TIN MỚI NHẬN

Phân cấp, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2624-TB/TU, thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Thường trực Thành ủy thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung thực hiện tốt các nội dung theo Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Rà soát các nội dung kiến nghị của thành phố về một số cơ chế, chính sách đặc thù phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố trên các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, tư pháp, tổ chức bộ máy... đề nghị Quốc hội bổ sung vào nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy khẩn trương triển khai, làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trung ương liên quan để trao đổi, thống nhất về việc hoàn thiện các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Phấn đấu dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính

Năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đạt 84,64%, cao hơn năm 2018 là 0,66%, tiếp tục xếp thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục duy trì hơn 80%, thấp hơn trung bình chung của cả nước là 4,36%. Năm 2020, thành phố đặt mục tiêu dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính và đạt cao hơn mức trung bình cả nước về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Thành phố đã xây dựng, ban hành kế hoạch nâng cao hai chỉ số nêu trên trong năm 2020, trong đó xác định rõ mục tiêu phấn đấu đối với các chỉ số, chỉ số thành phần, xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, UBND các cấp. UBND thành phố giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra thái độ phục vụ và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó trọng tâm là lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Ban hành phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2176/QĐ-UBND về phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân thành phố năm 2020. Theo quyết định này, để ứng phó các tình huống thiên tai nghiêm trọng như bão mạnh, mưa lớn gây ngập úng; vỡ đê ở các khu vực trọng điểm như kè Cổ Đô, Hữu Hồng (huyện Ba Vì), cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), kè Xuân Canh (đê tả Đuống, huyện Đông Anh)… Thành phố đề nghị nhân dân dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian một tháng. Các quận, huyện, thị xã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, chuẩn bị dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian bảy ngày, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan triển khai công tác cứu trợ và bảo đảm đời sống; thực hiện các chế độ cho người bị thiệt hại.