Ý tưởng kết nối quá khứ và hiện tại

Làm sống lại những ký ức của người Hà Nội về những chuyến tàu điện xưa trên cơ sở kết nối với các tuyến tàu điện hiện đại của Thủ đô trong tương lai không xa; ý tưởng về “Giao lộ leng keng” đã giúp một cán bộ lãnh đạo Ban quản lý Ðường sắt đô thị Hà Nội đoạt Giải đặc biệt trong Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, Thành phố hòa bình” do Công đoàn viên chức TP Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ðại diện Ban Tổ chức trao giải đặc biệt cho tác giả Lê Trung Hiếu. Ảnh: THẾ CÔNG
Ðại diện Ban Tổ chức trao giải đặc biệt cho tác giả Lê Trung Hiếu. Ảnh: THẾ CÔNG

Anh Lê Trung Hiếu hiện là Phó Trưởng ban kiêm Chủ tịch công đoàn Ban quản lý Ðường sắt đô thị Hà Nội. Công việc của anh tưởng chừng như khô khan với những con số, bê-tông, sắt thép ở công trường. Thế mà, trong tác phẩm dự thi mang tên Ý tưởng để Hà Nội có một giao lộ “leng keng”, anh đã mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quan về hệ thống đường sắt đô thị từ xưa tới nay với lập luận đầy chặt chẽ của một kỹ sư, nhưng cũng đầy hình ảnh của một người có tình yêu sâu sắc với Hà Nội.

Hà Nội đã từng có một hệ thống tàu điện mặt đất tồn tại trong gần một thế kỷ, từ năm 1900 đến năm 1990. Khi đó người Pháp quy hoạch thành phố với quy mô hai triệu dân, đồng thời xây dựng hệ thống tàu điện để phục vụ đi lại. Từ ga trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường tàu điện mặt đất tỏa ra sáu ngả là sáu cửa ngõ kết nối khu vực ngoại thành với nội thành, gồm: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Ðông, chợ Mơ, Vọng. Với chiều dài khoảng 50 km, một đề-pô đặt ở phố Thụy Khuê, thời kỳ hưng thịnh nhất của hệ thống tàu điện ở Hà Nội vào những năm 1930 - 1940, với sản lượng hơn 40 triệu lượt hành khách/năm. Không chỉ là một phương tiện vận tải công cộng đơn thuần, tàu điện Bờ Hồ còn là một nét văn hóa đặc trưng, gần gũi với người Hà Nội. Những ký ức về những chuyến tàu điện leng keng giờ đã trở thành hoài niệm.

Ở các nước phát triển như: Nga, Nhật Bản, Ðức... nhà ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc đẹp, cũng là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi cần thiết. Hà Nội đang dần hình thành những tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) mới. Với những tính chất ưu việt của loại hình giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn, ÐSÐT mới sẽ trở thành xương sống của hệ thống vận tải công cộng trong thành phố. Mỗi chuyến tàu có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm. Nếu đã từng ngồi trên một chuyến tàu điện trên cao, hẳn ai cũng hiểu cảm giác được đắm chìm vào không gian muôn mầu với những góc nhìn rộng, bao quát từng khu vực tàu đi qua.

Anh Lê Trung Hiếu cho rằng, quá trình xây dựng các dự án ÐSÐT hiện đại còn rất nhiều khó khăn, trong khi những điều kỳ thú về ÐSÐT hiện đại chưa được mấy người biết tới. Bởi vậy, cùng với những hoài niệm đẹp về tàu điện khi xưa, Hà Nội rất cần lưu lại những dấu ấn của ÐSÐT hiện đại. Và cách tốt nhất là xây dựng “một giao lộ”, nơi hoài niệm và hiện tại gặp nhau, đan xen, hòa quyện, tạo nên một bức tranh toàn cảnh ÐSÐT của Thủ đô. Giao lộ này có thể trở thành điểm nhấn văn hóa của Hà Nội, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố vì hòa bình, văn minh và thanh lịch.

Theo anh Lê Trung Hiếu, việc tạo nên một “giao lộ cảm xúc” giữa tàu điện trên mặt đất trong quá khứ và tàu điện ngầm hiện đại hoàn toàn có thể thực hiện được với những điều kiện sẵn có, hạn chế tối đa chi phí đầu tư và không một nhà ga nào phù hợp để lưu giữ ký ức, quảng bá nét đẹp của tàu điện leng keng đến người dân và du khách hơn ga Bờ Hồ của tuyến ÐSÐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Ðạo. Bởi nhà ga này nằm ở vị trí đắc địa nhất, nơi mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng muốn tới khi đến Hà Nội.

Theo thiết kế, Nhà ga C9 - ga Bờ Hồ, tuyến ÐSÐT số 2 sẽ nằm ngay bên dưới đường Ðinh Tiên Hoàng, phía trước cửa Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội. Tầng 1 - tầng trung chuyển nhà ga này có tổng diện tích khoảng 3.403 m2. Nếu bố trí hợp lý, có thể sử dụng khoảng một phần ba diện tích tầng này để làm nơi trưng bày các hiện vật của quá khứ, hiện tại, vừa giúp người dân hiểu và gần gũi hơn với tàu điện hiện đại, vừa lưu giữ những ký ức đẹp về một thời tàu điện xưa, sẽ rất khả thi. Ngoài ra tại đây còn có thể được trang trí bằng những bức bích họa, tái hiện không gian văn hóa gắn liền với tàu điện.

Nhiều ý kiến đánh giá, nếu ý tưởng này được hiện thực hóa sẽ tạo thêm một điểm nhấn văn hóa mới, hấp dẫn của Thủ đô. Và một lần nữa người dân Hà Nội lại có cơ hội được nghe tiếng tàu điện leng keng tại Bờ Hồ, được sống lại phần nào cảm xúc về một Hà Nội cổ kính, trầm lắng và lãng mạn, để nhớ và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến.