NSƯT Xuân Bắc:

Đầu tư thích đáng để nâng tầm nghệ thuật

Đang giữ trọng trách Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam vào đúng giai đoạn mà nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu kịch nói riêng đang chịu rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, trong câu chuyện với chúng tôi, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Xuân Bắc (ảnh nhỏ) chia sẻ nhiều tâm tư, trăn trở về trách nhiệm của người lãnh đạo đơn vị được coi là “Cánh chim đầu đàn”, “Anh cả đỏ” của sân khấu kịch nói Việt Nam.

Đầu tư thích đáng để nâng tầm nghệ thuật

Khoảng thời gian đặc biệt cho nghệ thuật

- Trong khi các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn còn đang e ngại không tổ chức biểu diễn do lo lắng sẽ không có nhiều khán giả đến xem bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Nhà hát Kịch Việt Nam lại xung phong là đơn vị đầu tiên biểu diễn mở màn cho kế hoạch biểu diễn chùm các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều gì khiến Nhà hát mạnh dạn đi tiên phong như vậy?

- Sau mùa dịch Covid-19, tâm trạng của cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam chắc chắn cũng giống như của các đơn vị nghệ thuật khác đều rất mong muốn được biểu diễn. Càng nóng ruột hơn khi mà các lĩnh vực khác đã quay trở lại với nhịp sống và guồng máy làm việc thì các nhà hát vẫn im hơi lặng tiếng. Vì thế, khi Bộ chỉ đạo và phê duyệt chủ trương tổ chức một chùm các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại sân khấu các nhà hát ở Thủ đô Hà Nội, nghệ sĩ đều rất hân hoan, vui mừng. Đây là nguồn động lực kịp thời, là cú huých cho các nhà hát và nghệ sĩ quay trở lại guồng hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Những khán giả yêu nghệ thuật lại có cơ hội đến với sân khấu. Giải pháp kịp thời này đã giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn mà các nhà hát và những người làm nghệ thuật đang phải đối diện. Ngành nghệ thuật là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng rõ ràng sau những tháng ngày giãn cách xã hội vừa qua, những người làm nghệ thuật hẳn sẽ có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm, để có những bước đi chín chắn cho sự phát triển của mỗi cá nhân và của cả đơn vị. Đơn cử như Hội đồng Nghệ thuật của Nhà hát chúng tôi đã tận dụng khoảng thời gian đặc biệt đó, căng sức thẩm định 40 kịch bản và đã lựa chọn được những kịch bản hay, phù hợp để dàn dựng trong thời gian tới. Mặt khác, Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam hoàn toàn tự tin vào tài năng, tâm huyết của nghệ sĩ trong đơn vị, chúng tôi không chỉ sẵn sàng diễn vở Bệnh sĩ, mà trong kịch mục hiện có những vở mới được dàn dựng cũng rất hấp dẫn sẽ tiếp tục được xếp vào kế hoạch biểu diễn thời gian tới.

- Được phong tặng danh hiệu NSƯT ở độ tuổi rất trẻ với sự tâm phục, khẩu phục của đồng nghiệp, tuy nhiên khi anh được giao đảm trách vị trí Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, đã có ý kiến lo ngại rằng Xuân Bắc sẽ chỉ hướng tới dàn dựng các tác phẩm mang tính thị trường, giải trí mà bỏ rơi những tác phẩm chính kịch?

- Tôi cho rằng: Đưa những tác phẩm mang tính thị trường, giải trí để đáp ứng nhu cầu của khán giả là mục tiêu của nhiều nhà hát. Tuy nhiên, dẫu là Xuân Bắc hay một người khác được phân công phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam chắc chắn cũng không thể nào xa rời chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Có chăng, tôi là một nghệ sĩ thị trường sẽ có cơ hội để nắm bắt tốt hơn về nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng thưởng thức của khán giả, kết hợp với việc nắm chắc định hướng tư tưởng và nghệ thuật thì hiệu quả sẽ cao hơn chứ? Đừng nghĩ là chỉ có hài kịch mà chính kịch, bi kịch và cả những vở diễn về đề tài cách mạng, phục vụ chính trị thì khán giả sẽ thờ ơ. Người xem sẽ có thể khóc khi xem những vở diễn gần đây như Biệt đội báo đen, Còn mãi với thời gian… Ngay cả vở hài kịch Bệnh sĩ khiến khán giả cười nhưng cũng có người cho rằng vở hài kịch đó lại mang tới tiếng cười ra nước mắt bởi sự sâu sắc mà cố tác giả Lưu Quang Vũ đã gửi gắm bằng những thông điệp vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Tài năng và tâm huyết với nghề

