Xem xét khả năng hỗ trợ vốn cho người cai nghiện ma túy

NDO -

NDĐT- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang biên soạn dự thảo văn bản về tín dụng đối với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Xin giới thiệu một số nội dung chính của dự thảo này.

Học viên trung tâm giáo dục lao động xã hội tham gia làm việc (Ảnh: Báo Phú Thọ).
Học viên trung tâm giáo dục lao động xã hội tham gia làm việc (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22-5- 2012 về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (dưới đây hiểu là nhóm người dễ bị tổn thương).

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ từ nhiều phía như ngân sách Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp, hoạt động về vay vốn, tạo việc làm hướng tới nhóm đối tượng đích là người nhiễm HIV, người mại dâm, người sau cai nghiện ma túy đã hình thành một số mô hình có hiệu quả bước đầu. Thực tiễn các mô hình cho vay này là kinh nghiệm cho xây dựng chính sách và tổ chức cho vay vốn của Chính phủ đối với các nhóm người dễ bị tổn thương.

Theo thống kê của Bộ Công an, toàn quốc có hơn 171 nghìn người nghiện có hồ sơ. Số người được cai nghiện bằng nhiều hình thức mỗi năm là khoảng 40.000-50.000 người. Còn theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng methadone cho 80 nghìn người nghiện ma túy.

Trong thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã rà soát hệ thống chính sách đã ban hành về cho vay vốn, tạo việc làm, đánh giá sự hỗ trợ của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; nghiên cứu các mô hình tín dụng tài chính vi mô và khảo sát nhu cầu vay vốn của bốn nhóm người dễ bị tổn thương. Từ đó, Bộ đang soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lấy ý kiến các địa phương, các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, mục tiêu của chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương và người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để sản xuất, tự tạo việc làm ổn định cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng bền vững, phòng tránh tái nghiện.

Nội dung dự thảo Quyết định gồm chín điều quy định về: Phạm vi và đối tượng áp dụng, Điều kiện được vay vốn, Mức vốn và lãi suất cho vay, Thời hạn vay vốn, Quy trình, hồ sơ vay vốn và thủ tục cho vay, Xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, Nguồn vốn cho vay, Tổ chức thực hiện, Hiệu lực thi hành.

Đối tượng được vay vốn quy định cụ thể là hộ gia đình, cá nhân hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp nhận, sử dụng lao động là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm, người điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Với định hướng vốn vay hướng chính tới hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng lao động nhóm người này, nhưng do tính chất là đối tượng đặc thù, trong một số trường hợp cụ thể cần giải quyết cho cá nhân vay để sinh kế như người sau cai nghiện đã bỏ ma túy, người điều trị bằng methadone nhưng gia đình không đứng ra vay, người bán dâm không sống với gia đình (hộ độc thân).

Về mức vốn cho vay, tùy theo tình hình cụ thể, nhưng không quá 40 triệu đồng với mỗi hộ gia đình và không quá 30 triệu đồng với mỗi cá nhân.

Điểm mới so với các chính sách đã ban hành trước đó là mức vốn cho vay đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng lao động là người dễ bị tổn thương không tính theo phần trăm tổng số lao động làm việc tại cơ sở. Quy định này trong thực tế rất khó áp dụng, không đơn vị nào bảo đảm đủ yêu cầu 30- 50% là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người bán dâm để được vay vốn.

Dự thảo Quyết định quy định mức vay cho các cơ sở theo số người mà cơ sở tạo việc làm, mức 30 triệu đồng/lao động thuộc bốn nhóm người dễ bị tổn thương và tổng mức vay không vượt quá 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh. Mức vốn vay trên tương đương với mức cho hộ nghèo vay và phù hợp với thực tế nhu cầu sinh kế của các đối tượng của các mô hình vay vốn thời gian qua.

Để bảo đảm công khai và công bằng, tạo điều kiện cho người vay tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, dự thảo Quyết định quy định, hộ gia đình và cá nhân vay vốn ngoài bốn thành phần là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân theo quy định của Nghị định 78/2003/NĐ-CP,do đối tượng mang tính đặc thù nên bổ sung thành phần là tư vấn viên methadone, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS ở xã, phường, thị trấn, đội trưởng đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, trưởng nhóm đồng đẳng, tổ, nhóm tự lực, câu lạc bộ (gọi chung là các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng) của các nhóm dễ bị tổn thương sàng lọc và giới thiệu đối tương vay..

Dự kiến, đến năm 2018, kinh phí cho vay sẽ hỗ trợ 30 nghìn cá nhân và 6.000 hộ được vay vốn. Lũy tích kinh phí cho vay năm cao nhất (năm 2018) là 756 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay có thể lấy từ ngân sách Trung ương: 50%, ngân sách địa phương: 30%, huy động cộng đồng và quốc tế: 20%.

NGÂN ANH

(Theo tài liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội)