các Ban chỉ đạo chống dịch từ Trung ương tới các địa phương, chúng ta vững tin tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Đi liền nhiệm vụ chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể những việc cấp bách cần làm. Đó là phải tận dụng “thời gian vàng” đầu tháng 8 để phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát có hiệu quả tại tâm dịch Đà Nẵng và một số địa phương trên nguyên tắc chỉ phong tỏa trung tâm dịch và sẵn sàng phương án cách ly tại chỗ nếu khu cách ly tập trung quá tải. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ. Bằng kinh nghiệm thành công của “cuộc chiến” lần thứ nhất, lần này chúng ta chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, không vì kiềm chế dịch bệnh mà “ngăn sông cấm chợ”, phải thực hiện tốt mục tiêu vừa chống dịch, vừa bảo đảm kinh doanh, thông thương nền kinh tế. Cần phải bình tĩnh, đánh giá đúng thực chất diễn biến dịch bệnh, xác định tinh thần chung sống trong tình trạng dịch bệnh hiện nay để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh, vừa tiếp tục duy trì, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo tinh thần bình tĩnh, không hoang mang, nhưng không chủ quan, mất cảnh giác, chúng ta hoan nghênh một số doanh nghiệp, địa phương đang có những sáng kiến sắp xếp lại lực lượng lao động, bố trí ca kíp phù hợp tình hình để thay nhau sản xuất, lựa chọn mặt hàng đáp ứng thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là nông sản, điện tử, may mặc... Truyền thống của dân tộc ta là “trong cái khó ló cái khôn”, không dừng bước trước mọi khó khăn thách đố; mỗi khi Tổ quốc gặp gian nguy, lại ngời sáng tinh thần đại đoàn kết, sáng tạo, thể hiện sinh động khát vọng, ý chí và khí phách Việt Nam!