Ðạo diễn Nguyễn Tài Văn:

"Bắt đầu thay đổi, từ những hành động nhỏ nhất"

"Ðối mặt những thảm họa thiên tai, với những biến động đầy khắc nghiệt của môi trường sống, người dân luôn kiếm tìm những lý do khách quan để biện minh, lý giải.

Cảnh trong phim Chuyện dòng Bắc Hưng Hải.
Cảnh trong phim Chuyện dòng Bắc Hưng Hải.

Ðiều đó không sai, nhưng chưa cần hướng tới những giải pháp lớn lao, nếu mỗi cá nhân đều hình thành ý thức trân quý ngôi nhà chung Trái đất từ những hành động nhỏ bé nhất, chất lượng sống sẽ được nâng lên theo hướng phát triển xanh và bền vững". Ðó là thông điệp mà đạo diễn Nguyễn Tài Văn - người luôn đam mê theo đuổi những dự án làm phim về đề tài môi trường muốn gửi gắm tới đông đảo khán giả.

Tôi chấp nhận tất cả, vì chất lượng sản phẩm

- Xem phim của anh, tôi luôn nhận ra dấu ấn tài liệu - khoa học đậm đặc trong mỗi tác phẩm. Có vẻ như xuất thân từ một nghệ sĩ nhiều năm gắn bó với phim khoa học đã mang lại cho những đứa con tinh thần của anh một diện mạo riêng có, không thể trộn lẫn?

- Ðúng là những bộ phim của tôi luôn được mổ xẻ, soi chiếu và nhìn nhận đa chiều thông qua lăng kính khoa học đa ngành. Không dừng lại ở việc phản ánh thực trạng đơn thuần, tôi luôn chọn cách đi sâu phân tích trên cơ sở thông tin khoa học để cung cấp cho khán giả nhiều góc độ cụ thể nhất về từng vấn đề mà họ đang thật sự quan tâm.

Thí dụ như trong tác phẩm Mẹ thiên nhiên nổi giận vừa lên sóng mới đây, từ cơn cuồng nộ khủng khiếp của thiên nhiên đã nhấn chìm dải đất miền trung giữa mênh mông biển nước với những mất mát đau thương chẳng thể đong đếm vài tháng trước, tôi đã triển khai thành ba tập phim. Nếu phần một đi sâu vào thực trạng "bão chồng bão, lũ chồng lũ" thì phần hai mổ xẻ hậu quả thiên tai, với sạt lở đất trên diện rộng. Ðể rồi chốt lại ở phần kết nhằm kiếm tìm những giải pháp hữu hiệu để giảm thiệt hại trong thảm họa môi trường. Ý tưởng có xuất phát điểm từ vụ sạt lở công trình thủy điện Rào Trăng 3, ban đầu tôi chỉ đăng ký sản xuất một tập. Nhưng sau khi đi thực tế, rồi gặp gỡ phỏng vấn các chuyên gia, nhà khoa học cùng các nhà nghiên cứu đầu ngành, lượng tri thức rất lớn thu nhận được đã buộc tôi phải tăng gấp ba thời lượng dự kiến mà vẫn còn phải điều tiết, chắt lọc tối đa, tiếc lắm.

Từ thực tế làm phim, tôi nhận ra phương thức hiệu quả nhất để giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và tăng cường ý thức bảo vệ môi trường chính là thổi hồn khoa học vào những bộ phim tài liệu. Khi nguyên nhân, tác hại và giải pháp đều được bàn luận thấu đáo, căn cứ vào những số liệu cùng nghiên cứu khoa học cụ thể, người dân sẽ dễ dàng tiếp nhận, từ đó tự nguyện thay đổi nhận thức và hành vi để cùng chung tay cải thiện môi trường sống quanh mình.

- "Thổi hồn khoa học", nghe thì rất thú vị nhưng không dễ làm. Nhất là khi công chúng vẫn thường mặc định rằng thông tin khoa học khiến phim thường khô khan, khó hấp dẫn?

"Bắt đầu thay đổi, từ những hành động nhỏ nhất" ảnh 1
Đạo diễn Nguyễn Tài Văn hiện là đạo diễn của Phòng Phim môi trường (thuộc Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam). Anh sở hữu bộ sưu tập giải thưởng khá ấn tượng, trong cả hai vai trò quay phim và đạo diễn phim khoa học, với một số Bông sen Vàng - Bạc tại LHP Việt Nam,
Cánh diều Vàng - Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam…
 

- Ðồng nghiệp thường đùa, phim của tôi giờ chỉ toàn những khung cảnh bẩn thỉu, bệ rạc và bốc mùi hôi hám. Nhưng tôi quan niệm, nếu nhiệt huyết, say nghề và làm việc có tâm, dòng phim này vẫn có thể rất hấp dẫn là đằng khác. Sự thu hút đến từ đề tài, vì những vấn đề mà chúng tôi chọn lựa thường mạnh tính thời sự và đang được công luận đặc biệt quan tâm. Sự thu hút cũng đến từ vấn đề nhân sinh, liên quan trực tiếp và sát sườn chất lượng đời sống thường nhật. Như Sát thủ thầm lặng chỉ ra những hiểm họa tiềm ẩn luôn chực chờ gây bệnh ung thư. Như Chuyện dòng Bắc Hưng Hải chỉ ra con người đang từng ngày "góp phần" tận diệt nguồn sinh kế cùng sức khỏe của chính mình mà không hề hay biết…

- Không chỉ có vậy, dường như thâm niên cầm máy quay nhiều năm cũng đã giúp phần hình ảnh trong phim của anh luôn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người xem?

- Chất lượng hình ảnh đúng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hấp dẫn của phim, theo góc nhìn cá nhân tôi. Những hình ảnh sinh động, giàu sức biểu cảm, thậm chí gây hiệu ứng thị giác ám ảnh là cái đích mà tôi luôn kỳ công hướng tới. Tôi đã từng ôm máy lặn xuống đáy biển Nha Trang để ghi hình nỗ lực dọn rác trong vô vọng của các tình nguyện viên. Tôi đã từng rùng mình khi quay được tầng tầng rổ nhựa cũ hỏng bị những bè nuôi trồng thủy, hải sản xả vô tội vạ xuống làn nước xanh ngọc Cát Bà. Gây ám ảnh với tôi nhất là dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và đặc quánh như dầu luyn của "công trình thế kỷ" từng là niềm tự hào của miền bắc một thời trong phim Chuyện dòng Bắc Hưng Hải. Hay ánh mắt thất thần của một người nông dân, khi phải chứng kiến vài chục héc-ta ngao chết trắng vì những chiếc túi bóng dập dềnh trên mặt biển đã dạt vào phủ kín bề mặt các lồng bè và hút cạn oxy khi thủy triều rút xuống. Rồi quang cảnh người dân hồn nhiên bơi lặn, ngâm mình trên làn nước ô nhiễm trầm trọng đến độ, chỉ ngồi thuyền để ghi hình bốn tiếng liền, đeo hai lớp khẩu trang dày mà nhóm làm phim vẫn thấy tức ngực, nôn nao. Ðó là những khuôn hình biết nói, đủ sức thuyết phục và mạnh hơn mọi ngôn từ.

Ðây cũng chính là lý do khiến tôi không tiếc công của để đầu tư, nâng cấp chất lượng hình ảnh cho phim của mình. Trên xe của tôi luôn chất đầy thiết bị làm phim cá nhân, để bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể ngay lập tức tác nghiệp. Lượng ổ cứng lưu dữ liệu cá nhân mà tôi đã góp nhặt giờ nhiều không đếm xuể.

Và hình như từ ngày đi làm phim, tôi chưa hề để ra được một đồng nhuận bút. Chi phí sản xuất cho một tập phim rất khiêm tốn, mà tôi lại cầu toàn. Ðể có một tập phim Ô nhiễm nhựa ở biển, tôi mất sáu, bảy tháng trời di chuyển và ghi hình. Ðể hoàn thành Chuyện dòng Bắc Hưng Hải, ê-kíp làm phim phải đi và về không biết bao nhiêu chuyến suốt ba tháng trời, trong khi kinh phí được cấp chỉ đủ cho bốn người đi và về địa phương trong một tuần. Tự lái xe riêng, tiền vé máy bay chỉ có thể thanh toán phần nhỏ, máy móc thiết bị thì liên tục phải "nâng đời", bổ sung. Tự đảm nhận mọi công đoạn hậu kỳ, muốn làm đồ họa hay phục dựng để tăng chất lượng nhiều khi cũng phải bỏ tiền túi. Nhưng tôi chấp nhận tất cả, vì chất lượng sản phẩm định danh uy tín và thương hiệu của mình, không thể làm dễ dãi được.

Những "cái được" vô giá

- Chọn đề tài môi trường cũng đồng nghĩa phải dũng cảm đối đầu với những nhóm lợi ích bị ảnh hưởng. Ðón nhận những phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp xả thải trộm, từ sự né tránh trách nhiệm đâu đó của chính quyền địa phương… chắc cũng chẳng dễ chịu gì?

- Nguy cơ tiềm ẩn khá nhiều. Khi luôn có vài người theo dõi chặt chẽ ở mọi điểm chúng tôi ghi hình. Khi nửa đêm đội mưa một mình ngồi chờ quay cảnh xả thải trộm làm bằng chứng và vì vậy, đã buộc doanh nghiệp vi phạm phải nộp phạt gần 800 triệu đồng. Khi bị một vài đơn vị quản lý ngăn cản không cho tham dự cuộc họp bàn phương án xử lý vụ việc… Nhưng nỗi sợ hãi chưa bao giờ xuất hiện, chắc tôi có chút máu liều (cười). Hơn nữa, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của cộng đồng những người yêu môi trường. Nhiệt tình cung cấp thông tin, sẵn lòng bảo vệ an toàn khi cần, họ khiến chúng tôi rất xúc động.

- Làm phim thì không ra tiền, tác nghiệp thì gặp nhiều rào cản, vậy điều mà anh nhận được sau những hành trình không mệt mỏi vì môi trường là gì?

- Bắt tay vào một đề tài mới, tôi có cơ hội nâng cao vốn hiểu biết, từ đó có được những kiến thức cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình. Ðể rồi từ đó, tôi có thể chuyển tải rộng rãi những thông tin thiết thực đến với số đông chưa biết, để họ hiểu đúng và hiểu sâu, để họ có động lực hành động nhằm nâng cao môi trường sống. Làm phim là công việc hấp dẫn, khi tôi có thể góp phần rất nhỏ giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn. Green Hub - một tổ chức phi chính phủ đã đưa ra phương án sơn phủ để tăng tuổi thọ cho phao xốp ở lồng bè từ hai năm lên 20 năm, sau khi Ô nhiễm nhựa ở biển lên sóng. Và sau khi Chuyện dòng Bắc Hưng Hải góp thêm một tiếng nói, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá tác động môi trường để báo cáo Chính phủ. Những cái được ấy là vô giá, tôi nghĩ vậy.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Bảo Ngọc (thực hiện)