Thúc đẩy xuất khẩu gỗ

Tăng trưởng bền vững

Những năm gần đây, ngành gỗ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực. Đến nay, gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nước ta vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu gỗ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2020 ngành gỗ vẫn có tăng trưởng xuất khẩu tốt, đặc biệt từ quý II, khi dịch bệnh tạm lắng xuống ở các thị trường xuất khẩu lớn. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực cũng tạo thêm thuận lợi khi nhiều sản phẩm gỗ có thể hạ thuế suất xuống 0% hoặc dần hạ xuống 0% trong 5 năm tới.

Tuy nhiên việc mở rộng thị trường xuất khẩu khiến rủi ro cũng tăng cao như chuỗi cung bị đứt gãy do đại dịch Covid-19; nguy cơ về gian lận thương mại; việc truy xuất nguồn gốc gỗ ngày càng nghiêm ngặt hơn khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT). Mặt khác, ngành gỗ ngày càng cũng bộc lộ những điểm yếu nội tại làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng và mẫu mã chưa đa dạng, công nghệ còn lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực lành nghề...

Khắc phục những thách thức do biến động của thị trường, tháo gỡ những nút thắt nhằm tăng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ, để Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới là tiêu điểm của Nhân Dân hằng tháng tháng 10 về Thúc đẩy xuất khẩu gỗ tăng trưởng bền vững.