Nhà văn Hà Ðình Cẩn:

Sự lựa chọn không dễ dàng

Ngay từ khi bắt đầu được phát sóng trên nhiều đài và kênh truyền hình trong cả nước, bộ phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình đã sớm thu hút sự chú ý và tạo được ấn tượng tốt với người xem. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hà Ðình Cẩn (ảnh nhỏ) - người xây dựng đề cương kịch bản bộ phim, về những kỷ niệm đặc biệt trong quá trình tham gia xây dựng dự án phim tài liệu đồ sộ này.

Người dân vui mừng chào đón các chiến sĩ quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. (Cảnh trong phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình).
Người dân vui mừng chào đón các chiến sĩ quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. (Cảnh trong phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình).

90 ý tưởng

- Thưa nhà văn, ông đã từng chia sẻ rằng: dù đã tham gia sáng tạo rất nhiều bộ phim với những vai trò khác nhau, nhưng với mỗi tác phẩm, ông đều tạo cho mình tâm thế như khám phá lần đầu, sáng tạo lần đầu, cố gắng lần đầu. Khi nhận vai trò xây dựng đề cương kịch bản của bộ phim tài liệu được coi là đồ sộ bậc nhất ngành truyền hình Việt Nam tính đến thời điểm này, ông xác định điều gì?

Sự lựa chọn không dễ dàng ảnh 1

- Công việc làm phim tài liệu với tôi được tập dượt nhiều qua làm đề cương, làm kịch bản, làm lời bình, có khi làm cả đạo diễn của hàng trăm phim với xưởng phim Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, nhiều đài truyền hình cả trung ương và địa phương, vì thế, viết đề cương cho một bộ phim không còn bỡ ngỡ. Vậy nhưng, khi đảm nhiệm vai trò xây dựng đề cương kịch bản bộ phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình, tôi nhận thấy đòi hỏi phải chuẩn bị và xử lý khối tài liệu khổng lồ từ trước khi Ðảng ra đời đến ngày nay. Tài liệu rất nhiều, sự lựa chọn không dễ dàng. Thí dụ như năm 1954, chiến thắng Ðiện Biên, nếu làm cho thỏa phải dăm bảy tập vì tài liệu về ta, về địch, về thế giới rất nhiều. Nhưng phải ép vào hai tập thôi. Vậy là phải tính kỹ, hình ảnh nào có tính khái quát, lại còn tương đối mới về sự kiện, thì lựa chọn để nói về chiến thắng một cách ngắn gọn và tương đối trọn vẹn, không chỉ thuyết phục mà tạo ra hứng khởi cho người xem.

Khi nói về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chúng tôi đã phải tính toán rất kỹ để có thể chuyển tải vấn đề theo một quá trình, từ bước đột phá thứ nhất: Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, xác định, mở cửa, bung ra, cởi trói để cứu nguy cho nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; đến bước đột phá thứ hai, từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa V, xác định dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá, xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp, chuyển mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sang cơ chế hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Và rồi đến bước đột phá thứ ba khẳng định ba quan điểm kinh tế, một là, trong bố trí cơ cấu kinh tế, phải lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu; hai là, xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần; ba là, dứt khoát xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, chính sách giá phải vận dụng quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá… Những vấn đề đó phải được đặt ra thế nào cho hợp lý trong từng tập phim. Khó khăn nhất, lo lắng nhất với người khởi thảo kịch bản là làm sao tìm được ý tưởng cho từng tập. 90 tập phim là 90 ý tưởng về sự lãnh đạo xuyên suốt của Ðảng trong Thời đại Hồ Chí Minh. Ý tưởng là xương sống của tập phim. Không có xương sống, phim sẽ đổ. Xác định như trên, tôi bắt tay vào việc.

- Trước dự án này, đã có một số tác phẩm truyền hình và điện ảnh về cùng đề tài đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng công chúng. Vậy ông và ê-kíp sáng tạo làm thế nào để tạo được sự khác biệt cho tác phẩm?

- Phim tài liệu về Ðảng, về cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước của nhân dân ta suốt mấy chục năm phải kể tới hàng nghìn. Những sự kiện lớn như Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9-1945, Giải phóng Ðiện Biên 1954, Ðường Hồ Chí Minh và Chiến thắng 1975, thống nhất đất nước… đều có hàng chục phim đã làm, rất nhiều phim thành công, được khán giả đánh giá cao. Khi làm phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình, chúng tôi xác định không phải làm lại mà là phải sáng tạo mới trên nguồn tài liệu đã công bố ở nhiều phim trước đó. Ngôn ngữ của phim, cách công bố tài liệu, vấn đề đặt ra… làm cho các phim trong cùng nguồn tài liệu trở nên khác nhau. Bên cạnh đó, bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim của Báo Nhân Dân đã khai thác được nhiều tài liệu quý hiếm và mới, có những hình ảnh về sự kiện diễn ra cách nay hơn nửa thế kỷ, đến phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình mới công bố, tạo ra những nét mới mẻ và hấp dẫn cho bộ phim.

