Tin mới nhận

Cải thiện chỉ số về pháp lý và an ninh trật tự

UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 4799/UBND-NC triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Qua rà soát chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” năm 2019 của Hà Nội vẫn còn những chỉ số xếp hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Trong đó, chỉ số “Tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo đảm quyền tài sản, thực thi hợp đồng của doanh nghiệp” xếp hạng 51 trong số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số “Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện đúng kinh tế, pháp luật” xếp hạng 56 trong số 63 tỉnh, thành phố. Để cải thiện và nâng bậc xếp hạng chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” năm 2020 với mục tiêu tăng từ 10 đến 15 bậc so với năm 2019, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tạo môi trường an toàn, lành mạnh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm mọi phản ánh, khiếu kiện của doanh nghiệp đều được xử lý kịp thời.

Chủ động tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội vừa giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, ưu tiên giải quyết các dự án đầu tư công; chủ động liên hệ với các sở, ngành để được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết đối với những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền. Tăng cường công tác quản lý đất đai; chống lấn chiếm, xây dựng trái phép; kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai. Tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chủ trương thu hồi đất của nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. 

Mở rộng đào tạo theo mô hình liên kết với doanh nghiệp

 Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu 21 trường cao đẳng, trung cấp công lập của thành phố chủ động đẩy mạnh công tác tuyển sinh tại đơn vị; đổi mới tư duy, cách tiếp cận học sinh và phụ huynh, tăng cường tương tác trên nền tảng trực tuyến thông qua fanpage, website...  Mở rộng và đầu tư phát triển đào tạo theo mô hình liên kết với doanh nghiệp; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Đa dạng các chương trình tư vấn hướng nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm cho học sinh. Nâng cao tay nghề, chất lượng của đội ngũ nhà giáo; chủ động đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng bám sát thị trường và thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tiếp cận dần với trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế; phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm.