NSƯT, họa sĩ Doãn Bằng:

Không giẫm lại bước chân của chính mình

Ðược biết đến và có một hành trình làm nghệ thuật nhiều thuận lợi, song, từ góc nhìn của người trong cuộc, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), họa sĩ Doãn Bằng (ảnh nhỏ), Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, chính điều đó lại là "cái bẫy ngọt ngào" đối với người sáng tạo. Anh chia sẻ, thành công lớn nhất chính là không giẫm lên bước chân của chính mình

Cảnh trong vở Người tốt nhà số 5 (Ðạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh, NH kịch Việt Nam).
Cảnh trong vở Người tốt nhà số 5 (Ðạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh, NH kịch Việt Nam).

Thách thức từ thuận lợi

- Xin được chúc mừng anh nhận giải thưởng mới nhất - Họa sĩ xuất sắc với vở diễn Người tốt nhà số 5, tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020. Làm lại một vở đã rất nổi tiếng, anh có chịu áp lực không?

- Trong kho tàng các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, tôi chưa được xem các bản diễn trước của vở Người tốt nhà số 5. Cách đây khoảng hai năm đạo diễn Tạ Tuấn Minh đến mời tôi cộng tác, thì khi đó tôi mới đọc vở. Lúc mới đọc cảm thấy khó, vì mặc dù tư tưởng của nó không hề lạc hậu nhưng không gian, câu chuyện của vở lại không dễ để kết nối với không khí của ngày hôm nay. Phải đọc đến lần thứ hai, thứ ba, tôi bắt đầu tìm ra được góc nhìn, cách để nói được điều mà tác giả muốn nói bằng ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác. Khi đó, tôi mới chính thức quyết định nhận lời làm vở.

Tôi đã tìm ra được ý và thống nhất với đạo diễn cách nhìn vấn đề rằng: người tốt rất nhiều nhưng nếu chỉ tốt cho bản thân mình và gia đình mình thôi, thì lòng tốt đó vẫn có thể gây hại cho xã hội, bởi nếu một xã hội mà ai cũng thu vào cho ấm thân mình, sẽ sinh ra mâu thuẫn và bi kịch xã hội. Với tôi, thiết kế vở diễn phải động và có tính ẩn dụ. Như trong vở diễn này, bên cạnh việc biểu tượng hóa tư tưởng vở diễn vào hình thức mỹ thuật, tôi còn muốn công chúng thấy được cả những điều riêng tư của mỗi gia đình đang diễn ra đằng sau những bức tường. Thế nên, tôi sử dụng dây thừng và màng bọc thực phẩm, đập vỡ các không gian bằng ngôn ngữ thiết kế của nghệ thuật sân khấu, nhằm mang tới một cách hiệu quả nhất thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm đến khán giả.

- Như vậy, họa sĩ thiết kế sân khấu, trong nhiều trường hợp, đã trở thành đồng đạo diễn?

- Không hẳn là như vậy, nhưng họa sĩ sân khấu cần có kiến thức
và ý thức về ngôn ngữ đạo diễn để có thể đưa ra các ý tưởng và trao đổi, thỏa thuận về hướng đi với đạo diễn. Trong quá trình thiết kế, họa sĩ cũng phải có ý thức của đạo diễn, để tạo nên những ý đồ thiết kế tạo được sự tung hứng, hỗ trợ ý tưởng của đạo diễn.

Bên trong mỗi họa sĩ thiết kế sân khấu đúng nghĩa phải có nhiều thứ lắm. Họa sĩ thiết kế phải hiểu nghề đạo diễn, hiểu kỹ thuật diễn xuất… và trong nhiều trường hợp, họa sĩ thiết kế còn tạo thêm mảng miếng không gian cho sáng tạo diễn xuất. Khi làm việc với các đạo diễn, tôi luôn cố gắng trao đổi nhiều nhất có thể, và thường xuyên tìm tòi những góc nhìn, tư tưởng khác với văn bản kịch. Có thể các tác giả nghe thế sẽ thấy không bằng lòng, nhưng tôi nghĩ các tác giả nên mừng khi thấy đội ngũ làm vở có nhiều góc nhìn khác nhau về một kịch bản. Vì như vậy có nghĩa là tác phẩm đó giàu chất liệu và nhiều tầng ngữ nghĩa, nó sẽ có sức sống lâu dài.

Với tôi, một vở diễn mà tôi không làm ra được một cái gì mới thì là thất bại. Tôi cũng cố gắng hết mức để không giẫm lại bước chân của chính mình.

- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật là một thuận lợi lớn nhưng cũng tạo nên nhiều trở lực. Anh có cảm thấy điều đó?

- Trở lực lớn hơn thuận lợi rất nhiều. Cho đến bây giờ, tôi đi đâu cũng vẫn được giới thiệu: "Ðây là Doãn Bằng", và câu thứ hai luôn là "Con của NSND Doãn Châu". Ðiều đó gần như đã được đóng đinh, trở thành thói quen tư duy của tất cả mọi người rồi. Ðó là một trở lực tương đối lớn trong nghề.

Còn thuận lợi thì cũng là điều nhiều người ao ước, bởi sinh ra đã được hít thở không khí sân khấu, từ bé tôi đã nằm bên cánh gà rồi. Và tất cả những người đặt viên gạch tạo nên nền sân khấu hiện đại Việt Nam đều là các bác, các chú, hàng xóm của gia đình tôi. Tôi thường xuyên được tiếp xúc các tên tuổi lớn của nghệ thuật sân khấu như chú Lưu Quang Vũ, các bác Ðình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng, Phùng Huy Bính... Gia đình tôi cũng là một tụ điểm nhỏ của các nghệ sĩ, nên tôi từng thường xuyên được nghe những điều họ trao đổi với nhau về quá trình làm vở.

