Nụ cười thiên thần

Quỳnh mở cánh cửa sổ. Nắng ùa vào, hong mầu trên bức tranh còn nguyên trên giá vẽ. Trong không khí ngột ngạt tưởng như muốn ngưng thở của căn phòng chừng mười mét vuông bày chật những bức tranh dang dở. Những tấm toan còn lam nham mầu chưa ra được những ý mà người vẽ muốn. Lâu lắm rồi Quỳnh mới lại cầm đến cọ vẽ. Không phải là nó đã quên đi niềm đam mê với những gam mầu. Cũng không phải vì không có thời gian. Chỉ là nó chẳng còn biết vẽ gì khi ngồi đối diện bức tường trắng bóc, vài chỗ bị tróc sơn do bàn tay cào xước.

Nụ cười thiên thần

Từ ngày nhà chuyển về căn hộ nằm trên tầng chung cư thứ mười lăm, Quỳnh chỉ toàn thấy gió. Ban công quay mặt hướng Tây, cứ trời trở gió là lạnh buốt. Không khí ám đặc mùi nước lau sàn mà mỗi sáng cô lao công lướt qua hai lượt. Mỗi ngày mùi nước lau sàn càng nồng nặc hơn. Trong nhà là mùi nước sát khuẩn, mùi nước xả quần áo trên giàn phơi. Bao nhiêu thứ mùi hóa học trộn lẫn trong không gian nhỏ hẹp. Ngay cả trên người Quỳnh bây giờ cũng ám đặc mùi của nước sát khuẩn. Mười lăm phút mẹ giục Quỳnh rửa tay một lần. 

Một tuần rồi cha không về nhà. Ông là bác sĩ trong bệnh viện. Cha chỉ nói chuyện qua điện thoại. Thi thoảng mẹ gọi Quỳnh đến. Quỳnh chỉ nhìn thấy mắt cha. Người ông kín bưng bởi lớp áo mầu xanh như người từ hành tinh khác. Cha nhìn Quỳnh, đôi mắt ông vẫn trìu mến như những lần ông mở cửa bước vào thấy cô con gái nhỏ gầy gò ngồi trước tấm toan. Ông nắn đôi bàn tay, vuốt nhẹ mái tóc Quỳnh. Quỳnh cảm nhận được hơi ấm và sự nâng niu, kiên nhẫn từ đôi bàn tay cha. 

Quỳnh xòe đôi bàn tay lem nhem bột mầu,  những  sắc mầu luôn lấp lánh trong đầu Quỳnh. Chúng khiến Quỳnh không muốn bước ra khỏi căn phòng mười mét vuông này, không muốn trò chuyện và cả không muốn vui đùa như những đứa trẻ cùng tuổi. Quỳnh ngồi trước tấm toan, vẽ và vẽ. Có những khi Quỳnh vẽ về giấc mơ ẩn hiện trong đầu, có khi Quỳnh vẽ về những lấp lánh mà mỗi khi nhắm mắt lại Quỳnh nhìn thấy… Chúng cứ như ở một thế giới mơ hồ nào đó, xa xôi. Mẹ đã có lần giật những cây cọ trong tay Quỳnh và đẩy Quỳnh đến lớp học dành cho những đứa trẻ tự kỷ. Những đôi mắt ngây ngô nhìn thế giới lạ lẫm và mơ hồ. Chỉ trong suy nghĩ của chúng là không ai chịu hiểu. 

Quỳnh ở đó gần hai tuần thì cha đón về. Ông dừng trước cánh cửa lớp học, trong tay là những hộp mầu, nhìn Quỳnh bằng ánh mắt trìu mến:

- Cha mua quà cho con!

Chẳng bao giờ Quỳnh ôm, nói con cảm ơn. Ông ôm Quỳnh trong vòng tay chắc nịch. Ngực cha luôn có mùi của bệnh viện, nơi ông làm việc ngày đêm.

Ông kiên nhẫn ngồi bên Quỳnh mỗi khi về nhà để kể cho Quỳnh nghe những câu chuyện. Ông để mồ hôi chảy xuống cằm, cắn chặt răng để nắn đôi tay Quỳnh. Một ngày, hai ngày, một tuần… rồi một tháng Quỳnh đã cầm được cọ. Và sau đó thì Quỳnh vẽ và tô mầu. Cha luôn vuốt tóc và cười với Quỳnh mỗi lần Quỳnh vẽ xong một bức tranh. Ông chụp lại và khoe với bạn bè.              

***

Quỳnh ngóng mắt ra ô cửa kính. Từ đây nhìn ra đường mọi ngày xe cộ đua nhau tấp nập. Giờ thì vắng ngắt, thi thoảng mới có một xe lao qua. Cả không gian vắng lặng đến bất ngờ. Không gian mà Quỳnh luôn trốn vào để kể những giấc mơ. Nhưng từ lúc căn nhà vắng bóng cha thì Quỳnh thấy sợ hãi thật sự. Không còn ai vuốt tóc Quỳnh mỗi khi nó muốn gào thét.

Mẹ mang vào cho Quỳnh chiếc điện thoại, đưa trước mắt Quỳnh. Trong màn hình là hình cha nhỏ xíu. Giọng nói vẫn ấm áp, chỉ là lạc đi một chút do chiếc khẩu trang bịt kín. Nhưng phía sau mắt kính kia là đôi mắt ấm áp.

- Con vẽ được bao nhiêu bức tranh rồi?

- …

- Con vẽ nhiều nhé! Ăn nhiều nữa. Nhớ nhé! Rồi cha cười, vẫy tay tạm biệt.

Tại sao cha không về nhà? Hay cha đã chán nhìn thấy Quỳnh, cha không muốn trở về nhà thấy đứa con gái suốt ngày lầm lũi trong căn phòng tối, chậm chạp và buồn bã. Mẹ cả ngày vào ra với nước lau sàn, nước diệt khuẩn, cơm nước và điện thoại. Không có thời gian cho Quỳnh. Mẹ quen với việc Quỳnh phải ở trường cùng các cô giáo trong lớp dành cho trẻ tự kỷ. Mẹ cũng không đủ kiên nhẫn để nói chuyện với Quỳnh. Đã nhiều lần Quỳnh nghe thấy tiếng thở dài thõng thượt của mẹ khi mở cửa. Hay đôi mắt mẹ buồn bã nhìn Quỳnh làm cơm vương vãi ra bàn ăn. Quỳnh cảm nhận được sự bất lực ở mẹ. Sự thất vọng xen lẫn nỗi xót xa.   

***

Quỳnh đã vẽ xong năm bức tranh mà cha vẫn chưa về nhà. Ông đã rời căn nhà vắng tiếng cười đùa này rồi ư? Hay ông đã không còn thương Quỳnh nữa? 

Cha vẫn nói chuyện với Quỳnh qua màn hình điện thoại. Hôm nay ông không đeo khẩu trang kín mít nữa. Quỳnh nhìn thấy gương mặt ông đầy những vết hằn. Giọng cũng khản đi. Ông nhìn Quỳnh, đôi mắt thâm quầng nhưng chứa đựng ấm áp và trìu mến. Quỳnh nhìn cha, phải thật lâu, thật lâu Quỳnh mới thốt lên thành tiếng:

- Sao cha không về nhà?

Ông chưa kịp trả lời thì điện thoại tắt, đen ngòm. Quỳnh khóc nấc lên. Mẹ vỗ vai Quỳnh, ôm Quỳnh vào ngực, ghì chặt lại. Quỳnh đạp chân ra:

- Sao cha không về nhà? 

- Cha phải trực vì đang có dịch bệnh. Rồi cha sẽ về.

- Bao giờ?

- Bao giờ hết virus, Quỳnh ngoan.

Giọng mẹ nghẹn lại. Quỳnh nhiều lần thấy mẹ khóc rưng rức chứ không phải là sự kìm nén thế. Quỳnh không biết dịch bệnh là gì, cái gì khủng khiếp đến nỗi khiến cha không thể trở về nhà. 

***

Sau một giấc ngủ dài Quỳnh trở dậy, ngồi trước tấm toan trắng, bắt đầu cầm cọ vẽ gương mặt cha trong giấc mơ chập chờn. Quỳnh cố hình dung ra gương mặt cha lúc ở nhà nhưng không sao hình dung nổi. Chiếc khẩu trang xanh, bộ quần áo mầu xanh đã lấn át những hình dung về cha. Tay Quỳnh run lên. Quỳnh gục mặt xuống bàn, nức nở.

Quỳnh không nhìn cha khi mẹ mang điện thoại vào phòng nữa, Quỳnh không muốn nhìn thấy chiếc khẩu trang mầu xanh ấy…

Mẹ đưa Quỳnh đến thăm cha, dặn Quỳnh phải nghe lời mẹ. Quỳnh gật đầu. Mẹ đeo cho Quỳnh chiếc khẩu trang vải mầu trắng. Cha đứng từ phía xa, cách mẹ và Quỳnh một tấm chắn. Ông từ từ bỏ chiếc khẩu trang, nhìn Quỳnh trìu mến. Quỳnh thấy những vết hằn trên gương mặt cha, chúng thâm lại như những sợi dây bám rít. Chỉ có đôi mắt cha là vẫn sáng và ấm áp sau cặp kính trắng. Cha đó. Mẹ chỉ tay. Quỳnh nhìn cha không chớp, lắp bắp:

- Sao cha không về nhà?

