Nắng gọi sen

Tôi thường có những giấc mơ sen, như thể lòng cứ ngợp về một ý nghĩ kỳ diệu với loài hoa tinh khiết ấy. Khi thấy cùng nhóm bạn thuở học trò chòng chành trên một con đò nhỏ hái sen trong đầm. Khi khác cùng nhóm trẻ trong xóm khơi mồi cho diều leo lên gió, cưỡi lên mây ở con đê nhỏ ven đầm sen ông Toách. Nụ cười cùng thả lên mây. Cũng có lúc chỉ là giây phút êm đềm, ngồi bờ đê cho người con gái dựa vào vai, trông xuống đầm sen khoe sắc lúc sắp hoàng hôn. Bao năm phố xá, đi đó đi đây, mầu hoa sen luôn nhắc nhở tôi về những năm tháng diệu kỳ nơi làng quê yêu dấu.

Nắng gọi sen

Nên sen đưa tôi về làng như đã đưa bao đứa con thành đạt về quê cha đất tổ, để thấy quê mình ngày càng đẹp và luôn bình yên trước dòng đời. Những ngày này lúa đang ngậm hạt để ít ngày nữa mẩy vàng. Hoa sen cũng đang ngát thơm trong đầm. Năm nào cũng vậy, cánh đồng làng tôi mùa này có hai thứ kỳ diệu, lúa và sen. Đầm sen sát đồng lúa và cả hai tôn bồi nhau. Cả hai đều gợi nhắc về sự bền vững, no đủ. Khi bàn chân chạm đất thì nắng hè lên oi ả, trút lên những tán cây, lên cánh đồng. Nắng và sen cũng đón tôi vào không gian tưởng rất đỗi cũ càng nhưng lại sâu lắng. Nắng cũng nhắc sen thắm hơn, đượm hơn. Này là nụ sen khum khum như vốc tay người lớn, hồng đượm, thơm ngát, xen lẫn những đóa nở rộng lượng trong nắng hạ. Phải nói là sen hợp với nắng. Bà nội tôi có cách ví von rất hóm hỉnh, nắng to thì gọi là “nắng vỡ đầu”, mưa đỏng đảnh bất chợt gọi là “mưa hấp”, khi hái sen buổi bình minh tia nắng nhỏ rọi chéo cành sen thì gọi là “nắng gọi sen”. Cữ đầu hè nắng bắt đầu gọi sen nở. Tôi yêu cái nắng gọi sen ấy.

Cái nắng tô cho sen thắm hơn, cho đồng đượm hương và dẫu có nắng gắt, nắng quái thì sen vẫn luôn giữ được phẩm cách mình. Một sắc hương bền bỉ, xoắn quyện và thân thương.

Quê tôi vẫn giữ nếp ướp trà sen độc đáo. Hoa sen được chọn ướp phải là sen nhiều cánh, còn nguyên vẹn, đang nở, được hái trong buổi bình minh, khi nắng chưa gắt, lúc ấy là nắng đang gọi hương, gọi sắc. Sen hái xong phải thực hiện thao tác ướp luôn, bằng việc tách những cánh hoa ra đưa trà vào vùng nhụy hoa, sau đó xếp và buộc chụm đầu các cánh hoa lại. Tiếp đó, dùng lá sen gói trọn hai đến ba bông hoa vừa được ngậm trà cho kín. Việc gói chỉ vừa đủ cho lá sen ôm bông hoa và giữ kín, hai ngày là dùng được. Để bảo quản được lâu, người ta cho cả vào ngăn đá tủ lạnh, có thể để được đến cuối năm. Xưa các cụ làng tôi ướp trà sen cầu kỳ hơn, sẽ không hái sen về mà cử các cháu chèo thuyền ra đầm sen, đưa trà vào trong bông sen rồi buộc túm các cánh hoa lại. Để qua một đêm cho trà hút hương sen rồi bình minh hôm sau hái về dùng. Bà nội bảo, cách này phức tạp nhưng chất lượng trà sen phải nói là tuyệt hảo bởi khi bông sen vẫn còn được uống nguồn dinh dưỡng trong bùn đất có khả năng truyền dẫn để hương quyện vào trà tốt hơn. Vị trà sen tạo hứng khởi trong cách sống và làm việc. Bên ấm trà các bậc lão niên răn dạy cháu con cách làm người.

Người làng tôi còn giữ được vẻ đẹp, như là cách để lan tỏa tình yêu hoa sen, đó là “đụng sen”. Ở dãy đầm ven đê có một đầm sen tốt nhất, rộng nhất chuyên để ướp trà sen và cắm trong bình hoa của các gia đình. Gia đình nào cũng có suất và được nhận lộc của làng theo tuần. Các bậc cao niên bảo, mùa sen nở là mùa linh thiêng và bồi đắp những thánh thiện trong lòng người. Khi người làng được thưởng vị trà trong lắng đọng của những nền nếp chung, sẽ thêm yêu quê, có trách nhiệm với quê, với đồng. Từ đó lòng người cũng hướng đến sự màu nhiệm của lòng bác ái, vị tha, chia sẻ. Trong tháng năm huyền nhiệm nhắc nhớ cội nguồn, còn gì tuyệt hơn khi thả lòng mình về với đồng, với mẹ và bao nhân nghĩa sâu xa.