Song, cũng chính điều đó khiến cho tôi khi bước chân vào con đường nghệ thuật, giẫm đâu cũng thấy bước chân của họ. Ðó là thách thức lớn. Vì họ quá giỏi và sáng tạo trong thời kỳ rực rỡ của sân khấu hiện đại Việt Nam.

Không giẫm lại bước chân của chính mình -0

Ði và học

- Ðã có một giai đoạn, tiếng nói của họa sĩ thiết kế sân khấu dường như ít được lắng nghe?

- Theo quan sát của cá nhân tôi, trong khoảng 15 năm, từ năm 2000 đến 2015 thì phần lớn họa sĩ thiết kế sân khấu gần như chỉ là công cụ, là cái bút vẽ chứ không được nhìn nhận đúng với chức năng cần có của họ trong sáng tạo vở diễn. Nghĩa là chúng ta đã bị chững lại khoảng hơn 10 năm, mà trong hơn 10 năm đó, thế giới đã tiến lên, sáng tạo khủng khiếp. Tất nhiên, mỗi loại hình có những giai đoạn phát triển khác nhau.

- Ở thời điểm hiện nay, có hai cách nhìn: một là, đạo diễn đã đặt họa sĩ thiết kế về đúng vị trí cần có của họ trong sáng tạo vở diễn. Hoặc, chúng ta hiện thiếu những đạo diễn giỏi?

- Cá nhân tôi thiên về nhận định đầu tiên, các đạo diễn đã đặt họa sĩ thiết kế về đúng vị trí của họ. Về đội ngũ đạo diễn của ta, thì họ đang phải chịu thiệt thòi là ít có cơ hội giao lưu, "va chạm" với thế giới. Mà thật ra thì ở lĩnh vực nào cũng thế, trong thời đại toàn cầu hóa này, sự hạn chế về khả năng giao lưu sẽ hạn chế khả năng sáng tạo, và làm cho mình tụt hậu.

"Sự va chạm" cần được hiểu là đi và học, khác với chuyện đi và xem. Vì xem thì chỉ cần ai có mạng là đều có thể xem được rất nhiều thứ trên thế giới. Tôi cũng xem rất nhiều, xem để biết mà tránh, cái nào người ta đã làm rồi thì mình đi chỗ khác chơi. Tôi đã được đi học ở Mỹ, Nhật Bản, Ðức, được học tập và làm việc dưới sự hướng dẫn của nhiều nghệ sĩ thiết kế sân khấu nổi tiếng thế giới. Ðó là điều rất may mắn. Và nhờ quá trình học tập đó, tôi đã nắm được một số điều rất quan trọng, khi bắt đầu thiết kế cho một vở diễn, giống như ngồi trước một tờ giấy trắng, thì mình phải bắt đầu từ đâu.

Tôi nghĩ rằng, người có tố chất mà được đào tạo thì sẽ phát triển. Việc được đào tạo có ý nghĩa quan trọng. Vì nếu là người có tố chất tốt, được đào tạo theo kiểu truyền nghề thì chỉ trở thành nghệ nhân. Ðiều đó rất tốt. Nhưng nếu được đào tạo bài bản thì sẽ trở thành nghệ sĩ và những tầng bậc cao hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Ðiều đó rất quan trọng. Ở ta hiện nay, tôi biết nhiều nghệ sĩ, đạo diễn trẻ có khát vọng lớn, đọc nhiều lắm, đam mê, luôn khát khao sáng tạo, nhưng thiệt thòi lớn là họ thiếu sự va chạm quốc tế. Nếu họ được học tập tại các nước có nền sân khấu hàng đầu như các thế hệ đạo diễn tiền bối của Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ trước thì tôi tin chúng ta sẽ có những tên tuổi đạo diễn lớn.

- Sống với sân khấu từ khi chào đời, dường như anh luôn có những suy tư bên ngoài cả câu chuyện của một họa sĩ thiết kế?

- Nghề này gian truân lắm. Người làm sân khấu luôn phải quan sát và suy tư về cuộc sống. Tại sao kịch của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình được nhiều người xem đến thế? Vì khi xem người ta lớn lên. Trong khi, rất nhiều vở diễn hiện tại ở mức thật thà quá, đơn giản quá, người ta đi xem thậm chí còn thấy không bằng cuộc sống bình thường của họ thì họ xem làm gì. Cứ nhìn những vở có sức lan tỏa nhất định, đều là những vở có hàm lượng đương đại, và làm cho người xem giật mình: Ồ, hóa ra mình quên mất điều này.

Tôi rất tự hào là, trong những vở gần đây làm được điều đó, tôi đều có tên trong thành phần sáng tạo: Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Người tốt nhà số 5… Rõ ràng, không phải sân khấu không làm được. Và khi làm được, rõ ràng là không phải chỉ để giải trí, mà mình cũng giúp nâng khán giả lên một phần và được họ đón nhận. Nhưng nghệ sĩ phải cùng nhau đẩy mọi thứ lên, chứ cứ thỉnh thoảng làm một điều mới mẻ, rồi sau đó lại trở lại vùng an toàn thì mọi thứ không thể thay đổi được.

- Có thể cảm thấy rõ là anh đang rất say sưa và hào hứng với công việc?

- Tôi rất thích nghề này. Tôi nhận ra là, chính nhờ những đòi hỏi của nghề, nên trong con người mình mới có được những kiến thức và khả năng nhất định như hiện tại. Tôi vẫn đang loay hoay, nhưng biết mình phải làm gì.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Luân Vũ (thực hiện)