Nhà phê bình văn học Ðỗ Lai Thúy:

Những sáng tạo chứa đựng phẩm chất nghệ thuật sẽ luôn mới

Ðóng góp sáng tạo của giới văn nghệ sĩ Việt Nam nhiều thế hệ qua là tài sản văn hóa to lớn và quý giá của cả dân tộc. Giữa nhiều thăng trầm của đời sống xã hội, sự sáng tạo và giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật của một số tác giả dường như vẫn là những ấn số hấp dẫn, lôi cuốn với công chúng đương đại. Thơ của Ðặng Ðình Hưng (1924 - 1990) là một thí dụ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Ðỗ Lai Thúy, tác giả của tiểu luận Ðặng Ðình Hưng - người thèm, in trong tuyển tập mới nhất Ðặng Ðình Hưng - một bến lạ, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2020 về chủ đề này.

Một góc không gian trưng bày các bức vẽ chữ của Ðặng Ðình Hưng tại Trung tâm văn hóa Pháp, L’Éspace, Hà Nội.
Một góc không gian trưng bày các bức vẽ chữ của Ðặng Ðình Hưng tại Trung tâm văn hóa Pháp, L’Éspace, Hà Nội.

Một vẻ đẹp thuần Việt

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về những tiếp xúc trực tiếp của ông với Ðặng Ðình Hưng, con người và tác phẩm?

- Tôi có hai lần được gặp ông trực tiếp, đều trong các cuộc rượu giữa một số trí thức mà sinh thời, ông Hưng có giao thiệp nhiều. Tôi đi theo một người anh và hầu như chỉ im lặng nghe chuyện của họ thôi. Nếu làm phép so sánh vui, có lẽ tôi tiếp xúc với văn bản tác phẩm của ông nhiều hơn, lâu hơn, trò chuyện, nghe chúng trong im lặng cũng nhiều hơn so với người sinh ra chúng. Cả ba tác phẩm lớn trong đời thơ của ông, Ô (cuối những năm 1950, đầu 1960, cho đến nay chưa từng xuất bản), Bến lạ (khoảng năm 1984, xuất bản lần đầu năm 1991), Ô Mai (sau 1984, xuất bản lần đầu tiên năm 1994), tôi đều được đọc bản thảo viết tay. Tôi cảm nhận rõ sự tuôn chảy hoàn toàn tự nhiên của các con chữ, của nhịp điệu thơ ông, bắt nguồn từ một thế giới nội tâm riêng biệt của ông. Trong bản thảo, ông trình bày từ ngữ, dòng thơ theo một trật tự cá biệt và về sau, các bản in thơ của ông đều trung thành với trật tự ấy.

- Thưa ông, những câu chuyện về thời thế rủi may của một người sáng tạo đôi khi lại phủ bóng quá lớn lên giá trị thực của sáng tạo ấy, khiến cho người đời sau nhớ đến một tác giả nhờ các câu chuyện bên lề hơn là về chính sự sáng tạo của họ. Với Ðặng Ðình Hưng, phần nào tương tự vậy, đặc biệt khi ông ấy là cha đẻ của nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới Ðặng Thái Sơn. Từ điểm nhìn của một người nghiên cứu văn học, theo ông, thơ Ðặng Ðình Hưng chứa đựng những giá trị nghệ thuật gì?

- Ðặng Ðình Hưng vốn là một nhà lý thuyết âm nhạc. Ông làm thơ về sau này, chứ không phải ngay từ đầu, ông đã là một nhà thơ. Vì thế chăng, ông không bị lệ thuộc vào bất cứ một thể loại thơ sẵn có nào; và cũng có thể sẵn do tư duy âm nhạc có khả năng đem tới cho thanh âm một nghĩa/ý nghĩa nào đó, khi đặt chúng vào trong một bản nhạc, ông dễ dàng tiếp cận, nhận ra được tầng nghĩa thứ hai của ngôn ngữ tiếng Việt, nằm ngoài nghĩa từ điển thông dụng mà Lê Ðạt từng gọi là "nghĩa tiêu dùng". Ông làm thơ tự do, thoải mái nhưng nhịp điệu, như tôi đã nói ở trên, tuôn chảy hoàn toàn tự nhiên. Ðiều đáng nói nữa là nếu quan sát kỹ hơn hành trình thơ của ông sẽ thấy nó nhất quán với hành trình cuộc đời của ông luân chuyển qua các không gian địa lý, không gian xã hội và không gian sáng tạo. Thơ với ông là một, thuần nhất và tự nhiên, không hề dựa vào các yếu tố duy lý, kỹ thuật với chữ như một số nhà cách tân khác.

Một điểm hết sức quan trọng trong thơ Ðặng Ðình Hưng là vẻ đẹp của tiếng Việt. Phần lớn hình ảnh trong thơ ông đều là những hình ảnh thuần Việt, gần gụi, thân thương nhưng được sắp xếp trong các phối cảnh siêu tưởng tượng, làm hiện hình các lớp nghĩa ngoài từ điển thông dụng của ngôn từ. Vẫn là chùa, áo lụa, ô mai, rong rêu... nhưng qua nội tâm tác giả và trong dòng chảy nhịp điệu ngôn ngữ riêng của ông, những hình ảnh ấy không còn đơn thuần như nghĩa ta quen hiểu nữa mà đa nghĩa và đẹp kinh khủng. Ðấy chính là giá trị nghệ thuật của thơ Ðặng Ðình Hưng.

Những sáng tạo chứa đựng phẩm chất nghệ thuật sẽ luôn mới -0

Còn nhiều vỉa tầng để nghiên cứu

- Trong quan sát của một người có nhiều năm nghiên cứu văn học và văn hóa Việt Nam, ông có thể chia sẻ về thực tế mức độ công nhận những giá trị sáng tạo của những lớp người tài từng bị khuất lấp một thời gian dài, như Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Ðặng Ðình Hưng. Hoặc ông có thể đưa ra một nhận định về cách thức nào để thế hệ sau có thể tiếp nhận được những tín hiệu sáng tạo của thế hệ trước thậm chí của từ chính thế hệ mình, để tránh những trường hợp đáng tiếc là người Việt bỏ quên tài năng của chính người Việt?

- Những nhà thơ mà bạn kể trên đều đã hết sức quyết tâm trên con đường sáng tạo riêng của mình. Họ đã thay đổi hệ hình tư duy quen thuộc của thi ca đương thời, là có ý - tứ thơ trước rồi tìm chữ/ từ ngữ để diễn đạt; còn đối với họ, chữ mới là gốc và từ gốc này, sẽ có nhiều nghĩa mới do nhà thơ sáng tạo nên. Chính vì sự cách tân ngoạn mục này của họ với chữ nghĩa nên buộc người nào muốn tiếp nhận được những tín hiệu sáng tạo của họ thì cũng phải hết sức cởi mở trong tư tưởng và sự đào luyện trong tư duy, tôi đồ rằng số người này hiện nay không nhiều, thế hệ nào cũng không có nhiều. Phần đông là không chấp nhận hoặc chấp nhận một cách vừa phải.

- Vậy theo ông, những tác phẩm thơ như của Ðặng Ðình Hưng có thể dịch sang ngôn ngữ thứ hai được không, nếu ta muốn giới thiệu rộng rãi hơn với thế giới những giá trị văn chương hiện đại Việt Nam?

