Nắng triền sông

Gió bồng nắng rải lên cỏ cây ven sông. Con thuyền say ngủ, bỗng choàng tỉnh bởi những tiếng véo von trên những lùm cây ven bờ. Mặt sông tắm sương lấp lánh ánh mặt trời, khéo léo anh đưa tay vớt đõ tôm và những chiếc lờ đang tư lự bên mép sóng. Tôm chà nghều ngào búng tanh tách vào rổ, tôm trứng ì ạch nằm thở mắt óng lên ngơ ngác. Vài chú bống mít đen chũi béo mũm, bụng mỏng nổi cả trứng vàng, lũ cá rô cậy khỏe văng mình muốn nhảy ra khỏi đõ nhưng cũng không thoát. Anh mỉm cười hài lòng nghĩ tới bữa trưa nay. Phóng tầm mắt xuống những vạt hoa cải vàng rực anh lại mỉm cười nghĩ tới con bé mới lớn có đôi mắt to tròn mênh mang như một dòng s&o

 Nắng triền sông

- Tuyệt quá chú ơi! Chú đừng nhổ hoa cải đi nhé! Tuần sau cháu dẫn bạn cháu về chụp ảnh.

Nhìn con thuyền thúng nép mình bên bờ, con bé nhanh nhảu:

- Chú cho bọn cháu thuê cả thuyền thúng nữa nhé! Ôm hoa cải vàng mà chèo thuyền thúng thì thật tuyệt chú ạ!

Anh mỉm cười độ lượng, cặp kính đen ngước lên rồi cúi xuống nhìn những vạt hoa. Cả một triền sông rực vàng hoa cải, mầu hoa bung biêng gợi nhớ trong anh bao kỷ niệm. Anh chợt thở dài nhìn con bé thầm nghĩ, nếu chiến tranh đừng lấy đi của anh tất cả thì bây giờ những đứa con của anh chắc cũng gần bằng con bé hồn nhiên đang say sắc hoa cải vàng trước mặt anh đây.

Dân xóm bãi gọi anh là lão kính đen. Bởi lúc nào cặp kính đen cũng ngự trên mặt anh. Chỉ đến khi ngả mình lên chiếc giường đơn ấy, cặp kính mới bị tháo ra. Con mắt còn lại mệt mỏi nhìn những đôi thạch sùng vờn nhau trên tường. Con mắt kia là một khoảng tối sâu hóm, nhức nhối, anh đã để lại con mắt ấy ở chiến trường biên giới. Anh trở về không nguyên lành, và người ta nhìn thấy khuôn mặt anh đã vội vàng theo chị gái vào nam không về nữa. Nghe đâu giờ đã con đàn cháu đống rồi thì phải. Anh cứ lặng lẽ sống trong căn nhà hai chái mà mẹ anh để lại cùng với ba sào vườn hương hỏa. Dăm người đánh tiếng làm mối cho anh nhưng anh cứ lặng thinh cười khổ. Họ đâm chán, bỏ cuộc. Nhưng lão hàng xóm trọc phú cạnh nhà anh thì quả quyết trong một đám rượu:

- Mọi người chỉ rỗi hơi! Thằng cha một mắt ấy làm gì còn cái gì của đàn ông mà mơ chuyện vợ con. Thôi dẹp đi! Tôi ở sát chân tường nhà lão tôi còn lạ gì. Ðúng là đồ dở hơi, người ta trồng cấy được hoa màu thì đem ra chợ bán lấy tiền mà phòng thân. Ðằng này lão có giàu có gì đâu, lương thương binh được mấy đồng mà có hoa quả gì trồng được thì hái đem cho hàng xóm. Có hôm lão ấy còn hái một rổ táo đầy có ngọn, một rá ổi bo ngọt lịm đem cho trường mầm non. Rõ ghét, nghèo mà còn bày đặt. Mụ vợ tôi sang nhà lão mua mấy quả gấc về nấu xôi cúng rằm, thế mà thằng cha ấy nhất quyết không chịu lấy tiền thế mới ức chứ. Tính tớ thích sòng phẳng, chẳng muốn ơn ý bố con thằng nào. Ðúng là đồ dở hơi, mệt quá các ông ạ!

