Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự chung tay của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

Hoạt động sản xuất của một hộ dân trong làng nghề làm mộc Canh Nậu (huyện Thạch Thất). Ảnh: THÚY NGA
Hoạt động sản xuất của một hộ dân trong làng nghề làm mộc Canh Nậu (huyện Thạch Thất). Ảnh: THÚY NGA

Có mặt tại làng nghề mộc xã Vạn Ðiểm, huyện Thường Tín (Hà Nội), chứng kiến nhiều công đoạn sản xuất của người dân đã được chuyển từ thủ công sang cơ giới hóa như: đánh bóng sản phẩm, phun sơn, dập nổi hoa văn... chúng tôi mới thấy hết những nhọc nhằn và sức chịu đựng phi thường của người dân nơi đây trước tiếng ồn, bụi và mùi hóa chất. Anh Nguyễn Hồng Tuyến, chủ một cơ sở sản xuất và gia công đồ gỗ tại xã Vạn Ðiểm cho biết, ngôi nhà gia đình anh đang ở vừa là trụ sở giao dịch, vừa là cơ sở sản xuất, giới thiệu sản phẩm... cho nên ý thức về giữ gìn môi trường được anh hết sức chú trọng. Anh đã lắp đặt hệ thống quạt thông gió, phun sương, cửa kính ngăn bụi và tiếng ồn, nhưng kết quả vẫn không thể xử lý triệt để tiếng ồn, mùi hóa chất và bụi. Khi có việc phải ra khỏi nhà, anh Tuyến cũng không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc với tiếng ồn, bụi, mùi hóa chất...  do số lượng các cơ sở sản xuất tại gia đình ở địa phương khá lớn.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Ðối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, mặc dù các hầm khí sinh học bi-ô-ga được xây dựng theo quy chuẩn, nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm... Còn theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức); Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống. Ðồng thời, xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện Hoài Ðức, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Phú Xuyên... với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu... Ngoài ra, thành phố cũng đặt hàng các nhà khoa học triển khai các công trình nghiên cứu xử lý chất thải tại các làng nghề. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm. Ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường của người dân nâng cao. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang.

Phát biểu tại hội thảo liên kết bốn nhà xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình số 02 yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; nghiên cứu, nhân rộng mô hình phân loại, xử lý chất thải hữu cơ trong sinh hoạt, chăn nuôi... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất; ứng dụng công nghệ thu gom cơ bản chất thải rắn và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Ðồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền người dân vào cuộc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, tích cực trồng cây xanh, trồng hoa để tạo cảnh quan khu vực nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.