Cảm hứng và xúc động

- Trong hành trình 90 tập phim nhìn lại những chặng đường đầy biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc ấy, ông ấn tượng về phần nào nhất? Vì sao?

- Có hai thời kỳ trong hành trình 90 năm của Ðảng, tôi ấn tượng nhất, là thời đầu của nước Việt Nam non trẻ ra đời cuối năm 1945 và giai đoạn Ðảng đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Thời năm 1945, nước Việt Nam mới ra đời đứng trước muôn vàn thách thức với ba thứ giặc hoành hoành là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Có thể nói thời kỳ này, chỉ một sai lầm nhỏ, một bước đi lệch là mất nước, là quay về nô lệ. Vậy mà hồng phúc của dân tộc có Ðảng và Bác Hồ lãnh đạo, lần lượt vượt qua muôn vàn thách thức, không chỉ giữ được độc lập, giữ được nước Việt Nam, mà còn mau chóng đứng lên kháng chiến giành thắng lợi.

Ấn tượng thứ hai, là thời kỳ Ðảng đổi mới tư duy về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ðổi mới chính mình, đổi mới một Ðảng đã lãnh đạo đất nước lập nên những chiến công hiển hách, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, để bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội là việc rất khó. Vậy mà Ðảng đã vì dân, lấy no đủ và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu để đổi mới, đổi mới liên tục, kế tiếp trong nhiều Ðại hội, để có nền kinh tế - xã hội phát triển như hôm nay. Quả thật khi viết đề cương ở những tập kịch bản này, tôi có cảm hứng và xúc động đặc biệt.

- Ðã tròn 45 năm đất nước thống nhất, từng là một người lính, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về dấu mốc lịch sử 1975?

- Làm đề cương phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình, nhiều chỗ tôi gặp lại mình, đặc biệt là gặp ở nhiều hình ảnh TP Hồ Chí Minh ngày đầu giải phóng. Bấy giờ, 45 năm trước, tôi là phóng viên báo Quân đội nhân dân ở mặt trận, đi theo bước chân của chiến sĩ từ mở đầu đến kết thúc chiến dịch. Tôi nhớ sau ngày 30 tháng tư tôi và anh bạn cùng báo, nhà thơ Anh Ngọc nhặt một chiếc xe ô-tô con, gọi một thượng sĩ quân đội Sài Gòn vừa thất trận ở Phan Thiết lái vào Ðồng Nai, rồi từ đây nhảy hai chặng ta-xi vào đến Sài Gòn lúc 8 giờ tối. Hình ảnh tôi nhớ mãi, định lúc nào đó thì đưa vào phim nhưng chưa làm được, ấy là, buổi sáng đầu tiên sau ngày giải phóng, tôi đi bộ ra phố, hít thở không khí Sài Gòn mới. Ở ngã tư đường Hai Bà Trưng với đường Thống Nhất, không hiểu vì lý do gì đèn báo tín hiệu giao thông bị hỏng. Thế là một tốp các cháu học sinh đi ra giữa đường điều khiển giao thông. Mỗi cháu cầm trên tay mảnh bìa, ghi chữ Stop đưa ngang, mọi người dừng lại. Stop hạ xuống, mọi người đi. Phía sau tôi đứng chờ sang đường là một hàng dài người dân, bộ đội và cả xe nhà binh. Những người vừa chiến thắng và những người vừa được hưởng giải phóng cùng xếp hàng đi qua ngã tư theo điều khiển giao thông của các cháu học sinh. Thành phố Sài Gòn từ đầu ngày mới đã vào nề nếp… Ðó là một ngày nhàn rỗi với tôi, có thời gian thong thả dạo dọc đường Thống Nhất, từ Ðài Phát thanh - Truyền hình, qua cửa Ðại sứ quán Mỹ, đến dinh Ðộc Lập.

Và chỉ một ngày trước thôi, cả Sài Gòn hướng về con đường này, reo vui chờ đón và chứng kiến đoàn quân giải phóng với những chiếc xe tăng lầm bụi trường chinh qua hàng nghìn cây số đến điểm hẹn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài hai mươi năm gian khổ: Cắm cờ toàn thắng lên nóc dinh Ðộc Lập, mở ra thời kỳ đất nước thống nhất, xây dựng cuộc sống mới. 45 năm kể từ ngày huy hoàng đó, thành phố mang tên Bác đã phát triển không ngừng, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.