Họa sĩ Văn Dương Thành:

Nghệ sĩ không thể chỉ ở trong “tháp ngà”

Nữ họa sĩ Văn Dương Thành (ảnh bên) được biết đến là “nàng thơ trong tranh” của danh họa Bùi Xuân Phái, khi trong suốt cuộc đời mình danh họa đã vẽ khoảng 300 bức chân dung chị. Đó quả là một mối duyên lành không dễ có trong nghệ thuật. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái (1920 - 2020), nữ họa sĩ dự định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm 100 bức chân dung danh họa do chị vẽ, cùng với việc xuất bản một cuốn sách in 100 bức ký họa và hơn chục bức tranh sơn dầu danh họa vẽ chị trên các chất liệu phấn mầu, mầu nước, bột mầu, sơn dầu.

Nghệ sĩ không thể chỉ ở trong “tháp ngà”

Tri kỷ nghệ thuật

- Thưa họa sĩ Văn Dương Thành, danh họa Bùi Xuân Phái trong ký ức của chị ở lần đầu tiên gặp ông là như thế nào?

- Tôi có cơ may được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái khi còn là một học sinh ở Trường Mỹ thuật Việt Nam hệ 7 năm. Đó là một buổi chiều năm 1967, anh của tôi, Phó Tiến sĩ Văn Ảnh dẫn tôi đến thăm nhà một người bạn và tôi gặp danh họa đang uống trà ở đó. Khuôn mặt ông gầy gò, sống mũi rất cao. Thấy tôi chào và gọi rõ tên ông, ông hỏi: “Cháu gái, vì sao lại biết bác?”. Tôi thật thà trả lời rằng cháu rất thích những minh họa của bác và bác Văn Cao trên báo Văn nghệ, nên cháu đã để dành tiền ăn sáng để mua báo Văn nghệ và cắt các hình minh họa của bác dán vào một quyển sổ để giữ làm kỷ niệm. Ông ngồi lặng hồi lâu, đôi mắt sáng lên một niềm vui giống như một sự cảm động. Sau đó chúng tôi được đến thăm nhà họa sĩ và gặp bà Bùi Xuân Phái (bà Sính). Từ ngày đó tôi trở thành một người thân của gia đình. Trong cảm nhận của tôi, ông Phái là người nhân hậu, có chút gì đó như yếm thế, luôn nhường bạn, luôn chịu thua thiệt, nhưng trong hội họa thì ông rất cương quyết, rất mạnh mẽ và không khoan nhượng. Ông luôn biểu hiện mọi triết lý sống của mình qua hội họa chứ không mấy khi tranh luận với ai.

- Theo chị, vì sao danh họa Bùi Xuân Phái lại “say mê” vẽ chân dung chị nhiều như vậy?

- Có một điểm mà ai cũng biết, ông Phái rất thích vẽ Văn Dương Thành vì chính tôi cũng là họa sĩ. Tôi tôn trọng sự sáng tạo và sự thể hiện cái nhìn tâm hồn của ông nên tôi không bao giờ bình phẩm hoặc khen chê những bức tranh mà ông đã vẽ tôi. Nếu ông vẽ hình tượng một người phụ nữ dịu dàng hay gai góc, nét mặt gồ ghề hay nhẹ nhõm, mầu sắc tươi sáng hay nặng nề - thì tôi rất hiểu: người mẫu chỉ là cái cớ để ông thể hiện cảm xúc của riêng mình. Chính điều này đem đến cho họa sĩ rất nhiều tự do để sáng tác và không bị gò bó nể nang đối với người mẫu, đặc biệt là phụ nữ. Đây là lý do giải thích vì sao ông Phái vẽ đến hơn 300 bức tranh chân dung, ký họa Văn Dương Thành.

- Trong hội họa, điều mà chị chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ danh họa Bùi Xuân Phái là gì?

- Tôi luôn nhớ tới danh họa Bùi Xuân Phái như một người thầy, mặc dù tôi chưa một ngày nào đến lớp của thầy. Chúng ta biết rằng, danh họa Bùi Xuân Phái vẽ nhiều nhất là tranh sơn dầu và phố cổ Hà Nội. Kỹ thuật sơn dầu hàn lâm của ông rất cao, dù bảng mầu của ông rất hạn chế. Kể cả khi chỉ có hai mầu còn sót lại cũng đủ để ông làm sống lại một mảng phố Hà Nội khiến người xem rung động. Kỹ thuật phối mầu của ông rất tinh tế, mãnh liệt, luôn gây một ấn tượng không quên được cho người xem. Bút pháp của ông nhìn qua có vẻ đơn sơ nhưng lại diễn tả rất sâu sắc những hình tượng ông muốn ghi lại và muốn chia sẻ với người xem. Ông cũng thường nhắc rằng: “Người nghệ sĩ phải luôn tìm đến cái mới, tránh lặp lại mình và điều căn bản nhất là phải trung thực với cảm xúc của mình, không để những tác động bên ngoài chi phối”. Chính những chi tiết nhỏ đã làm nên người nghệ sĩ lớn, đó là một trong những điều tôi có thể nói về Bùi Xuân Phái.

Nghệ sĩ không thể chỉ ở trong “tháp ngà” ảnh 1

Một bức chân dung danh họa Bùi Xuân Phái của họa sĩ Văn Dương Thành.