- Riêng với thơ, nếu được viết càng thuần nhất với ngôn ngữ của nhà thơ bao nhiêu thì càng khó dịch bấy nhiêu, đấy là chưa kể đến yếu tố nhạc điệu, nhịp điệu trong nguyên bản. Không phải riêng với thơ tiếng Việt mà với các ngôn ngữ khác cũng vậy. Nếu sáng tác thơ theo cách thông thường, có một ý - tứ thơ và dùng ngôn từ để diễn đạt sao cho trọn vẹn thì người ta có thể dịch dễ dàng hơn. Nhưng với những sáng tạo mà mọi ý và tứ thơ đã hòa tan trong ngôn từ, trong nhịp điệu, một bản thơ chứa đựng nhiều lớp nghĩa ngoài nghĩa từ điển, như thơ Ðặng Ðình Hưng, thì trong trường hợp này, tôi tin người Pháp nói đúng: dịch tức là diệt.

- Theo ông, liệu còn nhiều vỉa tầng cho thế hệ sau nếu muốn tiếp tục nghiên cứu thơ của những lớp người tài như Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần, Hoàng Cầm?

- Còn nhiều chứ, bởi họ là những tác giả lớn và thơ của họ chứa đựng phẩm chất nghệ thuật nên sẽ luôn mới, nhất là với những người ý thức được một cách rõ ràng vấn đề của thời đại mình đang sống và mong muốn tìm câu trả lời từ nghệ thuật của lớp người tài trong quá khứ.

- Bình luận của ông về cách mà các tác giả trẻ hôm nay quan tâm đến giá trị tác phẩm của những tài năng ấy?

- Trong một xã hội đang tiến tới hiện đại với một sự phân hóa cao độ như ở nước ta hiện nay, việc đọc và sáng tác văn chương của người trẻ cũng vậy, phân hóa cao độ. Văn chương nhiều khi là phương tiện để tiến thân hơn là mục đích sáng tạo duy nhất. Cũng có những người trẻ cho rằng họ đã đi qua giai đoạn hiện đại chủ nghĩa rồi, tiến tới hậu hiện đại rồi và như vậy là họ đã vượt qua những Trần Dần, Lê Ðạt,... Có thể là trong tư tưởng nghệ thuật của lớp thế hệ sau thì có sự tiến bộ nhưng mong họ không nhầm lẫn giữa tư tưởng nghệ thuật và phẩm chất nghệ thuật: tư tưởng nghệ thuật thì có thể tiến bộ, vượt qua thế hệ trong quá khứ nhưng phẩm chất nghệ thuật mới giúp có được tác phẩm và tác giả lớn và có giá trị duy nhất, khác biệt.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

* Nhà phê bình văn học Ðỗ Lai Thúy là tác giả của những nghiên cứu từ góc nhìn khác biệt về tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ từ trung đại tới hiện đại Việt Nam. Một phần trong số đó đã được chọn lọc và xuất bản trong các ấn phẩm như Con mắt thơ (tới năm 2000 đổi tên thành Mắt thơ), (Phê bình phong cách Thơ mới), Nxb Lao động, 1992,  Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (Ði tìm thực chất thơ Hồ Xuân Hương), Nxb Văn hóa thông tin, 1999, Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu), Nxb Văn hóa thông tin, 2002; Bút pháp của ham muốn, Nxb Tri thức, 2009,...

* Ngày 20-1, tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội sẽ diễn ra buổi tọa đàm về những đóng góp nghệ thuật của Ðặng Ðình Hưng. Bên cạnh các diễn giải về nghệ thuật thơ của ông của một số nhà thơ, nhà nghiên cứu, Trung tâm còn trưng bày một triển lãm các bức "vẽ chữ" của ông trên chất liệu sơn dầu, sơn mài. Ðặc biệt, tại buổi tọa đàm, nghệ sĩ piano Ðặng Thái Sơn - con trai của nhà thơ Ðặng Ðình Hưng sẽ cùng với tác giả khúc etude dành cho song tấu piano, nhạc sĩ Ðặng Hữu Phúc, trình diễn bản nhạc mà theo Ðặng Hữu Phúc là được soạn trên nền cảm hứng từ thơ Ðặng Ðình Hưng.