- Cha đi bắt con virus. Khi nào bắt hết cha về với Quỳnh. Quỳnh ngoan.

Quỳnh lại giãy giụa trong tay mẹ khi cố chạy đến chỗ cha.

- Sao cha không ôm con? Sao cha không ôm con?

Quỳnh thấy cha cúi xuống, đưa tay áo lên mắt rồi quay đi.

Quỳnh gào lên. Mẹ đưa Quỳnh về nhà. 

***

Mẹ vẫn mang điện thoại vào cho Quỳnh mỗi ngày nhưng không phải để nhìn cha mà là nghe cha kể chuyện. Quỳnh áp tai vào chiếc điện thoại. Giọng cha trầm ấm... 

Không gian chung quanh vẫn im ắng đến kỳ lạ. Ngoài tiếng của ti-vi, tiếng của chiếc loa gắn trên chiếc xe máy chạy lòng vòng thì mọi âm thanh đều rơi vào lặng ngắt. Không tiếng đua xe, tiếng cười đùa của mấy đứa trẻ ngoài hành lang. Không tiếng bác nhà bên gọi mẹ đi tập thể dục. Quỳnh nhận thấy sự xa cách khác thường ấy ở mọi người. Có lẽ bây giờ không ai còn thấy lạ lẫm với sự câm lặng của Quỳnh nữa. Mọi người dường như đều đang sống trong thế giới của riêng mình. Buổi tối mẹ tỉ mỉ ngồi khâu lại những chiếc gối. Có khi Quỳnh thấy mẹ sắp xếp lại những bức tranh trong phòng cho Quỳnh, mẹ ngắm chúng rất lâu và mỉm cười. Điều mà trước kia mẹ chưa bao giờ để ý đến. Quỳnh vẽ nhiều hơn. Mẹ chọn những bức tranh đẹp treo ngoài phòng khách. Đôi mắt mẹ lấp lánh niềm vui. Chứ không phải những âu lo và bực dọc như những ngày trở về từ ngoài đường khói bụi. 

Không gian vẫn yên ắng nhưng sao Quỳnh thấy nó khác xưa nhiều lắm, không phải những công việc làm để nhanh xong rồi chìm vào giấc ngủ mà là sự chậm rãi, chậm rãi để lắng nghe và cảm nhận. 

Quỳnh ngồi trước tấm toan trắng. Quỳnh vẽ gương mặt cha. 

Những tia nắng lách qua khe cửa, lấp lánh trên những mảng mầu xanh, đỏ. 

Quỳnh dụi mắt. Âm thanh của một ngày mới là bản hòa nhạc du dương. Đó là bản hòa nhạc trực tiếp của các nghệ sĩ trên thế giới. Thật diệu kỳ. Âm nhạc có thể kết nối mọi tâm hồn lại với nhau. Và trong những ngày tháng chậm rãi này người ta mới đủ thời giờ để thưởng thức, để làm đẹp cho tâm hồn mình. Đâu đó có tiếng chim vút lên giữa khoảng không trong xanh. Lâu lắm rồi Quỳnh mới nghe được tiếng chim. Những ồn ã thường ngày đã nhường lại cho những âm thanh đầy sức sống. Thiên nhiên vẫn luôn tươi đẹp thế. Chỉ là ta không thấy hay đang đánh mất chúng mà thôi. Phải vậy không? Quỳnh thì thầm rồi nhanh tay phết lên tấm toan trắng một cánh chim, những lùm cây xanh, những bông hoa li ti…

Quỳnh được đi gặp cha. Quỳnh ngoan ngoãn đứng nhìn cha từ phía xa. 

Quỳnh giơ bức tranh vừa mới vẽ lên cho cha xem. Khi ông quay lưng, Quỳnh hình dung thấy nụ cười phía sau tấm khẩu trang mầu xanh. Đôi mắt sáng và ấm áp sau cặp kính trắng. 

Giấc mơ đêm qua Quỳnh thấy cha về, trong chiếc áo trắng như một thiên thần. Cha nhấc bổng Quỳnh lên, hôn vào tóc Quỳnh. Bàn tay nhỏ bé phác những nét vẽ chậm chạp, gương mặt cha trong chiếc áo trắng như một thiên thần, nụ cười hiền và đôi mắt lấp lánh. Lần đầu tiên Quỳnh thấy cha không chỉ là cha của riêng Quỳnh nữa. Ông là thiên thần áo trắng của mọi người. Quỳnh thì thầm và nhoẻn miệng cười với cha.