Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Nhiều "lỗ hổng" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn mang lại nhiều kết quả tích cực, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp (DN) để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của DN, tăng cơ hội phát triển các doanh nghiệp CPH. Tuy nhiên, nhiều lỗ hổng, bất cập trong triển khai thực hiện được chỉ rõ tại báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận sôi nổi tại nghị trường.

Đại biểu QH phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đăng Khoa
Đại biểu QH phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đăng Khoa

Giai đoạn 2011-2016, cả nước CPH 571 DN và bộ phận DN, trong đó có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, sau khi CPH có tới 90% DN hoạt động có hiệu quả góp phần làm tăng ngân sách nhà nước, tạo thêm công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, chấm dứt tình trạng bù lỗ của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tiến trình CPH và thoái vốn nhà nước diễn ra chậm và rất hình thức. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chỉ rõ căn nguyên là những người có trách nhiệm trong CPH còn lúng túng, mơ hồ, thiếu quyết tâm và lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH, vì lợi ích nhóm và có hiện tượng "xẻ thịt" DNNN để mang lợi ích cho cá nhân, gia đình, bạn bè mình. Đồng quan điểm, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) "bắt bệnh" sự chậm trễ không chỉ do khách quan mà còn do yếu tố chủ quan như lo ngại của ban lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém khi DN phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị khi thực hiện CPH; sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao. "CPH 571 DN và bộ phận DN nhưng chỉ thu về cho Nhà nước 43 nghìn tỷ đồng là quá ít ỏi, nhiều tổng công ty chỉ bán 1 - 2% vốn điều lệ ra bên ngoài nên khó có thể nói là CPH theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Lượng vốn nhà nước sở hữu tại các DN đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vẫn còn rất lớn (theo báo cáo giám sát chiếm hơn 80% vốn điều lệ), vì vậy một lượng lớn các nguồn lực tài chính đến nay vẫn chưa tìm được chủ sở hữu có đủ động lực để sử dụng một cách có hiệu quả", đại biểu Lộc băn khoăn.

Định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa

Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua CPH do việc định giá giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế, nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu DN, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng, nhiều DN bị bán với giá bèo bọt, tình trạng tài sản nhà nước mua vào luôn bị đánh giá cao lên, bán ra bị định giá thấp đi…là trăn trở không chỉ của ĐBQH và của đông đảo cử tri. Từ năm 2012-2016, qua kiểm toán 17 DN, Kiểm toán Nhà nước xác định các trường hợp tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 22.356,7 tỷ đồng, các trường hợp giảm giá trị thực tế vốn nhà nước 125,2 tỷ đồng. ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh) chỉ rõ việc xác định giá trị DN thiếu chính xác, quản lý đất đai khi và sau khi CPH DNNN còn nhiều thiếu sót bởi nhiều lý do, cả về quy trình thực hiện, năng lực trách nhiệm của tổ chức tư vấn và không loại trừ động cơ trục lợi.

Đặt câu hỏi là "đã có một cơ chế là có một tổ chức định giá độc lập, một tổ chức đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa việc mua, bán tài sản, tại sao lại vẫn xảy ra tình trạng mua đắt, bán rẻ", ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thẳng thắn đề cập việc định giá và đấu thầu chỉ là hình thức với nhiều phân tích chuyên sâu. Đó là giá định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát so với giá khi mang ra đấu giá tài sản, việc lựa chọn cơ quan định giá và cơ quan đấu giá phải khách quan, nhưng thường lặp đi, lặp lại một số tổ chức định giá và tổ chức tư vấn đấu giá thực hiện chức năng này; những người tham gia đấu giá tài sản nhà nước cũng lặp đi lặp lại. Trên thực tế, chưa có một tổ chức làm tư vấn định giá, tư vấn đấu giá khi lập những dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai bị xử lý. Tệ hại hơn, khi DN thua lỗ bán tài sản máy móc thiết bị thì đây lại là một cơ hội làm ăn béo bở cho một nhóm người, do đó cần thanh tra, kiểm tra để quy trách nhiệm những đơn vị tiếp tay làm thất thoát tài sản nhà nước.

Nhiều "lỗ hổng" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ảnh 1

Sản xuất giầy xuất khẩu ở công ty Cổ phần giầy Vĩnh Yên ( Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Giang

Thất thoát liên quan phổ biếnđến đất đai

Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi CPH và quản lý đất đai sau cổ phần luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH, dư luận và cử tri. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN. ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) dẫn chứng, một số DN có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá thì giá trúng cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, như công ty cổ phần Khách sạn Kim Liên giá khởi điểm 30.600 đồng, giá trúng là 274.200 đồng; công ty cổ phần Ong trung ương giá khởi điểm là 15.000 đồng, giá trúng 116.000 đồng.

