Dịu dàng hương lúa

Tháng tư thênh thang xanh, sắc diệp lục như rót ra từ mênh mông mây trắng, để đọng lại thành đồng lúa tươi tắn màu hy vọng. Cữ này đồng lúa bời bời reo khi ngang thân phồng lên đầy sức sống. Người nông dân bảo là lúa qua thời con gái. Chỉ trong vài ngày, bụng lúa to nở ra bông lúa, chính là thời điểm lúa làm đòng, một giai đoạn quan trọng để khép hạt, bông lúa non thành những bông vàng chắc mẩy biết cúi mình xuống. Thời lúa làm đòng cũng gợi hình ảnh thiếu phụ thôn quê có cái duyên ngầm trong nết ăn, nết ở.

Lúa làm đòng có mùi thơm, phả ra từ phấn của hoa lúa. Hoa lúa thơm như mùi cốm sữa, cứ ngào ngạt, mê đắm quyện vị phù sa của sông quê, quyện mùi của đầm súng trổ bông sớm ven đồng. Trai gái làng tôi bao đời yêu lúa, đôi khi bị thôi miên bởi hương đòng đòng. Vào mùa hò hẹn, bao giờ cũng phải kéo nhau ra gốc cổ thụ xóm Đoài để trò chuyện, hát đối và thưởng thức làn gió mát đưa hương đòng đòng về phía làng. Anh Hân xóm Đoài nghiện mùi đòng đòng cốm non, cuối chiều thường ngồi gảy đàn ghi-ta và hát nơi gốc cổ thụ. Giọng hát anh mê đắm. Có lần cả nhóm thiếu nữ ngẩn người khi tiếng anh cất lên: “Về đây nghe em/ Về đây nghe em/ Về đây mặc áo the đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới...”. Ngày đó chị Mơ nổi tiếng xinh đẹp ở xóm Đông, bị giọng hát và giọt đàn của anh Hân chinh phục. Sau này họ thành một đôi, vợ chồng hạnh phúc. Thi thoảng tôi vẫn thấy anh ngồi chơi ghi-ta, dạy cho cô con gái học lớp 8 tập hát, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ.

Biết tôi yêu đồng, yêu lúa, thích mùi đòng đòng, bà nội tôi hỏi: “Ngửi mùi đòng đòng cháu thấy gì?”. Tôi thưa: “Cháu thấy mùi vị quyến rũ của quê mình, thân thuộc và bình yên”. Bà cũng hỏi bố tôi: “Mùi đòng đòng của hương lúa đồng cho con thấy gì?”. Là thầy giáo trường làng, kiêm nông dân, bố tôi thưa: “Con thấy tuổi trẻ của con, của thế hệ thằng Tứ đã được tiếp diễn và mùi hương ấy chưa bao giờ bị vơi tình yêu từ làng mình”. Tôi hỏi bà nội: “Vậy mùi vị những bông lúa non cho bà thấy gì ạ?”. Bà cười: “Thấy sự bình yên và tuổi già hạnh phúc của bà”.

Vào cữ tháng tư, tiết xuân chưa mất hẳn và cái nắng của hè chưa chói gắt. Chim trời cũng nhạy cảm với mùi hương đòng đòng. Con thì chao liệng, làm duyên, chíp chiu hót vang tạo dàn đồng ca. Những chú cò trắng muốt kiếm ăn trên những bờ mương, thi thoảng đứng lặng hồi lâu, chùi mỏ lên những lá lúa và hít thở hương thơm. Mà cũng lạ lắm. Lúa từ bùn mà lớn, chắt chiu cả cái nắng, cái gió và sương sa để sánh quyện thành một mùi hương quê vô cùng thân thương, khó diễn tả thành lời. Có phải cây lúa nghĩa tình, đã trả công người chăm bẵm, cần mẫn miệt mài?

Người dân quê tôi yêu văn nghệ, ca hát. Biết ơn cây lúa, sẵn có “chất nghệ” nhiều người hay hát bài Hát về cây lúa hôm nay, nghe mê đắm: “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương. Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế, đồng lúa hẹn hò những mùa gặt. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ hôm nay…”.

Lúa đẹp. Đồng đẹp. Cảnh sắc ấy đã níu những nghệ sĩ nhiếp ảnh về làng. Từ trên đê phóng tầm mắt sẽ có những bức ảnh tuyệt đẹp. Bên này là quán cổ giữa đồng, bên kia là hàng nhãn lâu năm, lại có thêm những hàng hoa ven đường đồng do Đoàn Thanh niên xã trồng. Cái đẹp ở giữa cái đẹp. Cứ thế hòa thành nhan sắc làng, tuyệt diệu và thân thuộc biết bao nhiêu!