Đọc & Mách

Chiếc đồng hồ “xịn” luôn mang theo nhưng ít dùng

Như mọi nhà khoa học miệt mài, Michael Menaker (Đại học Oregon - Mỹ) đặt mua đều đặn chuột hamster vàng để làm thí nghiệm. Năm 1988, ông vô tình phát hiện trong lô hàng do nhà cung cấp gửi tới có một con chuột biến đổi gien.
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Con này có chu kỳ sinh học hàng ngày ngắn hơn các con khác, tức mỗi ngày của nó lặp lại sau 20 tiếng thay vì 24. Menaker bèn nhân giống loại chuột “sống gấp” này. Ông cho chúng sống nhịp ngày/đêm 24 tiếng nhân tạo; chúng lừ đừ và chết như kiểu bị “trái múi giờ” liên miên. Ông cho chúng sống lại nhịp ngày/đêm 20 tiếng, chúng khỏe.

Từ lâu rồi, các nhà khoa học đã hiểu rằng mọi cơ thể sống trên trái đất đều vận hành dưới sự kiểm soát của đồng hồ sinh học. Bạn có thể phải làm ngày, làm đêm cho kịp tiến độ một công việc, có thể phải thức khuya thù tiếp bạn bè, nhưng đó là bạn đang “cãi lại” chiếc đồng hồ ấy. “Trái múi giờ”, thậm chí “lạ nhà” đến nỗi không ngủ được, vật vờ... là điều mà nhiều người đã trải qua. Có người sau một ngày là chỉnh được đồng hồ sinh học ngày/đêm của mình, lại ăn ngủ như thường. Có người nặng hơn, bay qua nước ngoài bị trái múi giờ hết cả tuần, đến khi vừa hết đã lại bay về, rồi lại trái múi giờ tiếp vì đã lỡ bắt nhịp với “nước người ta”.

Như cây bút chuyên về khoa học Jessa Gamble giải thích, “đồng hồ sinh học giúp các sinh vật “dọn mình sẵn sàng” cho các hoạt động thiết yếu hằng ngày. Đó là cầu nối giữa cơ thể sống với môi trường. Trong hang động tù mù với mắt thường ngày cũng như đêm, chiếc đồng hồ sinh học của một con dơi giúp nó cứ đúng hoàng hôn là tỉnh dậy, bay đi tìm bắt lũ côn trùng chạng vạng. Nhiều vi khuẩn cứ đến buổi trưa thì tắt cơ chế phân chia tế bào, bất chấp hôm ấy trời có xầm xì mây che, cốt bảo vệ mình khỏi tia UV độc hại”.

Con dơi ấy có ai gọi chúng dậy sao? Những vi khuẩn kia có học về tia UV sao? Cái gì mách nước cho các tế bào trong cơ thể chúng? Đó chính là chiếc đồng hồ sinh học thông thái mà ông Trời đã cẩn thận gắn vào mỗi sinh vật được làm ra.

Chiếc đồng hồ đó nằm ở đâu?

Sau khi tìm ra con chuột có nhịp sinh học bị biến đổi, nhà khoa học Menaker lần mò tiếp qua nhiều thí nghiệm, và phát hiện ra chiếc đồng hồ điều khiển nhịp sinh học ngày/đêm kia được “giấu” ở nhân trên giao thoa thị giác (SCN), một cấu trúc nằm trong não.

Năm 1990, Menaker cùng Foster của Đại học Virginia làm một thí nghiệm “kỳ quái”: họ lấy SCN của một con chuột sống theo nhịp “20 giờ” ghép cho một con chuột bình thường sống theo nhịp 24 giờ; và ngược lại. Kết quả, con 24 giờ chuyển sang “sống gấp” kiểu nhịp 20 giờ; con 20 giờ chuyển sang “sống chậm” nhịp 24 giờ. Vậy là rõ, SCN đã thiết lập lại nhịp sinh học của kẻ nào mang nó. Nhưng bằng cách nào? Đây là một cơ chế phức tạp, có lẽ chúng ta chỉ cần biết, rằng SCN là một tổ chức nhiều quyền lực; hằng ngày, sau khi nhận tín hiệu về tình hình chung của trời đất, nó sẽ ra lệnh cho các cơ chế phức tạp khác trong cơ thể điều chỉnh, làm sao để mọi thứ được vận hành nhịp nhàng với mẹ thiên nhiên.

Jessa Gamble giải thích, với chiếc đồng hồ sinh học ngày/đêm này, bên trong cơ thể đầy kín các cuộc hẹn được sắp xếp. Các tế bào có tinh vi tới mấy cũng không thể làm nhiều việc một lúc (đôi lúc là các việc trái ngược nhau), do đó phải phân ra có những việc tập trung vào làm ban ngày, có việc để dành tới đêm mới làm. Mọi cơ quan, về mặt nguyên tắc, là phải hài hòa, vận hành theo cái lịch hẹn ấy của đồng hồ chủ SCN, răm rắp từ dưới lên trên: nhịp hàng bên trong một tế bào, giữa các tế bào của cùng một cơ quan, giữa các cơ quan trong một cơ thể; như một nhà nước lý tưởng.

SCN là đồng hồ cái, và từng cơ quan có nhịp điệu riêng (dạ dày đến trưa là đói, mắt đến tối là sụp), nhưng bên trong tế bào và các bộ phận cũng lại có đồng hồ phụ, như một kiểu “quỹ đen”, về căn bản là tuân theo đồng hồ cái, nhưng cũng có phần độc lập của nó. Thí dụ, theo luật của SCN thì đêm rồi là ngủ, không ăn gì nữa, nhưng một thiếu nữ lại thức cả đêm nhắn tin và ăn vặt liên tục, khiến đồng hồ riêng của mắt, não, gan, tụy phải cãi lời SCN mà chỉnh lại để phục vụ thiếu nữ này. Việc ta mệt mỏi vì trái múi giờ, về bản chất là từ sự “cãi lời” ấy mà ra. Một vài lần “cãi lời” ngắn sẽ được cơ thể “tha thứ”, mọi thứ lại hài hòa. Nhưng nếu để dài lâu, bản thân cơ quan cãi lời ấy sẽ bị rối loạn và lãnh đủ, thí dụ như người mất ngủ lâu thì dễ làm tuyến tụy hao mòn, sinh tiểu đường.

Ngoài ra, đồng hồ sinh học của mỗi người không hoàn toàn giống nhau về chi tiết, do gien và cả tuổi tác. Thí dụ như trong cơ quan có người dạng sơn ca (hay dậy sớm, làm việc rất tốt vào ban ngày), người dạng cú (hay thức khuya, làm việc rất tốt khi trời tối), hoặc dạng chim ruồi (dậy sớm vừa phải, ngủ muộn vừa phải, cả ngày làm việc ở mức trung bình đều đặn); Hoặc khi thiếu niên thì dậy trễ, càng già càng dậy sớm...

Dùng đồng hồ ấy thì được gì?

Theo Jessa Gamble, biết được lịch vận hành của chiếc đồng hồ thần kỳ kia, ta sẽ không làm nhiều việc trái ngược với tự nhiên.
Thí dụ:

- Đến giờ ăn thì ít nhiều gì cũng ăn, không bỏ bữa, để hệ tiêu hóa và nhiều hệ thống khác không “hoang mang”, chuệch choạc.

- Cuối ngày là lúc cơ thể tổng hợp mỡ triglyceride từ những thứ ăn vào, do đó đừng tọng thêm vào ban đêm. Mỡ đó sẽ tích tụ trong mạch máu.

- Theo lịch thì đến đêm gan phải nghỉ. Ăn đường và mỡ vào đêm là bắt gan làm việc ngoài giờ và việc chuyển hóa dĩ nhiên là không tốt.

- Buổi sáng là dành cho các ghi nhớ ngắn hạn (thí dụ giao việc, nhớ số điện thoại) do nhiệt độ cơ thể buổi sáng còn thấp, việc tẩy xóa bị chậm lại. Từ khoảng 10 giờ tới trưa dành để suy luận và phân tích tốt sẽ hơn, nhưng muốn tính toán thì tốt nhất là đầu giờ chiều, khi nhiệt độ cơ thể tăng khiến suy nghĩ nhanh hơn.

- Biết rõ được nhịp sinh học, các bác sĩ sẽ định ra thời điểm cho thuốc nào tốt nhất, cũng hệt như biết được lịch làm việc của công sở, ta sẽ không đi đăng ký kết hôn vào chiều chủ nhật ở phường. Trong một toa thuốc cẩn thận, bác sĩ sẽ dặn bạn thuốc nào uống sáng, thuốc nào uống tối, thuốc nào lúc no và thuốc nào lúc đói, chứ không có kiểu tùy hứng lúc nào nhớ ra thì uống. Thí dụ tuyến thượng thận là nơi tổng hợp một chất rất quan trọng: cortisol. Tuyến này bản chất “sơn ca”: dậy tờ mờ từ 4 giờ sáng tiết cortisol, làm miệt mài tới 8 giờ sáng, sau đó nghỉ ngơi, và đến đêm thì đi ngủ. Người nào bị hen, bị khớp mà được bác sĩ kê cho thuốc có cortisol thì nên uống vào buổi sáng để hòa chung nhịp với cortisol cơ thể, tránh uống về tối khiến tuyến thượng thận hiểu lầm nhịp ngày/đêm, lâu dần sẽ thoái hóa.

- Quan trọng nhất là trong điều trị ung thư. Nhiều nghiên cứu đã nhận ra việc hóa trị liệu sẽ hiệu quả hơn (và ít độc hơn) khi được áp dụng vào những thời điểm nhất định trong ngày. Đó là do khối u phát triển theo một nhịp điệu riêng của nó, khác với thời khóa biểu của các tế bào lành mạnh.

Bác sĩ ung thư học người Pháp Francis Lévi từng khuyên, “Với một số thuốc điều trị ung thư, tốt nhất là cho vào nửa đêm”. Theo ông, “trị liệu theo thời” (chronotherapy) có thể cải thiện một số triệu chứng gấp 5 lần so với việc truyền thuốc liên tục, và chắc chắn là tốt hơn nhiều so với việc cho thuốc vào sai thời điểm, làm hại nhiều tế bào lành. Ông bảo, “Thời điểm cho thuốc đôi khi quan trọng hơn liều thuốc”.

***

Tuy y học phương Đông từ cả ngàn năm đã nói đến việc cần sống hòa hợp với thời tiết, khí trời, nhưng ngày nay, nói đến nhịp sinh học chúng ta thường chỉ nghĩ ngay đến giấc ngủ, coi rối loạn nhịp sinh học chỉ là rối loạn giấc ngủ; ai vẫn ăn được, ngủ được coi như “bình thường”. Trên thực tế, hiểu biết của chúng ta về lịch hẹn mà chiếc đồng hồ cái SCN đặt ra còn rất ít ỏi. Trong bài viết của mình, tác giả Jessa Gamble tưởng tượng ra một tương lai “rành mạch” hơn, khi mỗi viên thuốc, dù là một viên giảm đau thông thường, cũng phải ghi rõ giờ uống để phù hợp với lịch thải độc của gan. Khi đi khám bệnh, bên cạnh nhóm máu, chỉ số huyết áp, còn có cả lý lịch nhịp sinh học của bạn để bác sĩ biết mà điều chỉnh. Và rồi cả những gói bim bim mà thiếu nữ thức đêm vừa nhắn tin, vừa nhấm nháp kia cũng phải mang một lời cảnh báo, rằng nếu cô cứ ăn như thế và thức khuya như thế, những cơ quan nào trong cô sẽ quá tải, rất có thể cô sẽ béo phì, và những dòng nhắn tin của cô sẽ thành vô dụng.