- Việc xã hội hóa đối với một số loại hình nghệ thuật, trong đó có kịch nói, đang được tiến hành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, tranh luận về phương thức tiến hành cũng như mục tiêu của chương trình này cần đạt được. Là lãnh đạo của một nhà hát công lập, anh nghĩ gì về vấn đề này?

- Hiện nay có hai xu hướng trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, một xu hướng chỉ làm nghệ thuật mang tính giải trí, tự phát, tự làm, một xu hướng là nghệ thuật phục vụ tuyên truyền các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Theo tôi, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng đối với từng đơn vị nghệ thuật tiêu biểu cho từng loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam… và cả những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của từng địa phương. Sự đầu tư thích đáng sẽ giúp nâng tầm chuyên nghiệp cho các loại hình nghệ thuật, góp phần tạo nên những tác phẩm sân khấu hiện đại, mang tới giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và cốt lõi là tạo được cảm xúc đối với người xem. Sân khấu ngày hôm nay đã quá cũ, quá lạc hậu và nghèo nàn, để nâng tầm chuyên nghiệp thì phải có sự đầu tư đồng bộ từ âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị cũng như nhà hát hiện đại. Những người làm nghệ thuật rất cần một sự đầu tư thích đáng để tìm những phương thức thể hiện sao cho thật sự hấp dẫn được người xem, mới kéo được người xem đến với mình.

- Trong những vở diễn gần đây, các vai chính đều được giao cho những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị của Nhà hát. Anh cũng đóng nhân vật chính trong vở Bệnh sĩ, NSƯT Quốc Khánh vừa được giao vai diễn chính trong vở Nữ cảnh sát SBC mới được khởi công... Có cảm giác như Nhà hát muốn phát huy những nghệ sĩ “ngôi sao” thay vì giao vai cho lớp trẻ ?

- Không hẳn là như vậy. Lớp diễn viên trẻ luôn được tạo mọi điều kiện ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Những vở diễn được dàn dựng ở Nhà hát luôn có sự đan xen giữa lớp diễn viên “gạo cội”, những anh chị tên tuổi và cả những nghệ sĩ trẻ, thậm chí cả những bạn trẻ mới tốt nghiệp cũng có thể được giao vai diễn chính. Không có trẻ thì đâu có già, trước khi NSƯT Quốc Khánh trở thành tài năng thì anh ấy cũng đã từng là người trẻ, Xuân Bắc cũng đã từng là người chạy cờ qua sân khấu. Việc huy động các Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), NSƯT tham gia vào các vở diễn cũng là một cách để tạo dựng thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sắp tới, NSND Trung Anh, “ông bố quốc dân” trên phim truyền hình Về nhà đi con cũng sẽ nhận một vai chính trong vở diễn sắp tới của Nhà hát. Chúng tôi rất mừng khi các nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát như NSND Lan Hương, NSND Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Quế Hằng... mặc dù rất bận bịu với nhiều hợp đồng biểu diễn, đóng phim có cát-sê cao nhưng đã không từ chối để tham gia vai diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Cả những nghệ sĩ đã nghỉ hưu nhưng cũng rất hào hứng, chờ đợi để được tham gia nếu có vai diễn phù hợp với sở trường của họ. Tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ đã được công chúng biết đến của Nhà hát luôn lấy uy tín, ảnh hưởng cá nhân để tạo dựng cho uy tín và thương hiệu của Nhà hát mình. Chúng tôi muốn khoe với khán giả rằng, Nhà hát Kịch Việt Nam không thiếu tài năng và những nghệ sĩ tâm huyết với nghề.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

Đầu tư thích đáng để nâng tầm nghệ thuật ảnh 1

Cảnh trong vở Điều còn lại (Nhà hát Kịch Việt Nam).