Lão cứ lải nhải trong bữa rượu làm lũ đàn em cũng hùa theo:

- Trên đời này có nhiều thằng hâm thế chứ? Mà đại ca làm sao biết được, nhỡ lão ấy phải lòng mấy con giáo viên mầm non thì sao?

Lão hàng xóm cười khùng khục:

- Vứt mẹ cái ý nghĩ của chú mày đi. Ðã bảo lão ấy không thích đàn bà mà lị... Còn đếch cái gì mà thích cơ chứ. Gàn bỏ mẹ! Chứ anh mày mà ngồi cạnh đàn bà là chân tay cứ rối tinh rối mù ấy!

Tiếng cười khùng khục của lũ đàn em tán dương càng làm lão Phúng thêm hứng chí:

- Thằng cha thương binh này còn nhiều cái ngược đời lắm! Hôm nào tao sẽ kể cho chúng mày nghe.

Phúng đâu phải phường danh gia vọng tộc ở cái làng này. Hắn là hạng cùng đinh mạt hạng mới phất lên nhờ bất động sản và cây cảnh. Mảnh đất hắn chiếm được của ông chú họ không con, nằm ven con đường lớn ngày xưa chỉ dành cho mõ. Thế mà thời thế, thế thời thay đổi giờ đắt như vàng, dân có máu mặt trong làng đua nhau ra đầu đường hít bụi, thành thử hắn biến thành trọc phú. Trưởng giả học làm sang, mảnh đất vườn năm sào hắn tậu được sát chân vườn anh đã biến thành nơi nuôi dưỡng đủ loại kỳ hoa dị thảo. Sớm sớm, hoàng anh, họa mi trong lồng son thi nhau chào khách véo von. Chẳng hiểu trong cơn say thằng quý tử nhà Phúng lại dạy con vẹt xanh biếc, lấy giống từ Tây Tạng cười một tràng cười quái dị và cất lên thất thanh một tiếng "cướp". Lũ chim trong lồng khác mỗi lần nghe âm thanh đó thì im bặt, như không dám thở nữa. Sợ nhất là đêm khuya thanh vắng, tiếng vẹt cất lên rờn rợn làm khu vườn như chìm trong ma quái, u linh. Cùng với tiếng chim ăn đêm thảng qua bầu trời vút vào khoảng không tiếng vẹt ném vào đêm u khuất. Hàng xóm lào khào bàn tán, chẳng hiểu nhà Phúng có bị làm sao không mà lại nuôi con vẹt quái dị ấy? Lời thắc mắc chỉ được đáp lại bằng nụ cười lành lạnh như quỷ ám của thằng con lão Phúng. Khu vườn nhà Phúng chỉ rực rỡ trong những ngày trời yên biển lặng... Tới vườn nhà Phúng người ta cứ ngỡ lạc vào vườn thượng uyển. Hoa lộng lẫy, nhưng cây của vườn Phúng còn quý hiếm hơn. Thấy người ta kháo nhau, bữa sốt cây cảnh, có đại gia về chồng vài chục tỷ đồng để bê cây ở vườn hắn chất lên ô-tô. Hắn diễn sâu tới mức, khi phu cây cẩu cây lên ô-tô, hắn còn quay đi gạt nước mắt như người ta đau xót chia tay người máu thịt nhất. Làm chủ cây ái ngại vội vàng giục lái xe đưa đi gấp vì sợ lão Phúng đổi ý.

Dân xóm kháo nhau, Phúng nhiều tiền lắm. Có kẻ còn dấm dẳng: Tiền đè chết người ấy chứ! Ðể xem hắn giàu có được bao lâu. Thôi mình chân lấm tay bùn cứ cạp đất ra mà ăn cho sạch. Ðồng tiền luôn có mắt mà. Có kẻ còn moi móc về cái đận mẹ Phúng đi mò cua bắt ốc rồi chết rét ngoài đồng. Lời ong tiếng ve đến tai hắn cả, đôi mắt của hắn vằn đỏ như bắn ra những tia máu uất hận. Ngày giỗ mẹ dù bận đi làm ăn nơi đâu xa hắn cũng về. Mâm cơm thịnh soạn, lễ vật chất ngất đủ đầy được đặt trên ban thờ. Thay vì việc xì xụp cúng lễ, hắn sai thằng quý tử mở đĩa bài thơ của Nguyễn Duy được phổ theo điệu hát văn:

"Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian

thuở nào..."

Phúng bần thần nghe bài hát, nước mắt rơm rớm, cổ nghèn nghẹn. Nhìn khói hương lễ vật, hắn nhớ mẹ. Những trưa nắng đổ lửa xuống cánh đồng quê, mẹ hắn vẫn còng lưng cấy thuê cho người ta. Ðợi mãi mẹ chẳng về, hắn vặt lá khoai úp đầu và chạy ra bờ ruộng mếu máo. Mẹ vội vàng bước nhanh lên bờ dúi vào tay hắn củ khoai và van nài hắn về kẻo nắng, để mẹ còn cấy kịp cho chủ rồi mới về. Khuya lắc lơ, hắn được mẹ đánh thức dậy trên ổ rơm, ép ăn bát cơm nóng từ mẻ gạo đi làm thuê cầm về. Hắn được ăn cơm với tép riu rang, còn mẹ chỉ ăn củ khoai trưa nay còn lại. Gục đầu vào lòng mẹ, hắn nghe mùi bùn đất ngai ngái, nghe như ngô lúa đang trổ cờ, nghe cả tiếng sấm tháng ba vọng về khắc khoải. Những đêm đông giá lạnh, mẹ ủ hắn trong ổ rơm, chăn đắp là bao tải lèn rơm thật chặt. Thế mà chuông nhà thờ Quần Phương vừa gióng, trời còn tối mịt mù, lạnh hun hút ngoài sân buốt giá, mẹ hắn đã phải dậy. Ủ con thật chặt trong ổ rơm, rồi lại lặng lẽ ra đồng. Sau đêm ấy, mẹ hắn chẳng bao giờ về nữa. Cái đói và cơn gió độc mùa đông đã cướp mẹ hắn đi vĩnh viễn. Trong khói hương mù mịt, Phúng như thấy bóng mẹ gầy xơ xác lần bước trên các triền đê. Dù hung hãn với người đời bao nhiêu, nhưng nghĩ về mẹ tim hắn cứ mềm ra, rưng rức nhớ thương và đau đớn.

Chiều nay Phúng ngồi trên ban-công, trông ra khu vườn bát ngát, ngước nhìn bầu trời vời vợi, gió bấc hun hút thổi. Rầu rầu trông cánh cò gầy xoải cánh trong khoảng không mênh mang, Phúng càng nhớ mẹ biết bao. Hắn đưa mắt ra bốn bề không gian và chạm vào khu vườn nhà hàng xóm. Ui chao! Cái gì thế kia? Phúng bàng hoàng khi thấy cò trắng về kín vườn lão hàng xóm thương binh. Những cánh trắng chấp chới rồi đậu bình yên lên những cành cây mướt xanh. Cây hồng chín đỏ rực thắp đèn lồng giữa trời đông, những đôi cánh trắng muốt bay là là trong khoảng vườn rồi sà xuống thân cây. Ðẹp như bầy hạc từ thiên thai vừa về. Hắn mê mẩn nhìn, thèm thuồng sắc trắng của cò, rồi dõi mắt về phía khu vườn của mình nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy một mống trắng nào cả? Bực bội đến phát điên, hắn tự hỏi: Vườn nhà ta đẹp thế kia mà sao lũ cò không về đậu nhỉ? Tại sao mình lại thua lão thương binh hàng xóm cơ chứ?