Sẽ tiếp tục vẽ về danh họa Bùi Xuân Phái

- Được biết, có một nhà văn nước ngoài đã đề nghị chị kể lại câu chuyện của chị với họa sĩ Bùi Xuân Phái và chị đã từ chối. Vì sao vậy thưa chị?

- Có hai nhà văn Mỹ rất quan tâm tới Hà Nội và Việt Nam cùng Bùi Xuân Phái và cuộc đời của ông. Họ rất thích thú khi nói chuyện với tôi, đã viết vài chục bức thư trao đổi và muốn sẽ cùng tôi ghi lại tất cả những câu chuyện đã xảy ra trong mối quan hệ giữa tôi với danh họa Bùi Xuân Phái. Tôi rất cảm ơn họ. Tôi nghĩ rằng, một cuốn sách được viết bằng tiếng Anh có thể sẽ được độc giả rộng rãi biết tới, có thể khiến cho nhiều người yêu mến Việt Nam biết thêm về danh họa Bùi Xuân Phái, về cuộc đời rất nhiều gian nan của ông, về con người nhân văn hiền hậu và tình yêu hội họa mãnh liệt của ông. Nhưng nhìn ở một điểm khác tôi lại thấy rằng, dường như khi đề nghị được viết cuốn sách này, họ đã luôn mong chờ những điểm hấp dẫn mà tôi rất khó để diễn đạt. Suy ngẫm về câu chuyện giữa tôi với danh họa Bùi Xuân Phái, tôi thấy rằng, mối quan hệ thầy trò tri kỷ như vậy là điều quý giá hơn tất cả. Tôi đã thành một người thân của cả gia đình danh họa. Tôi và các con của ông bà Phái chơi thân với nhau. Bà Phái thì luôn chăm sóc tôi chu đáo. Vào mùa đông bà còn tự tay đan những tấm khăn len và mũ ấm để gửi sang tận miền giá lạnh Bắc Âu tặng tôi, thời kỳ tôi còn sống ở nước ngoài.

- Vậy có thể hiểu, cuốn sách đó chị sẽ tự viết?

- Do rất bận với việc vẽ tranh, ngoài ra còn dạy học và tham gia một chút công việc xã hội nên tôi chưa thể viết cuốn sách đầy đủ như dự định. Nhưng bạn đọc có thể chờ đón trong năm 2020 này, một cuốn sách gồm những đoạn hồi ký ngắn mà tôi viết mỗi ngày. Ở đó tôi kể về những kỷ niệm với danh họa Bùi Xuân Phái, những cuộc gặp gỡ với những người bạn của ông như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Kim Lân, Nguyên Hồng, họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và nhiều nhà nhiếp ảnh, văn nghệ sĩ khác. Qua những người bạn của ông mọi người sẽ hiểu hơn và thêm yêu mến danh họa của chúng ta. Một phần của cuốn sách sẽ là những bức thư viết tay của danh họa gửi cho tôi và những bút tích của Văn Cao, Võ An Ninh và nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam khác. Sách dự định phát hành vào dịp triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của danh họa. Hiện đã có 100 bức tranh chân dung Bùi Xuân Phái do tôi vẽ. Một số ít từ năm 1974, còn lại phần lớn là những bức tranh tôi vẽ ông sau khi ông qua đời, trong suốt 32 năm qua. Và tôi chắc chắn rằng, những bức tranh về ông vẫn sẽ tiếp tục ra đời. Tôi muốn những người yêu mến hội họa Việt Nam sẽ luôn nhớ tới ông.

- Không chỉ vẽ tranh, chị còn tham gia dạy vẽ cho nhiều đối tượng khác nhau, tham gia hoạt động thiện nguyện nữa. Trong những ngày cả nước gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, chị đã không ngại ngần dùng số tiền bán tranh dự kiến để sửa nhà, mua ba tấn gạo ủng hộ bà con quê nhà Phú Yên và kêu gọi nhiều người cùng tham gia vào hoạt động tương thân, tương ái này. Thường thì các nghệ sĩ hay thích một cuộc sống lặng lẽ, thậm chí cô đơn, biệt lập một chút, nhưng cuộc sống của chị dường như sôi động hơn thế. Vậy quan điểm riêng của chị về điều này như thế nào?

- Trong những ngày đại dịch này tôi cũng như mọi người dân Việt Nam, đều mong muốn có thể đóng góp được phần nào công sức nhỏ bé của mình giúp những người còn đang khó khăn, thiếu thốn. Tôi biết lịch làm việc của tôi nhiều lúc quá sức, nhưng tôi là người không biết nói “không” với những lời mời, từ giảng dạy đến vẽ tranh để đấu giá tặng cho các mảnh đời bất hạnh hoặc làm giám khảo cho vài cuộc thi ảnh, hội họa của các nước. Dù tôi cũng hiểu rằng thời gian là có hạn, mình nên từ chối bớt để có nhiều thời gian hơn, tập trung vào việc vẽ tranh. Nhưng rồi tôi lại thấy nghệ sĩ không thể ở trong “tháp ngà” và chỉ nghĩ đến việc sáng tác cho cảm xúc của riêng mình được.

- Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện.