Chờ nắng

Cái dáng khật khưỡng, xiêu vẹo xa hun hút lẫn giữa những hàng chè, đúng là không lẫn vào đâu được. Là ông Tuấn nát. Cái biệt danh không biết gắn với ông từ bao giờ. Nhìn ngay cái dáng đi thôi, cũng đủ biết từ nát là chuẩn không chệch tí nào rồi. Ngày nào cũng như ngày nào, tháng năm lặp đi lặp lại, chè hết mùa này lại lứa khác, con người thì miệt mài say.

Chờ nắng

Thằng con trai ở với bố lầm lũi. Ngôi nhà của họ chênh vênh ngay dưới chân đồi chè. Những quả đồi lúp xúp, xanh non mỡ màng vốn được quảng bá là một trong những nơi trồng chè đẹp nhất. Ừ thì đẹp, nhưng người sống ngay giữa thiên nhiên đâu thiết tha gì.

Tú năm nay mười bảy tuổi, nó đã ra dáng một người đàn ông trụ cột gia đình. Những ngày đi học, đi làm, tối nhọ mặt người không thấy bố về, Tú đã biết lần theo những hàng chè xuống xóm dưới, để rồi chỉ thoáng chốc đã thấy nó xốc nách bố về. Hoặc nhiều khi nó cõng ông bố người mềm như cọng bún trên lưng. Vẫn những bước chân lầm lũi, cô độc, ẩn ức. Tú lớn lên giữa xứ chè. Năm mẹ nó sang Ðài Loan làm giúp việc, Tú mới chín tuổi. Trong trí nhớ của con trẻ vẫn lưu lại những trận cãi nhau kịch liệt giữa bố và mẹ trong đêm. Có lẽ mẹ tưởng nó đã ngủ say, cũng có khi mẹ nghĩ nó con trẻ không biết gì nên không cần hạ bớt giọng. Nhà giữa những đồi chè bát úp, đi mỏi cẳng mới đến nhà hàng xóm, nói bé thì âm thanh chỉ lọt thỏm giữa mênh mông thôi, thế nên hai người lớn ai cũng cố sức nói to để âm thanh của mình làm chủ.

Tú vẫn nhớ bố can mẹ đừng đi, ở nhà rau cháo nhưng con có mẹ, vợ chồng có nhau. Mẹ chỉ tay sang phía đông, phía tây, nói không đi bám lấy đất này biết bao giờ mới ngẩng mặt lên được. Ôi, người đàn bà xuân sắc không cam tâm sống giữa an yên đơn giản. Cái mẹ cần là cuộc sống sung túc. Lời hẹn khi nào Tú cứng cáp, mẹ kiếm được chút vốn rồi sẽ về đã rớt lại phía sau, còn bóng mẹ tất tả ngược về đằng trước. Mẹ đi. Hun hút mặt người. Chỉ có hai cha con thấm thía được nỗi quạnh hiu, chông chênh khi mẹ rời bỏ tổ ấm. Ði làm ăn, ừ thì là vậy. Xứ người cũng trăm thứ cơ cực, ở nhà biết chứ, nhưng nỗi cơ cực không có người thân sẻ chia còn nhân lên nhiều lần.

Bố Tú từ đó nghiễm nhiên có vợ mà thành gà trống nuôi con. Bóng hai cha con, một lớn một nhỏ đổ vào nhau, mênh mang. Thế mà mẹ xa nhà đã gần được tám năm. Hồi đầu mẹ có về, đôi năm gì đó thì mẹ về một chuyến. Mẹ về ríu rít vài hôm, ầu ơ những hứa hẹn, nhíu mày chuyện nọ chuyện kia. Thấy bố để chai rượu nút lá chuối ngay hộc bàn uống nước, mẹ nhăn mặt kể lể khổ sở, vất vả xứ người để ở nhà anh đổ đốn thế này sao? Anh có biết thương tôi nữa không?... Bố ngồi im như tượng gỗ nghe những càm ràm của phụ nữ không mấy khi nhà có. Rồi câu hỏi quen thuộc bật lên, lặp đi lặp lại từ năm này qua tháng khác: "Bao giờ em tính về hẳn?". Mẹ ngẩn người, rồi thở dài: "Ðã có gì đâu mà về". Hồi nhỏ, Tú mong lắm câu trả lời của mẹ sẽ là sắp, là cuối năm hay đại loại là thêm một thời hạn cụ thể nào đó. Có thời hạn, người ở nhà còn biết mà chờ mong chứ, đằng này cứ hun hút, đi là bặt mặt người. Nhưng mẹ không bao giờ nói thế. Và Tú cứ lầm lụi mà lớn lên, thành người.

Năm Tú mười sáu tuổi, bố bảo: "Bố và mẹ chia tay, con buồn không?". Tú im lặng, lòng hẫng đi. Cảm giác như trái tim bị ai bóp nghẹt, không thở nổi. Nhưng rồi qua giây phút ấy, Tú bảo: "Thì bao năm nay, mẹ cũng có sống cùng bố con mình đâu". Ừ, như thế này thì có khác gì là chia tay? Chia tay bây giờ chỉ là đánh dấu sự rạch ròi về mặt pháp luật, chứ thực tế nó chẳng nhiều nhặn ý nghĩa gì. Sau này bí mật xem những tin nhắn của mẹ gửi về, Tú mới biết, mẹ thừa nhận ở bên đó mẹ ở cùng người đàn ông khác, người đàn ông tật nguyền nhưng có điều kiện đầy đủ chứ không nghèo khổ như bố con Tú ở nhà. Tú trào nước mắt nhìn những con chữ nhảy múa. Biết đàn ông khóc là hèn, là yếu đuối nhưng càng lúc đôi vai càng rung lên. Thôi, Tú khóc một lần này thôi, cho đã.

Bố không khóc, nhưng ông uống rượu nhiều lắm. Khật khưỡng say, khật khưỡng bước. Lúc nào cũng đơn độc, liêu xiêu. Chè vào mùa, bố cũng thây kệ. Những búp nõn mơn mởn, xanh mướt đầy sức sống. Tú sốt ruột chạy sang nhà bác ruột nhờ. Sau một hồi mắng nhiếc sự vô tích sự của em trai, bác cũng nhận lời mang máy sang cắt chè giúp. Chứ không, bố con Tú làm thế nào? Mẹ làm được bao nhiêu tiền gửi cả về đằng ngoại. Mỗi tháng Tú ngửa tay nhận "trợ cấp" từ bác gái ba triệu đồng. Mẹ chỉ cho Tú chừng ấy, còn bố từ lâu mẹ đã mặc kệ. Ý nghĩ không tin tưởng, sợ gửi tiền về chồng cầm sẽ sa vào rượu chè, gái gú khiến mẹ không yên tâm. Có phải vì thế mà căn nhà này khi Tú lớn lên, nó càng toang hoác và lạnh lẽo? Giờ thì tổ ấm chia đôi, mà không căn nhà này từ lâu Tú đã thấy nó có còn ấm nữa đâu.

Xứ này phụ nữ đi lao động xuất khẩu nhiều lắm. Tầm đôi ba năm thì về, hầu hết ai cũng giắt được lưng vốn liếng để vực kinh tế gia đình lên. Cũng có người ở lại xứ người, hy hữu thôi nếu cơ hội làm ăn tốt và ở nhà không nhiều vướng bận. Nhiều lúc Tú không biết thật sự với mẹ điều gì là quan trọng, tiền hay hạnh phúc? Chỉ biết một điều là bây giờ mẹ chọn từ bỏ bố con Tú. Thôi cứ cho là do hết duyên, nghĩ thế cho nhẹ lòng.