Khi CPH DN sản xuất chọn hình thức thuê đất, trả tiền đất hàng năm thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN là phù hợp, tuy nhiên sau khi CPH, DN từ bỏ ngành sản xuất kinh doanh chính xin chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, đất ở thì vẫn đúng luật nhưng tiềm ẩn nguy cơ thất thoát. Nguy cơ này có thể xảy ra ở tất cả các DN đã CPH trước đây. "Theo thời gian giá đất tăng rất lớn, nhất là những khu đất vàng trong các khu đô thị rất cần có chính sách quản lý. Đất đai là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, mọi tổ chức, DN được giao đất, thuê đất chỉ là giao quyền sử dụng đất. Do vậy, giá trị tăng lên từ đất phải thuộc về Nhà nước 100%. Đây phải là nguyên tắc khi sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai", ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đề nghị. Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), vấn đề đất đai và mặt bằng của các DN CPH hiện rất sơ hở, lỏng lẻo, nhất là việc không tính đưa vào vốn là vì giao đất cho DN thuê đất hàng năm, nhưng DN đó vẫn tiếp tục giữ lại mặt bằng, giữ lại đất, khi CPH xong trở thành một DN có một phần vốn tư nhân vẫn giữ lợi thế đó và trở thành lợi thế riêng của DN, của một số lợi ích của những người trực tiếp.

Ở một góc nhìn khác, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) chỉ rõ nhiều DN sở hữu nhiều mảnh đất vàng, giá trị hiện tại của những tài sản trên đất có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị ghi sổ, dẫn đến tình trạng lợi dụng CPH và mục tiêu là khu đất DN đang sở hữu, lũng đoạn giá trong việc mua, bán tài sản đất công, khiến các DN sau khi CPH không đạt hiệu quả và mục tiêu như mong đợi. ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng việc thất thoát tài sản nhà nước liên quan phổ biến đến đất đai, khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi CPH, không thực hiện đúng quy định Luật Đất đai mà sử dụng chủ yếu bảng giá do UBND các tỉnh quy định và điều này làm giá thấp hơn. "Việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN là rất quan trọng, và quan trọng hơn là sau CPH, chính quyền địa phương nơi DN có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi DN có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại, phù hợp với quy hoạch xây dựng thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Kiến nghị bịt "lỗ hổng"

Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH như về triển khai các thông tin liên quan đến hoạt động của DN sẽ CPH và quyền được tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, danh mục DNNN CPH, lộ trình CPH thoái vốn theo cơ chế thị trường; quy định rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược ( bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài)…góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện CPH. ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh) kiến nghị nghiên cứu các phương pháp định giá tài sản tiên tiến, phù hợp cơ chế thị trường, bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị DN được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch; giá cổ phần xác định theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá công khai; định giá tài sản cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, bảo đảm tính độc lập và minh bạch.

Rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời loại bỏ, sửa đổi và ban hành cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết như quy định hoặc hướng dẫn về xác định giá trị quyền được thuê đất của các DNNN khi CPH và thực hiện xây dựng giá trị DN và xác định giá khởi điểm để thoái vốn nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý về xác định giá trị tài sản vô hình của DN, quy định cụ thể về xử lý cổ tức hoặc lợi nhuận của Nhà nước chưa chia trước khi thoái vốn hoặc CPH DN; duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DN ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia CPH, tập trung CPH về vốn và cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn vào bộ máy quản trị DN đã được CPH; kiên quyết thu hồi đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích là các giải pháp nhiều ĐBQH hiến kế…Và một giải pháp không thể thiếu là tăng cường thanh tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện, trục lợi tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện CPH và xử lý nghiêm các sai phạm.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ): Các lỗ hổng về đất đai, quản lý đất đai khi CPH gây thất thoát, lãng phí đã được khắc phục một bước khi ban hành Nghị định 126 của Chính phủ. Theo đó, các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm CPH. Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau CPH không để xảy ra sai phạm hoặc để xảy ra tình trạng sau CPH, DN cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng quy định để kinh doanh bất động sản làm nhà ở, chưng cư thương mại kiếm lời, gây phương hại và thất thoát tài sản nhà nước.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): Đề nghị Quốc hội nghiên cứu và giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Luật Cổ phần hóa nhằm tăng cường khung khổ pháp lý cũng như kỷ cương trong thực hiện CPH DNNN; Quốc hội giao Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực DN tư nhân trong nước, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược của khu vực vừa và nhỏ có thể tham gia vào quá trình CPH DNNN, tạo bước tiến cho khu vực tư nhân trong nước phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Việc xác định giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc giá đất là giá đất cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Việc xác định của cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng xác định giá đất chưa tính đến quy hoạch, vị trí, lợi thế nên giá đất không phù hợp cơ chế thị trường và đây là một điểm trong Luật Đất đai yêu cầu khi xác định giá đất phải công bố công khai giá đất này. Chính vì không công khai minh bạch nên có chuyện lợi dụng của các nhóm lợi ích và làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Giai đoạn trước năm 2011, CPH 3.958 DN với tổng giá trị vốn nhà nước là 139 nghìn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 36 nghìn tỷ đồng, thực tế bán được 34 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2016 CPH 571 DN, với tổng giá trị vốn nhà nước là 214 nghìn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán là 73 nghìn tỷ đồng, thực tế bán 43 nghìn tỷ đồng (số vốn nhà nước thực bán chiếm 3% tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016). Năm 2017 có 69 DN CPH với tổng giá trị vốn nhà nước là 160 nghìn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 75 nghìn tỷ đồng. Thực tế 5 tháng vừa qua IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) được 21 DN, thu 5 nghìn tỷ đồng.