Hiệu quả bước đầu trong cải cách tư pháp ở Tiền Giang

Thực hiện cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, các cơ quan tư pháp tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này. Nhưng để hoạt động có chiều sâu, cần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.
Người dân được hỗ trợ giải quyết hồ sơ tại Văn phòng công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang.
Người dân được hỗ trợ giải quyết hồ sơ tại Văn phòng công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, các cơ quan tư pháp của tỉnh đã thực hiện tốt chương trình, kế hoạch trọng tâm công tác tư pháp đã đề ra; chất lượng công tác tư pháp chuyển biến tích cực theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người và bảo đảm công bằng xã hội trong khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp... Năm 2018, Ngành công an tiếp nhận 2.522 tin báo, tố giác về tội phạm, đã giải quyết 2.272 tin (đạt 90,09%). Tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết 14.433 trong số 15.787 vụ việc các loại, đạt 91,42%. Tổng số vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng đã giải quyết 14/20 vụ, tổng số tiền thiệt hại 18,83 tỷ đồng, đã thu hồi 10,34 tỷ đồng, đạt 54,91%.

Một trong những điểm sáng trong công tác CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng chuyên môn trong việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, bảo đảm thụ lý và thực hiện trợ giúp pháp lý cho 100% vụ việc khi có yêu cầu. Tỉnh hiện có hai trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Nông dân tỉnh và Hội Luật gia tỉnh với 20 trợ giúp viên. Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh có tám trợ giúp viên pháp lý, thực hiện trợ giúp pháp lý trên nhiều lĩnh vực cho các đối tượng là người nghèo, người có công, người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa... Qua 15 năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được 15.426 vụ việc, trong đó có 13.282 vụ việc tư vấn pháp luật, 907 vụ việc tham gia tố tụng, 1.230 vụ việc trợ giúp pháp lý lưu động.

Đồng chí Phạm Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, cho biết: “Theo quy định, khi đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý có nhu cầu thì đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để được hỗ trợ các thủ tục. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin từ họ, từ người dân hay từ các cơ quan chức năng (tòa án, viện kiểm sát, công an) ở các huyện, lãnh đạo trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động cử người xuống tận địa phương để hỗ trợ người dân miễn phí. Hỗ trợ lưu động là việc làm thường xuyên của trung tâm giúp những người nghèo, người thuộc diện khó khăn được hỗ trợ kịp thời, đỡ tốn thời gian đi lại. Tuy các thành viên của trung tâm hơi vất vả vì phải thường xuyên đi đến những địa bàn xa xôi, xử lý nhiều vụ việc tranh chấp phức tạp, nhưng anh chị em vẫn cố gắng khắc phục khó khăn. Các trợ giúp viên làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tìm cách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện 69 vụ việc trợ giúp pháp lý lưu động”.

Trong số 14 giải pháp Chánh án TAND tối cao đưa ra nhằm CCTP trong lĩnh vực xét xử, TAND tỉnh Tiền Giang tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong hai năm qua, TAND hai cấp tại Tiền Giang đã tổ chức 208 phiên tòa rút kinh nghiệm. Đồng chí Huỳnh Xuân Long, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, đánh giá: “Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao kỹ năng xét xử của thẩm phán để đưa ra bản án chính xác, khách quan, nâng cao chất lượng bản án, bảo đảm dân chủ cho đương sự. Những người tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm có thể học hỏi những ưu điểm của hội đồng xét xử và có quyền đưa ra những góp ý về những sai sót nếu có của phiên tòa. Sau các phiên tòa đều tổ chức rút kinh nghiệm về: việc áp dụng pháp luật; việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; kỹ năng xử lý tình huống của Chủ tọa, Hội đồng xét xử; công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên tòa…”.

Mặc dù công tác CCTP tại Tiền Giang đã có những chuyển biến, nhưng khách quan mà nói vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Báo cáo của Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ những hạn chế là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao; công tác tham mưu, đề xuất trong CCTP có lúc chưa kịp thời; công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan chức năng có lúc chưa chặt chẽ; tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án, nhất là giải quyết án tham nhũng, kinh tế có lúc còn chậm; tình trạng bản án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn xảy ra. Trong bối cảnh các vụ án và tính chất phức tạp của vụ án ngày càng tăng, lực lượng cán bộ tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp có hạn, áp lực công việc nhiều cũng ảnh hưởng tiến độ giải quyết.

Đồng chí Huỳnh Xuân Long nêu những bất cập: “Vấn đề nhân sự của tòa án tồn tại nhiều khó khăn, thiếu khoảng 26 thẩm phán. Hằng năm, TAND Tiền Giang xét xử từ 15.000 đến 16.000 vụ. Mỗi tháng, một thẩm phán phải giải quyết hơn 10 vụ. Theo chủ trương trên chỉ cho tăng số lượng thẩm phán nhưng không tăng biên chế mà nguồn thẩm phán là lấy từ nguồn thư ký. Hiện nay, một thư ký phải tham mưu, giúp việc cho hai đến ba thẩm phán nên công việc quá tải. Tình trạng thiếu nhân sự như thế sẽ tạo ra những bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng xử án. Trong khi đó, việc thành lập tòa án khu vực theo tinh thần của Nghị quyết 49 và kết luận 92 của Bộ Chính trị về CCTP vẫn chưa thể triển khai vì gặp nhiều vướng mắc. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung biên chế cho tòa án”.

Để nâng cao hiệu quả CCTP trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang đề ra nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, phấn đấu đến năm 2020 hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giải quyết kịp thời các vụ án trọng điểm và những vụ án dư luận xã hội quan tâm, hạn chế thấp nhất tình trạng án oan sai, bị hủy, sửa.

Đồng chí Phạm Văn Hân, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trong công tác THADS, lãnh đạo Cục và các chi cục quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, hỏi đáp thắc mắc qua các phương tiện truyền thông của tỉnh, huyện; thông qua công tác giáo dục, thuyết phục của chấp hành viên tại cơ sở. Cục THADS lấy giáo dục, thuyết phục là nhiệm vụ chủ yếu, chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khi biện pháp giáo dục không hiệu quả. Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế giao tài sản trong những vụ án khó, phức tạp chúng tôi đều đưa ra Ban chỉ đạo THADS các cấp bàn bạc trước khi thực hiện. Kết quả hoạt động này trong nhiều năm qua cho thấy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngày càng giảm, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương”.