Ðàn dê từ ngày bố lao vào rượu chè không ai chăm sóc. Tú ở trường về còn bao nhiêu là việc, chúng chạy lông nhông ngoài đồi. Những ngày ở đất chè mờ sương, cỏ cây sũng sĩnh ướt, chúng vẫn thủng thẳng ngoài trời lạnh. Thế này thì không được, khi người đàn ông đã không còn bận tâm đến bất cứ điều gì thì có ăn hay không cũng chẳng có gì quan trọng. Tú nhìn bố bất lực. Vừa chán nản, mệt mỏi vừa giận lại vừa thấy thương.

Tú nghỉ học được hai ngày thì bố ở đâu đó lao về, mặt phừng phừng hơi rượu: "Ai cho mày nghỉ học?". Có lẽ cô giáo đã gọi điện cho bố. Bố gào lên giận dữ. Tú tưởng bố sẽ đánh mình, nhưng không đôi bàn tay vo tròn trong cơn tức giận dừng lại khi còn cách cậu con trai lộc ngộc chừng mấy gang tay. "Con nghỉ, vì nhà mình còn ai làm việc nữa đâu. Ði tìm bố say mỗi chiều đã đủ hết hơi rồi". "Mày láo…". Tú ngồi xuống ghế chậm rãi: "Bố nhìn đi, nương chè bố kệ, đàn dê bố kệ, nhà còn hay mất gì bố cũng kệ nốt… tối ngày bố say. Bố quan trọng mẹ hơn cả cuộc đời mình, hơn cả tương lai của con trai mình, thì con đi học để làm gì nữa?". Ðôi tay bố chợt thõng xuống, hơi rượu váng vất. Ngoài sân, sương bay mù mịt.

Tú lôi chai rượu bố để trong hộc bàn ra, rót đầy hai chén, đẩy một chén về phía bố. "Bố uống đi. Hôm nay con cũng muốn say như bố, chứ sống thế này khổ quá". Tú ngửa cổ ực một hơi, rượu vào đến đâu bỏng rát đến đó. Bố Tú trân mắt nhìn thằng con trai mười bảy tuổi. Sáng ra ông đã uống, nhưng vẫn còn tỉnh táo để thấy con đang xúc động cực mạnh. Ông giằng chai rượu trong tay con, nhưng không được. Nó rót tiếp một chén nữa và ực. Chưa bao giờ ông thấy con trai mình kỳ lạ đến thế. Rồi nó khóc tu tu, tiếng khóc trong lồng ngực dội ngược ra. Tiếng khóc như xé toang màn sương mờ mịt khiến ông bừng tỉnh. Suốt một thời gian dài rượu giúp ông tạm thời quên đi nỗi đau hiện tại. Ông hận mình đã không quyết liệt giữ vợ lại, càng hận hơn nữa vì mình không giàu có để giữ chân người đàn bà ấy. Tám năm vợ đi, ông mải miết tìm đến cái thứ men cay chết người ấy, để rồi kể cả khi bị xuất huyết dạ dày nằm viện, cũng chỉ có thằng con trai ở bên chăm lo cho bố. Cuộc đời này, thật ra ai mới quan trọng với ông? Nghĩ mãi về một người mà trong tim người ta nghĩ về một điều khác là một việc vô cùng vô vọng. Sao những điều này bây giờ ông mới nhận ra?

Ông bước ra cửa, mảnh sân lổn nhổn đất đá. Ðưa mắt về phía chuồng dê, ông phát hiện đàn dê tối qua cũng không về. Bao lâu nay ông có tỉnh đâu mà nhận ra những điều nhỏ nhặt như thế? Giữa những hàng chè thẳng tắp, có bàn tay nào đó đã đốn thân cành chỉn chu, gọn gàng. Hơi sương vẫn thoang thoảng thổi hơi ẩm của buổi sáng lên vạn vật.

Ông bước những bước mạnh mẽ ra phía đầu nhà. Có lẽ chờ nắng lên để làm việc thôi. Chờ nắng, ông lẩm bẩm trong miệng và cúi người nhặt nhạnh những thứ đồ ngổn ngang trên lối đi.