Phát triển công nghiệp văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 173/KH-SVHTT triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển một số ngành có lợi thế gồm: Ðiện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Các ngành: Kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm từng bước phát triển trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Mục tiêu đến năm 2020, ngành điện ảnh phấn đấu sản xuất được từ bốn đến sáu phim/năm đối với loại hình phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình; các rạp chiếu phim đến năm 2020 có từ 0,8 đến 1,2 triệu lượt người xem/năm; ngành nghệ thuật biểu diễn đạt doanh thu khoảng 5 triệu USD...

Năm 2020, tất cả người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung vừa ban hành Kế hoạch 131/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ cụ thể phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bốn dự án cấp nước trong năm nay, tăng công suất thêm 335.000 m3/ngày đêm, gồm dự án: Ðầu tư xây dựng Nhà máy nước Dương Nội, Hà Ðông; Ðầu tư xây dựng mở rộng Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì; Ðầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Ðuống giai đoạn 1 và Nhà máy nước mặt sông Ðà giai đoạn 2. Bên cạnh đó, bảy dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2020, tăng công suất cấp nước thêm một triệu m3/ngày đêm. Ngoài ra, cùng với 23 dự án phát triển mạng lưới cấp nước cho người dân tại 102 xã được đầu tư trong những năm 2017-2018, thành phố cũng sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp nước cho các xã chưa có hệ thống nước sạch từ nguồn nước tập trung; phấn đấu hoàn thiện mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn, bảo đảm tất cả người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch vào năm 2020.

108 công trình vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy

Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội vừa công bố danh sách 108 công trình, trong đó có gần 50 công trình cao tầng vi phạm về quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy chưa được khắc phục trên địa bàn thành phố. Trong đó, quận Ba Ðình có 25 công trình vi phạm, tiếp đến là quận Ðống Ða với 21 công trình, quận Nam Từ Liêm có 17 công trình và quận Cầu Giấy có 16 công trình... Ngoài ra còn có 36 tòa nhà cho thuê, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp và cơ quan, 19 khách sạn và bốn cơ sở giáo dục vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy... Thời gian tới, những chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm trễ kéo dài thời gian, đơn vị sẽ xem xét, đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định.

Công khai 115 doanh nghiệp nợ thuế

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công bố công khai 115 doanh nghiệp nợ thuế, phí trong danh sách tháng 6-2018 với tổng số nợ hơn 96,5 tỷ đồng. Trong đó, có ba doanh nghiệp nợ tiền thuê đất và 112 doanh nghiệp nợ thuế, phí kéo dài. Trong số các doanh nghiệp nợ thuế, phí, có 102 doanh nghiệp nợ thuế vi phạm lần đầu và 10 doanh nghiệp nợ thuế đã được thông báo tình trạng nợ thuế vào năm 2015 và 2016. Các doanh nghiệp có số nợ lớn được công bố lần này gồm: Công ty TNHH thương mại và xây lắp Hà Nội - ME hơn 7,3 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng và thương mại NKT Việt Nam hơn 3,8 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Gia Hưng Hà Nội hơn 3,4 tỷ đồng...