Người ta bảo đất lành thì chim đậu, mảnh vườn của nhà thương binh ấy có gì kỳ bí, cảnh nhà hắn có gì tươi đẹp hơn vườn nhà mình? Hay phong thủy tốt mà mình không biết chăng? Ðêm ấy Phúng không thể nào ngủ được, bao câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu hắn, đến gần sáng hắn mới chìm vào giấc ngủ mệt mỏi. Một tuần liền hắn dành thời gian quan sát nhưng khu vườn nhà lão kính đen chẳng có gì thay đổi, vẫn là những cánh trắng mềm mại, vỗ vào khoảng không trước khi đáp xuống. Tuyệt nhiên không có một bóng nào đậu xuống vườn hắn cả. Cơn thèm thuồng biến thành cơn uất ức, Phúng chỉ muốn vặn cổ những con cò cho hả giận: Bố tiên sư chúng mày, ông sẽ xáo măng cả lũ cho biết tay ông.

Nói là làm, hắn mang cái lưới, nhằm lúc vắng vẻ đặt ngay gốc cây và con cò tội nghiệp kia vướng bẫy. Hả hê, thổi nước sôi, toan hành quyết con cò, nhưng khi đưa tay sờ vào cái diều của cò, hắn thấy lép kẹp. Con dao đưa lên lại hạ xuống, khi nhìn thấy đôi cánh trắng tơ tướp, hắn chán nản buông con cò vào khoảng không trước mắt. Con cò hốt hoảng chấp chới đập cánh rồi bay vù vào làn mây xám của đêm. Cò bay rồi mà Phúng lại bần thần nhớ mẹ. Buồn bã Phúng vào giường đi nằm sớm.

Tất cả những động tĩnh của Phúng đều không qua được tầm quan sát của người thương binh. Anh lặng lẽ nhìn Phúng mê mải dõi theo những cánh cò trong vườn nhà anh, rồi ngỡ ngàng khi Phúng giăng lưới bắt cò. Tim anh thắt lại sợ Phúng sẽ làm thịt con cò, nhưng anh thở phào nhẹ nhõm thấy Phúng thả con cò vào không gian mênh mang. Ánh nhìn thèm thuồng của Phúng về phía lũ cò khiến anh đã hiểu.

Phúng buồn bực trong lòng, liền bỏ nhà cho thằng con trông nom, dẫn vợ đi du lịch miền nam gần nửa tháng. Khi trở về hắn ngỡ ngàng mừng rỡ vì thấy vườn nhà mình lác đác những bóng cò. Bất ngờ hơn, hắn còn thấy người hàng xóm thương binh đang lúi húi vãi thức ăn sang vườn nhà hắn. Hắn nín thở chờ xem sự gì sẽ xảy ra. Vài ngày sau thì cò lác đác về thêm, khoảng nửa tháng thì cò về vườn nhà hắn đông chẳng kém gì vườn nhà anh thương binh cả. Mà không chỉ nhà Phúng, những khu vườn hàng xóm bên cạnh cũng bắt đầu thấp thoáng bóng trắng như lụa mềm đáp xuống. Phúng ngây người ngắm cò về, không kìm hãm được sự sung sướng hắn chạy vội ra vườn lúc hoàng hôn đang buông. Cầm lấy bàn tay người đang vãi thức ăn cho cò, hắn vội vã:

- Này tôi hỏi thật, ông phù phép kiểu gì mà cò về đông thế?

Nét cười ánh lên trong hoàng hôn chạng vạng:

- Khẽ thôi ông, kẻo kinh động tới lũ cò. Ông biết không, đó là do vị mặn của muối tôi luyện trong thức ăn, lũ cò ăn quen rồi nên lũ lượt rủ nhau về thôi mà.

Phúng ngây nhìn, đôi bàn tay khéo léo gieo vị mặn vào hoàng hôn. Hắn chợt nhận ra đó là vị mặn chắt ra từ cuộc đời của những người đã nếm trải những mất mát thầm lặng. Không chỉ khu vườn của người lính ấy mà cả những khu vườn chung quanh giờ đây luôn thấp thoáng những cánh cò mềm mại, xoải cánh lụa mềm đậu khẽ xuống mầu xanh của xứ sở bình yên...