Trợ giúp pháp lý góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm

Theo đánh giá của Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người.

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 xác định, Nhà nước có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện TGPL nhằm giúp người được TGPL không những được bảo đảm quyền con người, quyền công dân tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, mà còn giúp họ hiểu biết để làm theo pháp luật.

Trong năm 2019, hệ thống TGPL có nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng TGPL, từ đó góp phần không nhỏ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể, trong lĩnh vực truyền thông về quyền TGPL: Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền được TGPL cho người được TGPL nói chung và người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án hình sự, nạn nhân bị mua bán khó khăn về tài chính nói riêng, tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức khác nhau.

Ðó là xây dựng các phóng sự về vụ việc cho người được TGPL; lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL và cung cấp tờ gấp về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng như: Ðài phát thanh - truyền hình, báo chí để tuyên truyền về hoạt động TGPL, trong đó lồng ghép tình hình mua bán người tại địa bàn. Bên cạnh đó còn chú trọng phổ biến về quyền được TGPL cho người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án hình sự, nạn nhân bị mua bán khó khăn về tài chính. Ngoài ra, giúp nạn nhân bị mua bán, thân nhân của nạn nhân bị mua bán hiểu thêm các thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm mua bán người, một số hình thức xử lý đối với hành vi mua bán người, nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật về lĩnh vực này.

Nội dung quan trọng nữa là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan để giới thiệu, chuyển gửi vụ việc cho Trung tâm TGPL. Từ đó tăng cường thực hiện vụ việc TGPL, nhất là các vụ việc tố tụng cho người được TGPL. Như vậy, sẽ giúp người được TGPL bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trong lĩnh vực nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện, trong năm 2019, theo số liệu báo cáo, 15 lớp tập huấn về kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, hành chính, dân sự cho người thực hiện TGPL được tổ chức, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đặc thù nhằm bảo đảm trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện TGPL khác cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng cao cho người được TGPL. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2019, các trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố thực hiện hơn 32.800 vụ việc TGPL giúp gần 32.900 lượt người được TGPL. Riêng trong lĩnh vực hình sự, các trung tâm TGPL nhà nước thực hiện khoảng 11 nghìn vụ việc, trong đó: Tham gia tố tụng 11.041 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 314 vụ việc, tư vấn gần 21.500 vụ việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ việc TGPL cho nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính còn thấp (hiện chỉ có tám vụ việc).

Nhiều vụ việc do trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng giúp bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo báo cáo của một số địa phương, 115 vụ việc được người TGPL được giảm nhẹ hình phạt, 12 vụ việc vụ án được đình chỉ theo hướng có lợi cho người được TGPL; nhiều vụ việc được chuyển khung hình phạt hoặc chuyển tội danh sang tội danh có hình phạt nhẹ hơn. Ðáng chú ý, nhiều vụ việc, người được TGPL được tòa án tuyên không phạm tội. Thông qua các vụ việc TGPL cụ thể, các tổ chức thực hiện TGPL giúp cho người được TGPL, thân nhân của họ, cộng đồng hiểu và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn. Kết quả này mang lại ý nghĩa to lớn, góp phần ổn định an ninh chính trị cũng như công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác TGPL gặp phải những thách thức: Các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thường gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại; nhiều người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông cho nên tạo ra khoảng cách khi tiếp cận, trình bày nội dung vụ việc với những người cần TGPL. Nhiều chuyên gia pháp luật và cán bộ chuyên ngành phản ánh, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC có nhiều điểm mới lần đầu áp dụng, vẫn còn một số nơi công tác phối hợp giữa trung tâm TGPL và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở, cũng như các đoàn thể xã hội trong hoạt động TGPL, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tham gia phòng, chống mua bán người còn chưa đầy đủ và kịp thời.

Ðáng chú ý là việc lập biên bản giải thích về quyền được TGPL, chuyển gửi thông báo, thông tin về nạn nhân bị mua bán còn hạn chế. Một số tổ chức thực hiện TGPL chưa được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, chưa bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho người thực hiện TGPL khi tiến hành thực hiện TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù, nhất là các tỉnh biên giới có nguy cơ cao về tình trạng mua, bán người.

Ðể đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới, hệ thống tổ chức TGPL cần đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL cho người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án hình sự, nạn nhân bị mua bán để họ được biết và tiếp cận nhiều hơn nữa dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước. Nội dung quan trọng cần được các cấp, ngành hữu quan quan tâm hơn nữa là tăng cường thực hiện các vụ việc TGPL điển hình cho người bị buộc tội, nạn nhân bị mua bán; chú trọng nâng cao chất lượng vụ việc TGPL để tạo sức lan tỏa ngày càng lớn trong xã hội.

Trần Nguyên Tú (Bộ Tư pháp)